Một ngày mùa hạ...
Mình lên nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, nơi yên nghỉ của hơn 10.000 người lính đã từng sống, chiến đấu, lao động và hy sinh trên con đường Hồ Chí Minh những năm đánh Mỹ, lớp lớp mộ bia trắng toát như những con sóng đã hóa đá làm nao lòng bao người đến viếng đồng đội, người thân... Đây là khu mộ liệt sĩ Hà Nội, kề bên là Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, xa xa là Nghệ An, Hà Tĩnh... rồi Thanh Hóa, Ninh Bình, Nam Định, Hà Nam, Hải Phòng, Quảng Ninh, Cao Bằng, Lạng Sơn... và các tỉnh phía Nam. Không quê hương nào là không có những người con yêu dấu nằm lại ở đây.
Ảnh nguồn - Internet
Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn thông xanh vi vút bốn mùa và hoa phượng đỏ rực rỡ khi mùa hạ tới. Phượng vĩ như những đám cháy đỏ rựng một góc trời. Ve kêu ánh ỏi, dồn dập, lớp lớp, tầng tầng. Chưa có nơi nào tiếng ve lại bồn chồn, xao xác, nóng bỏng đến thế:
Kêu sớm, kêu chiều, kêu cả hoàng hôn
kêu bồ đề xanh, kêu Tượng đài trắng
kêu buốt lá kim trên cây mọc thẳng
tiếng kêu nhức nhức Trường Sơn
Ve kêu mất – còn
tiếng kèn chiêu tập
Ve kêu mỏi mòn
nhắc thời máu ứa
“Về chưa... Về chưa...”
“Về chưa... Về chưa...”
cũng đành nhắc lại
với mồ không tên và mộ có tên!
“Về chưa... Về chưa...”
cũng đành nhắc mãi
gọi hồn rừng sâu thăm thẳm lạnh lùng!
Nén hương cháy lên thành đuốc bùng bùng
ve kêu như lửa trùng trùngngọn sông...
(Tiếng ve ở Nghĩa trang Trường Sơn)
Một ngày mùa thu...
Nằm cạnh đài Tổ quốc ghi công, bên phải là khu mộ liệt sĩ vô danh. Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn có 68 ngôi mộ chưa xác định được tên tuổi quê quán các liệt sĩ. Mấy lần trước đến đây mình chưa thấy ngôi mộ vô danh nào được gắn bia khắc danh tính liệt sĩ. Lần này thì khác, mình đếm kỹ: có 12 ngôi mộ vô danh đã có bia khắc tên tuổi, quê quán người mất. Mình ngồi xuống lặng lẽ thành kính thắp hương, mắt như bị hút vào tên đồng đội khắc trên những tấm bia đá mới được gắn vào. Có một ngôi mộ được khắc hai tấm bia.
Tấm bia đứng ở đầu mộ ghi:
Liệt sĩ
Lê Minh Cống
Quê: Hiền Dũng – Vĩnh Hoà – Vĩnh Linh – Quảng Trị
Sinh năm 1939
Nhập ngũ 26 – 5 – 1965
Cấp bậc: Hạ sĩ – Y tá
Hy sinh: 14 – 9 – 1967 (DL) tại mặt trận phía Nam
Vợ con phụng lập
Tấm bia thứ hai, đặt trên vỏ mộ ghi:
Liệt sĩ
Ngô Trọng Định
Sinh năm 1941
Nhập ngũ 4 – 1963
Quê Hiệp Lục – An Khê – Quỳnh Phụ – Thái Bình.
Những tấm bia này là do thân nhân các liệt sĩ dựng theo lời chỉ dẫn của các “thầy cô” bói mộ hoặc của các nhà ngoại cảm.
Chị Đoàn Thị Hồng, nhân viên quản trang kể: Thân nhân của hai liệt sĩ đã tìm đến đây. Họ thắp hương, đặt lễ và khấn đủ tên hai anh Lê Minh Cống và Ngô Trọng Định. Trời ơi, một người sinh ra ở QuảngTtrị, một người sinh ra ở Thái Bình, ai ngờ sau cuộc chiến tranh tàn khốc cùng khắc tên tuổi trên một nấm mộ xi măng đã sạm màu mưa nắng miền Trung:
Người Quảng Trị
Người Thái Bình
Dưới ba tấc đất cốt hình của ai?
Vô danh ba chục năm dài
Giờ chung một mộ khắc hai tên người!
Đúng?
Sai?
Cỏ chẳng trả lời
Hỏi thông, thông đứng dưới trời vi vu
Đành lòng mượn khói mùa thu
Một người ngả nón ngồi ru hai người...
(Nấm mộ hai bia).
Một ngày mùa hạ khác...
Đồ Sơn. Trại viết Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Đã qua hai phần ba thời gian dự trại, thế mà chưa viết được gì. Nóng ruột quá. Thực lòng mà nói mình rất muốn viết được một cái gì đó về chiến tranh, về sự hi sinh không kể xiết của người lính. Là một người lính Trường Sơn, mình luôn bị ám ảnh về đồng đội – những người đã ngã xuống trên con đường huyền thoại rất nổi tiếng đó.
Thêm một đêm ở trại viết. Chẳng hiểu sao trằn trọc, bồn chồn không nhắm mắt được. Đồng hồ đã chỉ sang 4 giờ sáng. Cố nhắm mắt vẫn không sao ngủ được. Bỗng nhiên, trước mắt mình hiện lên lớp lớp nấm mộ trắng ở nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn và bất chợt nghe như có ai đó đọc lên những câu thơ bi tráng, xúc động:
Nằm kề nhau
Những nấm mộ giống nhau
Mười nghìn bát hương
Mười nghìn ngôi sao cháy
Mười nghìn tiếng chuông ngân trong im lặng
Mười nghìn trái tim neo ở đầu nguồn
Mười nghìn đôi vai từng gánh Trường Sơn
Mười nghìn đôi tay mở rừng xẻ núi
Mười nghìn đôi chân bám trên trọng điểm
Mười nghìn đôi mắt ngước hái mây chiều...
Mười nghìn ngọn đèn thắp miền giông bão
Mười nghìn bếp ấm giữa lòng rừng xanh
Mười nghìn cơn mưa, mười nghìn cơn nắng
Mười nghìn trận sốt bạc rừng nguyên sinh
Mười nghìn chiếc gậy của thời đôi mươi
Mười nghìn nếp nhăn hằn lên trước tuổi
Mười nghìn vết đau, mười nghìn vòng trắng
Mười nghìn mái tóc bị phát quang dần...
Mười nghìn Trường Sơn trong một Trường Sơn
Mười nghìn lời ca trong bài ca lớn
Mười nghìn cái tên đêm đêm mẹ nhắc
Mười nghìn giấc mơ của mẹ chờ ta
Mười nghìn con đò thương về bến đợi
Mười nghìn hạt giống chưa về phù sa...
Mười nghìn tấm bia còn mười nghìn nữa
Mười nghìn đồng đội nằm rải Trường Sơn
Mười nghìn hài cốt chưa về khói hương
Mười nghìn đơn côi nằm trong cõi vắng
Mười nghìn cô quạnh lang thang nẻo rừng...
Mười nghìn khát vọng được về bên nhau!
(Khát vọng Trường Sơn)
Ảnh minh họa - Internet
Một ngày mùa đông...
Tây Trường Sơn. Rừng Lào. Mình theo đội quy tập đi tìm đồng đội. Gặp lại những cánh rừng miền Tây rậm rạp thưa vắng bóng người, những vùng đất heo hút năm xưa con đường chiến lược mang tên Hồ Chí Minh đã đi qua. Công việc tìm mộ liệt sĩ cực kỳ gian nan hiểm nguy vì nơi các chiến sĩ đến thường là thăm thẳm rừng già, cây cối lau lách phủ kín dấu vết con đường và cả những nấm mộ đắp tạm của đồng đội ta, bom mìn vẫn còn sót lại trong lòng đất, rồi thú dữ, căn bệnh sốt rét kinh hoàng, mưa nguồn lũ núi luôn là mối đe dọa anh em. Thế nhưng, những binh nhất, binh nhì, thuộc thế hệ con cháu của những người nằm dưới mộ không quản khó khăn, bền bỉ đi tìm hài cốt cha anh cô chú. Một chuyến đi thực sự là một cuộc chiến đấu đặc biệt và chẳng có niềm xúc động nào lớn hơn khi anh em tìm thấy hài cốt liệt sĩ... Chiều nay, giữa một khu rừng khộp khi chúng tôi đang gói buộc hài cốt liệt sĩ thì bỗng dưng cơn mưa đổ xuống ào ạt:
Mấy mươi năm lặng lẽ dưới rừng sâu
chúng tôi đến đưa anh về với mẹ
tây Trường Sơn chiều nay mưa tầm tã
thác trời tuôn, nghiêng ngã gió bốn bề
Tấm ni – lông dành che hài cốt
chúng tôi như cây đẫm buốt mưa rừng
tay đồng đội nâng niu đồng đội
cơn mưa rừng trào khoé mắt rưng rưng!
Dưới cơn mưa là nén hương cháy dở
chút hương quê chưa thơm hết lòng mình
đỉnh non cao òa cơn sóng vỡ
nhịp tim dồn thao thức phía bình minh.
Hóa thành đất cái gia tài của lính
vóc dáng mẹ cho cũng đã đất rồi
thành đất cả dòng tên cha gọi
đất khai sinh ngọn lửa dưới mưa trời.
Ngày mai
anh về với mẹ
gửi lại cơn mưa thao thiết cho rừng
nắm đất Trường Sơn bọc trong vuông vải nhỏ
như lửa đầu nguồn thắm mạch đất
quê hương...
(Cơn mưa rừng chiều nay)
(Hết chương 6 - Chương 7: Đêm ở Trường Sơn và điệp khúc trở về)
Tin liên quan:
VẠN LÝ TRƯỜNG SƠN: Chương 5: TRÒ CHUYỆN VỚI RỪNG (Thơ Nguyễn Hữu Quý)
http://nguoixunghekiev.vn/serviceView_323_361_14521.html
VẠN LÝ TRƯỜNG SƠN: Chương 4: HỒI ỨC CỦA LỬA (Thơ Nguyễn Hữu Quý)
http://nguoixunghekiev.vn/serviceView_323_361_14413.html
VẠN LÝ TRƯỜNG SƠN: Chương 3 - NHỮNG NGƯỜI LÍNH MẶC ÁO BÀ BA
- Thơ Nguyễn Hữu Quý
http://nguoixunghekiev.vn/serviceView_323_361_14251.html
VẠN LÝ TRƯỜNG SƠN: Chương 2 - KHAI SINH - Thơ Nguyễn Hữu Quý
http://nguoixunghekiev.vn/serviceView_323_361_14180.html
VẠN LÝ TRƯỜNG SƠN - Thơ Nguyễn Hữu Quý
http://nguoixunghekiev.vn/serviceView_323_361_14110.html
TÂM SỰ - Thơ Nguyễn Hữu Quý
http://nguoixunghekiev.vn/serviceView_323_333_13831.html
|