Thái Lan bất ngờ từ chối trung gian quốc tế, tiếp tục không kích các mục tiêu ở Campuchia Thái Lan bất ngờ từ chối trung gian quốc tế, tiếp tục không kích các mục tiêu ở Campuchia , Người xứ Nghệ Kiev
V.N (Theo The Reuters, Khmer Times) Thứ sáu, ngày 25/07/2025
Thái Lan đã bác bỏ các nỗ lực hòa giải từ các nước thứ ba nhằm chấm dứt cuộc xung đột đang diễn ra với Campuchia, khẳng định rằng Phnom Penh phải chấm dứt các cuộc tấn công và giải quyết tình hình chỉ thông qua đàm phán song phương, Bộ Ngoại giao Thái Lan cho biết hôm thứ Sáu.
Một đơn vị di động của Thái Lan đang bắn về phía Campuchia. Ảnh: Reuters.
Mỹ, Trung Quốc và Malaysia - nước hiện giữ vai trò Chủ tịch ASEAN, đã đề nghị làm trung gian đối thoại, nhưng Bangkok đang tìm kiếm một giải pháp song phương cho cuộc xung đột này - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Thái Lan, ông Nikorndej Balankura, nói với Reuters.
“Tôi không nghĩ chúng tôi cần sự trung gian từ nước thứ ba vào lúc này” - ông Nikorndej nói trong một cuộc phỏng vấn.
“Chúng tôi giữ vững lập trường rằng cơ chế song phương là con đường tốt nhất để giải quyết, đây là cuộc đối đầu giữa hai quốc gia” - ông Nikorndej nhấn mạnh, đồng thời yêu cầu phía Campuchia trước hết phải ngừng bạo lực tại khu vực biên giới.
“Cánh cửa đối thoại của chúng tôi vẫn rộng mở,” ông Nikorndej nói thêm.
Hội đồng Bảo an cho biết họ sẽ tổ chức một phiên họp kín vào thứ Sáu để bàn về vấn đề này.
Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim - hiện là Chủ tịch luân phiên của ASEAN, khối gồm 10 quốc gia thành viên trong đó có cả Thái Lan và Campuchia - cho biết hôm thứ Năm ông đã trao đổi với các nhà lãnh đạo hai nước và kêu gọi họ tìm giải pháp hòa bình.
“Nếu gia đình ASEAN muốn hỗ trợ khôi phục các cuộc đàm phán song phương mang tính xây dựng thì điều đó cũng rất được hoan nghênh” - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Thái Lan Nikorndej nói.
Trước đó, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Nội vụ Phumtham Wechayachai , với tư cách là Quyền Thủ tướng, tiết lộ rằng chính phủ và quân đội Thái Lan đang làm việc với Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim, hiện đang giữ chức Chủ tịch ASEAN, để tìm ra giải pháp nhanh chóng cho cuộc xung đột. Ông cho biết thêm rằng ASEAN sẽ đàm phán với Thủ tướng Campuchia trước khi tiếp tục thảo luận với Thái Lan để hướng tới một giải pháp hòa bình.
F-16 tiếp tục không kích
Chiến sự tiếp diễn khi Thái Lan và Campuchia tiếp tục đấu pháo hạng nặng sang ngày thứ hai.
Trong khi đó, Không quân Hoàng gia Thái Lan (RTAF) đã triển khai máy bay chiến đấu F-16 thực hiện hai đợt không kích vào các vị trí quân sự của Campuchia tại các khu vực chiến lược xung quanh Đền Preah Vihear, Ta Muen Thom và Phu Makua. Tất cả máy bay đều trở về an toàn.
Theo các báo cáo, ngay sau buổi trưa ngày 25/7, Không quân đã thực hiện đợt đầu tiên của chiến dịch Can thiệp trên không chiến trường (BAI), điều động 4 máy bay phản lực F-16 tấn công hai mục tiêu quân sự của Campuchia.
Trong đợt thứ hai được tiến hành vào buổi chiều, thêm hai chiếc F-16 được xuất kích, tấn công chính xác vào hai mục tiêu khác trước khi trở về căn cứ an toàn.
Chiến dịch không quân tập trung vào việc vô hiệu hóa các vị trí quân sự của Campuchia trong khu vực lân cận: Preah Vihear (Khao Phra Wihan), Ta Muen Thom và Phu Makua
Những khu vực này bị Thái Lan xác định là căn cứ hỏa lực mà Campuchia sử dụng để tấn công vào các khu vực dân sự của Thái Lan. Không quân Thái Lan nhấn mạnh rằng những hành động này là một phản ứng chiến thuật đối với việc sử dụng vũ lực của Campuchia.
Cáo buộc sử dụng bom chùm?
Trong khi đó Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Campuchia cho biết, trong sáng 25/7, quân đội Thái Lan đã tấn công 7 địa điểm và cáo buộc họ sử dụng vũ khí hạng nặng và bom chùm, vốn bị luật pháp quốc tế cấm.
Trung tướng Maly Socheata, người phát ngôn Bộ Quốc phòng, cho biết từ 8h46 sáng ngày 24/7, phía Thái Lan đã bắt đầu tấn công quân đội Campuchia, với việc quân đội Thái Lan sử dụng vũ khí hạng nặng và máy bay F-16 thả bom xuống lãnh thổ Campuchia.
Bà Socheata cáo buộc rằng, giữa các đợt tấn công, lúc 5:h25 sáng, quân đội Thái Lan đã sử dụng bom chùm tấn công khu vực Khloch. Lúc 6:50 sáng, phía Thái Lan ném bom chùm thứ hai vào làng Techo Ngom, huyện Choam Ksan, tỉnh Preah Vihear. Bà cáo buộc Thái Lan đã vi phạm luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước về Bom chùm.