Sri Lanka ngày 12/4 tuyên bố vỡ nợ, sau khi vật lộn với đợt khủng hoảng kinh tế, xã hội xuất phát từ tình trạng thiếu ngoại tệ để nhập khẩu hàng hóa thiết yếu. Các cuộc biểu tình phản đối chính phủ tại nước này nổ ra trong bối cảnh thiếu lương thực, nhiên liệu và mất điện diện rộng.
Một ngày sau tuyên bố vỡ nợ, Bộ trưởng Tài chính Sri Lanka Ali Sabry gặp đại sứ Trung Quốc Thích Chấn Hoành để thảo luận về tình hình kinh tế của quốc đảo Nam Á. Ông Thích cho biết Trung Quốc sẽ luôn hỗ trợ Sri Lanka trong "thời gian thử thách".
Colombo đã yêu cầu Bắc Kinh hỗ trợ gói tín dụng 2,5 tỷ USD, gồm khoản vay 1 tỷ USD để thanh toán nợ đến hạn và hạn mức tín dụng 1,5 tỷ USD để nhập hàng hóa Trung Quốc. Tuy nhiên, Trung Quốc đến nay chưa trả lời cụ thể liệu họ có thể hỗ trợ tài chính cho Sri Lanka hay không.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên khẳng định nước này đang và sẽ làm hết sức mình để giúp Sri Lanka cải thiện điều kiện kinh tế, xã hội, song không nhắc đến đề nghị xin giãn nợ hồi tháng 12/2021 của Colombo.
Ganeshan Wignaraja, chuyên gia tại Đại học Quốc gia Singapore (NUS), cho rằng Bắc Kinh đang đối mặt tình thế "tiến thoái lưỡng nan" với yêu cầu của Colombo. "Trung Quốc không muốn mất tiền", ông nhận định. "Nếu Trung Quốc cung cấp gói cứu trợ đặc biệt cho Sri Lanka, các quốc gia khác gặp khó khăn tương tự trong sáng kiến Vành đai và Con đường cũng sẽ đưa ra yêu cầu tương tự".
Trung Quốc đã thận trọng hơn trong chi tiêu cho các dự án thuộc sáng kiến "Vành đai và Con đường" kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, đồng thời nỗ lực hạn chế các cáo buộc về chính sách "ngoại giao bẫy nợ".
Nhưng Trung Quốc cũng đồng thời chịu sức ép lớn hơn trong tham gia vào nỗ lực quốc tế để hỗ trợ Sri Lanka sau khi nước này tuyên bố vỡ nợ, theo Wignaraja. Colombo đang cử nhiều đoàn đàm phán cấp cao tới Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ở Washington để thảo luận về biện pháp tái cấu trúc nợ hoặc giải cứu Sri Lanka.
Ấn Độ, một chủ nợ lớn của Sri Lanka, đã cam kết hỗ trợ tài chính 2,5 tỷ USD cho quốc đảo, trong đó có 1 tỷ USD tín dụng để nhập khẩu thực phẩm và hàng hóa thiết yếu hồi tháng trước. Nếu không đưa ra cam kết tương tự, Trung Quốc có thể bị suy giảm ảnh hưởng ở Sri Lanka.
Sri Lanka được cho là đã vay Trung Quốc khoảng 1,5-2 tỷ USD trong năm nay. Toàn bộ khoản vay và đầu tư của Trung Quốc vào Sri Lanka trong vài năm qua ước tính hơn 8 tỷ USD, chiếm khoảng 10% số nợ nước ngoài của nước này, bao gồm các dự án cơ sở hạ tầng lớn như cảng Hambantota. Sri Lanka đã phải cho Trung Quốc thuê cảng này trong 99 năm để hoán đổi khoản nợ 1,2 tỷ USD.
Một số nước phương Tây cho rằng Bắc Kinh đang tìm cách sử dụng những dự án lớn như trên để tạo thêm nợ cho các nước nghèo như Sri Lanka, nhằm mở rộng ảnh hưởng địa chính trị. Tuy nhiên, Palitha Kohona, đại sứ Sri Lanka tại Trung Quốc, cho biết nước này không mắc "bẫy nợ" của Trung Quốc. Bắc Kinh cũng bác bỏ các cáo buộc này.
Lâm Mẫn Vượng, giáo sư nghiên cứu Nam Á tại Đại học Phúc Đán, Thượng Hải, cho biết tác động từ đại dịch Covid-19 với nền kinh tế khiến Trung Quốc thận trọng hơn trong việc cấp vốn cho các dự án trong sáng kiến Vành đai và Con đường.
"Bắc Kinh không muốn cộng đồng quốc tế lấy cớ cáo buộc nước này lợi dụng cơ hội cho vay", ông Lâm nhận định. "Nếu muốn lợi dụng các khoản vay để mở rộng ảnh hưởng địa chính trị, Trung Quốc chắc chắn sẽ hỗ trợ Sri Lanka nhiều hơn Ấn Độ".
Tuy nhiên, chuyên gia Wignaraja cho rằng hỗ trợ tài chính cho Sri Lanka sẽ là một cách để Trung Quốc giải quyết cáo buộc "bẫy nợ". "Nếu Bắc Kinh hành xử như một ngân hàng khi Colombo vỡ nợ, các cáo buộc sẽ trở nên tồi tệ hơn và trở thành vấn đề của Trung Quốc".
https://vnexpress.net/trung-quoc-tien-thoai-luong-nan-voi-sri-lanka-4451892.html