Trang chủ Liên hệ       Thứ năm, Ngày 21/11/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
  -  Trang Thơ
  -  Trang Văn
  -  Các thể loại khác
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ > Trang Văn >
  Bài dự thi "Xứ Nghệ quê mình" của tác giả Lê Bá Dương (Nha Trang) - ĐỀN THỜ THỤC VƯƠNG Ở XỨ NGHỆ Bài dự thi "Xứ Nghệ quê mình" của tác giả Lê Bá Dương (Nha Trang) - ĐỀN THỜ THỤC VƯƠNG Ở XỨ NGHỆ , Người xứ Nghệ Kiev
 

Tọa lạc ngay chân núi Mộ Dạ, thuộc xã Diễn An, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, nơi cuộc đất thế “Phụng hàm thư” (đẹp như thế chim phượng ngậm thư). Từ đường quốc lộ 1A, chỉ vài bước chân là qua cổng đền. Vậy nhưng, hàng triệu triệu… lữ khách trên đường thiên lý vào Nam, ra Bắc, khi qua chốn đền thiêng này, không phải ai cũng biết ngôi đền có cái tên giản dị - đền Công, chính là đền thờ Thục An Dương Vương, vị vua đầu tiên có công thống nhất bờ cõi, lập nên quốc gia Âu Lạc cách hơn 2000 năm trước!

Gọi là đền Công (hoặc đền Cuông theo cách phát âm của người địa phương) bởi khi xưa, nơi đền Công phát tích, núi Mộ Dạ là nơi quần hội từng đàn chim công. Thường đất có lành chim mới đậu, và chim đậu núi thiêng lại là loài chim quý phái, sang trọng như công, như phượng nên đất càng lành. Người xưa vẫn nói: sơn bất tại cao, hữu tiên tắc linh (núi không bởi tại cao, nhờ có tiên mà nổi tiếng). Bởi vậy nên khi núi Mộ Dạ có đền thờ một vị vua có thật trong cả hai dòng kênh chính sử và huyền sử nên núi lại càng linh, đền càng thiêng.

Chuyện rằng: Thục Vương được thần Kim Quy giúp xây ốc thành tại Cổ Loa (nay là Đông Anh, Hà Nội), lại trao cho chiếc móng làm lẫy nỏ thần và khi nỏ thần “vô ý trao tay giặc…”, Thục Vương vội đặt Mỵ Châu lên ngựa, ngay sau lưng mình rồi phóng về phương Nam. Mải miết tới vùng đất Hoan Châu, chỉ thấy biển chắn lối, núi cản đường, vội hướng mặt ra biển than  trời. Ngay tức khắc, từ mặt nước biển đông, thần Kim Quy hiện  lên mà rằng:

- Giặc ở sau lưng, nhà ngươi còn để làm gì?!

Tương truyền, trước khi nhận nhát gươm oan nghiệt của vua cha, công chúa Mỵ Châu từng thảng thốt một lời nguyền: Nếu vì tình nghĩa mà chết oan, sẽ xin thành ngọc quý… và lời nguyền của nàng công chúa hiếu nghĩa, thủy chung đến cả tin đã thấm vào lòng những con trai biển kết thành ngọc.

Lại nói, Thục Vương sau khi xuống gươm kết thúc cuộc đời con gái yêu, ngài cũng theo thần Kim Quy rẽ nước hóa vào biển cả, kết thúc bi kịch nỏ thần. Để rồi núi Mộ Dạ nơi cuộc đất Hoan Châu xứ Nghệ bỗng là nơi lịch sử buông dấu chấm buồn xót xa cho mối tình Châu - Thủy.

Đất nước trải ngàn dâu bể, biển lùi ra xa tận cửa Hiền. Còn lại trong vi vút ngàn thông Mộ Dạ là ngôi đền linh thiêng, một chiếc giếng rửa ngọc, cùng bao điều ngẫm nghĩ về thế thái nhân tình…

Thủa nhỏ, mỗi khi về quê ngoại, tôi vẫn được lũ bạn rủ lên đền Công. Mỗi dịp vậy, dù được các cụ bề trên đe nẹt về sự linh thiêng của đền, lũ chúng tôi vẫn vô tư mọ mẫm từng bộ khôi giáp của hai ông hộ pháp đôi bên tả hữu cổng tam quan. Đôi khi cao hứng, lần lượt từng đứa leo lên lưng hai ngài voi đá phục bên lối vào đền, và lần nào cũng vậy, khi tới bái đường, đứa nào cũng tọ mọ, cố nghiêng ngó vào hun hút lòng chiếc giếng vuông ngay dưới bệ thờ mà tưởng tượng chuyện xưa.

Nghe kể, giếng thông ra tận biển Đông và bái đường là chốn cầu khấn âm dương linh ứng. Người ta còn nói, vào những đêm thanh khuya, vẫn nghe trên điện thờ tiếng người, ấy là lúc Thục Vương ngài hiển thánh, nghị bàn việc quân với tướng quân Cao Lỗ (một vị tướng có tài đúc đồng, rèn vũ khí, hiện ở làng Nho Lâm, Diễn Thọ, Diễn Châu, vẫn thờ như tổ nghề đúc, rèn).

Lại khi trăng thanh, gió mát, thanh thản việc quân, Thục Vương còn thư thái cùng thần Kim Quy đánh cờ với nhau trên bàn đá phía sau đền (?). Nghe thì biết vậy, chẳng đứa nào trong lũ trẻ chúng tôi tận mắt nhìn thấy các vị thần tiên, ngoại trừ những khi lăn lóc trên bậu cửa đền mà ngủ ngon lành, giữa ve vuốt của gió ngàn thông đùa thổi vào mơ màng tiếng vó ngựa người xưa cùng nỉ non câu chuyện tình một thủa bi hùng.

Đất nước qua ngàn chinh biến, cuộc chiến tranh giải phóng cuốn chúng tôi vào cuộc trường chinh tiếp nối vó ngựa cha ông xẻ dọc Trường Sơn về phương Nam. Ngày trở về, cả vùng Nam Diễn, Bắc Nghi (giáp ra Diễn Châu- Nghi Lộc) hoang tàn sau chiến tranh. Những cao điểm Đại Hải, Cầu Cấm, kênh nhà Lê, nhà ga Mỹ Lý… đều bị bom Mỹ san phá tả tơi. Vậy nhưng lạ kỳ thay, một đền Công rêu phong vẫn sừng sững tựa vào sườn non Mộ Dạ mà đối mặt với thời gian.

 Các cụ kể trong linh ngưỡng, - Đền còn, núi còn… ấy là nhờ vào oai linh của đức ngài Thục Vương đã gạt bom, né đạn. Như nối vào dòng linh ngưỡng tích xưa, đến năm 1996, một con chim hạc lớn nặng hơn 5kg, không biết tự phương nào đáp xuống thượng đền giữa lễ đại tế. Hạc về đã linh, càng linh thiêng khi Hạc về đúng vào thời khắc thiêng liêng nên càng thiêng. Để rồi người người truyền nhau thành kính đón rước, nuôi dưỡng cho đến khi chim hạc “quy tiên”, mới đem ướp hình hài “ngài Hạc” rồi trận trọng để trong tủ kính thờ bên cạnh đôi hạc gỗ có từ xa xưa nơi chính điện.

Chuyện chim trời chưa hết xốn xang, tiếp qua năm 1997, một “ngài” cá ông voi dạt vào cửa Hiền, nơi ngày xưa Thục Vương về với Quy thần. Trong lễ rước ngài cá Ông về phụng thờ, dân kẻ biển cung kính mà rằng: Phúc phận lắm dân Diễn Châu mới được “Ông” gửi hình hài cho thờ. Cũng phải có linh ứng gì “Ông” mới chọn cửa Hiền để hóa mình. Chuyện như có sự sắp đặt của đất trời, tỏa lung linh thành huyền thoại, nên xuân thu nhị kỳ đến kỳ đại tế đền Công, năm nào người trong vùng, ngoài tổng tìm về chiêm bái ngày một đông.

Khc với lễ hội Cổ Loa (Hà Nội) với nhiều kỳ lễ tế, ở đền Công, mỗi năm ngoài sóc vọng như các đền chùa vào mồng một, ngày rằm, kỳ đại tế thần duy nhất vào trung tuần tháng 2 âm lịch. Những năm gần đây, khi đền Công được “sắc” phong “Di tích Lịch sử văn hóa Quốc gia”,  nối tiếp mỹ tục ngàn xưa, lễ đại tế được chính cử vào ngày 15-2 âm lịch. Đương nhiên nghi lễ tế tự truyền thống do nhà nước chủ tế hạng Nhất (Tự thượng Quốc tế) thường do các quan chức đầu tỉnh lãnh vai chủ tế. Song cổ lễ truyền nối từ xưa đến giờ, với truyền thống tôn sư, trọng đạo, các vị đương nhiệm đều trân kính nhường cho các bậc cao niên là các quan chức đã về hưu. Tâm ý  trong cái đạo ở  đời rằng: các vị hưu quan xét cả về tuổi đời, tuổi nghiệp, học hàm, học vị đều là bậc tiền nhiệm bề trên, biết rộng, hiểu sâu, thông thạo lễ nghi, phép tắc. Thêm nữa, nhiều vị còn là thầy, là cấp trên của các vị đương chức, việc đứng ra chân chủ tế âu cũng là lối ứng xử tinh tế, rất văn hóa mà cha ông truyền lại cho đời.

Kỳ đại tế đền Công này, tôi đã rất may mắn có mặt từ lễ khởi tế. Theo quan niệm tế thần như còn sống (tế như tại) khoảng giờ Tý đêm 14 rạng ngày 15 tháng 2 âm lịch, từ làng Cao Ái (xã Diễn Trung), người ta rước linh vị Thục Vương  từ đình làng vi hành một vòng quanh các làng xã để “ngài” xem xét, ban lộc cho muôn dân. Tương truyền khi xưa chiếc kiệu của ngài được sóng biển đưa vào cửa Hiền, thiên hạ cử trai tráng các làng ra khiêng về thờ, song ngoại trừ trai làng Cao Ái ra, không một trai làng khác khiêng nổi kiệu vua, bởi hồn thiêng của ngài như chỉ cho Cao Ái có cái phúc rước linh ngài về nhập vào đình làng mình.

 Không chỉ linh vị Thục Vương, khi tiếp rước lên đền, có thêm kiệu rước tượng tướng Cao Lỗ, phò sau kiệu vua. Khoảng giờ Thìn (8 giờ) khi “kiệu vua đi trước, tướng bước theo sau” trên nền chiêng, trống náo nức, là rực rỡ cờ hoa. Từng đoàn người xanh đỏ áo khăn chen vai, nối gót đội cỗ, dâng hương, nhích dần lên thượng đền.

Cũng như xưa, mỗi khi vào hội lễ, thâu đêm, suốt sáng quanh đền Công diễn ra các cuộc đốt pháo bông, hát tuồng, hát đối đáp phường vải, phường chài… bây giờ, ngoài hát hò do các đoàn hát của tỉnh phục vụ, còn thêm các cuộc trưng bày tranh ảnh giới thiệu nếp sống mới, các cuộc tỷ thí tranh giải bóng đá, bóng chuyền, võ thuật…

Dĩ nhiên như mọi cuộc hội lễ, không thể thiếu được những “nhà” phục vụ hậu cần, ấy là các hàng quà. Về với lễ hội đền Công không khỏi xốn xao  lòng khi những năm gần đây, những người từng gắn tuổi thơ mình với những kỷ niệm chân quê sẽ thấy lại những hàng quà quê. Từ tấm mía, trái ổi, miếng kẹo dồi dân dã, sánh cùng món kẹo cu đơ từ lâu đã thành danh đặc sản xứ Nghệ. Và nữa, giữa những quầy hàng đồ chơi, những xe, những máy, những búp bê được điều khiển bằng mạch vi giống y như thật bày la liệt khắp sân hội, vẫn còn chỗ cho mấy anh hàng kèn (loại kèn tre có loa cong như chiếc tù và cuốn cong bằng phim nhựa 35ly, hoặc bằng lá duối gai). Không ít nghệ nhân tò he từ làng Phượng Dực (Phú Xuyên, Hà Tây) trẩy theo hội lễ vào trổ nghề. Chỉ bằng mấy cục bột nếp luyện dẻo, nhuộm phẩm xanh đỏ tím vàng tươi tắn, thêm chiếc lược làm công cụ ép, chải dưới bàn tay thuần thục của các nghệ nhân, lúc véo, vắt, khi nặn, chải… loáng  đã thành hình con giống ngồ ngộ. Từ con gà con công, từ ông Gióng cưới ngựa quất cao bụi tre ngà đến cả Thục Vương cõng công chúa  Mỵ Châu trên lưng tuấn mã… sống động đến hút hồn không chỉ đám trẻ con mà giá cũng chỉ vài ngàn  đồng, vừa bằng giá bát nước chè xanh. Cũng như ngày xưa, lũ trẻ chúng tôi dù chỉ vài xu, cũng có được cái sự háo hức đợi chờ cho mình  một con giống. Có vẻ như niềm say mê háo hức của người hâm mộ bao quanh mới là cái giá đích thực làm thỏa mãn những kẻ sĩ làng quê.

 Vậy nhưng cũng không khỏi  chạnh buồn khi nhận ra giữa những áo khăn truyền thống, những món ăn, món chơi dân dã mà  thiếu vắng những món quà lưu niệm rất riêng của lễ hội đền Công. Nên chăng một chiếc dây chuyền ngọc trai, hoặc một chiếc đai mũ bằng bìa cứng, giắt thêm chiếc lông ngỗng trong hành trang trở về của mỗi người, ít nhất cũng là chút kỷ niệm để khoe, để nhớ đến một nàng Mỵ Châu  trắng trên vai chiếc áo lông ngỗng dệt từ sự chung tình.

“Sơn bất tại cao, hữu tiên tắc linh, Hải bất tại thâm, hữu long tắc danh” (Núi không cần cao, chỉ cần có tiên là linh thiêng, Biển không vì sâu, chỉ cần có rồng là nổi tiếng). Tiên phật từ tâm mà thành, cũng tự tâm mà linh thiêng. Với đền Công, ngôi đền thờ một vị vua có thật, cùng câu chuyện tình có thật thì sự linh thiêng thêm bội phần. Muôn đời người đến đền Công không chỉ ngưỡng vọng công tích một thuở dựng nước lao lung, mà có lẽ còn sâu xa hơn khi chiêm ngẫm những điều sâu lắng về thế thái nhân tình thấm đậm trong huyền sử.

Rằng trong muôn triệu lữ khách trên đường thiên lý nhuốm bụi trần gian, ai đó từng soi mình, rửa lòng qua giếng ngọc đền Công? Ngôi đền thờ Thục Vương - vị vua đầu tiên có công thống nhất bờ cõi, lập nên quốc gia Âu Lạc cách hơn 2000 năm trước đã chọn đất Hoan Châu xứ Nghệ mà hiển linh.
Những hình ảnh Lễ hội đền Công:

               Trẩy hội đền Công

         Chuẩn bị nghênh kiệu

                Rước kiệu vua Thục An Dương Vương

             Đu dây - Trò chơi dân gian vào hội

                  Háo hức với tò he Phượng Dực

Nhà báo Lê Bá Dương - Văn phòng Thường trú báo Văn hóa

            Khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên

                       Email: lebaduong68@gmail.com

 


  Các Tin khác
  + Ba ca khúc của nhạc sỹ Phạm Minh Thuận dự thi " Xứ Nghệ Quê Mình" (09/10/2014)
  + CHỢ QUÊ - Bài dự thi "Xứ Nghệ quê mình" của tác giả Sĩ Nhiếp (29/09/2014)
  + CON SẼ VỀ - Bài dự thi "Xứ Nghệ quê mình" của tác giả An Nam (23/09/2014)
  + Thơ Trần Thị Bích Thảo - VỀ HÀ TĨNH (23/09/2014)
  + THƠ TÔI - Bài dự thi "Xứ Nghệ quê mình" của tác giả Sĩ Nhiếp (20/09/2014)
  + Bài dự thi viết về “ Xứ Nghệ quê mình” của Trần Thị Châu (05/09/2014)
  + Sáng tác dự thi Xứ Nghệ Quê Mình - Sáng tác Lê Xuân Hải - Phỏng thơ Hồ Sỹ Trúc - Trình bày Ca sĩ Đăng Thuật (02/09/2014)
  + Bài dự thi số 12 của Trường Hải Lê Văn Đông - TRE - VIỆT NAM (29/08/2014)
  + "Quê nghèo thắp sáng ước mơ" - Bài dự thi "Xứ Nghệ quê mình" của tác giả An Nam - Nghệ An (17/08/2014)
  + TIẾNG GỌI… GIẬT - Bài dự thi "Xứ Nghệ quê mình" của tác giả Ngọc Long - TP Hồ Chí Minh (08/08/2014)
  + KHI TỔ QUỐC BÃO GIÔNG - Bài dự thi "Xứ Nghệ quê mình" của Nhạc sĩ Trần Xuân Lâm (05/08/2014)
  + BÀI THƠ BÊN BỜ THẠCH HÃN! - Bài dự thi "Xứ Nghệ quê mình" của tác giả Hoàng Thảo Chi - Huế (05/08/2014)
  + VIẾT Ở ĐỀN CUÔNG * - Bài dự thi "Xứ nghệ quê mình" của tác giả Bùi Ngọc Bích - Hà Tĩnh (04/08/2014)
  + HẦU CHUYỆN CỤ NGUYỄN DU (03/08/2014)
  + Bài dự thi "Xứ Nghệ quê mình" của tác giả Linh Tâm - Hà Nội (31/07/2014)
  + Bài dự thi số 2 “Xứ Nghệ quê mình”: CHUYỆN TÌNH ĐỒNG LỘC của tác giả Nguyễn Xuân Diệu - Hà Tĩnh (28/07/2014)
  + Bài dự thi số 11 "Xứ Nghệ quê mình": LÀNG TÔI - của tác giả Trường Hải Lê Văn Đông - Nghệ An (28/07/2014)
  + Bài dự thi "Xứ Nghệ quê mình" của tác giả Nguyễn Xuân Diệu - Nghi Xuân (Hà Tĩnh) (22/07/2014)
  + Bài số 2 dự thi "Xứ Nghệ quê mình" của tác giả Lê Thị Lan Trang (Mỹ Tho) - MẸ VÀ TỔ QUỐC (15/07/2014)
  + Bài dự thi "Xứ Nghệ quê mình" của tác giả An Nam (Thanh Chương - Nghệ An) - Mùa hến sông Lam (23/06/2014)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 1
Total: 65078147

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July