Trang chủ Liên hệ       Thứ năm, Ngày 26/12/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
  -  Trang Thơ
  -  Trang Văn
  -  Các thể loại khác
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ > Trang Văn >
  Bài dự thi "XỨ NGHỆ QUÊ MÌNH" của tác giả Tú Tuấn - Pleiku Bài dự thi "XỨ NGHỆ QUÊ MÌNH" của tác giả Tú Tuấn - Pleiku , Người xứ Nghệ Kiev
 

 

                           TẢN MẠN QUÊ HƯƠNG

                                                                        Bài dự thi.

 

Quê hương ở trong tôi là những gì chắp nhặt… không đầu không cuối, không nói thành lời… Xa quê… những khi náu mình… sau những bộn bề… bất ổn… lại cồn cào da diết… nước mắt rưng rưng…

 

          Có ông bạn đi Liên xô đã hai mấy năm, gọi điện về khoe hiện nay đang tích cực làm việc vì cộng đồng… Kể qua mấy việc thấy thật có ý nghĩa, tính thằng này thế… đa cảm thương người… thích văn chương. Thêm  bạn  bè bên đó… đầy trách nhiệm, đúng là những tấm lòng cao cả… Nước người… thằng bạn cũng chẳng dư dật gì, vậy mà bỏ cả của và công ra để lập nên một trang báo phục vụ bà con. Xin cảm ơn những người con xa xứ ăn bánh mỳ Ucraina mà vác tù và nước Việt. Tấm lòng nhân hậu như những bà mẹ Nga trong những thước phim, tác phẩm văn học về cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại của nhân dân Xô Viết mà chúng tôi ngày nhỏ đã được xem qua… Dù bộn bề mưu sinh vẫn có một trang báo - tiếng nói của những người yêu Tổ Quốc… Họ đang phát động cuộc thi sáng tác về đề tài xứ Nghệ… mà hai từ xứ Nghệ thôi… tự nó cũng đã nói lên nhiều điều…

 Hình ảnh: Bài dự thi "XỨ NGHỆ QUÊ MÌNH" của tác giả Tuấn Tú - Pleiku.
http://nguoixunghekiev.vn/serviceView_385_387_43513.html - chia sẻ với Tu Tuan

       Xứ Nghệ thì còn gì để mà viết… những cái gì hay cái gì đẹp các vị lão làng, cây cao bóng cả trong làng văn chương, âm nhạc đã viết hết cả rồi… mình chưa xứng làm ngọn cỏ dưới bóng cây đa cây đề, lại rất chi là gia  cảnh trong vốn sống, trong chữ nghĩa... Nhìn lên cụ Nguyễn Tiên Điền, Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Minh Châu… các bậc thi hào cả thế giới biết tên.

         Viết cái gì đây? Nghe nói giải thưởng to lắm… có khi nuôi được  thằng con  đại học hai năm... đâu phải chuyện đùa… Loay hoay mãi… hay là chép lại những câu chuyện không đầu không cuối? Ừ nhỉ… Ai cũng yêu quê hương và có quyền được thể hiện tình yêu theo cách của họ…

          Lạ, người xứ Nghệ ở trong tỉnh với nhau cũng hục hặc, cục bộ gớm lắm… Nhưng khi đã xa quê, họ như các nhà du hành vũ trụ bay ra khỏi trái đất, từ xa nhìn về mới thấy, hành tinh mà mình tá túc bấy lâu nay cũng lấp lánh như hành tinh khác trong dải ngân hà… Chứ, đang đạp lên nó, đang ngày ngày hít thở không khí, đang ăn đang uống… thưởng thức những gì mà Mẹ trái đất dâng hiến, lại thấy nó rất đỗi bình thường... Toàn thấy biến đổi hệ sinh thái, thủng tầng ô zôn, ô nhiễm môi trường, nước biển dâng cao, sóng thần, động đất… Người Nghệ mà có khi chẳng biết gì về xứ Nghệ…  Ông Ninh Viết Giao quê hình như quê ở Thanh hóa, lại hiểu lại viết về xứ Nghệ hay, sâu sắc  kinh khủng… thì ra cái sự hiểu cũng đâu có cần gì, đâu cứ phải là máu thịt của người xứ Nghệ..

             Tình yêu quê hương cũng như tình yêu đôi lứa, nó cứ phải xa cách cứ phải hoài niệm… thì mới thấy nhgẹn ngào..

             Ngày trước đi ra có ai quan tâm hỏi quê bạn ở đâu…, tôi trả lời Nghệ Tĩnh… sau ngày tách tỉnh, có ai hỏi tôi lại trả lời… Nghệ Tĩnh - sao lại thế, phải rõ ràng chứ… Nghệ An là Nghệ An… Hà Tĩnh là Hà Tĩnh chứ…, tôi vặc lại các ông thì biết cái gì. Nghệ An Hà Tĩnh là một… chẳng qua chỉ là cái  địa giới hành chính, các ông có thấy nó khác cái gì không, cái gì cũng chung hết từ giọng nói câu hò điệu dân ca ví dặm… bản sắc văn hóa …tính khí con người… Thế sông Lam Nghệ An là của ai… khi nào đá ở sân Vinh thì gọi sông Lam Nghệ An, còn khi đá ở nơi khác thì gọi là sông Lam Nghệ Tĩnh...

            Đó là chuyện thời nay… còn những câu chuyện từ ngày xửa ngày xưa... hồi còn bé tí tẹo… có mấy ông thợ cắt tóc ở Hà Tĩnh ra Nghệ An hành nghề. Ngày đó… khoảng cách địa lý sao không xa, mà có người hàng mấy chục năm mới về quê… ông này tôi thấy trên bảng danh sách cử tri, học chưa hết lớp ba… Giọng buồn buồn lắng đọng, mắt nhìn xa xôi… Quê bác ư!.. Nơi đó có dòng sông La nước xanh như ngọc, phẳng lặng êm đềm… những con thuyền nan lững lờ trôi… chiều về man mác câu hò điệu ví... con gái quê bác đẹp lắm, đáy thắt lưng ong, mềm mại… thương con chiều chồng… khi mặt trời sắp lặn các cô thôn nữ quảy nồi đình ra bến sông gánh nước, bến  được lát đá tảng xanh đen, những cây si già, lũy tre rủ bóng… con gái nhào xuống bến tắm… nước tung lên trắng xóa… những bờ vai ngọc ngà... đẹp như đàn tiên nữ… Biết bao giờ… bao giờ lại được trở về quê, để được ăn một bữa canh hến lá hẹ… mát rượi, thơm thơm, cay cay của hẹ, vị bùi bùi ngầy ngậy của con hến sông La đang mùa tròn trịa… thấm vào từng đường gân thớ thịt. Uống bát nước chè xanh trong trưa hè oi ả... cô bạn gái ngày nào, yếm đào trễ nách, cầm chiếc quạt nan phe phẩy cho mình ngọn gió tình yêu… Nhớ chi mà  nhớ rứa... Răng bác không về… cha mẹ  bom thả... trúng mâm cơm… hai ông bà đang ngồi ăn… O người yêu… bác đi dân công hỏa tuyến về… nghe nói lấy chồng dưới Vinh…

         Ông gốc gác ở bên tê… cầu Bến Thủy lấy vợ bên ni… cầu, lưu lạc đã lâu không trở về quê mẹ… Năm mươi năm sau kéo đàn con cháu trở về… đến vườn nhà bồi hồi nhớ từng gốc ổi, hàng cau… cái phản nằm, góc cánh võng mẹ à ơi… đi trên đường quê mà lâng lâng như say rượu, gặp lại bà con  bạn bè: nhà mô mà đi đông rứa... tôi, Cần đây… Cần mô hẹ… Cần con ông chắt Nghĩa có phải không… có phải anh cu Thòn con bà chắt Mẹt… ngày em về quê còn nhỏ lắm… anh làm con diều giấy cho em… nước mắt rưng rưng... ngày bố em bị Pháp đuổi bên cầu liên lạc… nhảy xuống sông, mẹ anh đưa thuyền đến cứu… Răng… bao năm em bỏ đi mô… ai còn ai mất…

          Đêm về bà tắm nước sông La… tắm xong kêu trời ơi! Răng mà nước ở đây nhớt rứa… ông trợn mắt…  da bà nhớt thì có, nước sông quê tui mần răng mà nhớt được. Sáng  đi chợ thấy người lạ có vẻ oai… oai. Cá năm ngàn kêu lên ba chục, về đến nhà bảo bọn ni chém thật... Thì bà phải hiểu, thời buổi thị trường bữa đắt bữa rẻ… tiền bà có mất đi mô, quanh đi quanh lại cũng  nằm ở đây…người quê mình tiêu cả…

           Ngồi uống rượu với ông anh họ là thương binh đi chân giả, nói đùa... anh đánh trận mô hay đi chăn bò vấp mìn mà được… không biết ở mô nhưng quê mình nỏ rứa… bị thương tau còn diệt  mấy thằng…

          Ông bác ruột lão thành cách mạng, bỏ nhà đi khi tuổi mới đôi mươi… là thương binh cụt tay… Năm ấy đã  chín mươi tuổi, mái tóc bạc phơ, da dẻ hồng hào, còn minh mẫn lắm… đứng trước ngôi nhà của Tổ tiên để lại… nay đã cho người khác ở, đầu hồi gác bên dòng La Giang ngày đêm vẫn chảy… Thằng cháu tưng tửng… xét về phong thủy… đất này là đất ly tán… xiêu bạt.  Mi nói rứa mà cũng nói được… không ly tán thì mần răng, ông nội mi, cầm cờ đi đầu đoàn người kéo xuống Vinh năm ba mươi ba mốt. Mấy thằng việt gian chỉ điểm, sau phong trào, thỉnh thoảng lại đi qua… có bao nhiêu tiền phải đưa ra đút… thằng này thất học, làm thợ rèn nỏ biết chi mô… Phái bơớt het... tiếng  thằng tây lơ lớ… khi hết tiền, hắn kêu mật thám, nhưng may có người bên họ ngoại báo cho, ông nhảy sang Lào… sang Xiêm... rồi hoạt động đến năm lăm… Sao không làm chế độ đảng viên ba mươi ba mốt… Mi tưởng dễ… đi theo cách mạng ai mà tính toan, ai nghĩ mình phải thành ông này bà nọ… giấy tờ mô, người làm chứng chết hết cả rồi…

         Dòng sông La vẫn thế: đẹp, thơ mộng… lững lờ trôi… ông bác mặc bộ pizama, đi đi lại lại cái ống tay áo cụt phất phơ… trong ngôi nhà của Tổ tiên, sau tấm ri đô… một giọng nói của người già yếu ớt… Mự Tuyết à… răng tui khổ như ri… ai rứa mẹ!… bác Yến đó… tui nhờ mự ngày mai nói đứa mô sang đưa tui lên nhà ông Nghị trên Can Lộc... Thì ra bà bị gãy chân… con cháu lo làm cả… Ông bác nói trống không giọng nghe khó chịu… đi lại làm chi nữa… mà uống thuốc cho tốn tiền... Bác chỉ được cái thù vặt... chuyện đã qua gần bảy mươi năm… thù chi mà thù dai rứa, chẳng thấy ông vén cái ri đô… Phía sau tấm ri đô ấy là thân phận một con người… tình yêu hay thù hận… trong sự nghiệt ngã đớn đau này… không ai là người được, mất, chỉ có một nỗi buồn… nỗi buồn đọng lại… vắt dài qua hai  thế kỷ…

          Ngày ấy bên sông La… bác gái là người đẹp nhất vùng… cái gì đẹp cái gì tốt cũng ví von… đẹp như Yến Cửu Mân, mỗi lần đi chợ huyện, lại phải lấy lọ nồi tro bếp, bôi lên mặt, mặc cái váy đụp rách rưới… không thì bọn tây nó ghẹo, bọn chánh tổng, lý trưởng trong huyện nó trêu, nó theo không  về được, hồng nhan thì đa truân bạc phận. Không yêu ai lại đem lòng yêu một thằng bố bị Pháp tầm nã, suốt ngày lén lút bày chuyện đánh tây, đêm đêm ném cứt vào nhà bọn cường hào ác bá... Nhiều đám dòng dõi danh gia vọng tộc đem trầu cau đến hỏi… lại: nỏ nỏ… tui không lấy ai hết ngoài anh Chắt… Cậu mệ nện cho mấy trận tả tơi…

        Cưới nhau xong khoảng gần nửa tháng… anh Chắt trốn lên rú Quyết  rồi  đi theo mấy người phản đế phản phong chi đó. Gái xa chồng nhưng hơ hớ… mặt khi mô cũng đỏ… chồng lại bỏ đi mô nỏ thấy về. Đêm  đêm phải gánh nước tới khuya, hết xay lúa rồi nằm nghiến răng trèo trẹo… mấy thằng con nhà địa chủ đêm đến rình mò giả lả… bọn hương tuần… đi qua… E hèm!... cho xin tí lả... Có anh người họ Nguyễn, cũng phe ta cả, hoạt động gây dựng phong trào, lửa gần rơm lâu ngày cũng bén, chỗ đoàn thể với nhau, kề vai sát cánh… rồi có con… Ông bác sau cướp chính quyền không biết ở mô mò về. Nghe người làng nói… biết chuyện bỏ đi luôn… người mô mà tệ...

           Năm bốn sáu mẹ chồng bị mắc chứng thổ tả qua đời. Trong trí nhớ của người làng… Chị… ôi! người đàn bà đẹp và  nhân hậu vô cùng. Chị cũng vì thương bà con bị bệnh, đến từng nhà chăm sóc… lây bệnh rồi về nhà  nằm đó ra đi… chồng con đi mô cả...

           Bác Yến khăn gói lên đường… cả tháng trời mới tìm được ông bác đang làm công binh xưởng trong rừng sâu… trên đường về thấy tội. Nghĩ người ta thân gái dặm trường, hết tình thì còn nghĩa, đêm ngủ giữa rừng... tặc lưỡi… thôi thì… thời loạn lạc chỉ có đàn bà là khổ… Nhưng rồi chứng nào tật nấy… muốn chung thủy mà không làm răng chung thủy được, chỉ vì trời hành cái tội “ đẹp quá”

        Bác Yến có thêm một đời chồng, bà ở ngay trên mảnh đất ngôi nhà hương hỏa của anh Chắt. Năm nào đó… thời còn bọn tây, hai đứa con trai của bác mới vài ba tuổi đang bò lê la trong cũi, bác đi dân vận… ở nhà máy bay thằng Pháp thả bom… hai đứa trẻ chỉ còn mảnh áo...

        Bác sống dở chết dở… nuôi đứa con của anh Chắt, lành quá hóa đụt… Nghe nói khi có chửa bác buộc bụng lại cho thon để còn đi hoạt động, đến ngày đẻ mới tháo ra nên ông anh đầu như cái chụp đèn, có phảng phất tí ngố ngố… người làng nói nỏ phải mô. Ông Chắt người phong lưu học hành tử tế, đẹp như rứa làm răng mà phải..

         Ông lên chiến khu, giải phóng thủ đô về lại Hà Nội, làm ở mặt trận tổ quốc Việt Nam chỗ ông Hoàng Quốc Việt. Nhà Hà Nội không ở, lại xung phong về phát  triển công ngiệp địa phương. Tao mà không vì quê… có khi bay lại được nhờ.

        Trời sắp tối… mự út dúi vào tay chị dâu cả mấy đồng… chị cầm lấy thuốc thang… hai người đàn bà ôm lấy nhau, nấc lên… Mự ơi, tui có lỗi với bên nhà mự quá… có phải trời đã hành tui, không cho tui chết… chuyện đã qua lâu rồi  chị… ông bác thở dài nghe đánh thượt... mắt rơm rớm nước.

        Đi bắt truy nã, còng hai thằng làm một, gã phụ xe, chạy đến… anh em  nhà mình cả… em lấy tám chục hai thằng… xe chưa chạy ngủ lại bến xe Vinh… Năm giờ sáng đã nghe mấy Ả mấy O: bựa qua mình đá như cứt chắc kiểu chi cũng bán độ. Hồi trước cứ tưởng mình mạnh muốn thắng ai thì thằng, nay thì ẻ vô coi... họ đang nói về trận đấu hôm qua của  sông Lam Nghệ An nghe thật tâm huyết… Xe vừa chạy đến Kỳ Anh, đồng hương cho xin tiền… mấy… ba tám hai tư anh cho em xin nốt… sao hôm qua nói một thằng bốn chục..

        Không nhớ năm nào trụt* xe ngã ba Hà Tĩnh, bốn cha con mẹ cái ăn bốn bát phở… gọi tính tiền... mỗi tô hai chục… tám chục… ngày đó mua gần được nửa chỉ vàng... Thằng xe ôm, chở quay lại ngược đường khoảng năm trăm mét... cho em xin bảy chục... trời ơi... đi mô cũng nỏ về Hà Tịnh…

        … Dân Hà Tĩnh nhiều khi cũng… anh nói gì,  ở đâu chẳng có người tốt người xấu... dân kẻ chợ mô mà nỏ rứa*, anh đừng hàm hồ...

            Mấy anh bạn toàn đại tá dân Nghệ An chính gốc.. Phải công nhận người Hà Tĩnh uyên bác mềm dẻo uyển chuyển gấp mấy lần dân Nghệ An. các bác nói lạ… thì cũng có người…

            Ngày trước mấy anh em lính lác đập nhau với mấy thằng tỉnh khác chỉ vì nó nói: chúng mày dân cá gỗ. Ừ! thì cá gỗ đấy… không có cá gỗ chắc gì dân mày đã biết chữ… Đồ Nghệ nghèo, tha hương bán chữ, khai hóa văn minh. Uyên bác, cần kiệm, mưu mẹo như thần… Giấu sự tằn tiện vào trong, đẽo con cá gỗ bí mật nướng lên… bỏ vào nồi đất cũng kho, cũng gia vị… nhưng mà ăn mãi, ăn mãi ngày này qua ngày khác cũng không thấy con cá si sơ… toàn húp nước kho… Bọn học trò lấy tay nắn trộm, thì ra là cá gỗ… Có sao đâu vẫn một đời thanh bạch… vẫn tay nải tráp gỗ… trên những nẻo đường khai quang…

         Người Hà Tĩnh ở làng không được mấy, người làm thợ may, người làm thợ mộc, người dạy học… gặp nhau ở đâu cũng O... O... cụ cụ*. Có O Trân ở Thạch Hà theo chồng về làm thủ kho của xã… thương thằng em đồng hương con một bầy nheo nhóc… có cái phiếu bán lợn nghĩa vụ… mà nói… cụ cho thằng Thắng kéo xe đi... cái phiếu một tạ mà nhận đến ba lần… lần mô cũng hơn hơn một tạ… không biết O còn sống không hè.

         Chuyến tàu chợ từ Hà Nội vào Vinh đang lắc lư… thỉnh thoảng người soát vé cầm cái đèn bão lại đi qua, toàn sinh viên với bội đội về quê ăn tết không tên nào có vé, đứa nào chạy sang toa khác, nhảy vào góc vệ sinh trốn được thì thôi… thằng nào ngồi lại thì chân gác chữ ngũ… mặt lạnh tanh nhìn thẳng vào người soát vé... tao có vé đàng hoàng mới ngồi oai rứa… Có anh học đại học tài chính ngồi gần toàn kể chuyện tiếu lâm…Bay có tin không… năm 2000 Hà Nội nói tiếng trọ trẹ… quê mình giờ đi kinh tế mới ở thủ đô…

           Đi xem đá bóng ở sân Hàng Đẫy khán giả hai bên cãi nhau. Tức lên bảo: choa mà dời Lăng Bác về Vinh thì Hà Nội chỉ còn… là cái thị xã... người mô mà lộng ngôn…

          Anh em kéo nhau về thắp hương cho tổ tiên ở nhà thờ lớn... Có bà khoảng  sáu mươi… các cháu nhờ phúc đức của tổ tiên… giờ thành đạt… Chú Khánh (Khánh gần năm lăm)... là trưởng tộc nhưng vai vế phải gọi cánh đi xa này bằng chú. O này chi mấy… vai vế thế nào… O ni bề vai với cháu… sao lại dám gọi chúng tôi bằng cháu… ở đâu không biết chứ đã về đến họ Đương là phải có trên có dưới… trị ngay… Dạ cháu không biết, các chú tha cho… Ừ! rứa thì được... Này… Khánh, sao chỗ nhánh chú trong gia phả lại ghi là tha hương cầu thực… Ông cha choa, đi làm cách mạng… lịch sử đảng bộ tỉnh còn ghi. Cha con choa toàn trong quân đội… ghi lại ngay đi… thì các chú có về mô mà biết. Trần X cán bộ cấp tá trong quân đội. Trần A… cán bộ cấp tá trong quân đội… Trần T cán bộ cấp tá… thằng con đang học đại học đi theo bố, giọng hài hài…Toàn thiếu tá quèn không dám ghi rõ chỉ ghi chung chung… a thằng này láo!... tá nào chẳng là tá…

              Mấy ông sếp cùng quê, khi đang lên xe xuống ngựa đi đến đâu cũng có mấy thằng chạy theo xoa tay… nói câu gì cũng lời vàng ý ngọc… khối thằng lấy sổ tay ghi ghi chép chép… Đương thời anh em đồng hương chạy đến xin xỏ. Bay phải giữ thể diện cho tau chứ… sự nghiệp là của chung… ai cũng như bay thì hóa ra đơn vị này là của dân mình à… cục bộ bản vị quá, ưu tiên anh em khác.

           Toàn dân ăn khoai môn… không nói thẳng không chịu được, mấy năm thất thế… chiều mô cũng điện… nấu cơm tau ăn với..

            Hồi còn làm công vụ ở Binh đoàn Quyết thắng, ông sư trưởng trẻ nhất toàn quân, đi kiểm tra, khoắt lại…. cậu quê ở đâu… báo cáo Nghệ Tĩnh ạ… thế thì tốt… huyện nào… Quỳnh Lưu ạ... tốt quá… sao lại tốt ạ… à thì ngày xưa tao đánh nhau chỉ khoái được chỉ huy  bộ đội quê mày… chấp hành nghiêm mệnh lệnh, mưu trí dũng cảm… đánh chết bỏ… nhưng thời bình hay cãi lắm… Vừa rồi bão lụt thế nào… báo cáo nhà sập hết… tốt, tốt… thủ trưởng còn nhớ tên em không… ừ… thì… cậu vẫn tên cũ chứ gì…tốt.

            Thằng con trai đã trưởng thành… nói chuyện vợ con, mày sau này lấy vợ phải lấy ở vùng đất khác… đừng quanh quẩn Nghệ An, Hà Tĩnh… các nền văn hóa phải được giao thoa cho thêm phần phong phú… ai ngờ lại ưng một đám cùng quê… tấn công đi, hắn vặc lại, bố ngày xưa chả nói… phải lấy vợ khác quê…để văn hóa nó gì đấy… ừ nói thì nói vậy quê mình cũng tốt… mấy thằng bạn ở xa nghe tin… điện thoại chúc mừng liên tục, đúng là đồ cục bộ địa phương.

            Những năm trước trên một phóng sự truyền hình… Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đi kiểm tra việc xây dựng đường dây 500 kilôvôn… đến những nơi khó khăn gian khổ… Thủ tướng nói… đi đến đâu khó mấy thì khó, khổ mấy thì khổ… nhưng nghe anh em cán bộ công nhân nói giọng trọ trẹ Nghệ An, Hà Tĩnh là tôi yên tâm…

             Đứa cháu ở Sài Gòn hỏi: cháu muốn nghe bác định nghĩa về quê hương… chứ nhiều người định nghĩa thấy hay nhưng còn chung chung lắm... 

             Mày có hay xem đá bóng không… cháu là gái nhưng ham lắm… trận nào sông lam Nghệ An đá với cảng Sài Gòn mà cháu chả đi. Mà mày sinh ra ở Sài Gòn… thế khi Cảng Sài Gòn ghi bàn vào lưới của sông Lam Nghệ An thì mày thế nào… cả sân vận động vỡ òa, đứng dậy… cháu ngồi ôm đầu bất dộng… thì đấy… đấy! chính là quê hương...

              Quê hương ở trong tôi là những gì chắp nhặt… không đầu không cuối, không nói thành lời… Xa quê… những khi náu mình… sau những bộn bề… bất ổn… lại cồn cào da diết… nước mắt rưng rưng…

       Vĩ thanh: Viết xong điện về quê cho ông bác ở quê, kém hai năm đầy trăm tuổi. Bảo, bác ơi! còn nghe được không, có chuyện này bác nghe qua điện thoại nha… Nghe xong… mất gần năm phút chả nghe thấy nói gì tưởng tắt máy… Alô..!…bác nghe đây, tiếng nghèn ngẹn… Thằng mô hè… ai biết…  nghe nói báo Liên xô đăng, thằng bạn gửi về, tác giả hình như gốc Việt… Phải tìm ngay… thằng ni ở mô mà viết hay, viết đúng như hoàn cảnh nhà mình… Lạ hè… răng lại giống y như thật… hay là hắn nghe trộm… cắt ra gửi về cho bác ngay… Mắt bác có thấy gì đâu mà đọc… biết không đùa được nữa… cháu viết đấy… Bố anh!… lừa cả Bác..

 

                                                            Pleiku tháng 11/2013

                                                                    Tuấn Tú

 

 

-         Trụt: xuống xe.

-         Nỏ: không.

-         Mô: đâu

-         Cụ: cậu

-         O: cô

-         Lả: lửa

-         Choa: chúng tôi… bọn tao..

-         Hè…Hẹ: nhỉ

 

-         Tê: kia, Ni: này.


  Các Tin khác
  + Ba ca khúc của nhạc sỹ Phạm Minh Thuận dự thi " Xứ Nghệ Quê Mình" (09/10/2014)
  + CHỢ QUÊ - Bài dự thi "Xứ Nghệ quê mình" của tác giả Sĩ Nhiếp (29/09/2014)
  + CON SẼ VỀ - Bài dự thi "Xứ Nghệ quê mình" của tác giả An Nam (23/09/2014)
  + Thơ Trần Thị Bích Thảo - VỀ HÀ TĨNH (23/09/2014)
  + THƠ TÔI - Bài dự thi "Xứ Nghệ quê mình" của tác giả Sĩ Nhiếp (20/09/2014)
  + Bài dự thi viết về “ Xứ Nghệ quê mình” của Trần Thị Châu (05/09/2014)
  + Sáng tác dự thi Xứ Nghệ Quê Mình - Sáng tác Lê Xuân Hải - Phỏng thơ Hồ Sỹ Trúc - Trình bày Ca sĩ Đăng Thuật (02/09/2014)
  + Bài dự thi số 12 của Trường Hải Lê Văn Đông - TRE - VIỆT NAM (29/08/2014)
  + "Quê nghèo thắp sáng ước mơ" - Bài dự thi "Xứ Nghệ quê mình" của tác giả An Nam - Nghệ An (17/08/2014)
  + TIẾNG GỌI… GIẬT - Bài dự thi "Xứ Nghệ quê mình" của tác giả Ngọc Long - TP Hồ Chí Minh (08/08/2014)
  + KHI TỔ QUỐC BÃO GIÔNG - Bài dự thi "Xứ Nghệ quê mình" của Nhạc sĩ Trần Xuân Lâm (05/08/2014)
  + BÀI THƠ BÊN BỜ THẠCH HÃN! - Bài dự thi "Xứ Nghệ quê mình" của tác giả Hoàng Thảo Chi - Huế (05/08/2014)
  + VIẾT Ở ĐỀN CUÔNG * - Bài dự thi "Xứ nghệ quê mình" của tác giả Bùi Ngọc Bích - Hà Tĩnh (04/08/2014)
  + HẦU CHUYỆN CỤ NGUYỄN DU (03/08/2014)
  + Bài dự thi "Xứ Nghệ quê mình" của tác giả Linh Tâm - Hà Nội (31/07/2014)
  + Bài dự thi số 2 “Xứ Nghệ quê mình”: CHUYỆN TÌNH ĐỒNG LỘC của tác giả Nguyễn Xuân Diệu - Hà Tĩnh (28/07/2014)
  + Bài dự thi số 11 "Xứ Nghệ quê mình": LÀNG TÔI - của tác giả Trường Hải Lê Văn Đông - Nghệ An (28/07/2014)
  + Bài dự thi "Xứ Nghệ quê mình" của tác giả Nguyễn Xuân Diệu - Nghi Xuân (Hà Tĩnh) (22/07/2014)
  + Bài số 2 dự thi "Xứ Nghệ quê mình" của tác giả Lê Thị Lan Trang (Mỹ Tho) - MẸ VÀ TỔ QUỐC (15/07/2014)
  + Bài dự thi "Xứ Nghệ quê mình" của tác giả An Nam (Thanh Chương - Nghệ An) - Mùa hến sông Lam (23/06/2014)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 2
Total: 66120050

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July