Chuyên gia: Cuộc chiến ở Ukraine đạt đến thời khắc quan trọng, Nga đối mặt với những lựa chọn khắc nghiệt hơn Chuyên gia: Cuộc chiến ở Ukraine đạt đến thời khắc quan trọng, Nga đối mặt với những lựa chọn khắc nghiệt hơn , Người xứ Nghệ Kiev
Phương Đăng (theo Washington Post) Chủ nhật, ngày 02/10/2022
Sau khi thành phố Hiroshima và Nagasaki (Nhật Bản) gần như bị bom nguyên tử tấn công và san phẳng, thế giới một lần nữa đối mặt với nguy cơ vũ khí hạt nhân lại được sử dụng trong bối cảnh cuộc chiến của Nga ở Ukraine đang ở thời điểm quan trọng, Washington Post trích cảnh báo của các chuyên gia, các nhà phân tích quân sự.
Trong lễ sáp nhập 4 khu vực của Ukraine, bao gồm Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhzhia hôm 30/9, Tổng thống Putin đã làm rõ rằng, bất kỳ cuộc tấn công nào vào các lãnh thổ mới của Nga sẽ được coi là một cuộc tấn công vào Nga. Và ông sẽ sử dụng bất kỳ phương tiện nào có sẵn trong kho vũ khí khổng lồ của Nga để đáp trả.
Tuyên bố của ông chủ Điện Kremlin được cho là báo hiệu rằng, Nga sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân để đáp trả nếu Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhzhia hoặc bất cứ lãnh thổ nào Nga tuyên bố chủ quyền bị tấn công, theo Washington Post.
Vào một ngày như ngày 30/9, khi cuộc chiến của Nga ở Ukraine bước vào giai đoạn quan trọng quyết định và nguy hiểm hơn, một câu hỏi đã được đặt ra đó là: "Liệu có phải một cuộc chiến tranh rộng lớn hơn với những kết quả tàn khốc đang rình rập thế giới?".
Theo nhà báo Liz Sly của Washington Post, thời khắc Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố sáp nhập 4 khu vực ở miền đông và miền nam Ukraine đã báo hiệu sự khởi đầu của một giai đoạn mới và rất nguy hiểm trong cuộc chiến đã kéo dài 7 tháng - một giai đoạn mà các quan chức và nhà phân tích phương Tây lo ngại có thể leo thang tới việc sử dụng vũ khí hạt nhân lần đầu tiên sau 77 năm.
Nigel Gould-Davies, cựu đại sứ Vương quốc Anh tại Belarus bình luận: "Chúng ta đang trong giai đoạn leo thang và Nga hiện đang phải đối mặt với những lựa chọn khắc nghiệt hơn trước".
Tương tự, Gould-Davies, thành viên cấp cao về Nga và Âu-Á tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế bình luận, nỗ lực của Nga để giành chiến thắng trong cuộc chiến ở Ukraine bằng các biện pháp ôn hòa hơn đã thất bại và Moscow hiện đối mặt với việc phải tăng "phạm vi và mức độ nghiêm trọng của các biện pháp" tấn công.
Bình luận về nguy cơ Nga sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine, Franz-Stefan Gady, thành viên cấp cao của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở London cho biết: “Đó là một sự kiện có xác suất thấp, nhưng có tính chất nghiêm trọng nhất kể từ những năm 1980. Đây là một tình huống rất nguy hiểm và nó cần được các nhà hoạch định chính sách phương Tây xem xét một cách nghiêm túc".
Theo ông Gady, vũ khí hạt nhân có khả năng chỉ được sử dụng sau khi việc động viên nhập ngũ, phá hoại và các biện pháp khác không xoay chuyển được tình thế.
“Từ góc độ quân sự thuần túy, vũ khí hạt nhân sẽ không giải quyết được bất kỳ vấn đề quân sự nào của Nga. Để thay đổi bức tranh hoạt động, một cuộc tấn công hạt nhân duy nhất sẽ là không đủ và nó cũng không thể đe dọa Ukraine đầu hàng. Nó sẽ gây ra tác dụng ngược, làm tăng gấp đôi sự ủng hộ của phương Tây và tôi nghĩ rằng sẽ có một phản ứng của Mỹ ", ông Gady cảnh báo.
Alexander Gabuev, một thành viên cấp cao của Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế nhận định, Phương Tây đã hy vọng rằng những thành công của Ukraine sẽ buộc Tổng thống Putin phải lùi bước, nhưng thay vào đó, nhà lãnh đạo Nga vẫn tiếp tục tăng áp lực.
“Hết lần này đến lần khác chúng ta thấy rằng, ông Putin coi đây là một cuộc chiến hiện sinh lớn và ông ấy sẵn sàng hành động leo thang nếu ông ấy thua trên chiến trường". ông Gabuev cảnh báo.
Trong khi Nga thực hiện các bước sáp nhập lãnh thổ Ukraine và đưa ra các mối đe dọa hạt nhân, hàng tỷ USD Mỹ và viện trợ quân sự của châu Âu vẫn đang ùn ùn chảy vào Ukraine, giúp nước này có động lực cao để giải phóng lãnh thổ.
Washington cũng đã gửi các tín hiệu rõ ràng cho Moscow rằng, 'hậu quả thảm khốc" sẽ xảy ra nếu Nga sử dụng vũ khí phi thông thường ở Ukraine. Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan hôm Chủ nhật 2/10 từ chối nêu rõ những "hậu quả" đó sẽ như thế nào nhưng cho biết những "hậu quả" chính xác đã được thông báo riêng cho các quan chức Nga “ở cấp rất cao”.
“Họ hiểu rõ những gì họ sẽ phải đối mặt nếu đi trên con đường tăm tối đó", ông Sullivan nhấn mạnh.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích tin rằng, Tổng thống Putin sẽ không hiện thực hóa những lời đe dọa nguy hiểm của mình. Ben Hodges, cựu chỉ huy quân đội Mỹ ở Châu Âu cho biết: “Mặc dù Putin rất nguy hiểm, nhưng ông ấy không tự sát và những người xung quanh ông ấy cũng không tự sát".
Các quan chức Lầu Năm Góc cũng cho biết, họ chưa thấy Nga có hành động nào khiến Mỹ phải điều chỉnh việc bố trí hạt nhân của mình.