1
Bây giờ là thế kỷ hai mươi mốt
Trái đất hẹp hơn
dù vẫn nghiêng hai mươi ba độ rưỡi.
Làng tôi nối mạng vào thế giới
góc địa cầu nào nhìn cũng rõ.
Mẹ tôi già thêm và chưa bao giờ ra khỏi
cánh đồng làng
vẫn thấy khói bom ùn đen sa mạc
mẹ chép miệng thương trẻ con I Rắc
mặt mũi lem nhem chạy loạn trên đường...
Liên hiệp quốc là gì?
Liên quân là ai?
mẹ không tường tận
mẹ chỉ biết căm ghét chiến tranh giết hại
dân lành.
Mẹ đã có những đứa con ngã xuống trong
chiến tranh
mẹ đã có những ngôi nhà bị đốt cháy trong
chiến tranh
mẹ đã có những mùa màng bị sát hại trong
chiến tranh
mẹ đã có những tình yêu bị cướp đoạt trong
chiến tranh
nên mẹ hiểu
chiến tranh là không thể...
Thưa mẹ
chiến tranh – máu đổ
thế kỷ hai mươi máu chảy ròng ròng
thế kỷ mới vẫn ròng ròng máu chảy
Hành tinh xanh – kho thuốc nổ khổng lồ.
Con chưa thể trả lời được mẹ
thương yêu và thù hận
đối thoại với đối đầu
Nhân loại sẽ về đâu
trong những mưu toan vẩn đục?
*
Trước sân nhà ta mẹ lom khom quét rác
cô phát thanh viên truyền hình báo thời tiết
hôm nay:
miền Bắc nắng
miền Trung mưa
miền Nam lũ sớm...
Mẹ – miền – ôn – hoà – an – tĩnh của con
cái – vĩ – tuyến – hoà – bình – tin – cậy nhất
tán cây xanh trên mái đầu tóc bạc
dìu đỡ con qua những phút chao lòng.
Con chẳng mong gì hơn là thức giấc
mỗi sớm
lại thấy mẹ bình yên nhặt hoa đại trước thềm
bao muộn phiền vớ vẩn sẽ chìm quên
trước bé gầy của mẹ...
Đằng sau những rộng dài sông bể
mẹ nhóm lên mây trắng cuối chiều
con chợt nhận ra bao điều mình thiếu
trong nhân từ của mẹ, mẹ ơi!
Từ mẹ
con nhìn ra cuộc đời
bằng đôi mắt chim câu
và mơ tới một hành tinh sạch làu bom đạn
con cháu mẹ không còn mang ba lô ra trận
không bị vùi lấp bởi những thứ giết người...
Đêm đêm
bên dáng gầy của mẹ
tôi nghe
tiếng vọng Trường Sơn
bao cuộc đời ngân lên từ đất
Thăm thẳm Trường Sơn như mới lần đầu
trùng điệp Trường Sơn như mới lần đầu
khám phá!
Trường Sơn
vạn sáu cây số đường rừng
gấp hơn năm lần chiều dài Đất Nước
áo lính – áo cây sạm màu trận mạc
đi trong dằng dặc đại ngàn
đi cùng ký ức miên man
tôi nghe
những đời lính – đời cây – còn – mất
những đời lính – đời cây – còn hát
Ảnh nguồn - Internet
Bài ca Trường Sơn
Trường Sơn, Đường ta qua chưa một dấu
chân người
Chú nai vàng nghiêng đôi tai ngơ ngác
Dừng ở lưng đèo nghe suối hát
Ngắt đóa hoa rừng gài lên mũ ta đi1
Ôi, những ca khúc một thời đánh Mỹ
cứ nối dài vô tận Trường Sơn
*
Tôi đã gặp những Trường Sơn treo vách –
chiếc ba lô con cóc bạc màu
Phà Xuân Sơn, năm...
đèo Đá Đẽo, năm...
ngầm Dinh, năm...
Tà Lê, năm...
Phu La Nhích, năm...
những dòng chữ chưa mờ trên mặt vải.
________________________________________________
1Lời thơ Gia Dũng đã được phổ nhạc thành bài hát nổi tiếng thời chống Mỹ
Gia tài lính, bấy nhiêu thôi, còn lại
bấy nhiêu thôi mà cả một đời người!
Bấy nhiêu thôi mà không đủ mặt người
cùng hò reo trong ngày toàn thắng.
Tôi đã gặp Trường – Sơn – nhấp – nhô – trắng
nước mắt lau tên tuổi anh hùng.
Sinh – Lão – Bệnh – Tử
quy luật muôn đời, ư?
đồng đội tôi
vạn vạn người chết trẻ
để lại Trường Sơn kỳ vĩ tượng đài.
Nhưng, đừng nói những điều to tát quá
với các linh hồn đang thức ở đầu sông
cứ mộc mạc như cái thời tăng võng
mở ra là nhà, cuộn lại... là đi.
Cứ khôn dại một đời ta thủ thỉ
dẫu Trường Sơn đã hai nẻo âm – dương
những thành – bại thôi đừng bàn tới nữa
chỉ xin đừng lừa dối khói hương!
*
Ta có một Trường Sơn ố vàng trang Nhật ký
mở ra
gặp lại tuổi xuân mình
Tỏ mờ gương mặt xinh xinh
em trong sương khói đang nhìn về tôi
Lạy em
tuổi vẫn đôi mươi
vẫn mắt đen láy, vẫn cười giòn tan...
Ảnh nguồn - Internet
Cùng tôi sinh cuối Linh Giang
vai xuôi, thân mỏng... đội ngàn tấn bom
bây giờ nằm lại Trường Sơn
với mây, với gió đầu nguồn dòng sông
một nấm mộ – một con đường
một trinh nữ giữa khiêm nhường cỏ cây
ba mươi năm chẳng nguôi khuây
với người đã trắng thành mây cuối ghềnh
tôi còn em giữa lênh đênh
bàn tay ấm lửa của đêm mưa rừng
rộn ràng phố xá dửng dưng
tìm góc yên lặng ở vùng thưa dân
gọi tên em giữa gió ngàn
thoảng hương bồ kết tần ngần bay qua...
*
Tiếng xa xa
trăng phập phồng áo cỏ
có phải em
vừa qua giấc mơ vùi lửa
rừng ráo cơn mưa mùa hạ cuối chiều?
đêm nay, em mặc áo trăng
em bước đi cũng bằng trăng nhè nhẹ
tôi đã trao em lời cầu hôn muộn trễ
trăng ngập tràn bốn phía em – tôi
lễ Vu quy vằng vặc Trường Sơn
phong lan treo đầy mái núi
đồng đội quây quần, ơi đồng đội
đủ mặt anh em mình không thiếu một ai!
đám rước dâu kéo đi thật dài
vạn lý Trường Sơn nhấp nhô áo lính
đám rước đi qua trọng điểm
hoa chạc chìu thơm nức lòng đêm
đám rước đi qua cầu treo
con suối trở mình bay lên chấp chới
đám rước đi qua vệt xe lầy lội
mùi cỏ thanh minh bàng bạc bay về
đám rước đi qua mùa hè
phượng đỏ như lần đầu được cháy
đám rước đi qua mùa thu
nắng cúc tỏa vào nhau ấm áp
đám rước đi qua mùa đông
huệ cất lời ru ngày cũ
đi qua mùa xuân, mùa xuân khao khát
đám rước lẫn vào những cánh đào phai...
Em ơi, ta về với mẹ
qua cánh đồng nức nở phù sa
cau sáu bổ ba
trầu têm cánh phượng
rượu quê mềm sợi nhớ sợi thương
nhớ nhớ thương thương
nào ai thấu hết đoạn đường Trường Sơn
giếng quê giặt lại áo sờn
bao nhiêu nắng núi, mưa nguồn chẳng phai
nhớ thời thanh nữ – trẻ trai
trái tim đập với đường dài dọc ngang
Ảnh nguồn - Internet
đường ngụy trang, xe ngụy trang
cớ chi tôi nhớ khỏa trần Trường Sơn
suối trong cái nước khẽ vờn
áo em, áo chị vải sờn phơi trưa...
Cưới em, tôi cưới ngày xưa
của hồi môn có cơn mưa cầu vồng
thương thời gánh núi, gùi sông
đường muôn nẻo thuộc như lòng bàn tay
da sốt rét, áo màu cây
ngổn ngang tóc rụng vai gầy, ngổn ngang
rau cằn măng nứa măng giang
quả sung còn chát, tập tàng còn cay
ta còn em nỗi đông – tây
nửa mùa nắng bụi, nửa quây mưa rừng
ta còn em phút rưng rưng
nụ hôn trao vội giữa lưng chừng đèo
ai hay chiếc mũ tai bèo
vật làm tin giữ bao điều sắt son!
Cưới em, tôi cưới đường mòn
của thời vạt áo dài hơn cuộc đời
mấy phen thân gái bom dồi
tưởng qua cuộc chiến đội trời về quê
nào ngờ, đêm ấy, em đi...
ba mươi năm lẻ... vu quy bây giờ
một vòng hoa trắng như mơ
đội lên em, đã cập bờ quê hương
không còn cách biệt âm dương
góc sân, giếng nước, mảnh vườn đấy thôi
nước mắt chừng đã cạn rồi
van em, đừng khóc kẻo trời bão giông
phận người, có có – không không
sống là sống gửi thác mong được về
hồn quê ở giữa lòng quê
neo vào ngọn cỏ phu thê xanh rờn...
*
Tái bút:
Sau cuộc hành lễ vô hình vô thanh xuất phát từ cây bồ đề Trường Sơn giống như một giấc ám ảnh tôi trông thấy.
...Những đứa trẻ từ cây bước ra
như bầy mưa nhiệt đới
Chúng gánh cầu vồng trên vai
tung tăng bước và cười...
Tôi nhớ: sau cái lần bị bom vùi ở cua Chữ A khi tỉnh lại em đã khẽ khàng nói với tôi “Em nằm mơ thấy những đứa con...”. Tôi cười: “hết chiến tranh anh sẽ cưới em và em sẽ là mẹ của bốn đứa con Trường – Sơn – Hùng – Vĩ”. Em đặt cho tôi một câu hỏi để đời “sao chỉ bốn mà không năm hay sáu, hả anh?” – “Anh sợ chúng mình không đủ sức nuôi chúng nó” – “Đừng lo anh, hết chiến tranh gạo thóc ê hề con cái chúng mình không sợ đói. Em chỉ sợ chiến tranh đang còn dài, con gái có thì, hoà bình rồi chúng em đã già nua và xấu xí...”.
Những nụ cười trẻ thơ lấp lánh bay lên –
thông điệp bình yên của tình yêu em gửi lại.
khát vọng của một thời Trường Sơn
và mãi mãi...
Anh nhớ em –
đáy thắt lưng ong mềm dịu vĩnh hằng miền
nóng bỏng
và sự phồn sinh của ngày mai không
đạn bom nào hủy diệt nổi
đang từ em rưng rức trổ mầm
có thể đó là cỏ cây, là trái là hoa,
là khúc đồng dao chấp chới
bay lên giữa trùng điệp núi rừng.
Đêm xe anh qua Cổng Trời em ở Bãi Dinh. Pháo sáng soi rõ từng mét đường nham nhở. Hơi ấm bàn tay em còn phảng phất nơi anh và lời em đang bồi hồi trên ngực “Hôm nào trở về nhớ ghé vào em anh nhé. Nhớ đừng quên... lần này, em sẽ đền cho...”. tôi thấp thỏm trở về Binh trạm. Cả tiểu đội thanh niên xung phong của em òa khóc khi thấy tôi bước vào lán. Không có em. Tấm sạp nứa em nằm có một chùm hoa dẻ. Hoa thì thơm mà tôi buốt đáy lòng...
Em đã hiển linh
và tôi không thể không tin điều ấy
như tin có những những đỉnh Tình Yêu trong Vạn lý Trường Sơn
tụ lại những linh hồn rất trẻ
và ngang những tầm trời lộng gió
và những tầng mây thao thức đêm đêm
những vì sao
lấp lánh
như muôn trái tim hồng
đứng gác
Trường Sơn!
Bắt đầu viết tháng 5 năm 2005.
Viết xong ngày 17 tháng 8 năm 2007
NHQ (Hết)
Tin liên quan:
VẠN LÝ TRƯỜNG SƠN: Chương 8: BIỂN Ở TRƯỜNG SƠN VÀ ĐIỆP KHÚC TRỞ VỀ (Thơ Nguyễn Hữu Quý)
http://nguoixunghekiev.vn/serviceView_323_361_14946.html
VẠN LÝ TRƯỜNG SƠN - Chương 7: ĐOẢN KHÚC CHO BẠN GÁI TUỔI HỌC TRÒ (Thơ Nguyễn Hữu Quý)
http://nguoixunghekiev.vn/serviceView_323_361_14889.html
VẠN LÝ TRƯỜNG SƠN: Chương 6: NHẬT KÝ (Thơ Nguyễn Hữu Quý)
http://nguoixunghekiev.vn/serviceView_323_361_14623.html
VẠN LÝ TRƯỜNG SƠN: Chương 5: TRÒ CHUYỆN VỚI RỪNG (Thơ Nguyễn Hữu Quý)
http://nguoixunghekiev.vn/serviceView_323_361_14521.html
VẠN LÝ TRƯỜNG SƠN: Chương 4: HỒI ỨC CỦA LỬA (Thơ Nguyễn Hữu Quý)
http://nguoixunghekiev.vn/serviceView_323_361_14413.html
VẠN LÝ TRƯỜNG SƠN: Chương 3 - NHỮNG NGƯỜI LÍNH MẶC ÁO BÀ BA
- Thơ Nguyễn Hữu Quý
http://nguoixunghekiev.vn/serviceView_323_361_14251.html
VẠN LÝ TRƯỜNG SƠN: Chương 2 - KHAI SINH - Thơ Nguyễn Hữu Quý
http://nguoixunghekiev.vn/serviceView_323_361_14180.html
VẠN LÝ TRƯỜNG SƠN - Thơ Nguyễn Hữu Quý
http://nguoixunghekiev.vn/serviceView_323_361_14110.html
TÂM SỰ - Thơ Nguyễn Hữu Quý
http://nguoixunghekiev.vn/serviceView_323_333_13831.html
|