Trang chủ Liên hệ       Thứ sáu, Ngày 22/11/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
  -  Văn Thơ Sưu Tầm
  -  Sáng Tác Cộng Đồng
  -  Văn thơ của bạn
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Văn Nghệ > Văn thơ của bạn >
  VẠN LÝ TRƯỜNG SƠN: Chương 5: TRÒ CHUYỆN VỚI RỪNG (Thơ Nguyễn Hữu Quý) VẠN LÝ TRƯỜNG SƠN: Chương 5: TRÒ CHUYỆN VỚI RỪNG (Thơ Nguyễn Hữu Quý) , Người xứ Nghệ Kiev
 

                   

 

Rừng ơi, khúc khải hoàn ca thắng giặc Mỹ ta hát đã 30 năm rồi sao tới bây giờ vẫn chưa ra khỏi cuộc chiến?

Máu còn chảy ở đâu ư? Đời còn thêm những vết thương nào? Và trên dải đất này vẫn chưa ngừng nước mắt?

Máu bay phần phật trong những giấc mơ. Chập chờn đồng đội. Cơn bão đen đổ qua mùa nõn lá và lũ sâu múp míp bò trên vết thương cây. Mỗi đêm. Thức giấc, ta xao xác nhớ rừng. Da diết nhớ Trường Sơn. Nước mắt ngược lên nguồn lặng lẽ...

Cuộc chiến tranh tàn khốc ấy, lẽ nào vẫn theo người vào ngõ. Trên nắp ba lô cóc của người lính cõng về làng sau đại thắng bảy lăm ta chỉ thấy những em – bé – búp  – bê có bím tóc hoe vàng và đôi mắt đen khép mở mà thôi. Nào có đâu súng đạn, lưỡi lê, kíp mìn, trái phá. Cả những cánh rừng trụi lá và con đường bụi đỏ cũng âm thầm nằm lại sau lưng...

Chúng tôi từng tưởng rằng khi Đất nước đánh tan giặc thù mọi chuyện sẽ giản đơn và suôn sẻ. Người lính chỉ cần trở về ngôi nhà thân thuộc của mình, thế là quá đủ. Hạnh phúc là được dang rộng tay chân ngủ trên chiếc giường có giát tre cha chuốt óng thời gian và ăn bát cơm gạo chiêm mẹ nấu cuối chiều bằng lửa bếp quê mùa. Người lính bước ra khỏi chiến trường chẳng ao ước to tát gì đâu ngoài ước ao được sống bình yên, sống thảnh thơi như đồng đội ta ở Trường Sơn hằng khao khát.

                     

                                    Ảnh nguồn - Internet

 

Hình như, ta đã thấy, ta đã nghe trong suối, trong cây, trong đất, trong đá những ước mong bình thường như vậy. Những người lính không muốn gặt hái vinh quang bằng máu đỏ mà chỉ muốn xanh tươi, rì rào như cây lá mà thôi.

Có phải vì điều ấy mà chúng tôi không cảm thấy bình yên trong dòng đời cuộn xoáy bon chen khi nghĩ tới đồng đội mình còn nằm đâu đó.

Trong lòng ta còn nghìn nghìn hài cốt linh thiêng nhưng ta không làm gì được hơn là che phủ hồn người. Tán ta tỏa bóng xuống cõi âm... Còn đây, những binh trạm vô hình. Những bãi khách vô hình. Những cuộc hành quân không tiếng động. Có lúc, họ đã vì ta mà thức dậy. Thức dậy sau khi mặt trời lặn và sương đã rơi trên những lối mòn. Trăng sáng lên. Lúc khuyết. Lúc rằm. Đom đóm bay đầy cửa rừng lấp loé. Ý ới tiếng người. Con gái. Con trai. Rất trẻ. U oa tiếng gió. Cuốc xẻng va nhau loảng xoảng đêm rừng. Tiếng xe ì ục vượt ngầm. Tiếng súng AK báo thông đường đĩnh đạc...

                             

                                             Ảnh nguồn - Internet

Rừng ơi, đấy chính là trầm tích của đời ta. Những hồi niệm Trường Sơn, những ký ức chiến trường được cất giữ trong tâm hồn người lính. Quý giá hơn những gì chúng tôi đang có. Bền sâu hơn ta tưởng. Trường Sơn. Ai gọi đó là miền xa thẳm. Chúng tôi mang Trường Sơn trong trái tim mình.

Ta muốn lấy triệu triệu năm của ta và dài rộng muôn đời để phủ che linh hồn người lính. Những người lính tự nguyện ngã xuống vì Tổ quốc đã làm nên huyền tích Trường Sơn. Những người lính mặc áo bà ba, mặc áo vải Tô Châu gánh lịch sử trên vai mà không hề kêu ca oán thán. Những người lính chia lửa cùng nhau, tiếp máu cho nhau có ở khắp rừng sâu. Mỗi người là một thước đường bắc qua thời máu lửa. Vì Đất nước, họ dấn thân vào cõi chết.

Chúng tôi muốn nói ra điều này: nếu không vì Tổ quốc thì anh em, đồng đội của ta không ai dại gì dấn thân vào cõi chết. Những người lính tự nguyện đi vào “cửa tử” để mở ra con – đường – sống cho Tổ quốc mình.

Ta tự hào vì được mang trên thân mình con đường Giải phóng miền Nam. Đường thống nhất giang sơn nối hai miền chia cắt. Con đường được Đức Phật chở che phù hộ vượt lên bạo tàn để chính nghĩa tỏa bốn phương. Gì nữa nhỉ? Đường Trường Sơn, con đường lãng mạn, con đường thi ca thăm thẳm giữa lòng người.

Rừng ơi! Nhắc đến thi ca lòng ta rưng rưng quá. Có phải, những câu thơ Trường Sơn sém lửa đã hóa trái thị vàng. Những – trái – thị – thơ – thơm – hương – cổ – tích – đại – ngàn vẫn còn ngào ngạt trong tâm tưởng, tâm linh những cựu binh tóc bạc...

Từ trái – thị – thơ cô thanh niên xung phong bước ra làm mê mẩn bao con tim lính tráng. Lính “xế”, lính cầu, lính bộ binh, lính pháo... biết mấy chàng trai đã nôn nao đi tìm cô “Thạch Nhọn, Thạch Kim”...

Mà nào, giữa Trường Sơn mênh mông đâu phải chỉ có một em áo trắng. Bao nhiêu em áo trắng cười giòn. Bao nhiêu em áo trắng lấp hố bom, dập lửa, phá từ trường. Bao nhiêu em áo trắng chống lầy, bẫy đá, đóng cọc tiêu, hát múa, ôm nhau cười khóc và khỏa trần tắm suối... Bao nhiêu em áo trắng đã về đâu? Ở cõi nào? Một dải non nước điệp điệp trùng trùng hôm nay mây vờn trắng

Mây trắng Trường Sơn là hồn thiêng hội tụ. Áo trắng hôm nào là mây trắng hôm nay.

Rừng ơi, đã có lần đi qua “Hang Tám cô” ta nghe rõ tiếng thở dài trong gió. Hang bây giờ đã mở, tám cô đã về cùng đội ngũ mênh mông, sao trong lãng đãng mù sương vẫn thấp thoáng dáng hình thanh nữ mười tám, đôi mươi.

Đấy là một phần của cuộc chiến khôn nguôi. Dĩ vãng khúc xạ qua hồi ức thương nhớ. Sâu thẳm. Vững bền. Người ơi, đừng hình dung cái chết là khoảng trống. Người lính chết cho Tổ quốc mình là tiếp tục sống cho đất nước mình. Những người lính anh hùng còn tồn tại muôn nơi dẫu có thể họ vô danh trong cặp mắt người trần. Ta đã hiểu vì sao có cái chết không phải là âm bản. Dưới lòng đất âm thầm, trong tầng cây nhiệt đới xanh rì có vạn vạn cuộc đời đang ẩn hiện. Họ đi bằng gió. Họ nói bằng cây. Họ vẫn yêu nhau như từ quy đêm đêm gọi nhau khắc khoải. Mùa lá rụng. Mùa lá xanh. Họ đã làm cho ta – những cánh rừng già – không còn vô tri nữa. Ta đã trở thành Làng của những người bất tử. Làng Trường Sơn của người lính Trường Sơn.

Đồng đội chúng tôi còn có những ngôi làng nguồn cội. Có bao giờ rừng nghĩ rằng người lính không trở về nơi mình đã ra đi?

Rồi có lúc họ sẽ trở về với những ngôi làng dựng trên nền châu thổ triệu năm hay mọc trên những cánh cung địa thạch cổ xưa. Những cái nôi Giao Chỉ nồng nàn kẽo kẹt nhịp giao hoan phồn thực nắng mưa đón đợi. Họ sẽ trở về nơi họ đã từng được ăn tục ngữ, uống ca dao, được bay lên bằng những làn điệu dân ca tình tứ. Họ sẽ trở về trong bông sen, bông súng, trong phù sa hứng khởi mùa màng... Hãy tin đi, trong cát bụi vô biên đang tồn tại những thầm thì dĩ vãng.

Tiếng thời gian trở lại, lót nẻo chiêm bao cho những cuộc phục sinh trong cõi mênh mang. Trong dòng máu của ta có hồng cầu của người đã ngã xuống đáy rừng và đêm đêm người – đã – sống vẫn trò chuyện với người – đang – sống. Tâm linh mách bảo chúng tôi rằng bao hồn lính vẫn còn nguyên vẹn.

Những người lính đội nắng dầm mưa đi tìm đồng đội nghe giữa hoang vu những mách bảo vô hình. Những bước sóng huyền linh đang phủ lên vùng tâm tưởng? Thế giới này... Tồn tại những khát vọng bao la dẫu chưa được định danh trong áng sáng. Tồn tại những dư ba không giống tiếng chuông rền mà vọng thấu mọi trái tim rớm máu. Tồn tại những lá cờ bay trên dấu chấm than đánh dấu sự có mặt của chiếc cối giã trầu làm bằng vỏ đạn, chiếc lược làm bằng mảnh xác phi cơ và mảnh gương bé con lồng tấm hình của mẹ... “Chúng tôi ở đây! Chúng tôi ở đây! Chúng tôi ở....”. Vọng trong Trường Sơn, vọng trong trời đất những hồi máu gọi. Chẳng trách rêu rừng cũng đỏ hoàng hôn...

Chúng tôi trở về trong vùng đất năm xưa chúng tôi từng ở. Nén hương thắp lên chẳng biết có thơm hết mọi nẻo rừng. Ai chưa được khói hương, ai còn lang thang giữa rừng già khuất vắng? Cho tôi được úp mặt vào cây để còn được nghe lời đồng đội, được nghe lại trái tim em đập rộn ràng bên tôi ngày mưa ngâu chặn lối – ngày con suối thành sông – để hai đứa bất ngờ thành giông bão. Chúng tôi yêu nhau thực lòng, chúng tôi không có tội. Chiến tranh còn dài, có thể sau cuộc hiến dâng không nghi lễ này tôi và em sẽ tan thành khói bụi. Chúng tôi yêu nhau thực lòng. Chúng tôi chỉ mong có được những đứa con mang dòng máu Trường Sơn... Những đứa con Trường Sơn sẽ là thông điệp của chúng tôi gửi ngày mai...

 (Hết chương 5- Chương 6: Nhật ký)

 

  Tin liên quan: 

 VẠN LÝ TRƯỜNG SƠN: Chương 4: HỒI ỨC CỦA LỬA (Thơ Nguyễn Hữu Quý)

http://nguoixunghekiev.vn/serviceView_323_361_14413.html

VẠN LÝ TRƯỜNG SƠN: Chương 3 - NHỮNG NGƯỜI LÍNH MẶC ÁO BÀ BA

- Thơ Nguyễn Hữu Quý

http://nguoixunghekiev.vn/serviceView_323_361_14251.html 

VẠN LÝ TRƯỜNG SƠN: Chương 2 - KHAI SINH - Thơ Nguyễn Hữu Quý

http://nguoixunghekiev.vn/serviceView_323_361_14180.html

VẠN LÝ TRƯỜNG SƠN - Thơ Nguyễn Hữu Quý

http://nguoixunghekiev.vn/serviceView_323_361_14110.html

TÂM SỰ - Thơ Nguyễn Hữu Quý

http://nguoixunghekiev.vn/serviceView_323_333_13831.html


  Các Tin khác
  + Tháng giêng non thương mùa nắng hạ (19/09/2024)
  + Những hàng thông lặng im (19/09/2024)
  + MẮT TRĂNG (19/09/2024)
  + LÒNG TỰ TÔN (01/08/2024)
  +  CHUYỆN O NẬY (31/07/2024)
  + THÁNG BẢY VỀ.. (25/07/2024)
  + MÙA HOA GẠO (25/07/2024)
  +  TRƯỚC KHI QUÁ MUỘN (25/07/2024)
  +  NHẶT MẸ VỀ NUÔI (25/07/2024)
  + HÀNG THẢI (31/05/2024)
  + NỖI ĐAU BỊ LỪA DỐI. (31/05/2024)
  + VÙNG KÍ ỨC TRẮNG (30/05/2024)
  + Dưới ánh sương mai (26/05/2024)
  + VẰNG VẶC CHỮ TÂM (Thơ BÙI NGỌC BÍCH) (19/02/2024)
  + ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY Thơ Trần Huy Liệu Lời bình Bùi Ngọc Bích (19/02/2024)
  + GIÓ MÙA (02/11/2023)
  + TẢN MẠN CUỐI THU (02/11/2023)
  + Truyện ngắn. MỘT KIẾP NGƯỜI. (02/11/2023)
  + DỊU DÀNG MÙA THU (04/09/2023)
  + Thơ Nguyễn Hữu Quý - ĐÃ TỚI MÙA ĐÔNG (11/11/2022)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 2
Total: 65107067

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July