(Baonghean) - Mỗi lần về quê, ngồi trước biển (dĩ nhiên là biển Cửa Lò chứ không là bãi biển Sochi xa xôi bên nước Nga), tôi lại bất giác nhớ đến cái “mùa hạ cay đắng” năm xưa của “ông đồ Nghệ” Nguyễn Huy Hoàng, và câu chuyện tìm con trong mòn mỏi, váng tận trời xanh của ông suốt hơn hai mươi năm qua nơi ngút ngàn xứ tuyết…
Ngút ngàn “tóc bạc nỗi thương con”
Tôi được gặp Nguyễn Huy Hoàng vào lúc ông đã ở vào độ tuổi mà tóc có bạc, âu cũng là lẽ thường. Nhưng người ta bảo, mà ông cũng cho hay, tóc ông bạc từ tận hơn hai mươi năm trước, chỉ trong vòng một tuần (cũng như vợ ông đã gầy rộc tới mức chỉ còn 36kg, chỉ trong chừng ấy giờ đồng hồ và sau đó là nằm liệt giường suốt ba năm). Ấy là lúc hai kẻ mất con hồn xiêu phách lạc đảo từng lớp sóng, lật từng bờ cây búi cỏ khản giọng tìm con trong suốt 6 tháng trời ở Sochi và cả trong suốt hơn hai chục năm sau đó.
Tổ ấm nhỏ tại Nga của nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng trước khi mất đi cô con gái lớn. |
Quỳnh Nga - đứa con gái đầu lòng xinh xắn, giỏi giang, là nữ sinh ưu tú của trường Phổ thông 222 nổi tiếng Moscow, sang Nga năm 9 tuổi trong tình trạng một chữ tiếng Nga cũng không biết, nhưng chỉ sau hơn 2 năm, đã kịp trở thành học sinh xuất sắc của trường – điều chưa từng có tiền lệ trong lịch sử trường 222 khiến cô Hiệu trưởng phải thốt lên: “Các em học sinh người Nga, các em hãy nhìn Quỳnh Nga và hãy xấu hổ vì mình đã thua cô bé người Việt Nam nhỏ bé nhưng đầy ý chí này…”.
Vậy mà, niềm tự hào bé nhỏ ấy đã vụt biến mất, không một dấu vết, ngay trên bãi biển nghỉ mát nổi tiếng của Nga vào cái “mùa hạ cay đắng” 1993, chỉ trong một tích tắc sơ sểnh của người lớn: vợ chồng người bạn (được nhờ dẫn cháu Nga đi cùng), xuống biển tắm, để lại đứa trẻ 13 tuổi trên bờ với một người đàn bà Nga lạ mặt, và khi lên bờ thì không thấy cả hai đâu nữa. Đau xót cho Hoàng và vợ ông, là chuyến nghỉ mát ấy của Nga lại chính là món quà mà vợ chồng ông muốn dành tặng cô con gái cưng vì thành tích học tập quá đỗi xuất sắc của cháu, nhưng chỉ vì đang vướng làm luận văn tiến sĩ mà họ đành gửi con cho bạn để giữ đúng lời hứa với con. Một lời hứa không ngờ được làm bằng nước mắt và nỗi ám ảnh khôn nguôi suốt một đời người ngút ngàn “tóc bạc nỗi thương con”. Và cũng là cả thương mình…
Bìa sách “Canh ngọn đèn đợi sáng” - tên tập thơ gói trọn cuộc đời cay đắng của người cha mất con. |
“Vịn câu thơ mà đứng dậy”
Đến giờ này thì ai cũng gọi Nguyễn Huy Hoàng là nhà thơ, vì riêng thơ, ông đã in tới 10 tập, chưa kể nhiều tập truyện, ký, chuyên luận… khác. Thơ của ông thực ra không đủ để định hình một phong cách, nhưng lại có những câu thơ hay đến lặng người, không hẳn bởi câu chữ, mà là bởi cái xúc cảm quặn lòng trong đó:
- Đã chớm lạnh cơn mưa đầu tháng Chín
Gió thay chiều, đổi hướng những rừng cây
Rồi băng giá sẽ phủ đầy sông vắng
Con ở đâu trên cõi nước Nga này?
- Ba không tị với người ta
Nhà mình phúc mỏng mới ra thế này
Ai mơ viên mãn, đủ đầy
Ba cam phận bạc, trông ngày gặp con
- Bỗng trong mưa bụi trắng trời
Tiếng ai nhắn gọi, hay lời tháng năm
Dặm về, nẻo vắng xa xăm
Chiều đông thấm mỏi bước chân độc hành
- Một năm là bao ngày
Hai chục năm đêm trắng
Nước mắt rơi bao lần
Giữa canh trường quạnh vắng
Mong con được bình yên
Mơ con ngày sum họp
Ba chờ con hết đời
Trên đất người trọn kiếp
Con ơi, đêm dài lắm
Trời đất rộng vô cùng
Chỉ có đêm mới tỏ
Lòng ba dành cho con...
Phải, không thể khác, đó chính là những câu thơ ông viết về con mình, đứa con gái từ hơn hai mươi năm nay đã là nỗi ám ảnh khôn dứt và lớn nhất của đời ông, mà nói như nhà phê bình Văn Giá là “tình cha con trong Nguyễn Huy Hoàng thật thống khổ và vĩ đại!”. Và đó cũng chính là cách ông “vịn câu thơ mà đứng dậy”. Để chờ con.
“Tôi đã cố gắng hết sức, đã đi khắp bốn phương, đã ngửa mặt cầu xin khắp chốn, đã chấp nhận một cuộc sống chật vật, đã chịu biết bao nhiêu điều đắng cay mà bút giấy không thể nào tả xiết. Khi mọi thứ đã không ở trong bàn tay mình, tôi chỉ biết phó thác cho mệnh số và treo mảnh lòng xót thương của mình vào chiếc đinh hi vọng…” – 20 năm cuộc đời thâu về trong một câu nói, vì thế mà cũng chất chứa trĩu nặng biết bao nhiêu.
Và “chiếc đinh hy vọng” ấy lại cũng là một câu chuyện được nhiều người biết đến, là lý do đã giữ chân gã nhà thơ nghèo kiết xác lại đất Nga (Nghe hồn ngọn gió tha phương/Xõa lay mái tóc điểm sương quê người) trong suốt bao nhiêu năm trời qua, cùng trang web tìm kiếm con bằng 9 thứ tiếng. Bởi nó liên quan đến một cái tên nổi tiếng: Baba Vanga, nhà tiên tri mù người Bulgaria, chính là người đã tiên đoán được Đại chiến Thế chiến II, thảm họa tàu ngầm nguyên tử Kursk tại Nga và sự kiện 11/9 tại Mỹ… Thông qua sự giúp đỡ của một người bạn tốt (là nữ đồng nghiệp người Bulgaria cùng giảng dạy với Nguyễn Huy Hoàng tại trường ĐH Lomonosov, chơi thân với trợ lý của bà Vanga) mà người cha mất con đã có được một cơ hội diện kiến hiếm hoi với nhà tiên tri (nghe nói thường chỉ dành cơ hội đó cho các nguyên thủ quốc gia). Nhưng rồi cuộc đời thêm lần nữa lại đùa dai với Nguyễn Huy Hoàng chỉ vì một lỗi hành chính hết sức ngớ ngẩn của nhân viên đại sứ quán Bulgaria tại Nga: visa thiếu đi con dấu cần có.
Dẫu vậy mặc lòng, cơ hội quý giá buột khỏi tay vẫn không khiến người cha kiên cường ấy và người bạn tốt của ông nản chí. Bằng một nỗ lực kết nối khác, họ lại may mắn được nhà tiên tri dành cho cơ hội tiếp theo: Hãy gửi đến cho bà những viên đường đã được người cha truyền năng lượng của mình vào đấy. Và khi ba viên đường được hun nóng bởi tình thương cháy bỏng của người cha đến được tay nhà tiên tri và lại tiếp tục nhận được một nguồn năng lượng khác từ bà, thì lời “sấm truyền” đã tiếp tục đóng lên cuộc đời Hoàng “chiếc đinh của hy vọng”: “Ta không thể nói cho anh biết anh sẽ tìm được con gái của anh như thế nào nhưng con bé vẫn còn sống. Và vợ chồng anh sẽ gặp lại con bé ở nước Nga…”.
Ừ, thì tin! Chỉ là, khó thay, khi đã hơn 20 năm vụt bay như “bóng câu qua cửa sổ”, kể từ cái “mùa hạ cay đắng” ấy, và cũng suýt soát 20 năm kể từ ngày “chiếc đinh của hy vọng” được treo lên bởi nhà tiên tri và trở thành nỗi đợi chờ mòn mỏi không chỉ của Hoàng mà còn cả toàn thể cộng đồng người Việt tại Nga cũng như bất kỳ ai biết chuyện của ông. Số phận quả đã đùa dai một cách vô duyên nhất có thể với một người tốt và cái câu “ở hiền gặp lành”. Nhưng đằng sau cái vẻ ráo hoảnh đến nhẫn tâm kia của nó, vẫn còn đó một gương mặt treo đầy nước mắt mà cũng ngời ngợi đức tin và niềm hy vọng sắt đá đến kiên cường – hẳn là “đặc sản tinh thần” ở một “ông đồ Nghệ”:
“Đạo nhà ăn ở hiền lương
Gió sương sẽ tạnh, đoạn trường sẽ qua
Rồi điều rủi hạn phôi pha
Phúc đâu, phận đấy, con xa lại về…”
Nguyên Lê
Số phận quả đã đùa dai một cách vô duyên nhất có thể với một người tốt và cái câu “ở hiền gặp lành”. Nhưng đằng sau cái vẻ ráo hoảnh đến nhẫn tâm kia của nó, vẫn còn đó một gương mặt treo đầy nước mắt mà cũng ngời ngợi đức tin và niềm hy vọng sắt đá đến kiên cường – hẳn là “đặc sản tinh thần” ở một “ông đồ Nghệ”… |
_________________
* Tên một vở kịch của Nguyễn Quang Lập.
Nguồn baonghean.vn
http://baonghean.vn/nghe-an-dat-va-nguoi/201507/mua-ha-cay-dang-cua-nguyen-huy-hoang-619938/