Chuyên gia phân tích cách Ukraine tự tin chuẩn bị cho cuộc chiến toàn diện Chuyên gia phân tích cách Ukraine tự tin chuẩn bị cho cuộc chiến toàn diện , Người xứ Nghệ Kiev
Tuấn Anh (Theo NI) Thứ tư, ngày 04/05/2022
Mặc dù quân đội của Ukraine vẫn bị lực lượng quân đội Nga lấn át, nhưng sự thay đổi trong chiến lược và cải cách được Ukraine thực hiện kể từ năm 2014 đã thành công trong việc tạo ra một quân đội và xã hội có khả năng thực hiện chiến tranh tổng lực.
Bài phân tích của chuyên gia Samo Burja – người sáng lập và Chủ tịch của Bismarck Analysis, một công ty tư vấn điều tra bối cảnh chính trị và thể chế của xã hội, ông đồng thời cũng là nhà nghiên cứu tại Long Now Foundation, đăng trên tạp chí National Interest.
Khi quân đội Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, ban đầu nhiều người tin rằng Ukraine sẽ thất thủ chỉ trong vài ngày. Vào đầu tháng 2, Tướng Mark Milley- Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ đã cảnh báo các nhà lập pháp Mỹ rằng, Kiev có thể thất thủ trong vòng 72 giờ. Khi cuộc tấn công bắt đầu, nhiều nguồn tin xác nhận rằng, Washington dự kiến Kiev sẽ thất thủ trong vòng 1 đến 4 ngày. Các quan chức Ukraine cũng cáo buộc Bộ trưởng tài chính Đức nghĩ rằng Ukraine sẽ thất thủ trong vòng vài giờ.
Tuy nhiên, thực tế là hơn một tháng sau, Kiev vẫn nằm chắc trong tay Ukraine. Các bước tiến công của lực lượng Nga xung quanh Kiev đã bị đẩy lùi và cuối cùng Nga tuyên bố hoàn tất giai đoạn 1 của cuộc chiến và bước vào giai đoạn 2 khi rút quân khỏi ngoai ô Kiev và hướng về miền Đông Ukraine.
Thành công này đã khiến một số nhà bình luận tuyên bố rằng Ukraine không những không thua mà còn đang thắng. Điều này có vẻ quá lạc quan khi thực tế quân đội Nga đã giành quyền kiểm soát những vùng đất rộng lớn trên lãnh thổ Ukraine và được cho là đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công lớn mới ở phía đông. Tuy nhiên, rõ ràng Ukraine đã làm tốt hơn kỳ vọng của ngay cả các nhà phân tích hàng đầu của phương Tây và ở thời điểm hiện tại, Ukraine cũng đang chiến đấu đến cùng với Nga trong cuộc xung đột này.
Sự kém hiệu quả về chiến thuật và hậu cần của Nga, cũng như viện trợ quân sự của phương Tây dành cho Ukraine, đều đóng một vai trò trong kết quả đáng ngạc nhiên này. Nhưng yếu tố lớn hơn cả là Nga đã đánh giá sai về sức mạnh và sự sẵn sàng của các lực lượng vũ trang Ukraine.
Tháng 12 năm ngoái, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov đã viết một bài báo cho Hội đồng Đại Tây Dương, nơi ông dự đoán chính xác rằng ưu thế trên không và các hệ thống tên lửa của Nga sẽ có thể tàn phá các trung tâm đô thị của Ukraine trong khi lực lượng của họ có thể "vượt qua quân đội Ukraine và chiếm lấy lãnh thổ". Ông Oleksii Reznikov viết: "Quân đội hùng mạnh của Nga chắc chắn có thể tiến công vũ lực, nhưng "đất đai Ukraine sẽ bốc cháy dưới chân họ".
Dường như, kế hoạch này đã dồn phần lớn lực lượng để bảo vệ các thành phố của Ukraine, nơi các đội hình thiết giáp của Nga sẽ dễ bị phục kích nhất và việc phòng thủ thành công sẽ khiến Nga không kiểm soát được các trung tâm đường sắt quan trọng, rất cần thiết cho các hoạt động tiếp tế. Đây là một kế hoạch được đưa ra sau một lần đánh giá lại thất bại đầy đau đớn, rút ra bài học kinh nghiệm quân sự cho Kiev từ sau Cách mạng Euromaidan 2014 và sự sát nhập Crimea vào Nga cùng năm đó.
Tình hình quân sự của Ukraine 2014
Vào năm 2014, quân đội Ukraine đã bất lực trong việc ngăn chặn sự sáp nhập Crimea của Nga và cuộc xung đột hỗn hợp ở Donbass. Quân đội Nga lúc đó bị cáo buộc không mang phù hiệu đã tiến vào Crimea và chiếm đóng phần lớn bán đảo này mà không bắn một phát súng nào, chiếm giữ các căn cứ quân sự và phần lớn hải quân của Ukraine.
Ở Donbass đã nổ ra chiến tranh tàn khốc trong nhiều tháng và sau đó là xung đột kéo dài. Phân tích sau xung đột cho thấy trong số hơn 100.000 quân Ukraine vào thời điểm đó, chỉ có 6.000 người sẵn sàng chiến đấu. Nhiều binh sĩ chỉ đơn giản là đào ngũ do tinh thần xuống thấp và chỉ nhờ có các sư đoàn tình nguyện động viên mà phòng tuyến ở Donbass mới được giữ vững. Theo các nguồn tin tức của Nga, hơn 16.000 cựu quân nhân và nhân viên dân sự Ukraine đã được tái sử dụng trong quân đội Nga vào tháng 4 năm 2014.
Trên hết, nhiều quan chức quốc phòng và an ninh hàng đầu của Ukraine về cơ bản là những người phụ trách trong một số lĩnh vực của Nga, trong đó một số quan chức quân sự cấp cao đã sang Nga trong cuộc khủng hoảng. Ví dụ như đô đốc Ukraine Denis Berezovsky được bổ nhiệm làm chỉ huy hải quân Ukraine vào ngày 1 tháng 3 năm 2014. Ngay ngày hôm sau, ông đã ra lệnh cho hải quân hạ vũ khí chống lại Nga. Ông này đã nhanh chóng bị sa thải và sau đó đào tẩu. Pavlo Lebedyev, người từng giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine từ năm 2012, cũng đào tẩu sang Nga, chuyển đến Crimea và tham dự lễ sáp nhập chính thức ở Moscow.
Điều này có lẽ không có gì đáng ngạc nhiên khi tổng thống thân Nga của Ukraine, Viktor Yanukovych, người phục vụ từ năm 2010 cho đến khi ông bị lật đổ năm 2014, đã trao quyền cho những nhân vật thân Nga và thậm chí là công dân Nga đảm nhiệm các vị trí ở dịch vụ an ninh Ukraine.
Bộ trưởng Quốc phòng đầu tiên của Yanukovych, Mykhailo Yezhel, đã trốn sang Belarus vào năm 2016 sau khi nhà nước Ukraine cáo buộc ông này bán trái phép thiết bị quân sự cho Nga vào năm 2011. Con gái của ông đã kết hôn với một đô đốc Nga là Igor Kalinin 45 tuổi, người được Yanukovych bổ nhiệm làm người đứng đầu lực lượng an ninh Ukraine SBU vào năm 2012 (tương đương với KGB Ukraine thời hậu Xô Viết).
Viktor Muzhenko, người từng là Tổng tham mưu trưởng Ukraine từ năm 2014 đến năm 2019, tóm tắt tình hình ở Ukraine vào thời điểm bằng những từ ngữ rằng: "một đội quân đang đổ nát theo đúng nghĩa đen, các tướng lĩnh Nga đứng đầu lực lượng vũ trang và cơ quan an ninh Ukraine và mất tinh thần hoàn toàn".
Theo nhiều cách, các cuộc đấu tranh quân sự của Ukraine phản ánh tình hình của Nga sau khi Liên Xô sụp đổ. Ukraine thừa hưởng 40% nhân sự sau khi Liên Xô sụp đổ. Những cải cách quân sự ban đầu chỉ tập trung vào việc giảm quy mô quân đội. Các tài liệu quốc phòng của Ukraine từ trước năm 2014 thậm chí còn không đề cập đến Nga như một đối thủ tiềm tàng. Thiếu cải cách cũng có nghĩa là việc bố trí các lực lượng Ukraine hoàn toàn dựa trên mối quan tâm của Liên Xô thời Chiến tranh Lạnh, với phần lớn binh lính đóng ở phía tây đất nước, chờ đợi mối đe dọa từ NATO.
Cải cách quân đội Ukraine
Một số rắc rối hiện tại của Nga ở Ukraine có thể được giải thích là do nhận định sai lầm rằng tiềm lực quân đội Ukraine năm 2014 phản ánh tình trạng của quân đội Ukraine ngày nay. Có rất nhiều bằng chứng cho thấy ban lãnh đạo của Nga dự kiến Ukraine sẽ nhanh chóng sụp đổ. Nhưng sau Cách mạng Euromaidan, việc lật đổ Yanukovych và ngừng bắn ở Donbass, cải cách quân đội đã trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu của chính phủ Ukraine.
Vào năm 2015, một sự thay đổi trong học thuyết và chiến lược quân sự đã có hiệu lực, với việc viết lại các tài liệu chiến lược của chính phủ. Năm đó, một Chiến lược An ninh Quốc gia mới đã được công bố, cùng với một Học thuyết quân sự mới và Khái niệm về sự phát triển của các lĩnh vực an ninh và quốc phòng.
Chiến lược sửa đổi này có hai mục tiêu: Chống lại sự xâm lược có vũ trang của Nga và tạo điều kiện thuận lợi cho việc "giải phóng các vùng lãnh thổ tạm thời bị chiếm đóng", hay nói cách khác, chiếm lại Crimea và Donbass. Điều này đòi hỏi phải xây dựng một quân đội có khả năng bảo vệ Ukraine khỏi một "cuộc xâm lược" thông thường và chống lại điều gì đó giống với năm 2014. Thiết bị, đào tạo, hậu cần và nhiều thứ khác cần được đại tu hoàn toàn. Phải đến năm 2016, Tổng thống Petro Poroshenko mới đưa ra kế hoạch cải tổ sâu rộng, được tổ chức thành 5 hạng mục: chỉ huy và kiểm soát, lập kế hoạch, hoạt động, y tế-hậu cần, và phát triển chuyên môn của quân đội.
Ba mục tiêu chính của cải cách này là chuyên nghiệp hóa các lực lượng vũ trang của đất nước, tái tạo Lực lượng Phòng vệ Lãnh thổ và tạo ra các lực lượng đặc biệt có thể hoạt động sau chiến tuyến của kẻ thù.
Mục tiêu trong các chiến lược này của Ukraine gọi Nga là "kẻ thù quân sự" và nhấn mạnh khả năng cao xảy ra một cuộc chiến toàn diện. Là một quốc gia có diện tích nhỏ hơn 1/3 diện tích của Nga, đây được coi là một thách thức lớn. Sự chênh lệch lớn về sức mạnh quân sự giữa hai nước đã được thừa nhận một cách thẳng thừng trong các tài liệu này. Giải pháp là thúc đẩy "văn hóa kháng chiến", cho phép nhà nước huy động toàn bộ xã hội gây thương vong lớn cho bất kỳ kẻ thù nào và tận dụng chiều sâu chiến lược của đất nước để bù đắp cho sự yếu kém tương đối về quân sự.
Những cải cách lớn như vậy không dễ thực hiện. Tuy nhiên, rút kinh nghiệm từ việc sa thải và đào tẩu của các chỉ huy thân Nga vào năm 2014, chính phủ Ukraine đã giao cho những cá nhân đáng tin cậy hơn phụ trách. Những người thực hiện cải cách quân đội của Poroshenko vẫn tương đối ổn định trong suốt chính quyền của ông từ năm 2014 đến năm 2019. Muzhenko là một ví dụ, nhưng Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Stepan Poltorak dưới thời ông Poroshenko cũng phục vụ từ năm 2014 đến năm 2019. Người đứng đầu SBU, Vasyl Hrytsak, phục vụ từ năm 2015 đến 2019.
Để chuyên nghiệp hóa quân đội, một quá trình chuyển đổi đã được thực hiện từ cơ cấu chỉ huy cấp cao theo kiểu Liên Xô sang cơ cấu linh hoạt hơn, nơi các hạ sĩ quan có thể đưa ra quyết định trên chiến trường. Trước đây, các sĩ quan cấp dưới phải xin phép các sĩ quan cấp cao hơn để thay đổi mệnh lệnh, ngay cả khi điều kiện chiến trường khiến họ trở nên lỗi thời. Sự thay đổi văn hóa quân sự này được hỗ trợ một phần không nhỏ bởi sự huấn luyện quân sự của phương Tây. Và trong khi các giảng viên quân sự phương Tây là chìa khóa để chuyên nghiệp hóa các lực lượng vũ trang Ukraine, thì quân đội Nga cũng đóng một vai trò quan trọng. Chiến tranh tầm thấp nhưng tích cực ở Donbass kể từ năm 2014 đã mang lại cho hàng trăm nghìn người Ukraine kinh nghiệm thực chiến với người Nga trên lãnh thổ quê hương của họ.
Trước năm 2014, quân đội chủ yếu tồn tại trên giấy tờ và hoàn toàn dựa vào các sư đoàn tình nguyện để đẩy lùi quân ly khai ở miền đông. Hầu hết các sư đoàn tình nguyện có động cơ cao và thiện chiến này hiện đã được tích hợp vào các lực lượng vũ trang Ukraine.
Lượng lớn thiết bị quân sự của phương Tây, từ tên lửa chống tăng có điều khiển NLAW hoặc Javelin và hệ thống phòng không di động Stinger (MANPAD), cho đến xe tăng và xe chiến đấu bộ binh, đã làm được nhiều điều để bù đắp cho một quá trình mua sắm tham nhũng và ì ạch. Mặc dù phần lớn thiết bị này chỉ được đưa đến trong vài tuần trước khi chiến sự Ukraine bắt đầu, nhưng việc cung cấp thiết bị của phương Tây kết hợp với lập trường quân sự mới của Ukraine đã có hiệu quả trong việc làm suy giảm nghiêm trọng khả năng của Nga trong mục tiêu phi quân sự hóa Ukraine. Các lực lượng Ukraine đã lôi kéo các lực lượng Nga vào cái gọi là "hộp tiêu diệt" - nơi mà sau đó họ phải hứng chịu các cuộc tấn công dữ dội có chủ đích. Các cuộc phục kích dai dẳng đã giúp quân đội Ukraine đẩy lùi cuộc tấn công vào Kiev.
Trước chiến tranh, các ý kiến đã bị chia rẽ về việc liệu các cải cách quân sự của Ukraine có thành công hay không. Một số nhà phân tích coi đó là một thất bại. Những người khác tin rằng cải cách quân sự đã đủ thành công để Ukraine giáng một đòn đau nghiêm trọng vào lực lượng Nga.
Mặc dù quân đội của Ukraine vẫn bị Nga lấn át rất nhiều, nhưng sự thay đổi trong chiến lược và cải cách được thực hiện kể từ năm 2014 đã thành công trong việc tạo ra một quân đội và xã hội có khả năng thực hiện chiến tranh tổng lực. Liệu điều này cuối cùng có đủ để Ukraine đẩy lùi các lực lượng Nga hay không vẫn còn phải chờ xem, nhưng nó đã chứng tỏ hiệu quả và làm thay đổi nhận thức của Nga và một số nước khác về sức mạnh quân đội Ukraine đã khác xa so với hồi năm 2014.