Trang chủ Liên hệ       Thứ bẩy, Ngày 20/04/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
  -  Trang Thơ
  -  Trang Văn
  -  Các thể loại khác
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ >
  Bài dự thi “Xứ Nghệ quê mình” của tác giả Kiều Minh Ngọc - Pleiku Bài dự thi “Xứ Nghệ quê mình” của tác giả Kiều Minh Ngọc - Pleiku , Người xứ Nghệ Kiev
 

Truyện ngắn:

NGƯỜI ĐI CHỢ MUỘN

                                                                                          

 

           Xứ Nghệ - Ảnh nguồn Internet

 

          Khi tôi bắt đầu viết những dòng này, nhân vật chính nguyên mẫu, ngoài đời đang nằm trên giường bệnh… Ông đã rất yếu, căn bệnh trầm kha, hơn nữa tuổi tác của người cũng đã gần chín mươi… Chắc khó qua khỏi… chín phần chết một phần sống… có mệnh hệ gì đến với ông… âu cũng là số, chữa được bệnh không chữa được mệnh... đang viết dở nhận được tin, ông đã về trời…

 

 

 

           -Mi đứng lại… tau giết…

           Tay lão cầm cái rựa vung lên, đuổi theo thằng con tám tuổi, cởi trần gầy nhẳng, một tay xách cạp quần vừa chạy vừa quay đầu lại.

            -Có đứng lại không…

            Bà Diên chạy ra can.

            -Mự tránh ra, tui phải cho thằng ni một bài học... phá quá… cái niêu đất đưa từ dưới Ân Thọ lên, mới dùng được chục năm, mà hắn cạo cháy làm cách chi cho bể được… nồi mua tận chợ Bộng chợ Vẹo Yên Thành chớ mô phải…

            -Mô phải cái chi… có cái nồi đất tha cho hắn…

            Lợi dụng lúc có người can thằng Huỳnh chạy thẳng một mạch vô rú.

            Vừa thở phì phì vừa nói, nước miếng bắn ra như mưa phùn mắt đỏ ngầu long lên..

            -Nể mự tui tha…lão xuống giọng… không biết có hàn được không hè… phá ri thì tiền núi cũng lở…

           Năm 1965, theo tiếng gọi của đảng và nhà nước về chủ trương di dân, xây dựng kinh tế mới như lời bài thơ… nông trang nông trại, thắm tình thắm ngại... thì đi nông trang… có điện có đài một vòi nước máy… lợn gà nuôi được… con nào to béo thì vật ra ăn..

          Những người con ưu tú, nhà nhiều đinh và có cả những người trong máu chứa chất  du mục… xung phong! Nhà cửa bán vội, hoặc để lại cho em, cho mẹ già bám trụ quê hương… Vùng đất mới tương lai ngời sáng đang vẫy gọi. Tất cả đồ đạc, áo con mấn mẹ, dao cùn rựa cụt… cái bừa, chiếc cày năm mốt đều chất lên vai. Con cái còn nhỏ cho vào thúng quảy đi luôn.

           Trong bóng đêm khoảng canh hai gì đó, đoàn người lầm lũi rời quê hương bản quán… Thỉnh thoảng lại  nghe  tiếng ùng oàng phía biển… Nước mắt rỉ ra trên khóe mắt già nua của mẹ , chảy tràn trên gò má con trẻ. Những lời chia tay nghẹn ngào, bịn rịn. Tiếng trẻ con khóc thét… gió bấc thổi từng cơn, trời mưa nặng hạt. Tối như mực, mấy ông trùm áo tơi giống cái đống rơm đi đi lại lại, kiểm tra đồ lề thúc giục. Dòng người ly hương nối dài trên đê La Giang ngược chiều cơn gió thổi... mấy người ngoái đầu lại… thút thít.

              -Khóc chi mà khóc lên đó ít bữa mời về cũng nỏ về…

               - Chết rồi..

              -Quên cái chi…

              -Cái mấn của tui… mới vá có ba miếng.

               -Trời ạ! rách rồi để lại cho mự Xanh mặc cũng được… lọt sàng xuống nia, đi mô mà mất... giọng vợ chồng nhà Phướng.

               -Nhanh lên… đừng cại chắc nựa, hắn cho quả bom thì...

                -Ông chỉ được cái nói dại.

              Trong bóng đêm, thấy mặt khi đứng sát, lão hốc hác gầy gò dáng người nhỏ bé, lọt thỏm trong chiếc áo tơi… chỉ có tiếng nói là không lẫn được với ai, có chân trong ban quản trị… phó đoàn…

           Vùng đất mới hiện ra trước mắt. Trời chiều u ám lạnh lẽo… mấy mụ đàn bà khóc rống lên, bọn con nít được thể khóc theo, đòi về.

             -Đi kinh tế mới chứ có phải đi chết mô mà khóc… cứ từ từ chưa chi. Muốn đến là sướng liền được à… có im đi không.

            Toàn đồi núi… sim, mua tốt lút. Đất mô nỏ thấy toàn đá gan gà với sỏi, rừng núi thì âm u… Mấy ông xạ cộ (xã cũ họ đã ở từ trước cả hơn tám chục năm) anh mô anh nấy gầy đét da tái mét, mắt lấc lô lấc láo, rặt tròng trắng… dắt con bò cũng gầy như hắn đi qua…

             -Dưới nớ sướng rứa răng không ở lên đây mần chi, thích ăn đá à? Nói xong rút con dao bảy từ trong vỏ ra phát phát bụi sim. Bọn trẻ con thấy dao càng khiếp, khóc thét lên.

            Những ngôi nhà dựng tạm, lợp và che vách đều bằng lá tro, nép vào chân đồi tạm bợ, đường sá đi lại chưa có, nhà này qua nhà kia phải vác dao phát mà đi… thế mà bữa trước bữa sau đã râm ran nác mới.

             Cấy gói mói của tui dấu đây ông cất đi mô rồi? Nghe vợ hỏi, lão nhát gừng.

              -Chia cho mấy người rồi.

               -Mình lấy chi mà ăn?

               -Thì lấy nước tráng qua cái túi, mai tui tính.

               - Ông gương mẫu hè, con mình thì ăn lạt.

               -Bà chỉ được cái nói xóc.

               Có đợt lão về quê lên, không biết kiếm đâu được ít gạo, tí mì chính, trưa lại, đưa ra lấy tăm gạt đếm chia làm mấy gói nhỏ,trong đó có gói nhiều hơn cả chục hạt… đong bò rưỡi gạo nhét vào sau lưng rồi mang đi đâu đó.

           Chiến tranh ngày càng ác liệt lại nằm trên tuyến đường Hồ Chí Minh, nơi đóng quân đại bản doanh của Đoàn 559 bom đạn trút xuống. Vừa lo cái ăn vừa lo chống Mỹ. Nhà cháy người chết, làng xóm tiêu điều. Càng khổ càng đẻ, nhà mô nhà nớ con một bầy, hình như ăn khoai nhiều, đêm nóng bụng không ngủ được, máy bay Mỹ toàn thả bom vào canh khuya…

            Bà con theo lão đắp bờ khơi nước, từ con suối  trong rú chảy ra. Cuốc đất dưới thấp làm ruộng nước. Trâu bò gầy gò không kéo nổi cày. Đêm nào lão cũng cuốc đất tận đến khuya. Anh em kéo nhau ra tận ngoài bãi sông Ngàn Sâu, tranh nhau đất với đám xạ cộ. Dân xã cộ vác cuốc, đòn  xóc hùng hùng hổ hổ ra trấn áp. Thấy bên kinh tế thằng mô cũng gầy nhom,  người nhỏ thó tong teo, tưởng nuốt tươi…

           Phải chính trị trước đã… bây giờ là thời đại mô rồi các ông có biết không. Xã hội chủ nghịa là của chung, anh em mỗi người một... lão chưa dứt lời.

           -Choa nỏ biết xã hội chủ nghịa mô cả cứ đất gần nhà choa là của choa… bay ở mô kéo lên đây cướp à.

            -Đập chết mẹ thằng mô to mồm.

             -Thằng mô thích thì nhảy vô… một chọi một quân tử nhất ngôn.

              Nói xong lão rút phắt cái đòn gánh của chắt Nậm, gác lên vai. Bên kinh tế, hắn nện một phát thì ăn vô chợ mô… bên xạ cộ… chấu chấu đá voi, cho vô bếp nướng cả ngày  không khét… lão tiến đến ánh mắt như có lửa, quắc lên nhìn thẳng vào đối thủ to gấp đôi lão… chuyến ni không chết thì đi nạng.. tiếng xì xào.

          Hai bên lùi tiến sàng qua sàng lại vè nhau… cát dưới chân choày xuống văng lên, tiếng ặc, tiếng hị… sự căng thẳng khốc liệt đã được đẩy lên đến tận cùng, cả hai bên không còn đường lùi. Hình như trong lịch sử nhân loại các cuộc chiến tranh  máu đổ thường khởi đầu bằng những cuộc tranh giành đất đai lãnh thổ. Những người tha hương ngụ cư đang chống lại những kẻ được gọi là dân bản địa... Cuộc chiến này cũng không phải là một ngoại lệ. Thằng xạ cộ cầm cái cuốc vung lên bổ mạnh vào đầu lão, mọi người nhắm mắt nín thở… chuẩn bị hậu sự. Có tiếng ai đó thét lên. Lão xuống tấn, hai tay đưa cái đòn gánh lên dứt khoát... bộp! Lưỡi cuốc nằm trên đòn gánh cách đầu lão khoảng gang tay… thằng xạ cộ không phải vừa, hắn giật cuốc phang sang trái, lão nghiêng người ép đòn gánh sang trái nghe cái  khục!…cái đòn gánh muốn gãy. Phang sang phải, lão nghiêng người điều luyện cái đòn gánh lại hạ về bên phải… đối thủ nện bốn cuốc thấy không dính được đòn nào đâm sợ… chắc hắn có võ, đã thấy hơi run… hắn  cầm cuốc lao thẳng vào người lão, nhanh như chớp lão né người sang trái. Tên kia đang lao mạnh mất đà nhúi người xuống… chỉ chờ có rứa, cánh đòn gánh nghiêng cạnh vung lên phang một phát như trời đánh vào ngay hông hắn, hắn búng người giãy giãy như sắp chết. Lão dậm chân lên cổ hắn… mấy người không biết có hiệp đồng từ trước không mà phối hợp diễn ăn ý kỳ lạ… ai nấy nhào đến ôm lấy lão lạy như tế sao, xin sống xin chết… ông ơi! ông tha cho hắn, ông để sức chiều về còn kéo bè ngược thác… dưới quê ông đã giết mấy thằng rồi… trốn lên đây… chưa chừa. Mà cả đời có thấy lão đập ai mô hè, chỉ to mồm nạt nộ. Ừ, thì tha. Cho bay biết thế nào là dân Ân Thọ... bay đừng chó cậy gần nhà… Cút… Mấy tay xạ cộ còn lại bỏ cuốc, bỏ đòn xóc xuống run lẩy bẩy…

            Sáng hôm sau nghe mấy người nói, dân xạ cộ xuống hỏi nhà lão để xin lỗi, hứa hẹn từ giờ anh em  bắt tay đoàn kết… đất bãi mà… nhà con cũng đã đủ trồng…Đậu lạc, đậu tằm đất bãi phù sa còn chi bằng.

            Bà con kinh tế hớn hở, tạc dạ lòng tốt, sự chia sẻ của người anh em. Máu, mồ hôi nước mắt, trí  khôn của những người con xa quê đổ xuống đã làm cho vùng đất mới thay da đổi thịt nhưng so với ở làng thì chỉ bằng cái tăm… Dưới quê, mấy thằng trước đây nói đến đi kinh tế mới thì trốn như chạch, giờ nỏ mồm hay ví von… đói như mấy thằng đi nông trang…

            Chiều xuống lão ngồi trước dại mắt nhìn xa xăm. Gió Lào từng đợt hất lửa… Lại họ với đương, trách nhiệm với tổ tiên… Trời đang nắng to bỗng đổ mưa rầm rầm. Mấy ông xóm giữa kháo nhau… chắc kiểu chi tối ni lão Phướng cũng nấu kẹo với nác mới. Đúng thật, tối đến lão triệu tập anh em trong họ tới ăn kẹo lạc, uống nước… quán triệt luôn, mai anh mô về đi họ cầm liềm theo, không có ý kiến chi nựa, giải tán. Gần mười hai giờ đêm bà con lục tục kéo nhau ra về. Trên đường về quê, mắt không nhìn đường, nhìn đi mô đó, thỉnh thoảng dừng xe lại, lấy que đánh dấu. Hôm sau ngược lên bắt mọi người bứt cỏ bỏ lên xe chở về cho bò ăn… đúng là nhất cử lưỡng tiện, bái phục.

          Nắng mấy thì nắng mưa mấy thì mưa ngày mô cũng vô rú chặt lá sim, lá mua, cây dương xỉ về chất đầy nhà. Làm quần quật như trâu nhưng tuyệt đối không được bỏ học, đứa mô cũng phải học để thoát ly. Con cái lão đứa đi bộ đội, đứa vào đại học.

          Chợ quê, mấy cái lều lèo tèo, cọc chống bằng ngón chân cái… che lá tro rách rưới nằm cạnh đường tàu, mua bán cái ù… tám rưỡi người đã thưa thớt uể oải. Trời thì nắng bán thì ế, cá mú thịt thà bốc mùi… ròi nhặng bu như xôi đỗ… mấy bà chợ Sòng, thở dài chép miệng… răng dạo ni không thấy lão  Phướng… hay là lão ốm.

           Đất càng ngày càng hiếm… mặc dù đã có hòa ước, nhưng trước miếng ăn, suy nghĩ con người ta thường dễ đổi thay mất lập trường. Có đám đất rộng lắm, trồng lạc được, sát chân rú. Hai bên cũ mới lại tranh nhau, không khéo đổ máu như nhởi. Một mệnh lệnh vang lên trong đầu lão “phải tránh đổ máu”. Mấy ông xã cho công an xuống giải quyết hai lần mà chưa được… có cách chi không hè. Tay vỗ vỗ vào trán, là người đa mưu túc kế nhưng trước tình thế này, xem chừng bí bách. Lão đạp xe một mạch lên thị trấn, nài nỉ thằng cháu lái xe cho huyện ủy, ghé tai thì thầm… cứ rứa cứ rứa…

           Tiếng la hét tiếng chửi nhau thất thanh… ồn ào, tiếng cuốc xẻng va vào nhau lách cách xem chừng sắp có đánh nhau to. Hàng trăm con người mặt đằng đằng sát khí… chỉ chờ ai đó ném vào mồi lửa…

           Bỗng nghe tiếng xe ríp ù ù chạy tới. Xe dừng lại. Trên xe ba đồng chí cán bộ huyện bước xuống, ông mô ông nấy bụng phệ, ca táp đen xách tay dáng đi bệ vệ, mấy anh xóm kinh tế chạy đến khúm núm: dạ! chào Chủ tịch… dạ! chào Phó bí thư… Dân xạ cộ không biết chuyện gì đang xẩy ra, đứng ngây như phỗng..

            Thưa bà con… đất này là đất nằm trong qui hoạch của huyện, nhưng hiện nay chưa dò được bom từ trường và mìn từ thời Pháp, việc canh tác trên đất này… ông Chủ tịch huyện quay sang hỏi nhỏ ông Phó bí thư “cái chi chi nữa hè”, ông Phó bí thư ghé tai nói… Chủ trương của đảng và nhà nước… Trương chủ của làng và nhà nác, là phải đảm bảo an toàn cho dân, tính mạng con ngài là quí hơn cả, chúng tôi huyện, trung ương không cấm, bà con ai thích làm thì cứ làm, chết tự chịu. Dưới Hang Bàng đã có năm người chết vì cuốc phải mìn, vì bom từ trường. Nay điều một quyết định… tạm giao cho dân kinh tế mới chịu trách nhiệm trông coi. Điều hai… Phải tuyệt đối an toàn, chúng tôi gửi văn bản sau… Dân kinh tế vỗ tay rào rào… Cánh xã cộ nghe thấy mìn với bom lại từ trường, khiếp đen, lãng ra lủi dần. Một lúc sau không còn một mống. Ông Chủ tịch, ghé tai  lão Phướng “đưa đây can rượu với con chó vàng”, hứa rồi… Lão cười híp mắt… Mẹ..! cái thằng làm thịt lợn lậu trên chợ Sơn mà nói hay, được việc thật… chó chơ… thích voi choa cũng cho. Từ đó, trâu bò chứ chưa nói đến người xạ cộ toàn đi đường vòng, có cho kẹo cũng không dám đến gần.

            Tối đến, làm chén rượu cho có khí thế, đong bò lạc lấy cái que gạt qua, giấu vào áo, lão đi về phía rú đụn. Nơi đó có mối tình đẹp như mơ dang dở thời hoa niên của lão. Bà Khính vợ liệt sĩ, trước đây lão cũng đã để ý qua lại, đầu mày cuối mắt nhưng thằng bạn nhanh tay hơn. Bạn của lão đã hy sinh năm sáu hai, đứa con còn nhỏ. Bà không thuộc diện phải di dân nhưng nghĩ ở làng cũng không làm gì mà ăn…hơn nữa cái anh Phướng… nên đi theo. Dúi gói lạc vào tay bà, lão ngồi xuống chiếc giường tre ọp ẹp… hỏi thăm ba chuyện không đầu không đuôi… Bà Khính tay thỉnh thoảng bẻ bẻ cái dát giường. Ngày đó nớ có yêu tui không hè… răng lại không, nhưng tại bố tui nói ông ngoại anh là địa chủ… sợ liên lụy… Quy sai… sửa… sửa sai lâu rồi, xuống trung nông, có năm trào rọng hai người làm thuê, toàn bà con… nắm tay bà… ngồi sát cho ấm… một lúc lão ra về… Nì… bữa trước mỳ chính cho đang còn,  để cho chị nớ và các cháu ăn. Đang còn... ăn nhiều xót rọt lắm… lão thì thầm rồi vọt một cái nhanh như con rái cá biến vào màn đêm.

          Có sinh  tất có tử, trong làng khi có người chết, không ai biết hành lễ cúng đơm, lão đi tắt đón đầu, mua cái khăn đóng, tấm áo the, về dưới quê lục mãi được quyển sách chữ nho. Hình như gia phả họ chứ không phải là sách cúng… kệ, cứ có chữ nho là được, thời buổi giờ thằng mô biết chữ nho… Cúng lương giáo gì cũng một hệ… cúc cùng bái, dâng tư ư ửi… giọng vần ai nghe cũng hay hay thảm thảm… Già trẻ gì có đi bộ đội, chết đều đọc... Hoàng Văn  Buuùi… a.. bồ đồi chống myy.ỹ… cứu nước... chiều cúng rước vong cũng Hoàng Văn Bùi… a bồ đồi chống M..y..y..ỹ… Sinh năm sáu ba thì chống Mỹ cái chi… Lão trợn mắt… thằng Mỹ hắn chỉ đạo cả thế giới đế quốc, chống thằng mô suy cho cùng cũng là chống Mỹ hết… bay thì biết cái chi… Chịu.

           Ngồi xếp bằng trên chõng tre, phe phảy chiếc quạt mo, đập con ruồi đánh phạch! bỏ quạt xuống, lấy khăn mặt lau cái đài  Nationan ba băng láng bóng, mua rẻ thằng con rể đưa từ chiến trường ra năm bảy mươi. Cái xe thống nhất đi về vừa lau chùi cẩn thận đã treo lên trên xà nhà, để dưới đất ẩm mau hư lốp. Choa giờ giàu rồi… lão lẩm bẩm… đang nghe đài không rõ đài hát bài gì nhưng thấy lão chân dập dập, đầu gật gật chắc là theo điệu bài hát, đài áp vào tai, vặn to làm chi chỉ tổ hao pin… Lại phải cưới vợ cho thằng Huỳnh rồi… lợn gà nuôi nỏ thấy lớn... khó thì khó phải làm cho đàng hoàng... ăn nhởi sợ chi tốn kém.

          Nhận được lời mời từ lão, bà con ở gần thì đỡ, những người ở xa cũng đã có kinh nghiệm, đưa khoai, đưa liềm đi, anh mô anh nấy mặc quần áo đẹp mà liềm giắt sau lưng, như đi bứt cỏ bò… cỗ cưới toàn sắn xào với dầu lạc tự ép mà cũng chẳng có mà no… Trên đường về đói quá, ghé xuống bãi chọt rau má rửa qua, nhai...

         Vợ lão, người họ Phạm tính tình hiền lành, chỉ biết đẻ con rồi nấu náng, kinh tế tiền bạc không quan tâm… trăm thứ lão đều phải lo. Mười ngày đi chợ một lần, khi chợ Sòng, khi chợ Sơn. Chợ Sòng ni lạ, họp đếch chi chín giờ đã tan.Cchín rữa lão chậm chạp đạp xe ra… chợ còn lại đồ ế… có ai mua bán rẻ… Chắp tay sau đít đi một vòng cũng chép miệng như thật… lâu ngay muốn ăn  con cá thu cho mát rọt mà mắc họp về muộn mất.. thôi để bựa khác. Mấy hàng cá ế… như bắt được vàng... ông ơi, cá nát bán rẻ nì… ừ… bán dưới vốn cho ông nha… cha bây đừng lừa ông… chục ngàn bạc kho mặn ăn cả tháng không hết.

           Khi có công to việc nậy… mặt trời sắp lặn, túc tắc đạp xe lên chợ Sơn, vai khoác cái đèn ba pin… đến chợ trời đã sập tối, các hàng ế đang  lom khom thắp hương khấn thổ địa cầu lão xuất hiện. Cầu được ước thấy… Mấy sạp, nào là lòng bò từ bữa trước… mỡ chài… bạc nhạc, đã bốc mùi thum thủm, lấy đèn  pin quét qua một vòng xem chỗ nào còn ngon… lấy tay sờ nắn đưa lên mũi hít hà.

            -Đang đi xe thủng xăm dắc bộ mãi… định mua vài ký thịt bò tươi mai có việc..

           -Thôi ông ơi! bọn con biết rồi, việc nhà ông to lắm… làm ơn lấy giùm cho nhà con…

            -Cân kéo cho đàng hoàng nghe chưa, bay là hay cân điêu lắm.

            Gớm có hai chục ngàn bạc mà cả rổ lòng... với hơn ký mỡ chài nữa chớ, cái ni về rán lấy mỡ xào rau... chà... chà… chắc về phải chia cho mự Diên, chú nớ điếc lác không biết hạch toán kinh tế… toàn đi chợ sớm mua phải đồ đắt mà có ra chi… nghèo là phải..

           Tám giờ đi qua, bấm đèn pin một cái. Mự ra đây tui nói: đưa rổ lên. bà Diên vừa đi về vừa càm ràm... răng chồng người ta giỏi giang rứa chồng mình thì... có hai lăm ngàn mà bác chia cho hơn cân lòng… còn tươi nữa chớ… thằng Liên thằng Lý mô rồi,  sang mà ăn lòng.

           Núi rừng điện sáng như sao, đường làng ngõ xóm giờ bê tông thẳng tắp, toàn nhà ngói, nhà lim. Từ ngày có điện lão thường ăn cơm sớm, tối đến đi lượn khắp xóm. Bà con lại dược nghe lão kể cái sự đời… ngày trước…       lão lại được ăn kẹo lạc uống nác mới, đôi bên cùng có lợi, xem phim tận khuya, quét đèn pin một loạt rồi tắt… quan sát trước cứ thế mà đi thẳng, khỏi mất công bấm nhiều lần.

           Thằng cháu làm to ngoài Hà Nội về… cứ mời cách chi cũng xuống bác ăn bữa cơm lòn (gạo mới) chín giờ sáng đã cho người xuống thỉnh, thằng cháu kéo thêm hai người nữa đi cho vui… lâu ngày thêm bát thêm đũa… tình cảm là chính. Bếp với chuồng trâu là một (đây là một mô hình thiết kế độc đáo truyền thống ở quê) trên cái mâm thau… Tài thật! mấy cái bát chiết yêu, đĩa xanh có từ thời pháp thuộc vẫn giữ được. Trên mâm, không nói điêu, cái đĩa nhỏ có khoảng mười miếng thịt lợn trắng bợt, một đĩa vài chục con cá cơm khô, bát canh rau khoai. Lão giới thiệu... cá xuất khẩu con Hòa gửi về cho bác đó… nhắm với rượu thì… đặc biệt… dân đây làm chi có... giọng nghe thật tự hào. Đưa nửa nậm rượu ra, mời nhặng lên… rượu ngâm sim giờ là đặc sản đó con à.

           Ăn xong, dạo lên nhà trên, có đồng hồ điện mà không thấy bóng điện… khách hỏi mắt con còn trẻ mà kém quá hè, lão chỉ lên trên bàn thờ, thấy có hai cái bóng quả nhót... thằng cháu nói mát.

            Bác dùng thế này thì hao điện quá… phải tiết kiệm… Tưởng thật, bác kể cho mà nghe nì, bữa trước tay thợ điện đến coi đồng hồ, coi xong, định về. Bác gọi lại…

           Anh mới làm điện à, vô đây uống chén rượu đã, bác hỏi tháng ni hết mấy… cu thợ điện đang cầm chén  rượu bỏ xuống, dạ hết hai nghìn ạ… chú ra coi lại đi… đúng một ngàn rưỡi… cu thợ điện ra xem lại, quay vô nói… bác nói chính xác thật, cháu nhầm… Lừa ai chư không lừa được bác mô... thôi mần thêm chén nữa, hắn không dám uống bỏ đi luôn.

           Đã đi khắp nơi, ở với nhiều anh em khác quê, hay nói đùa với nhau về sự tằn tiện... về những tập tục của những vùng quê mà lính tráng đã đi qua…

         Vừa đi vừa gọi điện thoại cho thằng con, cái dây  lòng thòng, một đầu cố định vào máy, đầu còn lại quấn vào khuy áo cho chắc… lão lẩm bẩm…thằng ni bận họp hành chi mà không nghe máy, gọi đã mấy lần… chỉ nghe tiếng cô nào đó, chắc là cấp dưới của con lão trả lời… số máy quý khách vừa gọi hiện không liên lạc được… xin quý khách vui lòng gọi lại sau… đúng là người có giáo dục, cấp dưới con mình có khác… rành lịch sự... Ông cảm ơn con nha… tí nữa thằng Đề về, nói hắn gọi lại cho ông tí  hấy… máy ông hết tiền rồi.

          Thời đại mới, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi… trồng cây gì nuôi con gì cánh nông dân xóm mới còn đang loay hoay. Đùng một cái, các dự án to nhỏ tràn về đến tận ngõ ngách làng xóm, đến cả nơi thâm sơn cùng cốc. Phía trên đập họ Lê, cánh rừng đầu nguồn khoảng dăm trăm ếch ta chi đó có công ty về nhe nhe ngắm ngắm, tưởng bở… định phá rừng đầu nguồn. Quân này, muốn ăn thịt mèo thì bảo mèo hay ỉa bếp. Nói rừng nghèo chặt đi trồng cao su đem lại kinh  tế cao. Chặt rừng đó đi thì bà con xóm ni chỉ còn nước chết. Gỗ lạt củi lả nằm đó cả, chặt rừng đi đá sỏi trôi xuống lấy nác mô mà mần rọng mà uống… lại còn lũ lụt.

           Lão ra cãi tay đôi không nổi… phải liên hiệp lại, mấy anh em chọn thằng nhiều chữ nghĩa, viết cái đơn mang ra tận trung ương. Đài báo truyền hình về làm ầm lên. Mấy tay dự án dự eo chạy mất dép.

          Qua mấy cơn bão, lão xuống sức nhanh chóng, ngồi gần toàn nghe mùi khai nước tiểu, tè cả ra quần. Đứa cháu ngoại nói với ông. Ông ơi chắc ông phải lấy đoạn cước buộc vào khi nào muốn tè thì kéo ra… không suốt ngày giặt quần áo… lão cười hiền lành... tau còn phải xuống bà Khính.

         Có cậu dân trong Nam, lấy vợ là cháu lão về thăm quê… nói đùa với vợ… em lừa anh… lừa việc chi. Thì ngày trước em nói quê em ở Hà Tĩnh.. giờ về mới phát hiện ra tỉnh Hà tiện… con gà thì kêu con ga… lúa thị gọi là Ló... ruộng thì gọi là rọng cái gì cũng phải bớt đi một tí… Nói thì nói vậy hắn có trách nhiệm với quê vợ lắm. Về quê giờ toàn ăn thịt gà nhảy núi, rau sạch rượu ngon… người quê tình cảm chân chất đậm đà.

          Mấy năm sau, bão đổi chỗ kéo vào phía Nam… thiệt hại ghê gớm. Hắn chợt chạnh lòng… không tiết kiệm, không bớt đi một tí… lấy gì mà ăn.

          Người tiền đạo một thời đã có nhiều công sức đóng góp cho quê hương, cho anh em bè bạn đã ra đi. Những gì thuộc về người thật đáng trân trọng. Ngẫm ra, trên đời này không có ai là hoàn hảo... Nhân vô thập toàn. Nhìn nhận về ông thật đa chiều… yêu ghét thiện ác, hỉ nộ ái ố đủ cả nhưng có lẽ đó mới chính là con người. Một con người mà bạn có thể gặp bất kỳ ở đâu đó trên quê hương tôi… Mảnh đất nghèo khó lam lũ mà kiêu hãnh, luôn ngẩng cao đầu… Thiên nhiên và các cuộc chiến tranh hình như đã trút hết những gì khắc nghiệt nhất xuống mảnh đất này.

            Trong bức di chúc của lão để lại… cuốn sổ tiết kiệm hai trăm triệu đồng của một đời chắt bóp, ăn không dám ăn, mặc không dám mặc. Luôn là… người ĐI CHỢ MUỘN… có dòng ghi đậm… để lại một trăm tám mươi triệu đồng thành lập quỹ khuyến học cho các cháu trong xóm… hai mươi triệu đồng dành cho bà Khính vợ liệt sĩ cô đơn. Con cháu lão đã phương trưởng không cần tiền của cha.

          Xin được thắp cho người một nén hương lòng, cầu mong người thanh thản, tiếp tục đi kinh tế mới ở cõi trời . Cái chết đối với người chỉ là một cuộc di dân... chuyến đi này không cần chất lên vai thứ gì cả…nhẹ tựa lông hồng.

          Những người ở lại... nhắc câu nói của người gần năm mươi năm trước… bây giờ có về thăm quê thì về… còn về sống có mời cũng không về nữa.

                                              

                                                          PLEIKU

                                                   Tháng 11/ 2013

                                                            KMN

*Mi: mày.Tau: Tao. Mự : Mợ. Tui: Tôi. Ni: Này. Dại: chái nhà. Ròi: ruồi.

Ri: Như thế này. Mấn: Váy. Cại chắc: cãi nhau.

Xạ Cộ: Xã cũ. Dao bảy: Một loại dao rừng. Bựa: bữa.

Cây tro, Lá tro: cây giống cây cọ. Mô: Đâu, Nào. Nớ: Kia, Ấy. Răng: Sao. Mần: Làm. Cấy: cái. Mói: Muối. Nác: nước. Nấu náng: Nấu nướng. Rọt: ruột.  Lạt: Nhạt. Choa : Bọn tao. Nhởi: chơi. Ngài: người. Trào rọng: sào ruộng. Ga: gà. Ngay: ngày. Nậy: lớn. Rành: rất… rất.


  Các Tin khác
  + Ba ca khúc của nhạc sỹ Phạm Minh Thuận dự thi " Xứ Nghệ Quê Mình" (09/10/2014)
  + CHỢ QUÊ - Bài dự thi "Xứ Nghệ quê mình" của tác giả Sĩ Nhiếp (29/09/2014)
  + CON SẼ VỀ - Bài dự thi "Xứ Nghệ quê mình" của tác giả An Nam (23/09/2014)
  + Thơ Trần Thị Bích Thảo - VỀ HÀ TĨNH (23/09/2014)
  + THƠ TÔI - Bài dự thi "Xứ Nghệ quê mình" của tác giả Sĩ Nhiếp (20/09/2014)
  + Bài dự thi viết về “ Xứ Nghệ quê mình” của Trần Thị Châu (05/09/2014)
  + Sáng tác dự thi Xứ Nghệ Quê Mình - Sáng tác Lê Xuân Hải - Phỏng thơ Hồ Sỹ Trúc - Trình bày Ca sĩ Đăng Thuật (02/09/2014)
  + Bài dự thi số 12 của Trường Hải Lê Văn Đông - TRE - VIỆT NAM (29/08/2014)
  + "Quê nghèo thắp sáng ước mơ" - Bài dự thi "Xứ Nghệ quê mình" của tác giả An Nam - Nghệ An (17/08/2014)
  + TIẾNG GỌI… GIẬT - Bài dự thi "Xứ Nghệ quê mình" của tác giả Ngọc Long - TP Hồ Chí Minh (08/08/2014)
  + KHI TỔ QUỐC BÃO GIÔNG - Bài dự thi "Xứ Nghệ quê mình" của Nhạc sĩ Trần Xuân Lâm (05/08/2014)
  + BÀI THƠ BÊN BỜ THẠCH HÃN! - Bài dự thi "Xứ Nghệ quê mình" của tác giả Hoàng Thảo Chi - Huế (05/08/2014)
  + VIẾT Ở ĐỀN CUÔNG * - Bài dự thi "Xứ nghệ quê mình" của tác giả Bùi Ngọc Bích - Hà Tĩnh (04/08/2014)
  + HẦU CHUYỆN CỤ NGUYỄN DU (03/08/2014)
  + Bài dự thi "Xứ Nghệ quê mình" của tác giả Linh Tâm - Hà Nội (31/07/2014)
  + Bài dự thi số 2 “Xứ Nghệ quê mình”: CHUYỆN TÌNH ĐỒNG LỘC của tác giả Nguyễn Xuân Diệu - Hà Tĩnh (28/07/2014)
  + Bài dự thi số 11 "Xứ Nghệ quê mình": LÀNG TÔI - của tác giả Trường Hải Lê Văn Đông - Nghệ An (28/07/2014)
  + Bài dự thi "Xứ Nghệ quê mình" của tác giả Nguyễn Xuân Diệu - Nghi Xuân (Hà Tĩnh) (22/07/2014)
  + Bài số 2 dự thi "Xứ Nghệ quê mình" của tác giả Lê Thị Lan Trang (Mỹ Tho) - MẸ VÀ TỔ QUỐC (15/07/2014)
  + Bài dự thi "Xứ Nghệ quê mình" của tác giả An Nam (Thanh Chương - Nghệ An) - Mùa hến sông Lam (23/06/2014)
Playlist

GIỚI THIỆU
 

Kính thưa quý độc giả 

Website nguoixunghekiev.vn

hoạt động chính thức từ tháng

10/2012. và  phi lợi nhuận.

Trang tin đăng tải tin tức 

của cộng đồng người Việt tại Kiev

và toàn Ucraina, đồng thời lấy tin 

từ các trang báo mạng khác trên

nguyên tắc trích dẫn nguyên bản 

đường nguồn chính. Là những

người làm báo không chuyên nên

chắc chắn sẽ gặp sai sót không

mong muốn, chúng tôi sẽ tiếp thu 

chân thành những góp ý xây dựng 

của quý độc giả để cho trang tin 

ngày càng hoàn thiện hơn, xin gửi

về mục liên hệ trên mặt báo hoặc

Email: hosytruc@gmail.com

ĐT: 093-712-24-57

093-973-97-39

Xin trân trọng cảm ơn.

Biên tập: Hồ Sỹ Trúc

 

 

 
 
 

 

 


QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 2
Total: 60214002

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July