Trang chủ Liên hệ       Chủ nhật, Ngày 22/12/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
  -  Con Người Việt Nam
  -  Đất Nước Việt Nam
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Việt Nam Đất Nước Con Người > Đất Nước Việt Nam >
  Thành phố Hồ Chí Minh - một điểm đến ấn tượng Thành phố Hồ Chí Minh - một điểm đến ấn tượng , Người xứ Nghệ Kiev
 

11/02/2016

Nếu như Hà Nội - bên cạnh nhịp sống hối hả, hiện đại còn ẩn chứa vẻ đẹp thâm trầm sâu lắng của thành phố ngàn năm tuổi, thì Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) lại là một thành phố trẻ trung, sôi động với nhịp sống hiện đại… TPHCM hiện nay (Sài Gòn trước đây) đã trải qua bao nhiêu thay đổi, nhưng nhịp sống trẻ đầy nhiệt huyết vẫn chẳng hề đổi thay, luôn năng động và hội nhập nhanh chóng với những cái mới khiến bất kì ai đến đây cũng không thể chối từ được “cuốn theo” nhịp sống ấy. Nếu bạn có cơ hội, hãy đến với TPHCM trong dịp Xuân mới để cùng trải nghiệm, khám phá vẻ đẹp và văn hóa của con người mảnh đất phương Nam.

Danh thắng đất Sài thành

Chợ Bến Thành 

Có người từng nói rằng: “Chưa đến chợ Bến Thành thì chưa đến Sài Gòn”. Chợ Bến Thành có từ trước khi người Pháp xâm chiếm Gia Định. Ban đầu, vị trí của chợ nằm bên bờ sông Bến Nghé, cạnh một bến sông gần thành Gia Định (bấy giờ là thành Quy, còn gọi là thành Bát Quái). Bến này dùng để cho khách vãng lai và quân nhân vào thành, vì vậy có tên là Bến Thành và khu chợ cũng có tên gọi là chợ Bến Thành. Chợ Bến Thành thời kì đầu được xây dựng bằng gạch, sườn gỗ, lợp tranh, được mô tả là “phố chợ, nhà cửa trù mật ở dọc theo bến sông”. Chợ là bến đậu cho buôn lớn bán nhỏ, tập hợp hàng trăm loại hàng hóa, người buôn kẻ bán tập nập. Nhưng sau cuộc nổi dậy chống triều đình nhà Nguyễn của Lê Văn Khôi (1833 – 1835), chợ không còn sầm uất như trước. Trải qua thăng trầm lịch sử, nhiều lần bị phá hủy, thiêu rụi, đến năm 1912, người Pháp lấp một cái ao sình lầy cũ có tên Marais Boresse để xây dựng lại chợ. Khuôn viên chợ quy hoạch bốn mặt bởi bốn con đường, mặt tiền là Place Cuniac – tên Thị trưởng thành phố Sài Gòn, cũng là người đề ra việc lấp ao xây chợ. Ngày nay, người dân Sài Gòn vẫn gọi nó là Bùng Binh chợ Bến Thành, cho dù tên của nó đã được đổi là “Công trường Cộng Hòa”, “Công trường Diên Hồng” rồi “Quảng trường Quách Thị Trang”.

Chợ Bến Thành được xem như nhân chứng lịch sử hùng hồn, chứng kiến biết bao đau thương cũng như sự thay đổi, phát triển từng ngày của thành phố, trở thành biểu tượng của TPHCM. Ngày nay, khu chợ vẫn giữ vai trò quan trọng và là một trong những trung tâm buôn bán tấp nập, sầm uất không chỉ của TPHCM mà còn của các tỉnh phía Nam.

 Nhà thờ Đức Bà, thành phố Hồ Chí Minh

Một biểu tượng khác của thành phố không thể không nhắc đến là Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn (có tên chính thức là Vương cung thánh đường Chính tòa Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội), là nhà thờ chính tòa của Tổng giáo phận TPHCM. Nhà thờ không chỉ mang ý nghĩa tôn giáo, mà nó còn mang giá trị kiến trúc độc đáo, một điểm đến hấp dẫn cho khách du lịch. Nhà thờ được người Pháp xây dựng ngay sau khi vừa chiếm được Sài Gòn, trở thành nơi hành lễ cho người Pháp theo đạo Công giáo. Lúc đầu, Nhà thờ khá nhỏ, được linh mục Lefebvre xây dựng trên nền một ngôi chùa bỏ hoang của người Việt. Năm 1876, Thống đốc Nam kỳ Duperré đã tổ chức kỳ thi vẽ đồ án thiết kế Nhà thờ và đồ án của kiến trúc sư J.Bourard với phong cách kiến trúc Roman cải biên pha trộn nét phong cách kiến trúc Gothic đã được chọn. Nhà thờ được xây dựng trong 3 năm (1877-1880), cho đến năm 1895, Nhà thờ xây dựng thêm hai tháp chuông, mỗi tháp cao gần 60 m và có 6 chuông đồng lớn, trên đỉnh có một cây thánh giá cao 3,5 m với trọng lượng 600 kg. Trong quá trình xây dựng, toàn bộ nguyên vật liệu xây dựng từ xi măng, sắt thép đến ốc vít đều mang từ Pháp sang. Từng chi tiết nội thất, thiết kế đều được tính toán tỉ mỉ, cẩn thận và đầy nghệ thuật. Cho đến ngày nay, Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn vẫn luôn được xem là thành tựu nổi bật cho kiến trúc tại Sài Gòn.

Bến cảng Nhà Rồng 

Đến Sài Gòn - TPHCM, nếu bạn không đến Bến cảng Nhà Rồng – một địa danh mang ý nghĩa lịch sử to lớn - có lẽ là một thiếu sót. Nhà Rồng được xây dựng vào năm 1863, nguyên là trụ sở của công ty Tàu biển Năm sao Pháp tại ngã ba sông Sài Gòn và sông Bến Nghé. Bến cảng Nhà Rồng nổi tiếng không chỉ bởi vẻ đẹp kiến trúc Pháp cổ kính còn lưu lại nơi đất Sài Thành, mà hơn thế, nó lưu giữ trong mình giá trị lịch sử thiêng liêng và cao quý. Đây là nơi người thanh niên Nguyễn Tất Thành, sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh – người con vĩ đại của dân tộc - đã ra đi tìm đường cứu nước vào năm 1911 trên con tàu mang tên Amiral Latouche Tréville. Bắt đầu với vị trí một phụ bếp trên con tàu, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã đặt chân đến các nước phương Tây và cả những vùng đất xa xôi, khởi đầu cho chuyến hành trình đầy gian nan tìm đường cứu nước. Kể từ đó, Bến Nhà Rồng đã chứng kiến biết bao biến cố lịch sử cũng như những đổi thay của thành phố mang tên Bác. Năm 1975, chiếc tàu biển Sông Hồng với trọng tải 1 vạn tấn đã cập Bến Nhà Rồng trong sự vui mừng, hân hoan của người dân thành phố, đánh dấu mốc lịch sử quan trọng chính thức nối lại con đường biển thông thương giữa hai miền Nam – Bắc. Ngày nay, Nhà Rồng đã trở thành nơi trưng bày những hiện vật, tư liệu về hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mỗi kỉ vật được trưng bày ở đây đều lưu dấu ấn về người con ưu tú của dân tộc đã từng bôn ba khắp năm châu tìm ra con đường giải phóng dân tộc mình, giải phóng đất nước mình.

Hầm Thủ Thiêm 

Trong tiết trời ấm áp của mùa Xuân phương Nam, du khách có thể rong ruổi tự mình khám phá vẻ đẹp của thành phố này qua rất nhiều di tích lịch sử văn hóa và cả những công trình kiến trúc hiện đại khác như Dinh Độc lập, Địa đạo Củ Chi, Hầm Thủ Thiêm…

Nơi hội tụ văn hóa ẩm thực Đông – Tây

Sài Gòn - TPHCM trong tâm thức của những khách ẩm thực vẫn được mệnh danh là thành phố không đêm. Bởi lẽ, từ sáng tinh mơ cho đến tối muộn, vẫn một cuộc sống nhộn nhịp, rộn rã những thanh âm, người mua, kẻ bán… Cái tuổi 300, cái tuổi không già bởi “thành phố tôi rất trẻ”. Trẻ trung trong diện mạo, trẻ trong sự năng động và phát triển nhanh chóng của một thành phố công nghiệp và “trẻ” trong việc tiếp biến văn hóa ẩm thực cổ-kim, Đông-Tây.

Không ít khách thập phương đổ về Sài Gòn để hòa vào nhịp sống “không biết mệt mỏi” của xứ sở này. Một nét riêng, hào phóng, sôi động và lộng lẫy khác hẳn với sự trầm tư, thanh tao, nho nhã và cổ kính của người Bắc hay cái dặt dè, chu đáo, lo xa của người miền Trung. Nói là ẩm thực Sài Gòn có lẽ là chưa đủ, mà phải gọi cho ra, cho đúng cái tên ẩm thực Sài Gòn-Nam Bộ, bởi Sài Gòn là tâm điểm của toàn vùng Nam Bộ và là ngã ba đường của Bắc-Nam-Đông-Tây. Mà Bắc ở đây bao gồm cả miền Bắc và miền Trung, Đông là vùng Đông Nam bộ, Tây là Tây Nam bộ và cũng là chỉ phương Tây- luồng văn hóa mới thổi hồn vào văn hóa Sài Gòn nói chung và văn hóa ẩm thực Sài Gòn nói riêng.

Từ xưa đến nay, thói quen của người dân Sài Gòn là thích đi ăn nhậu ở quán xá, nhà hàng vào những buổi chiều tối cuối tuần hoặc những ngày nghỉ lễ, tết. Có nhiều quán mở cửa phục vụ đến tận sáng, nhất là chợ đêm Bến Thành, phố ăn đêm khu vực Chợ Lớn. Người ta nói rằng, Sài Gòn luôn thức với những quán ăn ngon.

 Du khách thưởng thức ẩm thực Sài thành về đêm

Ẩm thực Sài Gòn trước hết là sự kết tinh của các món ăn ngon, độc đáo của đất Nam Bộ. Ðó là những món ăn mang hương vị đồng quê của vùng sông nước đầy sức hấp dẫn.

Giờ đây trong các quán ăn, nhà hàng, khách sạn, người ta thích gọi các món dân dã như châu chấu, ve sầu chiên giòn, cá lóc nướng trui, cá rô kho tộ, cá bống dừa kho tiêu, canh chua cá lóc, gà nướng muối ớt, lươn hấp trái bầu, ếch xào lăn, tôm lụi Bạc Liêu, chuột đồng rô ti, rắn nướng lèo, mắm sống, mắm kho, nấm tràm Phú Quốc, hủ tiếu Mỹ Tho…

Các món ăn Nam Bộ thường có vị ngọt của đường, béo của nước và cơm dừa. Các món lẩu, nhất là lẩu mắm bao giờ cũng đầy ắp các loại rau đồng nội như cù nèo, tai tượng, càng cua, bông so đũa, bông điên điển. Các món nướng cũng có nhiều kiểu nướng than hồng, nướng trui, nướng mọi, nướng lu, nướng đất sét.

Sài Gòn cũng là nơi hội tụ nhiều món ăn ngon từ các vùng miền khác nhau. Rất nhiều món ăn độc đáo của thủ đô Hà Nội và các tỉnh phía Bắc cũng đã trở thành một phần của ẩm thực Sài Gòn như phở, chả cá, bún, miến, nem Hà Nội, bánh cuốn Thanh Trì, bánh tôm Hồ Tây, cơm Bắc. Các món ăn miền Trung cũng rất quen thuộc ở đất Sài Gòn như bún bò Huế, nem tré Huế, mì Quảng, cao lầu Hội An…

Sài Gòn cũng là nơi tiếp biến của văn hóa ẩm thực Trung Quốc, Ấn Độ, Pháp, Mỹ, Nhật, Úc… và nhiều, nhiều những vùng quốc gia, lãnh thổ từ thế kỷ 18 đến nay. Khách trong nước hay ngoài nước, khi tìm đến Sài Gòn đều có thể thỏa mãn hương vị ẩm thực của mình bởi ở xứ sở giàu có này, không có gì là không tìm thấy. Từ khu phố của người Tây, người Hoa hay người Việt, đâu đâu cũng có thể gọi cho mình các món ngon của người Hoa, Ấn, Nhật, Tây Ban Nha hay các món Pháp nổi tiếng, xúc xích Đức, humburger Mỹ, nhiều món ăn truyền thống của người Nga và say sưa hương vị thịt nướng của Séc với đủ các loại rượu bia nổi tiếng nhất.

 Vẻ đẹp duyên dáng đất Sài thành

Sài Gòn đã mở lòng mình ra mà giao lưu tiếp biến những tinh hoa văn hóa ẩm thực của mọi miền, mọi quốc gia trên thế giới. Nhưng sự mở rộng đó không làm mất đi cái truyền thống văn hóa lâu đời của người Việt Nam. Bởi đâu đó, ở những khu phố Tây, bạn sẽ thấy cảnh những người Mỹ, người Anh cầm đũa ngồi ăn phở bò Hà Nội mà trầm trồ khen món quà đất Bắc ấy, hay vài anh bạn người Pháp muốn tìm hiểu nét Cố Đô giữa lòng Sài Gòn mà thưởng thức bánh khoái, bún bò Huế. Và những món như nem tré Huế, mì Quảng, cao lầu Hội An, canh chua, canh cá tộ, cá lóc, lẩu mắm Châu Đốc của người Nam Bộ, hủ tiếu đất Mỹ Tho, nấm tràm Phú Quốc dần trở thành quà của khách mời nhau thưởng thức.

Ẩm thực Sài Gòn đa dạng và phong phú là thế. Nếu có dịp thăm thú thành phố này, bạn hãy kiên tâm thưởng thức ẩm thực ở đây sẽ thấy không mảnh đất nào trên dải đất Việt Nam hội tụ nhiều nền văn hóa ẩm thực đến thế, bởi miền đất hoa lệ ấy đã được mệnh danh với cái tên “xứ sở vàng của ẩm thực Việt Nam.”

Có nhiều người nói rằng thành phố mang tên Bác thay đổi chóng mặt trong suốt mấy chục năm qua. Những tòa nhà chọc trời, những khu đô thị, khu dân cư mọc lên từng ngày. Đúng vậy, TPHCM vẫn từng ngày, từng ngày đổi thay. Nhưng vẫn còn đó những gánh hàng rong ruổi khắp phố, vẫn còn đó những khu chợ tấp nập kẻ qua người lại, vẫn còn đó cái hồn người đất phương Nam - thoải mái, sởi lởi và phóng khoáng - và còn đó cái hồn của thành phố đọng lại trong ly cà phê buổi sáng đậm đà, dân dã nhưng khiến bất cứ ai cũng phải nặng lòng không quên… Đó là ấn tượng khó có thể nào quên khi đến với thành phố phương Nam này.

Thanh Thảo

Nguồn quehuongonline.vn

http://quehuongonline.vn/dat-nuoc-con-nguoi/thanh-pho-ho-chi-minh-mot-diem-den-an-tuong-20160125151509216.htm



  Các Tin khác
  + Chân dung 2 giáo sư Việt được bầu là viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Thế giới (06/12/2024)
  + Gia đình danh giá bậc nhất Việt Nam: Con cháu thừa hưởng "mã gen tài năng" (02/12/2024)
  + 7 điều tuyệt diệu khiến bạn luôn tự hào khi nhắc đến hai tiếng Việt Nam (11/08/2024)
  + Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/07/2024)
  + Ai là người đặt tên đất nước ta là Việt Nam: Ý nghĩa là gì? (30/06/2024)
  + Hình ảnh thiêng liêng lễ diễu binh ở Thị trấn Trường Sa (08/06/2024)
  + Trường Sa luôn đặc biệt từ những điều nhỏ nhất (26/05/2024)
  + Thế trận Đường Trường Sơn góp phần làm nên thắng lợi Chiến dịch mùa Xuân 1975 (18/05/2024)
  + 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ Lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/05/2024)
  + Khám phá 22 hang động kỳ vĩ mới được phát hiện tại Quảng Bình (19/04/2024)
  + 18 đời vua Hùng gồm những ai? Tên gọi chính xác của các vị vua là gì? (17/04/2024)
  + Ảnh ấn tượng về các lực lượng tham gia diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (05/04/2024)
  + 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ Đại tướng Phan Văn Giang: Vũ khí cá nhân mới của quân đội tốt hơn AK47 (05/04/2024)
  + Chiêm ngưỡng sắc đỏ của cây hoa gạo trăm tuổi "đẹp nhất" Ninh Bình (03/04/2024)
  + Hoa gạo rực đỏ bên ngôi chùa cổ kính nghìn năm tuổi ở Hà Nội (23/03/2024)
  + Những bông hoa y tế vùng cao và chuyện băng rừng trong đêm đi đỡ đẻ (06/03/2024)
  + Kỷ niệm 80 ngày thành lập QĐNDVN: Sẽ tổ chức Triển lãm Quốc phòng quốc tế và mít tinh cấp Nhà nước (26/01/2024)
  + MŨI NÉ VÀO TOP ĐIỂM BAY KHINH KHÍ CẦU ĐẸP NHẤT THẾ GIỚI (02/04/2023)
  + Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: (12/03/2023)
  + Hàng nghìn người khai hội gò Đống Đa xuân Quý Mão (26/01/2023)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 5
Total: 65981681

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July