Nga đã nỗ lực ngăn cản tất cả 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc thông qua kế hoạch cải tổ Liên Hợp Quốc, được gọi là Hiệp ước vì tương lai, được soạn thảo dưới sự lãnh đạo của Đức. Theo đó, vào hôm Chủ nhật, ngày 22.09.2024, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Vershinin đã yêu cầu trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh Tương lai của Liên Hợp Quốc tại New York, trước sự chứng kiến của Thủ
tướng Đức Olaf Scholz, thực hiện sửa đổi bổ sung cho văn bản của kế hoạch này. Hãng thông tấn DPA dẫn lời Vershinin cho biết: “Nếu sửa đổi của chúng tôi không được đưa vào văn bản của hiệp ước, chúng tôi cũng sẽ tránh xa sự đồng thuận về tài liệu này”.
Quan chức Nga phàn nàn rằng, các nước không hài lòng với thỏa thuận sẽ không có cơ hội đàm phán thêm. Trong bản sửa đổi, Liên bang Nga nhấn mạnh "nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia" và kêu gọi Liên Hợp Quốc tránh những nỗ lực trùng lặp. Hãng tin AFP lưu ý rằng, sự phản đối của Nga được các đồng minh truyền thống của nước này là Belarus, Triều Tiên, Iran, Nicaragua và Syria ủng hộ.
Tuy nhiên, tổ chức này không chịu khuất phục trước áp lực từ Liên bang Nga. Trước đó tại Liên Hợp Quốc, nhiều quốc gia không loại trừ sự phản đối của Liên bang Nga về kế hoạch này. Vì vậy, gần như ngay sau tuyên bố của Nga, đại diện Congo đã đề xuất bác bỏ đề nghị của Nga. Theo đó, nó đã bị bác bỏ bởi đa số 143 phiếu của các thành viên Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.
Sau đó, Liên Hợp Quốc đã công bố thông qua kế hoạch này để cải tổ Tổ chức.
* Hội nghị thượng đỉnh Tương lai ở New York
Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai diễn ra vào ngày 22-23 tháng 9 tại New York. Trong cuộc họp, những người tham gia có kế hoạch thực hiện các biện pháp có thể giúp Liên Hợp Quốc trở thành một tổ chức hiệu quả hơn và cải cách các tổ chức được thành lập từ nhiều thập kỷ trước, bao gồm cả Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Hiệp ước vì tương lai do Đức-Namibia soạn thảo, được thông qua vào Chủ nhật, là một kế hoạch chi tiết nhằm giải quyết những thách thức mà nhân loại đang phải đối mặt, với 56 "hành động" bao gồm tất cả các phương hướng, từ gìn giữ hòa bình đến các mối đe dọa tiềm tàng do trí tuệ nhân tạo (AI) gây ra. Đặc biệt, kế hoạch bao gồm các chủ đề phát triển bền vững, an ninh quốc tế, hợp tác trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới, đặc biệt là ứng dụng công nghệ dựa trên trí tuệ nhân tạo, các vấn đề của giới trẻ và thế hệ tương lai, cũng như sự chuyển đổi của quản trị toàn cầu. Ngoài ra, chương về hòa bình và an ninh quốc tế của tài liệu này còn có những quy định liên quan đến sự cần thiết phải loại bỏ nguyên nhân gốc rễ của xung đột vũ trang, bảo vệ dân thường, truy tố tội ác chiến tranh, chống lại các mối đe dọa trên biển, ngăn chặn khủng bố, v.v. Trong số những điều khác, hiệp ước cũng kêu gọi loại bỏ vũ khí hạt nhân.
Hiệp ước này cũng quy định việc cải cách Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, nơi hoạt động của họ thường bị tê liệt bởi Nga, quốc gia có quyền phủ quyết trong cơ quan này. Nhưng tài liệu không nói chính xác cuộc cải cách này có thể là gì, đặc biệt là quyền phủ quyết.
Trước đó, Tổng thư ký Antonio Guterres đã kêu gọi cải cách LHQ. Theo ông, điều này là cần thiết để cộng đồng các quốc gia có nhiều cơ hội hơn để hành động trong bối cảnh có nhiều cuộc khủng hoảng và chiến tranh, cũng như đạt được công lý cao hơn trên thế giới. Yêu cầu về sự cần thiết phải cải cách Liên Hợp Quốc và đặc biệt là bãi bỏ quyền phủ quyết trong Hội đồng Bảo an ngày càng gia tăng trong bối cảnh cuộc chiến của Nga chống lại Ukraina, bởi vì Liên bang Nga là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an.
BTV "NGƯỜI VIỆT KIEV" biên dịch
|