"Họ câu hết mọi thứ!", một thuyền trưởng tàu cá ngừ Ecuador giấu tên, từng đến gần tàu đánh cá Trung Quốc ở vùng biển xung quanh quần đảo Galápagos cách đây 2 năm, nói với Guardian.
Khi đi qua đội tàu cá Trung Quốc vào ban đêm, ông phải liên tục thay đổi hướng đi để tránh tàu. Đèn của họ chiếu sáng cả một vùng biển để thu hút mực bơi lên mặt nước.
“Tôi như đang nhìn thấy thành phố về đêm”, vị thuyền trưởng nói. Ông ước tính các tàu đánh cá có tới 500 dây câu, mỗi dây có hàng nghìn lưỡi câu.
Việc tàu cá Trung Quốc đánh bắt trái phép ở vùng biển của các quốc gia Nam Mỹ đã trở thành vấn nạn trong những năm qua. Các nhà bảo vệ môi trường cho biết hàng trăm tàu đánh cá Trung Quốc “vơ vét” vùng biển này để tìm kiếm mực ống khổng lồ, đe dọa tính bền vững của nguồn cung cấp chuỗi thức ăn quan trọng cho các loài động vật biển khác.
Ông Milko Schvartzman, nhà bảo tồn người Argentina và chuyên gia về các hoạt động đánh bắt cá của Trung Quốc ở Nam Mỹ, gọi tình trạng này là “một quả bom hẹn giờ đối với hệ sinh thái”.
Sự càn quét của đội tàu “bóng đêm”
Trong năm 2021, ông Schvartzman cho biết đã thống kê được khoảng 800 tàu đánh cá Trung Quốc ở vùng biển ngoài khơi Nam Mỹ, tăng mạnh so với chưa đầy 50 chiếc cách đây hai thập kỷ, khi những chiếc thuyền này xuất hiện lần đầu tiên, theo Wall Street Journal.
Các vùng nước sâu, lạnh giá của Thái Bình Dương trải dài từ Nam Cực đến Bắc Mỹ sở hữu một trong những hệ sinh thái biển đa dạng sinh học nhất thế giới và là một trong những ngư trường phong phú nhất. Những yếu tố này đã thu hút các tàu đánh cá từ bên ngoài châu Mỹ Latin, dẫn đến việc đánh bắt bất hợp pháp.
Các đội tàu đánh cá lớn của Trung Quốc với khả năng bám biển hàng tháng trời đã đánh bắt trong vùng biển quốc tế ở khu vực này, dẫn đến tranh chấp với các chính quyền địa phương. Họ khẳng định tàu đánh cá Trung Quốc đang đánh bắt quá mức và làm tổn hại đến ngành cá địa phương, vốn không có khả năng cạnh tranh với tàu nước ngoài.
Tàu hàng lạnh Trung Quốc Fu Yuan Yu Leng 999 đã bị chặn lại trong khu bảo tồn biển Galápagos năm 2017. Trên tàu này có khoảng 300 tấn cá, chủ yếu là cá mập, bao gồm cả các loài được bảo vệ. Ảnh: Vườn quốc gia Galápagos.
Hoạt động đánh bắt cá của Trung Quốc lần đầu thu hút sự chú ý của Ecuador vào năm 2017, khi hải quân nước này bắt giữ tàu cá Fu Yuan Yu Leng 999 của Trung Quốc trong khu bảo tồn biển Galápagos - một di sản được UNESCO công nhận. Bên trong tàu này là 6.000 con cá mập đông lạnh - bao gồm cả những loài có nguy cơ tuyệt chủng như cá mập đầu búa và cá mập voi.
Trong khi đó, kể từ năm 2018, hàng trăm tàu đánh cá đã đi qua vùng biển của Argentina, che giấu vị trí để thực hiện những hành vi được cho là đánh bắt bất hợp pháp, theo Business Insider.
Trong khoảng thời gian 1/1/2018-25/4/2021, hơn 800 tàu đã dành 900.000 giờ để đánh cá trong phạm vi 20 hải lý giữa vùng đặc quyền kinh tế của Argentina và vùng biển quốc tế. Trong đó, 69% hoạt động có thể nhìn thấy được thực hiện bởi hơn 400 tàu cá gắn cờ Trung Quốc, theo phân tích của OCEANA - một tổ chức phi lợi nhuận về bảo tồn đại dương.
Đáng lo ngại hơn, OCEANA đã phát hiện nhiều tàu có thể đã vô hiệu hóa thiết bị theo dõi tự động để thực hiện hành vi đánh bắt bất hợp pháp.
Những con tàu này đã “tàng hình” trong hơn 600.000 giờ. 2/3 số tàu “bóng đêm” này là tàu câu mực mang cờ Trung Quốc, OCEANA cho biết.
Hầu hết tàu "bóng đêm" tắt thiết bị nhận dạng AIS từ 1-4 ngày và biến mất khi cách ranh giới vùng đặc quyền kinh tế của Argentina khoảng 5 hải lý.
Châm ngòi làn sóng phẫn nộ
Hàng trăm tàu cá Trung Quốc hoạt động tại vùng biển Nam Mỹ đã châm ngòi làn sóng phẫn nộ của người dân địa phương. Giới chuyên gia cũng cảnh báo đội tàu này có thể khai thác kiệt quệ tài nguyên trong khu vực.
Mực Humboldt là một trong những loài sinh vật biển giàu giá trị dinh dưỡng nhất ở bờ biển phía tây nam của Nam Mỹ. Tuy nhiên, các nhà sinh vật học cho biết loài mực này đang đối mặt nguy cơ tồn vong nghiêm trọng chưa từng có, nguyên nhân bởi sự bùng nổ của hoạt động đánh cá tại Nam Mỹ, mà Trung Quốc là tác nhân chính.
Một tàu đánh cá mang cờ Trung Quốc ra khơi gần quần đảo Galápagos, nơi có nguồn mực khổng lồ dồi dào, vào tháng 7/2021. Ảnh: Wall Street Journal.
Vào tháng 9/2020, sự xuất hiện của 250 tàu đánh bắt mực biển của Trung Quốc ở ngoài khơi Peru đã khiến ngư dân địa phương phẫn nộ. Đây cũng là đội tàu từng được thấy gần quần đảo Galapagos của Ecuador.
"Đánh bắt cá quá mức có thể gây ra thiệt hại khổng lồ về hệ sinh thái và kinh tế. Peru không thể chấp nhận tổn thất to lớn như thế", Đại sứ quán Mỹ tại Peru nhấn mạnh trong bài đăng trên Twitter.
Cơ quan đại diện ngoại giao Trung Quốc tại Peru lập tức phản pháo trên mạng xã hội, nói nước này rất quan tâm đến bảo vệ môi trường và đại dương, đồng thời "hy vọng dư luận Peru không bị đánh lừa bởi thông tin sai lệch".
Các hội nghề cá Peru từng bày tỏ quan ngại đội tàu Trung Quốc đánh bắt mực biển quá mức sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng đến nền kinh tế địa phương. Mực biển chiếm gần 43% tổng xuất khẩu hải sản ở nước này.
"Việc các tàu cá chủ yếu từ Trung Quốc đến vùng biển này mỗi năm, cắm chốt ngay rìa phạm vi 200 hải lý ngoài khơi Peru để khai thác nguồn tài nguyên này, là một bí mật mà ai cũng biết", Cayetana Aljovin, Chủ tịch Hội Nghề cá Quốc gia, khẳng định.
Cũng vào năm 2020, sĩ quan tuần duyên Peru đã bắt giữ một con tàu đang hoạt động tại vùng biển cách đất liền khoảng 100 hải lý. Họ sửng sốt khi phát hiện bên trong lưới đánh cá được giấu dưới sàn tàu, 4 con cá heo và 6 con cá mập. Tại Peru, đánh bắt và buôn bán thịt cá heo là bất hợp pháp.
"Nhiều năm trước, chúng tôi đánh cá gần bờ thôi. Nhưng giờ chúng tôi phải đi xa thế này. Nếu chỉ ở gần bờ, chúng tôi sẽ chẳng đánh bắt được gì hết. Không chỉ có tàu câu mực của Trung Quốc, còn có tàu đánh bắt cá ngừ từ các nước khác, họ tới và phá cần câu cơm của chúng tôi", Juan Ramos, một ngư dân Peru, cho biết khi bị bắt tại vùng biển cách đất liền khoảng 100 hải lý.
Ngư dân 52 tuổi nói các tàu cá quy mô nhỏ không thể cạnh tranh với những đội tàu lớn của nước ngoài.
"Vấn đề lớn ở Peru là chúng tôi không có công nghệ. Các đội tàu nước ngoài có tàu chế biến, họ có thể đi đến bất cứ đâu, bắt hàng tấn cá, và rời đi", ông Ramos nói vào năm 2020.
Hoạt động khai thác của đội tàu Trung Quốc ở vùng biển Nam Mỹ làm suy kiệt nguồn tài nguyên biển của các quốc gia này. Các quốc gia Nam Mỹ cho rằng các hạm đội này là một thách thức đối với an ninh kinh tế và môi trường của họ, nhưng hải quân của họ thường thiếu nguồn lực để giám sát và tuần tra hiệu quả vùng biển của mình.