Ảnh minh họa - Internet
QUÊ CÁT
Tản văn
1. Đã từ bao giờ, quê tôi mang cái tên “quê cát”. Cát! Dưới cái nắng Xứ Nghệ đỏ lửa, cùng gió Lào ngùn ngụt, màu cát chói chang, loa lóa. Cái nóng như thể nung chín da thịt người. Những ngày chưa xa lắm, để chống lại cái nắng, cái gió nóng dữ dằn, để cuốc bẫm cày sâu, người dân Xứ Nghệ quê tôi phải mang cả áo tơi đi cấy, đi cày…
Tuổi thơ tôi gắn liền với cát, với cái nắng ấy. Nhúm rau của tôi được vùi vào lòng cát, khi tôi vừa cất tiếng khóc chào đời. Tóc để chỏm, lũ trẻ con chúng tôi bàn chân trần lún sâu trong cát, hò reo chạy đuổi bắt “coòng”. Rồi khi đã mệt nhoài, cả bọn nằm xoài trên bãi biển vốc cát xây những lâu đài cát. Bao lần mẹ của thằng bạn nối khố với tôi ra biển. Bà lặng lẽ đứng nhìn chúng tôi. Rồi mẹ lặng lẽ ngồi xuống vuốt mái tóc hoe hoe đỏ màu nắng, ướt đẫm nước biển mặn mòi của bạn, của tôi, thầm thì:
- Giá mà cát làm cho chúng ta được những con đường khỏi bỏng rát bàn chân, xây được cho người dân quê nghèo chúng ta được ngôi nhà, thắp cho chúng ta ngọn đèn điện như dân thành thị, con cháu đi học chẳng phải cuốc bộ hàng cây số lên thị trấn mới có trường… Nói chi đến lâu đài…!
Tôi và bạn ngẩn ngơ nhìn mẹ. Cái tuổi lên 5, lên 6 làm sao chúng tôi hiểu được cái nỗi niềm xa xôi trong lời nói của bà. Rồi mẹ đứng dậy, lúp xúp đi trên con đường cát bỏng về cái xóm nghèo quê cát, nơi những túp lều tranh le te nằm loi thoi bên bờ biển.
Chúng tôi lớn dần lên. Rồi hai đứa tôi cắp sách tới trường. Đường tới trường xa vợi, bàn chân nhỏ nhoi của chúng tôi mỏi nhừ bởi ngập trong cát. Nhiều quãng cát như rang trên chảo làm cho cả bọn phải cởi dép cầm tay mà chạy. Trên sân trường cát trắng, lũ con gái nhảy dây, đánh chài, lũ con trai chơi bi, đá bóng. Bụi cát bay mù mịt. Chúng tôi biết đâu rằng, cái bụi cát khô khốc, nóng như rang ấy đã ngấm sâu vào huyết quản như một vết khắc vào tâm hồn thơ dại chúng tôi, để vương vít cả cuộc đời…
2. Người ở xa đâu đó, người ở vùng quê trù phú nào đó, người ở chốn thị thành… có thể thờ ơ, có người phát hoảng khi nghe cái tên “quê cát”. Nhưng với người dân bãi ngang Xứ Nghệ quê tôi, cát đã thành bạn bè, thành máu thịt. Cát gắn bó, thủy chung với người từ thuở lọt lòng. Bãi cát mềm đỡ con thuyền của cha xuống biển đi tìm cá. Cát dịu êm đỡ tấm lưng của mẹ bớt mỏi sau buổi ra đồng nhọc nhằn. Cát kết thành pháo đài bảo vệ người dân quê cát, bảo vệ người lính giáng trả lũ cướp trời, cướp biển. Giọt máu đỏ thắm của người dân quê cát trộn giọt mồ hôi mặn chát đổ xuống cát, ngấm vào lòng cát cho “khoai lang đất cát đã ngon lại bùi”; cho hạt lúa thêm dẻo thơm hạt gạo; cho “gừng 9 tháng gừng hỡi còn cay” để cho ai “tình nặng, ngãi dày”. Cát buồn vui, hờn giận, thương nhớ như người, nên mới có nỗi niềm “cát vàng cồn nọ, bụi hồng dặm kia”. Người dân quê cát yêu quý cát, nên bát nhang cũng được chọn thứ cát sạch sẽ, tinh khiết đưa lên bàn thờ để xuân thu nhị kỳ, tết nhất, giỗ chạp… người người, nhà nhà cắm nén hương thơm nhớ về tổ tiên, mát lòng người về với cát…!
Thời gian cộng với tuổi trời cho tôi hiểu thêm một điều đau đáu. Trên quê cát, cái nắng ngàn đời hun tấm lưng trần của cha kéo lưới; cái nắng ngàn đời làm sạm làn da nõn nà của mẹ một thời con gái của mẹ cấy cày. Vậy mà cái làng chài nhỏ nhoi bên bờ biển của tôi vẫn con đường cát bỏng bàn chân, vẫn le te những túp lều mái tranh, liu điu đèn dầu hỏa, đường lũ trẻ tới trường vẫn xa diệu vợi như thuở tôi mới chào đời…!
3. Bom đạn quân thù rơi xuống quê cát của tôi. Cùng với nhiều trai tráng, tôi cùng người bạn nối khố ngày xưa cầm súng lên đường. Bạn tôi đã nằm lại ở một vùng đất sình lầy phương nam. Còn tôi sau tháng năm du học, ở lại lập nghiệp chốn trời Âu, mà trong lòng không nguôi cồn cào nhớ về bạn, nhớ về quê nhà, nhớ về cái làng chài nhỏ nhoi bên bờ sóng, nơi có con đường cát bỏng, có những mái lều tranh hiu hắt ngọn đèn dầu của mẹ bạn, của bao người dân làng chài còn đó, khi anh và bao đồng đội của tôi đành lỗi hẹn về xây dựng lại quê nhà. Hè này, nỗi nhớ cố hương không dằn lòng được, giục bước tôi về. Quê tôi đó, vẫn cồn cát trắng mênh mông. Rẽ qua con đường nhựa, đường bê tông mới “đổ”, tôi cởi giày cầm tay để bàn chân mình ngập trong cát mịn. Cũng là thứ cát ngày xưa sao bây giờ cứ ôm lấy bàn chân trần của tôi mát rượi. Bàn chân của đứa con tha hương đã bước đi trên biết mấy những con đường chốn lạ. Từ con đường nhọn hoắt đá tai mèo Trường Sơn, những con đường đất đỏ ong óng cao nguyên đến những đại lộ thênh thanh nơi phố phường đô hội… Kỳ lạ sao con đường về với tuổi thơ, đi trên con đường cát quê nhà, bước chân tôi cứ ríu lại, lòng tôi cứ nôn nao. Mùi cát nồng nàn, thân thuộc say say trong lòng tôi, cay cay trong khóe mắt tôi. Cái mùi vị chỉ những người sinh ra trên cát, lớn lên cùng cát mới hiểu, mới thấm thía vô chừng…!
Chiều muộn. Hoàng hôn rưới một màu tím ngát lên bờ, lên bãi. Lũ trẻ con xóm chài vẫn nô đùa bắt “coòng” như chúng tôi ngày xưa. Biển sóng vẫn ru vô hồi vào bờ cát. Tôi ngỡ ngàng khi đặt bước chân mình lên con đường cát xóm chài, nơi nhúm rau tôi và bạn tôi được chôn ở đó; nơi tôi và bạn tôi cầm súng lên đường những năm binh lửa, giờ đã được đổ bê tông, lát nhựa phẳng lì. Trước mắt tôi căn lều mái tranh, vách đất của mẹ, những ngôi nhà le te của người dân quê cát không còn nữa. Thay vào đó là ngôi nhà mái đỏ tường vôi. Ánh điện bừng lên trên đường làng, trong những ngôi nhà, rực sáng bên hàng phi lao vi vút gió.
Quê cát Xứ Nghệ của tôi! Ơi ngôi nhà mới của mẹ, những ngôi nhà mới của xóm chài cần lao, thấm đẫm tình người! Miền quê nghĩa tình đang được dựng xây, đang đổi mới từng ngày, vững vàng trước thử thách, bão giông, cho yên lòng mẹ, cho yên lòng bạn, cho yên lòng bao người con quê cát đi xa ngày đêm thao thiết nhớ về…
Cổ tích “MIỀN GIÓ LÀO CÁT TRẮNG”…
Bút ký
Quê tôi ở vùng bãi ngang một huyện ven biển Xứ Nghệ đầy nắng và gió. Chẳng hiểu từ bao giờ, ai đặt tên cho dải đất này là “miền gió Lào cát trắng ”? Cát! Chao ôi cát! Đường tới trường, đường về nhà cát ngập bàn chân. Mùa hè rừng rực gió Lào, mịt mù cát bụi. Gió xua cát chạy, gió đẩy cát bay thành bãi, thành gò, thành động. Trên cái màu cát nhức mắt ấy, cây lúa quắt queo trong cái màu nắng loa lóa của cát như tít tắp tận chân trời…
***
Đất Xứ Nghệ -vốn nghèo. Theo lời ông nội tôi, một thầy đồ nho nổi tiếng cả vùng kể lại, người dân ở đây bao đời nay gần như sống bằng khoai. Khoai lang nuôi sống người dân quê tôi, để cho bao người thành danh bảng vàng, bia đá. Mỗi lần kể chuyện về củ khoai lang quê nhà, ông nội lại gật gù đọc đôi câu đối nói lên cái chí khí của vùng đất: “Sáng khoai, trưa khoai, tối khoai. Khoai ba bữa/ Ông đậu (đỗ), cha đậu (đỗ), cháu đậu (đỗ). Đậu (đỗ) cả nhà!”.
Suốt thời ấu thơ, tôi gắn bó với củ khoai lang đất cát. Đến bữa ăn, cả nhà tôi quây quần bên mâm… khoai! Lũ trẻ con chúng tôi vừa bóc những củ khoai đỏ, khoai trắng, khoai vôi nần nẫn, nóng hôi hổi vừa thổi phù phù vừa nhai nhồm nhoàm. Khoai lang Xứ Nghệ quê tôi bùi tận vỏ. Cắn miếng khoai, bột như tan ra trong miệng rồi quánh lại. Vị ngọt cứ tê tê đầu lưỡi, ấm cả chân răng. Mùa khoai về, nhà nhà chọn những củ khoai nguyên lành không tróc vỏ, dự trữ ăn dần. Lại nhặt những củ khoai sứt sẹo, tỉ mẩn cắt gọt đi, rửa sạch thái thành những lát mỏng phơi khô cho vào chum, vào vại đậy kín bằng lá chuối khô cẩn thận, phòng khi mưa dầm gió nghẹt hay ngày ba tháng tám, có thể nấu lên, xéo cùng đỗ, lạc hay độn cơm. Khoai lang đất cát để càng lâu càng bùi, càng ngọt. Bữa ăn quê kiểng vùng đất nghèo, trong tuổi thơ tôi hầu như chỉ “khoai, khoai toàn khoai”! Hạt cơm trắng, có chăng chỉ lèo tèo được cõng trên ba bốn miếng khoai to bự. Còn những bữa cơm không độn khoai chỉ là những ngày giỗ kỵ, tết nhất mới có. Mẹ tôi khuyên mà như an ủi: “Ăn khoai lang vừa ngọt, vừa bùi, vừa no lại nhuận tràng lắm các con ạ.”
Tôi lớn lên và trong ý nghĩ của tuổi trẻ, tôi ngẫm ra rằng đồng đất quê hương không thể nuôi nổi giấc mơ đời trai. Những ngày của “Năm tám mươi (1980) giá gạo tám mươi (80đồng), dân Xứ Nghệ mắt vàng như nghệ”, cùng với bao người khác, tôi rời quê nghèo đi tìm cuộc mưu sinh. Tôi đã đi đến bao miền đất hứa và cuối cùng dừng chân chốn trời Âu. Từ ấy, mỗi bữa ăn của tôi không còn cảnh dăm bảy miếng khoai cõng vài ba hạt cơm của miền quê nghèo nữa. Ngồi vào mâm, tôi lại nhói lòng thương “miền quê gió Lào cát trắng” lam lũ với những bữa sắn, bữa khoai. Mỗi khi nghe đài, xem tivi, biết rằng Xứ Nghệ quê tôi từ ngày đổi mới đã khởi sắc nhiều, nhưng vẫn không nguôi bão dập, mưa dồn. Bão tiếp bão, lũ chồng lên lũ, dữ dằn đến vậy cây lúa, củ khoai cũng trôi nổi, tiêu điều, làm sao sống được? Hẳn Xứ Nghệ quê tôi bây giờ vẫn còn nghèo lắm? Bát cơm độn khoai liệu có đầy, có đủ no lòng mẹ, có đủ no lòng em tôi không? Quê hương xa lăng lắc, mỗi năm đôi lần, vợ chồng tôi dành dụm tiền thu nhập chốn quê người gửi về đỡ đần cho mẹ. Thật xót xa, lắm khi chúng tôi cứ nghĩ thế là mình đã tròn đạo hiếu. Trong các cuộc họp mặt đồng hương Nghệ Tĩnh, những đứa con phiêu bạt nơi này, ai cũng đồng cảm đến ứa nước mắt câu thơ đau đáu: “ Củ khoai bở ăn đến giờ còn nghẹn/ Manh áo tơi che không hết nỗi nghèo…”! Câu thơ cháy rát trong tim những kẻ xa quê. Nhập nhòa trong từng con chữ là quê nhà, là những cồn cát trắng mênh mông, là những cánh đồng không có màu xanh chỉ lèo tèo những ngọn lúa héo úa xác xơ, là những cánh đồng cuồn cuộn đục ngầu, mênh mông sóng lũ…!
Nhiều cái Tết đi qua đời tôi, chất lên hai vai tôi thêm tuổi trời, khắc vào con tim tha hương của tôi nỗi niềm khắc khoải. Tết này, sau bao lần lỗi hẹn, tôi khăn gói tìm về cố hương. Mẹ tôi đã già lắm rồi, người cứ ôm lấy tôi nấc nghẹn. Đứa em gái út cũng đã có chồng, có con. Bữa cơm đầu tiên ở quê nhà được dọn ra. Tôi để ý thấy bên những món ăn quen thuộc ngày xưa, có thêm nhiều đĩa thức ăn mới trông thật ngon lành, mà những năm tháng tha hương, những khi tiệc tùng tôi vẫn thấy. Cơm thì được nấu bằng loại gạo mới trắng tinh, thơm phức. Bưng bát cơm lên, tôi nhìn mẹ, băn khoăn:
- Mẹ ơi, mẹ coi con là khách sao mà dọn cơm thịnh soạn thế này? Đến cơm cũng nấu bằng gạo dẻo! Con còn nhớ, ngày trước, cứ đến cữ gần Tết thế này là thời điểm khó khăn nhất trong năm cơ mà. Ông nội vẫn bảo: “Tết ngắn rồi răng cũng có các cháu ạ. Có câu “30 tết có thịt treo trong nhà” mà. Đáng lo nhất là cái Tết dài…! “Tết dài” con hiểu, là ông ám chỉ cái sự ăn… dài dài sau Tết, nhất là cái đói giáp hạt giêng hai. Con biết dù quê ta là vùng quê thuần nông, nhưng thường vào thời gian này làng xóm không ít người đứt bữa. Gạo, khoai chẳng có ăn đã đành, đến rau ngoài đồng cũng hiếm. Vì thế, con nhớ, ngày xưa vào dịp này không những nhà ta mà nhà nhà đều phải ăn cơm độn khoai đến ngày 29 Tết. Năm nay, quê ta lụt lội liên miên, hàng ngày mẹ, em và các cháu vẫn ăn cơm độn khoai, phải không mẹ?
Mẹ tôi bùi ngùi gạt nước mắt. Cô em gái thì che miệng cười. Đứa cháu gái mới lên 7 sà vào lòng tôi, ngước đôi mắt tròn xoe lên, líu ríu hỏi:
- Bác ơi! Cơm độn khoai là thứ cơm chi hở bác? Ngon lắm phải không bác? - Rồi quay sang bà và mẹ, cháu phụng phịu – Răng hàng ngày bà mí mẹ không nấu cơm độn khoai cho con ăn? Bà mí mẹ nói bác phải sống xa xứ, thương bác chịu khổ nhiều, răng bác về mà bà mí mẹ không nấu cơm độn khoai cho bác ăn? Bác nói cơm độn khoai ngon lắm, bác thích ăn lắm cơ mà!
Tôi thấy sống mũi mình cay xè. Ôi, chẳng lẽ những bát cơm độn khoai “ngày xưa” ở quê tôi đã trở thành cổ tích rồi ư? Có phải từ lâu lắm rồi, những bát cơm độn khoai đã trở thành hiếm hoi, đã chẳng còn hiện hữu ở vùng quê “gió Lào cát trắng” này? Đến đứa cháu tôi đã lên 7 tuổi rồi cũng chẳng biết đó là thứ cơm gì. Cháu cứ nghĩ đó là thứ cơm ngon lắm, quý lắm! Mà ngẫm cho cùng, nó ngon thật, quý thật! Thứ cơm đã nuôi ông thành người dạy chữ; nuôi bố biết cầm cây súng lên đường đánh giặc; nuôi bà, nuôi mẹ biết biến giọt mồ hôi mặn mòi thành lúa thơm, gạo dẻo, thành lời ru ngọt dịu; nuôi anh em tôi lớn lên… Tôi đã định nói câu gì đó với cháu, nhưng thấy nghẹn tắc ở cổ không sao nói được!
***
Đêm ấy, sau bao năm, sau bao cái Tết đi xa, tôi được ngủ giữa quê hương. Bao điều mới mẻ, đầy ắp của ngày qua khiến tôi không sao ngủ được. Bồng bềnh lời mẹ thao thiết trong tôi: “Đi xa chân cứng, đá mềm, cứ yên lòng con ạ. Từ ngày đổi mới, cuộc sống người dân quê mình khá lên nhiều lắm. Nhiều năm nay người dân quê mình chẳng ai còn phải ăn cơm độn khoai nữa. Nhưng khoai lang thì vẫn còn. Vùng đất “gió Lào cát trắng” ni thiếu củ khoai răng được! Đó là loài cây chung thủy với người nhất đời đó con! Mẹ nghe nói nhiều nơi khoai lang đã trở thành đặc sản, nhưng ở quê mình thì chưa. Nhưng ở vùng đất lắm mưa, nhiều bão, những khi lụt lội, bão tố mất mùa, củ khoai lang vẫn trung trinh, đỡ đần cho người dân quê mình vượt qua hoạn nạn đó con. Thôi ngủ đi con! Ngày mai mẹ sẽ luộc cho con nồi khoai thật ngon, thật bở để con ăn thỏa thuê với cà pháo quê nhà như ngày xửa, ngày xưa ấy…!
Tôi cứ thao thức nghĩ về những lời của mẹ. Ôi mẹ! Ôi quê hương! Vùng quê “gió Lào cát trắng”, một thời nghèo khó của tôi! Dù vẫn còn đó bão dập, mưa dồn; vẫn còn đó bao gian nan trên đường đi tới, nhưng Xứ Nghệ quê tôi đã thay da, đổi thịt thật rồi! Tôi len lén trở dậy bước ra ngoài, một mình thả bộ trên con đường ngày xưa cát ngập bàn chân nay đã được thay thế bằng bê tông phẳng lì. Đêm cuối năm yên tĩnh lạ lùng. Hình như có tiếng mùa xuân đang trở mình trong đất. Hình như đó là tiếng rì rầm của đất đai sinh nở. Dư thanh ấy, tôi nghe như lời nhắn nhắn gửi của quê nhà tới những đứa con xa quê như tôi, như bao người: Rằng chính nơi “gió Lào, cát trắng” này, mẹ ta, em ta, người dân quê ta đã không cam chịu đói nghèo, đã vươn dậy từ lũ dồn, bão dập, làm nên câu chuyện cổ tích hôm nay…
Tác giả Nguyễn Xuân Diệu - Nghi Xuân (Hà Tĩnh)
|