Sau lễ dâng hương tưởng nhớ nhà văn Nguyễn Đình Lạp, nhà thơ Hữu Thỉnh – Chủ tịch UBTQ Liên hiệp các Hội VHNT VN, Chủ tịch Hội Nhà văn VN phát biểu khai mạc.
Trong đó ông đánh giá cao sự đóng góp cả về tài năng, trí tuệ và tuổi trẻ của nhà văn đối với sự nghiệp cách mạng và nền văn học Việt Nam.
Nhà phê bình Ngô Thảo nhớ lại thời sinh viên của mình: “Tôi biết đến ông khi làm luận văn tốt nghiệp năm thứ 3 khoa Ngữ văn (ĐH Tổng hợp), lúc ấy ông mới mất có 10 năm mà tôi ngỡ ông như một người thiên cổ. Mọi thông tin về ông là một con số 0, ngoài chính cái tên. 50 năm sau, chúng ta kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông, tôi lại thấy ông là một người gần gũi, thân quen, gần như ruột thịt. Người đó là Nguyễn Đình Lạp, một nhà văn Hà Nội với nguyên nghĩa đẹp nhất của từ này. Trong đời sống văn nghệ cách mạng, Nguyễn Đình Lạp là mọt cái tên nhiều người biết đến trong giới cầm bút Hà Nội. Một vài năm trước Cách mạng, khi làm quen với một số nhà văn của Văn hóa Cứu quốc, trong đó có Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Đình Lạp đã tích cực tham gia hoạt động. Trong Hội nghị tuyên truyền toàn quốc lần thứ ba (tổ chức từ 19 đến 22/6/1948), thay mặt đại biểu văn nghệ quân đội Liên khu IV, Nguyễn Đình Lạp phát biểu về văn nghệ và tuyên truyền. Trong đó lần đầu tiên ông nếu khái niệm Văn nghệ quân đội để góp ý kiến vào việc đề cao hoạt đông văn học nghệ thuật trong bộ đội…”
GS. Phong Lê đọc tham luận “Nguyễn Đình Lạp trong trào lưu văn học hiện thực thời 1941 - 1945”, GS đánh giá: “Đặc sắc và đóng góp của Nguyễn Đình Lạp đó là sự chuyên tâm hoặc chuyên canh cho thể loại phóng sự - tiểu thuyết, hoặc tiểu thuyết – phóng sự. Là sự kết hợp giữa sự thật của phóng sự và hư cấu của tiểu thuyết mà không gây nên cảm giác giả hoặc gượng, qua đó đem lại cho trào lưu hiện thực trước 1945 hai tác phẩm kết nối nhau trên sự khai thác chất liệu chính là đời sống tầng lớp dân nghèo ngoại ô Bạch Mai – nơi sinh của tác giả. Hai tác phẩm mà ngay tên gọi đã gần như ôm trọn nội dung: Ngoại ô và Ngõ hẻm… Sau 1945, Nguyễn Đình Lạp tham gia công tác đào tạo cho các khóa huấn luyện văn hóa kháng chiến ở vùng tự do khu Bốn cũ. Rồi trở về hoạt động bí mật ở Hà Nội bị tạm chiếm. Mất ở tuổi 39, ông còn kịp viết một tập sách mỏng Chiếc va ly và một vài bản thảo phóng sự.”
Nhà văn Vũ Tú Nam kể lại những ngày được sống, công tác cùng nhà văn Nguyễn Đình Lạp, đặc biệt là những chuyến đi thực tế cùng nhau. Với cương vị nhà văn lớp sau, ông bày tỏ lòng biết ơn đối với nhà văn đàn anh: “Tôi thật vinh dự được dấn thân trên đường dài văn học cách mạng cùng nhà văn Nguyễn Đình Lạp. Anh đã ngã xuống giữa chặng đường. Còn tôi đến nay vẫn nhẫn nại bước đi, đi tiếp…”
Nhà văn Lê Thị Đức Hạnh trình bày bài viết “Văn chương và nhân cách” (VanVN.Net sẽ đăng toàn văn bài viết này.)
Nhà văn Hoàng Minh Châu xúc động nhắc đến những kỷ niệm sâu sắc với Nguyễn Đình Lạp: Sau vụ cháy nhà, tủ sách đồ sộ của gia đình ông chỉ còn sót lại cuốn “Ngõ hẻm”, lúc đó được coi là thứ tài sản còn lại giá trị nhất; những ngày học lớp văn hóa kháng chiến do nhà văn Nguyễn Đình Lạp đứng lớp, tuy thời gian rất ngắn nhưng để lại nhiều ấn tượng trong thế hệ nhà văn Hoàng Minh Châu.
Trong tùy bút của nhà giáo Phạm Tá, hình ảnh nhà văn Nguyễn Đình Lạp được khắc họa: “Những gì thuộc về ông ở trong tôi là “Ký ức một thời và mãi mãi” đồng hành cùng tôi suốt đời. Tôi nhìn nhận ông là “Một người chân chính”, một nhà văn chiến sỹ. Tôi ước ao một nhà văn gốc Hà Nội viết về Hà Nội, một nhà văn tiền chiến sớm nhất tham gia quân đội, sống và chiến đấu trên mặt trận văn hóa như bao chiến sỹ anh hùng sẽ được ghi danh.”
Bà Nguyễn Ngọc Trâm – trưởng nữ của nhà văn Nguyễn Đình Lạp thay mặt gia đình phát biểu cảm ơn Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh người cha kính yêu của mình. Bà Trâm cho biết thêm: “Cha tôi mất năm 1952, khi đó tôi 11 còn em trai tôi mới 9 tuổi, nhưng kỷ niệm về niệm về những năm tháng đầm ấm của gia đình vẫn luôn còn lại mãi trong tâm trí chúng tôi.”
Toàn cảnh buổi Lễ kỷ niệm 100 năm sinh nhà văn Nguyễn Đình Lạp
Theo Hội nhà văn Việt Nam