Mưa Sài Gòn bất trợt đến rồi đi, không giống như ở miền Trung quê tôi, mưa dầm dề, mưa từ ngày này sang ngày khác. Mưa Sài Gòn, dẫu vậy, vẫn khiến tôi nhớ đến đĩa bánh mướt hun hút khói. Nhớ đến nao lòng.
Cái tên bánh nghe thật lạ tai. Có lẽ không nơi đâu có bánh mướt, ngoại trừ quê tôi. Nó được xem là món ăn đặc trưng của người dân Nghệ - Tĩnh. Thoạt nhìn, bánh mướt quê tôi giống với bánh cuốn miền Bắc và bánh ướt miền Nam. Nhưng ở bánh mướt có những nét riêng không trộn lẫn vào đâu được.
Tôi không biết bánh mướt quê tôi có từ bao giờ, chỉ biết rằng đó là món ăn sáng thường trực của người dân quê nghèo, lam lũ. Đặc biệt, vào những ngày mưa gió kéo dài lê thê, món bánh ấy trở thành món ăn chính cho mọi gia đình. Trời mưa, có một đĩa bánh mướt trắng muốt bốc khói, sực nức mùi hành tăm được phi thơm, vàng ruộm, ăn kèm chén nước mắm thì còn gì thích thú bằng. Siêng thì tự đổ bánh, còn không thì mua bánh ở chợ.
Mỗi lần mẹ tôi đi chợ về, bao giờ trong làn cũng phải kèm một chục bánh mướt gói trong miếng lá chuối xanh um, thơm ngào ngạt.
Đó cũng là món quà quê một thời đói khổ mà bất kỳ đứa trẻ nào cũng háo hức chờ đợi. Bánh mướt quê tôi bây giờ không chỉ là bữa ăn sáng mà còn được dùng làm bữa ăn chính trong những ngày đám đình, giỗ chạp hay có khách tới chơi nhà.
Bánh được ăn kèm với nhiều thứ: Thịt nướng, lòng heo, chả giò, hay tô thịt chó. Nếu không thì có thể ăn chung với nước sốt cà chua kèm thịt luộc cũng rất ngon... Bánh còn được cho thêm thịt heo, giá, nấm mèo vào làm nhân. Khác với ngày trước chỉ là chiếc bánh trắng có rưới một lớp hành phi lên trên, thêm một chén nước mắm chanh, tỏi, ớt là đã thú vị rồi.
Nhưng tôi lại thích ăn bánh mướt chấm mắm tôm hơn. Cái mùi vị của mắm tôm đối với nhiều người không mấy thiện cảm, nhưng mà tôi vẫn "khoái" mới lạ. Có vẻ với tôi lúc này, có một đĩa bánh mướt chấm chút mắm tôm, cho vào miệng nhấm nháp thì thật là hết ý.
Mẹ tôi thường nói, mắm tôm phải cho nhiều nước cốt chanh, thêm ớt xắt lát mỏng, một chút bột ngọt, đường rồi đánh mạnh cho nó bọt ăn mới ngon. Vị mằn mặn của mắm tôm cộng với vị chua chua của chanh, mùi thơm ngào ngạt của hành tăm phi và độ dai dai mà vẫn mềm mại, béo ngậy của miếng bánh mướt khiến người ta không thể quên được. Tất cả như được hòa quyện để rồi tan ra trên đầu lưỡi. Nghĩ đến đã thấy nôn nao.
Nguyên liệu làm bánh mướt đơn giản nhưng cách làm hơi cầu kỳ một chút. Thực ra làm bánh mướt không khó nhưng đòi hỏi sự kiên trì. Bột làm bánh phải được làm từ gạo tẻ, đem ngâm nước trong nhiều giờ liền sau đó mới mang đi xay nhuyễn. Ngày trước, khi đời sống còn vất vả, muốn xay bột làm bánh phải xay bằng cối đá. Nhớ ngày đó, mỗi lần thèm bánh, cả nhà tôi lại xúm xít đâm đâm, giã giã bột đến mệt lả người. Khi những chiếc bánh hoàn thành thấy lòng mình cũng xao xuyến một cảm giác khó tả.
Chính vì thế, những người làm nghề bán bánh mướt thường phải thức khuya dậy sớm để đổ bánh cho kịp đi chợ. Còn ngày nay, khi đời sống phát triển hơn thì cối đá ít còn ai sử dụng nữa. Người ta xay bằng máy móc hiện đại, vừa đỡ tốn thời gian mà bột cũng nhuyễn hơn. Bột sau khi xay xong, muốn được ngon thì phải lắng tiếp trong khoảng 2 giờ nữa, có như thế, khi tráng, bánh mới phồng lên và có độ dai dai, mịn mịn. Bí quyết có đĩa bánh mướt ngon nằm ở cách người ta ngâm hay ủ bột.
|
Nguồn ảnh: NLĐ |
Bột sau khi đã đạt yêu cầu thì mới đem đi tráng. Đầu tiên, người làm bánh sẽ cho thật nhiều nước vào xoong. Trên miệng xoong, bọc kỹ một lớp vải lụa mỏng màu trắng. Bắc xoong lên bếp đun sôi. Khi nước sôi, múc một muỗng bột vừa phải tráng đều lên trên tấm vải, phải đều tay cán bột thành một lớp mỏng. Giai đoạn này đòi hỏi sự khéo léo rất cao của người làm bánh nếu không bánh sẽ quá dày, không chín hay bị nhão không cuộn lại được. Lửa phải lớn, đều, vì thế, người làm bánh thường sử dụng bếp củi để tiếp kiệm hơn.
Hơi nước bốc lên xuyên qua tấm vải sẽ làm bánh chín chỉ sau 2 - 3 phút. Để cuộn tròn bánh lại thì cần một chiếc đũa dài, có bản rộng bằng ngón tay cái (quê tôi gọi là đũa bếp), cuốn từ từ như cuộn trứng chiên. Sau đó lấy ra xếp vào một cái rổ lớn có lót sẵn lá chuối tươi, cứ một lớp bánh thì rưới một lớp hành tăm đã phi sẵn lên trên mặt bánh.
Cách phi hành không có gì đặc biệt, nhưng phải chú ý làm sao đừng để hành cháy, nếu không bánh sẽ đắng. Bánh phải có mỡ hành thì mới dậy mùi thơm. Nếu không có hành tăm thì có thể sử dụng hành tím, nhưng với người dân Nghệ - Tĩnh, bánh mướt phải có hành tăm mới gọi là bánh mướt.
Đến bây giờ, mỗi lần có dịp về quê, món đầu tiên mẹ thường "đãi" chị em tôi vẫn là bánh mướt lòng heo. Chuyện đó đã trở thành một thói quen cố hữu rồi. Quê tôi, thị trấn Nam Đàn là nơi nổi tiếng về món bánh này. Nơi đó, có những làng bánh mướt rất nổi tiếng, nhiều gia đình còn lấy đó làm nghề gia truyền. Vì bánh mướt được làm từ bột gạo nên chỉ để được trong ngày, không mang đi xa được. Có lẽ vì thế mà ngoại trừ người dân Nghệ - Tĩnh ra, có rất ít người biết đến món bánh này. Thấy nhớ nhà, nhớ món bánh mướt nhưng không đâu ở Sài Gòn này tìm được món bánh đặc trưng như thế.
Trời đổ mưa như trút. Tôi vẫn chộn rộn một cảm giác thèm thuồng đến lạ, đâu đó như văng vẳng câu hát dân quê...
Ai về chợ huyện Sa Nam
Nhớ ăn bánh mướt cô nàng đong đưa
Ăn năm cái bánh no vừa
Ăn mười chiếc bánh no cả trưa lẫn chiều
Ăn rồi anh ngỏ lời yêu
Cô nàng cắp thúng mà theo anh về...