Ảnh nguồn - Internet
Giây phút ấy sững sờ
giây phút ấy thiêng liêng
khi bắt gặp dòng chữ chi tên bạn:
Liệt sĩ
Nguyễn Thị Liên...
Hy sinh...
Nét chữ đỏ
trang nghiêm
tạc vào bia đá
như tạc vào lòng Đất nước
bạn ơi!
Tôi không nói được nên lời
ngọn gió Trường Sơn nghiêng về tưởng nhớ
mùi hương bay đâu đó
như hương lúa chín quê mình
kết dâng trên đồi bạn nghỉ
Tôi mang nhành phượng vĩ
đặt tên –
nhành hoa mùa hè
bạn đã làm thơ tặng
thân yêu mái trường
lấp lánh tuổi học trò
kỷ niệm
có bàn tay bạn trát vách, đào hầm
có bàn tay chúng tôi xoắn từng múi lạt
có tiếng bạn bè hát
trong từng loạt bom gầm...
Xa nhau
khoảng thời gian chưa một lần gặp mặt
không lá thư đi – về
tôi chẳng quên đâu giọng cười của bạn
giọng cười đem cái thương, cái mến
chia đều cho mỗi chúng tôi.
Bom giặc Mỹ rơi trúng lớp học mình nơi sơ tán
bạn lặng im đi nhặt từng quyển vở
nhặt từng bài giảng văn, đại số
lỗ chỗ vết bom bi
bạn cùng chúng tôi khóc tiễn Dực ra đi
vòng hoa trên mộ người bạn ấy
có mấy nhành phượng đỏ
cháy lên
trước một mùa thi!
Ngày bom Mỹ giết mẹ tôi
sao quên được những lời bạn nói:
Ước chi chia với Quý nỗi đau này
một nửa...
Liên ơi!
giấy trắng bạn dành cho tôi một nửa
cứ nhường nhau chiếc nón chiều mưa
và nhỏ nhoi mảnh vá
đặt ấm lành trên vai
để cho tôi mỗi dặm ngắn dài
nhớ đôi bàn tay ấy...
*
Tuổi học trò ơi về giữa sáng mai nay
một giọng cười, một lời quen sống dậy
trái tim chở bao ước mơ còn đấy
đất nhân từ trổ ngát hương bay
Tôi tìm trong sắc lá hồn cây
những vần thơ như lời đất nhắn gửi
như lòng tôi từ nơi này bay tới
những con đường bạn đã đi qua
Con đường nào tiễn bạn đi xa
trên trọng điểm vừa tròn mười tám tuổi
cái dáng nhỏ nhoi trong mịt mù lửa khói
cũng thân quen như cái dáng học trò
đất nghĩa trang lên thắm sắc cờ
nắng ban mai vàng thơm vở mới
tên thân thuộc bạn bè thường gọi
mãi tạc vào Đất nước xanh tươi!
Ảnh nguồn - Internet
Viết thêm:
Năm 1977, tôi đến Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn lần đầu tiên và bất ngờ gặp được phần mộ Nguyễn Thị Liên. Chúng tôi xa nhau có lẽ đã đến 6 năm và khi gặp lại thì hai người đã ở hai nẻo âm dương khác nhau.
Liên là bạn gái cùng quê Thanh Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình và là người cùng học với tôi cấp 1, cấp 2. Học xong lớp 7 năm 1970 Liên nhập ngũ vào Đoàn 559 – bộ đội Trường Sơn. Một năm sau, 1971 bạn tôi – Nguyễn Thị Liên đã hy sinh khi tuổi đời chưa đến hai mươi.
Xót xa thay, có hàng nghìn cô gái trẻ như bạn tôi đã ngã xuống trong cuộc chiến tranh khốc liệt chống giặc Mỹ. Trong vạn dặm Trường Sơn có một phần xương máu của người bạn gái vô cùng thương mến của tôi.
(Hết chương 7 - Chương 8: Biển ở Trường Sơn và điệp khúc trở về)
Tin liên quan:
VẠN LÝ TRƯỜNG SƠN: Chương 6: NHẬT KÝ (Thơ Nguyễn Hữu Quý)
http://nguoixunghekiev.vn/serviceView_323_361_14623.html
VẠN LÝ TRƯỜNG SƠN: Chương 5: TRÒ CHUYỆN VỚI RỪNG (Thơ Nguyễn Hữu Quý)
http://nguoixunghekiev.vn/serviceView_323_361_14521.html
VẠN LÝ TRƯỜNG SƠN: Chương 4: HỒI ỨC CỦA LỬA (Thơ Nguyễn Hữu Quý)
http://nguoixunghekiev.vn/serviceView_323_361_14413.html
VẠN LÝ TRƯỜNG SƠN: Chương 3 - NHỮNG NGƯỜI LÍNH MẶC ÁO BÀ BA
- Thơ Nguyễn Hữu Quý
http://nguoixunghekiev.vn/serviceView_323_361_14251.html
VẠN LÝ TRƯỜNG SƠN: Chương 2 - KHAI SINH - Thơ Nguyễn Hữu Quý
http://nguoixunghekiev.vn/serviceView_323_361_14180.html
VẠN LÝ TRƯỜNG SƠN - Thơ Nguyễn Hữu Quý
http://nguoixunghekiev.vn/serviceView_323_361_14110.html
TÂM SỰ - Thơ Nguyễn Hữu Quý
http://nguoixunghekiev.vn/serviceView_323_333_13831.html
|