Con ốc bươu, ốc lát nơi bờ kênh, ao đầm tuy dân dã, nhưng qua bàn tay khéo léo của người đầu bếp đã trở thành nhiều món ngon hấp dẫn không thua gì sơn hào hải vị. Chẳng hạn như ốc luộc mẻ, ốc nấu tiêu, ốc hấp lá cách,… Gần đây một số nhà hàng đặc sản ở miền Tây đã biến tấu thịt ốc thành món chạo ốc vừa ngon, vừa lạ miệng.
Món chạo ốc đã nướng chín.
Cách làm món chạo ốc cũng giống như chạo tôm, chạo cá nhưng nguyên liệu chính là thịt ốc. Trước hết người thực hiện phải chọn cho được loại ốc bươu đen (tuyệt đối không dùng ốc bươu vàng) đem về ngâm với nước ớt hoặc nước cơm vo độ 30 phút cho nhả hết chất bùn dơ trước khi luộc. Sau đó móc lấy thịt, chỉ lấy phần đầu của con ốc, xong trộn chung với thịt heo (ba rọi), nấm mèo băm nhuyễn cùng các loại gia vị như đường, bột ngọt, muối, nước mắm, tiêu, hành, sả, tỏi, ớt… cho thấm đều. Ai thích cầu kỳ có thể thêm thịt cá thát lác vào chạo để tăng thêm mùi vị đậm đà.
Xong, chúng ta dùng tay nắn hỗn hợp trên vào một đầu cọng sả dài chừng 15 cm theo hình trái cà na. Nắn xong đặt từng que chạo lên vỉ nướng trên bếp than hồng cho đến khi chạo ửng vàng, thơm nức mũi là đã chín (Chạo ốc cũng có thể làm chín bằng cách chiên dầu, nhưng ngon nhất vẫn là nướng). Muốn ngon hơn nữa chúng ta dùng mỡ chài thoa lên thịt ốc trước khi nướng để tăng vị thơm. Chính mùi sả sẽ giúp cho thịt ốc trở nên thơm ngon. Chạo ốc nên ăn lúc còn nóng. Ngoài ra cũng có thể để tủ đông ăn được nhiều ngày.
Món chạo ốc thơm ngon, khoái khẩu là nhờ chế biến công phu và không kém phần tinh tế. Đây vừa là món khai vị vừa là món để bạn bè cùng nhâm nhi khi có tiệc tùng. Khi ăn, chúng ta có thể dùng tay cầm nguyên cọng sả hoặc xắt nhỏ dùng chung với bánh mì kèm thêm các loại rau đồng nội như dưa leo, cà chua, tía tô, mò om, rau răm… Tất cả đều là những hương liệu gần gũi quanh ta rất dễ kiếm. Đặc biệt, rau răm và tía tô là hương liệu đặc trưng giúp cho mùi ốc thăng hoa.
Ốc bươu đen vừa bắt ngoài thiên nhiên.
Ốc bươu đã lễ lấy thịt.