Italy, Tây Ban Nha, Đan Mạch, Thụy Điển, Estonia ngày 5/4 đã thông báo trục xuất hàng chục nhà ngoại giao Nga về nước. Cùng với động thái tương tự từ một số nước EU khác, tổng cộng 150 nhà ngoại giao Nga đã nhận lệnh trục xuất trong 48 giờ qua, trong đó Italy trục xuất 30 người, Đan Mạch 15 người, Thụy Điển 3 người, Tây Ban Nha "khoảng 25 người", Estonia 14 người.
Vào cùng ngày, Cao ủy Châu Âu về Chính sách Đối ngoại và An ninh Josep Borrell cho biết, ông đã quyết định sẽ trục xuất một số nhân viên của phái đoàn thường trực của Nga tại EU, theo Sputnik.
Một số vụ trục xuất liên quan tới cáo buộc gián điệp, trong khi một số nước khác giải thích rằng họ thể hiện phản ứng trước việc Ukraine cáo buộc Nga liên quan tới cái chết của các dân thường ở Bucha, ngoại ô Kiev. Nga đã bác bỏ các thông tin này, cáo buộc Ukraine dàn dựng vụ việc để đổ lỗi cho Nga.
Đáp trả động thái của phương Tây, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov chỉ trích rằng các vụ trục xuất là "hành động thiển cận".
"Việc thu hẹp các cơ hội ngoại giao trong một cuộc khủng hoảng chưa từng có như vậy là một động thái thiển cận và sẽ làm phức tạp thêm việc giao tiếp giữa các nước chúng ta, điều vốn cần để có thể tìm ra giải pháp. Và điều này chắc chắn sẽ dẫn tới hành động đáp trả", ông Peskov nói.
Hôm qua, Pháp, Đức đồng loạt tuyên bố trục xuất lần lượt 35 và 40 nhà ngoại giao Nga về nước. Theo thống kê của AFP, số nhà ngoại giao Nga bị các nước EU trục xuất đã lên tới 260 người kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine vào ngày 24/2.