Trang chủ Liên hệ       Thứ năm, Ngày 26/12/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
  -  Trang Thơ
  -  Trang Văn
  -  Các thể loại khác
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ > Trang Văn >
  Bài dự thi số 2 “Xứ Nghệ quê mình” Truyện ngắn PHIÊN CHỢ CẠ của tác giả Kiều Minh Ngọc - Pleiku Bài dự thi số 2 “Xứ Nghệ quê mình” Truyện ngắn PHIÊN CHỢ CẠ của tác giả Kiều Minh Ngọc - Pleiku , Người xứ Nghệ Kiev
 

              Ảnh minh họa - Internet

Bao nhiêu năm xa quê hương, xa bạn bè xóm chợ thân yêu. Tình cảm và những kỷ niệm về năm tháng tuổi thơ gian khó, không hề nguôi ngoai khi đến những ngày giáp Tết. Một sáng ngủ dậy, nhìn lên tờ lịch thấy ngày hai lăm tháng Chạp, lòng tôi lại cồn cào da diết nhớ về những phiên chợ Cạ của một thời lam lũ xa xưa...

Gió mùa Đông Bắc tràn về lạnh lẽo… Cây đào trước nhà đã chớm nụ, cây mạ xanh mởn, nơi góc ruộng, bờ sân đang chuẩn bị xuống đồng. Các bà các chị rét mướt, te tái chạy chợ, quàng áo mưa đi cấy. Sân kho hợp tác xã, lũ trẻ đã tập trung đánh xu đánh đáo. Làm súng diêm, thỉnh thoảng nổ cái “đẹt.” Tối về tụ tập đánh bài tam cúc ăn búng… Cãi nhau inh ỏi.

Bà và mẹ đã đi chợ mua cá thửng, cá thu về kho khô chờ Tết. Cửa hàng mua bán của Hợp tác xã chất đầy quần áo mới trên quầy, sẵn sàng phân phối. Người già giã bột quấn hương... Lau dọn bàn thờ.

Đâu đó vương vấn trong mưa bụi thoang thoảng mùi trầm hương. Gia đình nào có người đi xa, lên kế hoạch đi rước, đi đón, chú, dì cô bác ở Hà Nội về quê ăn Tết. Mà chúng tôi khi đó, ai đi từ phía bắc về, nói đôi câu “Nào, Sao, Giời ơi” đều xếp vào mục: “Ở Hà Nội về ” nhiều nhà tự hào về điều đó.

Trẻ con trong xóm lại gõ gõ vào cái ống nứa dài khoảng nửa mét, cưa tí miệng sáo, chỉ bỏ vừa đồng năm xu… Ki cóp cả năm trời, giờ đưa ra lắc lắc ghé vào tai… Thực tình cũng chẳng biết là được bao nhiêu. Trẻ con ít nhớ, chỉ căn vào tiếng kêu, lục bục thì nhiều, lắc cắc thì ít… (Ngày đó có ai lì xì mừng tuổi nhiều như bây giờ đâu.) Thế mà cũng có hiện tượng mất đấy… Có thằng, nhiều người đi xa cho… Có khi cả mấy đồng tiền xu. Anh chị ăn bớt, bằng cách lấy cái kẹp tóc lách vào rút. Đến khi háo hức lấy dao chẻ ống ra… Còn mấy đồng xu lẻ, khóc thét lên…

Ngày mai đã là phiên chợ Cạ.. Ngày hai lăm tháng Chạp.

Chờ đợi cả năm cho đến phiên chợ Cạ, mấy thằng còn mặc cả quần áo mới đi cho oách, bọn con gái trông thật điệu đà. Trước đó đã bày mưu, bỏ học thế nào, ai chỉ huy, đi đường nào, mua cái gì. Năm nay đứa nào nhiều tiền, đứa nào phải kèm đứa nào…

Đã thành thói quen, trước chợ Cạ mấy ngày, bọn tôi lại chờ đợi…

Năm nay chị Đỗ có về không... Chị Đỗ hơn bọn tôi vài ba tuổi, ở với bà ngoại tận xóm ngoài... Bà nhà chị bán hàng xén, chắc hay cho chị tiền, năm nào thấy chị cũng rất nhiều, toàn tờ hai hào mới cứng. Chị Đỗ đẹp, hiền dịu, chu đáo, ra dáng chị cả. Đến phiên chợ Cạ chị lại về để dẫn chúng tôi đi.

 Thỉnh thoảng gặp chị gánh hàng cho bà ở chợ Hôm về, chị đặt gánh xuống. Cho tôi cái kẹo mật, khi thì nửa cái bánh đa. Chị lấy tay xoa đầu tôi, bảo: em phải tắm đi, cổ này mà trồng rau cải, gieo rau mùi thì còn phải nói… Đứa nào cũng quý và thường nhắc chị… Vì thằng nào không có tiền nhưng đi theo… Chị luôn che chở… Không nhiều nhưng thế nào, chị cũng mua cho một con kẹc kè ke với cái bánh rán…

Đã cuối năm, mà nhà hình như hết gạo… Mẹ tôi không có tiền. Bí mật lén lút chẻ cái ống… Hai miếng nứa bật ra… Không còn một đồng nào, lúc đầu tưởng nhiều quá nó chặt nên không kêu… Không biết ai lấy trộm… Hay mình móc tiêu mà không nhớ. Tôi và mấy thằng bạn, thằng nào môi cũng ướt (vợ tôi bây giờ vẫn hay nói, tiền để ở trong túi ông không tiêu là nó cháy) Nếu có tiền suốt ngày mua đồ ăn vặt…

Một nỗi thất vọng khủng khiếp với cái gia tài góp nhóp cả năm trời, mang theo biết bao nhiêu hy vọng trong phiên chợ Cạ. Trong đầu đã nghĩ đến pháo lói, đến thịt chó bánh mướt, đến hoa lông gà, câu đối… Tôi giãy đành đạch khóc rống lên… Không chịu ăn bữa chiều. Mẹ tôi dỗ dành mãi không được, tức lên bà nện cho một trận… Hứa gì tôi cũng không cần, chỉ cần năm hào để ngày mai đi chợ Cạ…

Nghe tôi khóc thảm thiết, thằng Bình chạy sang.

-   Thôi đừng khóc nựa mai đi với tau, chị Đỗ vừa về…

Tôi nín ngay lập tức, chạy theo thằng Bình sang nhà nó, chuẩn bị tính toán bỏ học. Cuộc bàn bạc diễn ra dưới sự đứng đầu của chị Đỗ, mấy đứa bàn… Mai đi đường nào, nếu đi đường Bèo hậu sẽ qua nhà trường cô thầy phát hiện, không ổn. Thôi, đi đường nông giang, cắt qua đồng Quỳnh Bá.. Chị  Đỗ quyết định… Các em về ngủ đi mai dậy sớm.

Năm giờ sáng đã dậy chuẩn bị. Khoảng bảy đứa xóm chợ hẹn nhau ở ngã ba ra đập ngang. Dân bên Mơ đạp xe chở su hào cải bắp đi lên Giát từng đoàn nối đuôi. Trong xóm, tiếng gọi nhau đi chợ râm ran.

Trong cái rét tái tê mưa phùn gió bấc, chúng tôi xắn quần lội qua ruộng, phải bằng mọi cách làm ngắn đoạn đường lại. Một phần tiết kiệm thời gian hai nữa cũng để cho đám xóm khác biết bọn tôi cũng có đường chiến lược.. Đến chợ sớm hơn bọn xóm ngoài.

Đường quan, những chiếc ôtô xuôi ngược đã mờ mờ hiện ra. Thỉnh thoảng chị Đỗ, thằng Chiến lại giục… Đi mau lên, mua đồ rẻ, mở hàng mà… Tôi với thằng Bình người yếu, chạy theo bở cả hơi tai.

                Ảnh minh họa - Internet

Từ ngã tư đến cầu Thuận Nghĩa là đường số Một mà người như nêm, xe cộ chậm chạp, bóp còi liên tục, nhích lên từng mét… Khói xịt, mùi thuốc pháo. Tiếng “ Đùng đoàng” nghe inh tai. Các lão bán pháo đang thi nhau nổ thử, pháo lão nào nổ đanh tan hết xác, người mua ầm ầm. Bọn tôi làm gì có tiền mua pháo lói. Mấy thằng xóm ngoài thằng nào cũng làm một chục, quấn bằng giấy xi măng, to như cái chuôi liềm. Nhìn phát thèm, bọn tôi chỉ biết chép miệng. Cũng có những cái pháo tịt, tôi và thằng Bình lại lao đến, không hiểu sao ngu thế… Lấy chân giậm lên để nó tắt hẳn. Nhặt về xé ra lấy thuốc làm pháo tép… Nó mà nổ một cái chỉ có nước xé bàn chân. Chỗ nào có bán pháo là bọn tôi lao vào để nghe thử, cho sướng lỗ tai. Lại còn có pháo thăng thiên nữa chứ… Ùm veo, một cái… Bay lên trời.

Chạy một lúc, trời lạnh mà mồ hôi toát ra, cái áo vệ sinh Trung Quốc thủng lỗ chỗ vì cắn ốc sắt như nặng thêm, bụng đã bắt đầu sôi. Mùi phở, mùi bánh rán không còn thoang thoảng nữa, mà đã trở thành mùi đặc trưng của phiên chợ Cạ. Tiếng kẹc kè ke, tiếng pháo nổ, tiếng người quát tháo, người người chen chúc đông như kiến… Bảy đứa xóm chợ đã lạc nhau từ lúc nào không biết.

Chợ Giát là một bãi sình lầy, lớp bùn đen nhầy nhụa lút đến mắt cá chân, nó là sự tổng hợp của các chất các mùi của chợ búa. C thể nói là bẩn có một không hai. Tôi và thằng Bình nắm tay nhau cho khỏi lạc, luồn lách, bì bõm. Lượn hết các hàng, hàng nào cũng ghé vào một tí.

Đi ngang qua hàng lợn con, thấy bà ngoại tôi đang ngồi bán. Hai thằng vào đứng một lúc, chờ mãi mới thấy người hỏi mua lợn. Chắc bà bán rẻ cho người ta... Thương cháu bán vội lấy tiền, qua hàng bánh rán mua cho hai thằng hai cái… Quên cả chào bà, chúng tôi đi về phía bãi bán quần áo, vải vóc, cũ có mới có (kiểu như đồ si đa bây giờ). Nam nữ thanh niên anh chị nào cũng tập trung ở đây, để tậu cái áo, cái quần mới, tết về mặc đi cưa.

Mấy tay phe chợ Giát mồm leo lẻo… Hàng pho Sài Goòng đẹp hết sẩy đây… Áo phông Thái đây, bán vốn nào...

Tôi đưa cái bánh rán lên mũi hít hà, lách qua đám người, chen chân lộn xộn, cắn một miếng nhỏ đưa vào mồm ngâm nga thưởng thức. Đói thì cũng đói rồi việc gì phải vội, một nửa cái thèm đã toại nguyện. Không biết thằng Bình lạc đi đâu mất, lượn qua lượn lại, tay đưa cái bánh lên cao. Hai anh thanh niên giằng nhau cái áo len Lào, vung một cái… Trời ơi! Cái bánh rán của tôi… Mới khuyết có một tí tì ti, vì trơn dầu mỡ… Tuột khỏi tay tôi rớt cái “bẹt”, tiếc ơi là tiếc, chỉ muốn khóc. Cúi xuống nhặt, tay vừa mới gần đến… Bàn chân giao chỉ của gã nào đó, to như chiếc xà lan giẫm lên không thương tiếc… Chiếc bánh rán biến mất dưới lớp bùn đen… sủi bọt. Tôi đứng trong vòng vây xô đẩy. Nước mắt ứa ra, không rời khỏi vạt bùn và bàn chân của gã đàn ông chết tiệt nào đó… Cái cảm giác tức giận tiếc nuốt đối với tôi là không tả nổi… Nhiều năm sau khi đầu đã hai thứ tóc, tôi cũng không quên được cái cảm giác đó. Không biết nó có phải là buồn là tiếc là tức không, hay là một cảm giác khác cao hơn, cô đặc hơn.

             Ảnh minh họa - Internet

Phải tìm bằng được thằng Bình… Tôi đi thất thểu về phía dãy hàng sắt, hàng bún, bánh mướt thịt chó… Hai dãy lều liêu xiêu trống tung, các hàng thịt chó lửa cháy rực ấm áp. Mùi thơm của nước xuýt, thịt chó, bánh mướt. Mấy cái bàn tre, mấy cái bát chiết yêu, khách ăn ngồi xổm, gục mặt vào bát xì xụp… Nhìn ngứa cả mắt… Đảo qua đảo lại mấy vòng, xem có đứa nào trong xóm lạc vào đây không.

Tiếng mấy ông bán hàng ngọt lạt.

-Vô ăn bát bánh mướt thịt chó đã cháu…

Nghĩ trong bụng, có tiền thì ông khỏi phải mời… Giờ này phải ăn được bốn bát chứ không phải chỉ là một bát như ông mời đâu.

-Mi đi mô mà tau tìm mại… Bánh rán mô rồi.

Quay lại thấy thằng Bình đứng sau lưng.

-Rớt mất rồi.

-Răng lại rớt…

-Rớt chỗ hàng vải.

 Tôi trả lời mà nước miếng cứ ứa ra… Càng nghĩ càng tức.

Thôi tau còn năm hào, hai hào rưỡi một bát, còn hai hào rưỡi để mua kẹc kè ke.

Thằng Bình nói xong kéo tôi vào hàng thịt chó.

-Ông ơi làm cho cháu một bát.

-Sao dân làng Bạng hai thằng mà ăn có một bát… Ông làm hai bát nha.

-Một bát thôi ông ạ.

Ông bán hàng múc ra…

Có thể thời đó bọn tôi không đói khổ quá mức, nhưng cái cảm giác được ăn một miếng bánh mướt thịt chó đàng hoàng giữa chợ huyện trong phiên cuối năm. Nó ngon, nó oai lắm, như kiểu muốn tập làm người lớn, muốn khẳng định mình… Mà nhất là đám choai choai trong làng nhìn thấy thì càng tuyệt.

Ông cho cháu mượn cái bát nựa…

Ông bán hàng làm như không nghe, hơn nữa cũng ngại… Tôi đứng, thằng Bình ngồi, ăn đúng hết một nửa bát. Nó đứng dậy chuyền sang tay tôi. tôi ngồi xuống. Nhẹ nhàng thưởng thức, những khoanh bánh cuốn ngập mỡ chó trơn tuột, miếng xương ninh vừa nhừ, ít hành lá, nước xuýt ngọt lừ… Đến tận xương, hương vị của nó còn thấm đến bây giờ.

Chị Đỗ, thằng Tân, con Hoa, thằng Chiến đã đứng chờ bọn tôi ở góc cây suốm, gần hiệu sách phố huyện. Mắt nhìn ngó tìm kiếm khắp nơi. Thấy tôi và thằng Bình, chị Đỗ quát:

-Hai thằng bay đi mô, chị tưởng mấy bà Thanh dạ, bắt hai thằng đổi bún rồi.

Trên tay ai cũng cầm hoa lông gà, pháo lói, kẹc kè ke, câu đối.

Đám người lớn xóm chợ đi qua thấy chúng tôi, quay lại chửi.

-Mẹ cha bay, giờ này không lo về đi học.

 Vừa đạp xe vừa nói với nhau… Không khéo mấy đứa ni nhịn đói… Lo chi, có con Đỗ…

Lũ trẻ xóm chợ đứa nào đứa nấy xác xơ, nhưng hớn ha hớn hở…

 -Đã ăn chi chưa?

 Tôi nháy mắt với thằng Bình.

 -Chưa, lạc mất chị, lấy chi mà ăn.

 -Chị đã nói rồi… Hai thằng khờ ni là ham nhặt pháo xịt, thôi vô đây.

Chị kéo hai thằng vào hàng bánh cục, gọi cho mỗi đứa ba cái. Tôi ăn một cái, hai cái gói về làm quà cho em, mừng húm. Chị Đỗ chia cho mỗi thằng mỗi cái kẹc kè ke. Khoái quá, vừa đi vừa thổi loạn lên… Kẹc kè ke kẹc… Kẹc ke ke… Thằng Chiến còn có bó hoa lông gà với chục pháo lói cầm khư khư trên tay… Chắc không dám ăn bún thịt chó mới có tiền mua.

Mấy chị em lại men theo bờ ruộng, đường nông giang. Ba giờ chiều mới về đến nhà...

Mấy năm sau chị Đỗ không thấy về, làm sao mà chị đi lấy chồng sớm thế… Đêm hai bốn tháng Chạp chẳng thấy chị về xóm chợ…chúng tôi lại thắc thỏm.

Rồi mỗi đứa một nơi, heo may lại về, lá dong đã bán khắp chợ, pháo đã nổ lẹt đẹt khắp xóm, chị Đỗ vẫn không về.

Mỗi lần về quê, tôi vẫn hỏi thăm chị nhưng không lần nào gặp được. Chị đã theo chồng sang Đức… Nghe thằng Bình nói: Chị Đỗ đã ở làm ăn bên đó, chủ cả sạp hàng lớn… Vợ chồng chị đi buôn thuốc, vốn liếng dồn vào đấy cả. Bị mấy thằng đầu trọc cướp hết hàng, còn đánh vào đầu nên chị sinh điên...

Đỗ ơi!... Chị về đây đi chợ Cạ với chúng em, tiền mất rồi, chị tiếc mà làm gì. Con người như chị còn có nhiều thứ quý hơn tiền bạc không bao giờ mất… Không bao giờ phai nhạt trong trí nhớ của bọn trẻ con xóm chợ chúng em.

Chị ơi! Xứ người lạnh lẽo tuyết rơi, mỗi dịp Tết về chị có còn nhớ những phiên chợ Cạ của tuổi thơ nghèo khó ngày xưa, có nhớ những đứa em, năm nào cũng bám theo chị nữa không?

Thằng Bình điện cho tôi, bảo bà Đỗ về rồi, một mình, hai sôi ba lạnh. Mày có về thăm thì về… Bà Đỗ bây giờ tội lắm.

Căn nhà cấp bốn đã cũ ọp ẹp nằm sau lùm tre, gần nhà thờ họ Dương, ngõ vắng đường trơn, ngập lá tre rụng vàng úa. Trong nhà đồ đạc gọn gàng nhưng không có bất cứ sự hiển diện của đồ vật nào. Thể hiện chủ nhân của nó là một người vừa mới ở Đức về. Trong xó bếp khói um, chị Đỗ đang ngồi nấu nước. Thấy có người đến, chị chậm chạp đi ra…

-Trời ơi! Chị Đỗ…

Cô Tấm trong câu chuyện cổ tích của tuổi thơ chúng tôi đây ư? Chị vẫn đẹp, nhưng ánh mắt vô hồn. Tóc đã lốm đốm bạc, tàn tro vương trên đầu.

Tôi nắm lấy tay chị, bàn tay ấm áp như ngày nào vẫn chở che chúng tôi.

-Chị có nhận ra em không.

Thằng Nghĩa thằng Bình đây mà. Ánh mắt chị nhìn đi đâu đó xa xăm… Mai, đã hai lăm tháng Chạp rồi… Chị có về xóm chợ không… Chị về chứ…Chị không về lấy ai dẫn các em đi chợ Cạ… Đã đứa nào chẻ ống chưa… Chị ơi, tóc bạc hết rồi. Thằng Bình đã thành ông ngoại, em cũng sắp… Chị lấy tay sờ sờ vào cổ tôi nhìn ngó… Để chị nấu nước nóng cho em tắm, cổ mày toàn đất, không đun lên lạnh lắm… Mai đi đường bờ sông nha, nhớ dậy sớm… Hai thằng khờ này, đừng chạy nhặt pháo lép lung tung nữa mà lạc mất chị… Nghe chưa? Chị xích lại gần, đưa bàn tay nhẹ nhàng vuốt lên mái tóc pha sương của tôi.

                                                        Pleiku tháng Chạp 2013

                                                                   KMN


  Các Tin khác
  + Ba ca khúc của nhạc sỹ Phạm Minh Thuận dự thi " Xứ Nghệ Quê Mình" (09/10/2014)
  + CHỢ QUÊ - Bài dự thi "Xứ Nghệ quê mình" của tác giả Sĩ Nhiếp (29/09/2014)
  + CON SẼ VỀ - Bài dự thi "Xứ Nghệ quê mình" của tác giả An Nam (23/09/2014)
  + Thơ Trần Thị Bích Thảo - VỀ HÀ TĨNH (23/09/2014)
  + THƠ TÔI - Bài dự thi "Xứ Nghệ quê mình" của tác giả Sĩ Nhiếp (20/09/2014)
  + Bài dự thi viết về “ Xứ Nghệ quê mình” của Trần Thị Châu (05/09/2014)
  + Sáng tác dự thi Xứ Nghệ Quê Mình - Sáng tác Lê Xuân Hải - Phỏng thơ Hồ Sỹ Trúc - Trình bày Ca sĩ Đăng Thuật (02/09/2014)
  + Bài dự thi số 12 của Trường Hải Lê Văn Đông - TRE - VIỆT NAM (29/08/2014)
  + "Quê nghèo thắp sáng ước mơ" - Bài dự thi "Xứ Nghệ quê mình" của tác giả An Nam - Nghệ An (17/08/2014)
  + TIẾNG GỌI… GIẬT - Bài dự thi "Xứ Nghệ quê mình" của tác giả Ngọc Long - TP Hồ Chí Minh (08/08/2014)
  + KHI TỔ QUỐC BÃO GIÔNG - Bài dự thi "Xứ Nghệ quê mình" của Nhạc sĩ Trần Xuân Lâm (05/08/2014)
  + BÀI THƠ BÊN BỜ THẠCH HÃN! - Bài dự thi "Xứ Nghệ quê mình" của tác giả Hoàng Thảo Chi - Huế (05/08/2014)
  + VIẾT Ở ĐỀN CUÔNG * - Bài dự thi "Xứ nghệ quê mình" của tác giả Bùi Ngọc Bích - Hà Tĩnh (04/08/2014)
  + HẦU CHUYỆN CỤ NGUYỄN DU (03/08/2014)
  + Bài dự thi "Xứ Nghệ quê mình" của tác giả Linh Tâm - Hà Nội (31/07/2014)
  + Bài dự thi số 2 “Xứ Nghệ quê mình”: CHUYỆN TÌNH ĐỒNG LỘC của tác giả Nguyễn Xuân Diệu - Hà Tĩnh (28/07/2014)
  + Bài dự thi số 11 "Xứ Nghệ quê mình": LÀNG TÔI - của tác giả Trường Hải Lê Văn Đông - Nghệ An (28/07/2014)
  + Bài dự thi "Xứ Nghệ quê mình" của tác giả Nguyễn Xuân Diệu - Nghi Xuân (Hà Tĩnh) (22/07/2014)
  + Bài số 2 dự thi "Xứ Nghệ quê mình" của tác giả Lê Thị Lan Trang (Mỹ Tho) - MẸ VÀ TỔ QUỐC (15/07/2014)
  + Bài dự thi "Xứ Nghệ quê mình" của tác giả An Nam (Thanh Chương - Nghệ An) - Mùa hến sông Lam (23/06/2014)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 3
Total: 66119915

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July