Gần 400 triệu người tại 45 thành phố ở Trung Quốc đang bị phong tỏa một phần hoặc toàn bộ do chính sách zero-Covid của nước này. Tổng cộng, nhóm này đóng góp 40% (tương đương 7.200 tỷ USD) GDP hàng năm cho nền kinh tế lớn nhì thế giới, theo số liệu của Nomura Holdings.
Các nhà phân tích vẫn đang rung chuông cảnh báo. Họ cho rằng nhà đầu tư chưa đánh giá đúng việc kinh tế toàn cầu sẽ chịu ảnh hưởng trầm trọng đến mức nào khi việc phong tỏa tại Trung Quốc kéo dài. "Các thị trường toàn cầu có thể đang đánh giá thấp tác động, vì sự chú ý vẫn đặt vào xung đột Nga – Ukraine và Fed nâng lãi suất", Lu Ting – kinh tế trưởng tại Nomura cho biết trong báo cáo tuần trước.
Đáng báo động nhất là đợt phong tỏa chưa có hồi kết tại Thượng Hải – thành phố 25 triệu dân và là một trong những trung tâm sản xuất, xuất khẩu của Trung Quốc. Việc phong tỏa đang kéo theo thiếu thốn thương thực và khó tiếp cận chăm sóc y tế. Thành phố cảng lớn nhất thế giới này cũng đang không đủ nhân lực.
Cảng Thượng Hải - xử lý khoảng 20% lưu lượng hàng hóa tại Trung Quốc năm 2021 - đang tê liệt. Thực phẩm mắc kẹt trong các tàu container, không được trữ lạnh và đang dần bị hỏng. Hàng hóa phải ở lại cảng trung bình 8 ngày mới được chuyển đi nơi khác, tăng 75% thời gian so với thời điểm đợt phong tỏa mới bắt đầu.
Các hãng bay chở hàng đã hủy toàn bộ chuyến ra vào thành phố. Hơn 90% xe tải hỗ trợ giao hàng nhập khẩu và xuất khẩu hiện không hoạt động.
Thượng Hải hiện sản xuất 6% hàng xuất khẩu Trung Quốc, theo số liệu của chính phủ nước này năm 2021. Việc các nhà máy trong và quanh thành phố đóng cửa càng khiến chuỗi cung ứng càng tắc nghẽn.
Các nhà máy cung cấp linh kiện cho Sony và Apple quanh Thượng Hải đều không hoạt động. Quanta – hãng sản xuất máy tính xách tay và MacBook theo hợp đồng lớn nhất thế giới, đã ngừng hoàn toàn nhà máy ở đây. Nhà máy này đóng góp khoảng 20% công suất cho Quanta. Trước đó, công ty này dự báo xuất xưởng 72 triệu chiếc năm nay, Tesla cũng đóng cửa Giga factory Thượng Hải, với công suất 2.000 xe điện mỗi ngày.
Cuối tuần trước, Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc thông báo đã gửi một nhóm hoạt động đến Thượng Hải để tìm cách khôi phục sản xuất tại 666 nhà sản xuất chính trong thành phố. Lãnh đạo Tesla kỳ vọng có thể mở cửa lại trong hôm nay, kết thúc đợt dừng hoạt động dài nhất kể từ khi khai trương năm 2019. Đến nay, công suất của họ đã thiệt hại khoảng 50.000 xe.
"Tác động lên Trung Quốc rất lớn và tác động lan truyền ra kinh tế toàn cầu cũng đáng kể", Michael Hirson – Giám đốc phụ trách Trung Quốc và Đông Bắc Á tại Eurasia Group cho biết, "Tôi cho rằng chúng ta phải chấp nhận biến động kinh tế và gián đoạn về xã hội trong ít nhất 6 tháng nữa".
Việc gián đoạn sản xuất và vận chuyển tại Trung Quốc kéo dài có thể giúp Tổng thống Mỹ Joe Biden tăng tốc mục tiêu giảm phụ thuộc vào sản phẩm của Bắc Kinh. Tuy nhiên, quá trình này cũng sẽ khó tránh hậu quả kinh tế.
Trong một thông báo tuần trước, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cảnh báo trong kịch bản tệ nhất, việc Mỹ - Trung "tách rời" giữa xung đột Nga – Ukraine sẽ làm giảm GDP toàn cầu thêm 5% trong dài hạn.
Dù vậy, Rhodium Group cho rằng điều này khó xảy ra, do mối liên kết rất sâu về tài chính giữa Mỹ và Trung Quốc. Đầu tư vào cổ phiếu và trái phiếu giữa hai nước đã chạm 3.300 tỷ USD cuối năm 2020. "Họ vẫn là hai nước có mối liên hệ rất chặt chẽ", Hirson cho biết, "Liên kết này không thể đảo ngược một cách dễ dàng, vì chi phí sẽ rất lớn với cả Mỹ và kinh tế toàn cầu".
Một phần ba kinh tế Trung Quốc vẫn đang phải chịu phong tỏa. Nền kinh tế này cũng đang gánh thiệt hại lớn. Theo nghiên cứu của Đại học Trung văn Hong Kong, GDP Trung Quốc có thể mất 46 tỷ USD mỗi tháng, tương đương 3,1% GDP vì phong tỏa.
Các nhà phân tích cũng cho rằng mục tiêu tăng trưởng 5,5% năm nay của Trung Quốc là không khả thi. Ngân hàng Thế giới (WB) tuần trước điều chỉnh dự báo cho nền kinh tế lớn nhì thế giới về 5% năm nay và cho rằng tốc độ tăng trưởng có thể rơi xuống 4%.
Hà Thu (theo CNN)
https://vnexpress.net/rui-ro-lon-nhat-voi-kinh-te-toan-cau-dang-bi-coi-nhe-4452711.html