Trang chủ Liên hệ       Thứ sáu, Ngày 19/04/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
  -  Trang Thơ
  -  Trang Văn
  -  Các thể loại khác
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ > Trang Văn >
  Bài dự thi số 2 “Xứ Nghệ quê mình”: CHUYỆN TÌNH ĐỒNG LỘC của tác giả Nguyễn Xuân Diệu - Hà Tĩnh Bài dự thi số 2 “Xứ Nghệ quê mình”: CHUYỆN TÌNH ĐỒNG LỘC của tác giả Nguyễn Xuân Diệu - Hà Tĩnh , Người xứ Nghệ Kiev
 

Lâu nay, bài thơ “Cúc ơi” và cái bút danh Yến Thanh cứ ám ảnh tôi mãi. Tháng 7 này, tình cờ tôi được gặp tác giả Yến Thanh khi chúng tôi cùng được mời về dự lễ kỷ niệm 46 năm ngày chiến thắng Đồng Lộc. Nghe tôi hỏi, Yến Thanh nói buồn:

-   Sao mình lại là Yến Thanh ư? Đó là cả một câu chuyện dài. Câu chuyện chưa có kết, đầy bi tráng, cậu ạ…!

Nói rồi, anh nhìn mông ra mặt hồ mà như nhìn vào vào một cõi vô định nào đó xa lăng  lắc. Tiếng anh vời vợi:

-  Tháng 3-1966, lúc đó mình mới hai mươi mốt tuổi, là cán bộ trung cấp giao thông, được điều về đội 55- P18 TNXP. Ngày ấy, quốc lộ 15 trở thành con đường chiến lược cho xe ra tiền tuyến. Ngã Ba Đồng Lộc và các ngã đường: Khe Út, Truông Kén, Trường Thành, Cầu Tối, Tùng Cốc, Cầu Bạng, Cống 19… bị bọn Mỹ chọn làm điểm hủy diệt. Đội 55 TNXP gồm 9 đại đội với gần 1.200 đội viên. Ngày đó, Đồng Lộc ngày đêm máy bay địch gầm rú xé trời. Bom nổ, tên lửa bắn, xe  cháy, bom từ trường, bom bi, rốc két, người chết, bị thương… không lúc nào ngớt. Vậy mà hôm nào mình cũng xuống các đại đội kiểm tra động viên anh chị em bảo đảm giao thông và mở tuyến mới. Một hôm vừa chạng vạng tối, mình đi xuống C51. Đến quảng cầu Tối (sau này có hai chiến sĩ Lê Văn Dương và Nguyễn văn Tài phá bom thông đường hi sinh ở đây, nhân dân gọi là cầu Dương- Tài), mình gặp tiểu đội TNXP đang lấp hố bom ven đường. Lúc đó mình còn trẻ, mê văn nghệ và cũng …đa tình lắm. Thấy các o vừa san lấp hố bom vừa cười đùa vui quá,“ngứa mồm” mình cất  giọng véo von:

                (Anh) thương em vô dạ quá (ơ ơ) chừng

         Qua ngã ba  quên sợ, ngậm (củ) gừng (ơ ơ) quên cay

Phía các o có tiếng đấm lưng nhau thì thụp rồi ngay lập tức có tiếng hò đáp lại mà cái giọng chao ôi là lanh lảnh, là chua như giấm cất lên:

            Thương anh răng nỏ muốn (ơ ơ) thương

   Ngã Ba (đang) thiếu  nước mà mương (ơ ơ) anh  chưa đào

Mình cú lắm định tìm lời đối lại, nhưng lúc đó có tiếng máy bay rồi một loạt pháo sáng nổ ngay trên đầu làm mình phải vội lao vào hầm trú ẩn ven đường, Ngổi trong hầm lo cho mình thì ít mà lo cho tiểu đội TNXP ấy thì nhiều …

Anh ngừng kể, mỉm cười:

-   Tình yêu lạ lắm, đôi khi chỉ là một sự tình cờ mà trái tim nó giục mình yêu, “bắt” mình yêu, cậu ạ. Sau bữa đó, một hôm khoảng 4 giờ sáng, mình có việc đi qua Ngã Ba. Vừa đến đoạn Trường Thành thì bọn Mỹ kéo đến thả pháo sáng. Mọi bữa thả pháo sáng xong, chúng còn lượn mấy vòng tìm kiếm, hôm nay chúng ném bom ngay. Thấy bom nổ, mình luống cuống chạy tìm nơi ẩn nấp thì có một cô TNXP lao đến. Cô ta quát vào tai mình :

-   Đàn ông đàn ang chi mà lớ nga lớ ngớ rứa? May mà thằng F4 ni vừa ném bom xong đang lượn vòng. Nó sắp quay lại đó, chạy theo tui mau không mất “gáo” giờ!

Cô kéo mình lao xuống một hố bom cách xa vệ đường. Có tiếng máy bay xẹt qua và tiếng rít eo éo rợn người. Cô gái xô mình xuống lòng hố bom nóng rẫy, rồi nằm đè lên người mình. Chớp bom bùng lên chói lòa. Trời đất chao đi. Những tảng đất, có tảng to bằng bánh xe kéo pháo, có tảng  bằng cái mũ  sắt bay tung lên cao, ném rào rào xuống chèn kín xung quanh chúng mình. Bỗng mình thấy như có một tảng đá chèn lên ngực. Rồi mình cứ trôi, cứ trôi như trong màn sương đen đặc...Khi tỉnh dậy, mình thấy cô gái đang ngồi quỳ trên người mình, cúi xuống gắn đôi môi mọng đỏ vào đôi môi mình để hà hơi thổi ngạt. Thấy mình đã tỉnh, cô gái nhổm người đứng dậy thở phào:

-   May quá! Anh sống rồi!

Thì ra mình  bị sức ép ngất đi, cô gái sau này mình mới biết tên là Yến từng hò đốp chát với mình ở ngã ba Trường Thành, đã cứu sống mình. Rồi chúng mình yêu nhau lúc nào không biết nữa. Cũng từ ấy, có lẽ tình yêu đã “bắt” mình làm thơ. Những bài thơ về tình yêu, về nỗi mất mát, hy sinh, về lòng quả cảm của đồng đội. Thơ mình nhiều lúc chỉ như nói vần, vậy mà thật mừng là nhiều bài anh chị em thuộc, đọc cho nhau nghe bên hố bom ngay giữa ngã ba. Một ngày sau sự kiện 10 chị em tiểu đội Võ Thị Tần anh dũng hy sinh, nước mắt mình chảy thành bài thơ “Cúc ơi” khóc đồng đội. Đến nay, nhiều người đọc bài thơ, nghe bài hát đó còn khóc, cậu ạ. Mình và Yến yêu nhau tha thiết. Những khi vừa lấp hố bom xong, là em chạy ngay đến với mình. Nhiều lúc, hai đứa ngồi ôm nhau dưới căn hầm kèo, áo quần, tóc tai dính bết mồ hôi, khét nồng mùi khói. Chung quanh đất giật liên hồi vì sức nổ của đủ thứ bom đạn. Cậu đừng cười. Mình rúc đầu vào ngực em như tìm ở đó sự yêu thương; như bấu víu vào đó một thoáng yên bình, dù thật mơ hồ. Cậu đừng cho mình là  kẻ sa đoạ, yếu mềm hay đớn hèn. Đã có lúc ngay giữa trận bom, mình ghì riết em vào lòng, hôn tới tấp lên môi, lên má, lên mắt em, nài nỉ:

-   Yến ơi! Cho anh đi! Bom đạn ác liệt thế này, cái chết rình rập từng phút từng giây biết nó ập đến lúc nào mà giữ gìn, mà không trao hết cho nhau, hở em ?

Yến không gỡ đôi tay đang  ghì riết của mình, em cứ ngồi yên trong vòng tay mình, nói bằng giọng bình tĩnh và kiên quyết lạ thường:

-   Đừng anh! Chúng mình phải giữ gìn phẩm giá, giữ gìn sự trong sáng của tình yêu! Nếu chết, cũng phải chết cho xứng đáng bằng tấm lòng trinh bạch, bằng phẩm chất đội viên TNXP anh ạ !

Mình lặng lẽ buông em ra, lặng lẽ thở dài. Yến vuốt nhẹ lên mái tóc mình:

-    Anh ơi ! Hãy đợi nhau ngày hết giặc anh nhé ! Em sẽ trao cho anh tất cả, trao cho anh trọn vẹn tình yêu, trọn vẹn đời người con gái. Mai mốt nếu còn sống, được thành vợ thành chồng, chúng mình sẽ lấy tên Đồng - Lộc đặt cho những  đứa con, để đừng ai quên đi những năm tháng này. Và… nếu…ông trời bắt chúng mình mỗi đứa một phương, và anh trở thành nhà thơ, em ước ao anh sẽ đặt bút danh làm sao có tên anh và em trong đó, nhé...anh nhé!                                        

                                                            ***

Năm tháng ấy chúng mình yêu nhau, sống, chiến đấu, làm thơ… bên nhau bằng tất cả sự nồng nàn của trái tim tuổi trẻ. Yến đẹp lắm cậu ạ. Một vẻ đẹp thôn dã đến mê muội. Cậu biết không, cả ngày đội bom, tắm nắng thế mà làn da em vẫn trắng ngần. Đến nỗi, bạn bè thường đùa phải cấm Yến xắn quần đi ban đêm, bởi làn da ở đôi chân em không chừng phát sáng sẽ bị lũ máy bay địch phát hiện được. Chuyện chẳng ngoa đâu, vì đã không ít lần, trong đêm tối em đã xắn cao quần đi trước dẫn đường cho các “bác tài” lái xe theo đôi bắp chân trần của em, qua những đoạn đường địch mới đánh phá. Nhưng ai học hết được chữ ngờ. Sau năm 1973, Hiệp định Pa-ri được ký kết, cuộc đời chúng mình mỗi người một ngả. Em ra quân. Mình thi trúng vào đại học Giao thông Vận tải. Thương em đời con gái có thì, lá thư nào mình cũng khuyên em nên đi lấy chồng. Nhưng em cứ khăng khăng chờ đợi. Lúc ấy, mình có một quyết định dại dột, để sau này phải ân hận suốt đời, không liên lạc, thư từ gì với em nữa, để cho em lấy chồng. Cậu ơi, giá như đời em được hạnh phúc thì mình đã đỡ day dứt. Nhưng nữ TNXP ngày đó trở về đời thường, ít người gặp lương duyên. Lòng đầy ân hận, bao năm nay, mình lặn lội đi kiếm tìm, dẫu rằng tăm cá, bóng chim, những mong được tạ tội với em...!

Anh ngừng kể, ngước đôi mắt thất thần lên bầu trời Đồng Lộc lãng đãng màu khói cháy. Như tiếc nuối một điều gì đó đã qua, đã mất đi, xa vời vợi, giọng anh khàn đặc:       

 -    Còn việc cậu hỏi về cái bút danh như tên con gái của mình ư? Mình chưa kể với ai cả, nhưng bữa nay, giữa Ngã Ba Đồng Lộc nơi bao đồng đội yêu quý của mình đã sống, đã chiến đấu, đã ngã xuống đầy đau thương và anh hùng; nơi mình và Yến đã sống  suốt 138 ngày đêm mưa bom, bão đạn, đã nồng nàn yêu nhau bằng mối tình đầu… mình sẽ nói hết. Tên mình là Nguyễn Thanh Bính, em là Tôn Thị Yến. Nhớ em, nhớ ước nguyện ngày xưa của em, mình đặt bút danh cho mình là Yến Thanh. Mình muốn những bài thơ của mình, sẽ nói thay cả hai đứa mình về một thời bom lửa, một thời hào hùng; những trang thơ sẽ bay khắp chân trời, góc bể, đi tìm nỗi nhớ, đi tìm tình yêu, đi tìm em...! Cậu ạ…!                                                                                        


Ngã Ba Đồng Lộc - kỷ niệm 46 năm ngày chiến thắng (24/07/1968 - 24/07/2014)                                                                                                                                           

 Nguyễn Xuân Diệu

 


  Các Tin khác
  + Ba ca khúc của nhạc sỹ Phạm Minh Thuận dự thi " Xứ Nghệ Quê Mình" (09/10/2014)
  + CHỢ QUÊ - Bài dự thi "Xứ Nghệ quê mình" của tác giả Sĩ Nhiếp (29/09/2014)
  + CON SẼ VỀ - Bài dự thi "Xứ Nghệ quê mình" của tác giả An Nam (23/09/2014)
  + Thơ Trần Thị Bích Thảo - VỀ HÀ TĨNH (23/09/2014)
  + THƠ TÔI - Bài dự thi "Xứ Nghệ quê mình" của tác giả Sĩ Nhiếp (20/09/2014)
  + Bài dự thi viết về “ Xứ Nghệ quê mình” của Trần Thị Châu (05/09/2014)
  + Sáng tác dự thi Xứ Nghệ Quê Mình - Sáng tác Lê Xuân Hải - Phỏng thơ Hồ Sỹ Trúc - Trình bày Ca sĩ Đăng Thuật (02/09/2014)
  + Bài dự thi số 12 của Trường Hải Lê Văn Đông - TRE - VIỆT NAM (29/08/2014)
  + "Quê nghèo thắp sáng ước mơ" - Bài dự thi "Xứ Nghệ quê mình" của tác giả An Nam - Nghệ An (17/08/2014)
  + TIẾNG GỌI… GIẬT - Bài dự thi "Xứ Nghệ quê mình" của tác giả Ngọc Long - TP Hồ Chí Minh (08/08/2014)
  + KHI TỔ QUỐC BÃO GIÔNG - Bài dự thi "Xứ Nghệ quê mình" của Nhạc sĩ Trần Xuân Lâm (05/08/2014)
  + BÀI THƠ BÊN BỜ THẠCH HÃN! - Bài dự thi "Xứ Nghệ quê mình" của tác giả Hoàng Thảo Chi - Huế (05/08/2014)
  + VIẾT Ở ĐỀN CUÔNG * - Bài dự thi "Xứ nghệ quê mình" của tác giả Bùi Ngọc Bích - Hà Tĩnh (04/08/2014)
  + HẦU CHUYỆN CỤ NGUYỄN DU (03/08/2014)
  + Bài dự thi "Xứ Nghệ quê mình" của tác giả Linh Tâm - Hà Nội (31/07/2014)
  + Bài dự thi số 11 "Xứ Nghệ quê mình": LÀNG TÔI - của tác giả Trường Hải Lê Văn Đông - Nghệ An (28/07/2014)
  + Bài dự thi "Xứ Nghệ quê mình" của tác giả Nguyễn Xuân Diệu - Nghi Xuân (Hà Tĩnh) (22/07/2014)
  + Bài số 2 dự thi "Xứ Nghệ quê mình" của tác giả Lê Thị Lan Trang (Mỹ Tho) - MẸ VÀ TỔ QUỐC (15/07/2014)
  + Bài dự thi "Xứ Nghệ quê mình" của tác giả An Nam (Thanh Chương - Nghệ An) - Mùa hến sông Lam (23/06/2014)
  + Bài dự thi "Xứ Nghệ quê mình" của tác giả Lê Thị Lan Trang (Mỹ Tho). (12/06/2014)
Playlist

GIỚI THIỆU
 

Kính thưa quý độc giả 

Website nguoixunghekiev.vn

hoạt động chính thức từ tháng

10/2012. và  phi lợi nhuận.

Trang tin đăng tải tin tức 

của cộng đồng người Việt tại Kiev

và toàn Ucraina, đồng thời lấy tin 

từ các trang báo mạng khác trên

nguyên tắc trích dẫn nguyên bản 

đường nguồn chính. Là những

người làm báo không chuyên nên

chắc chắn sẽ gặp sai sót không

mong muốn, chúng tôi sẽ tiếp thu 

chân thành những góp ý xây dựng 

của quý độc giả để cho trang tin 

ngày càng hoàn thiện hơn, xin gửi

về mục liên hệ trên mặt báo hoặc

Email: hosytruc@gmail.com

ĐT: 093-712-24-57

093-973-97-39

Xin trân trọng cảm ơn.

Biên tập: Hồ Sỹ Trúc

 

 

 
 
 

 

 


QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 2
Total: 60203198

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July