Thân thương bánh giò Hà Nội Thân thương bánh giò Hà Nội , Người xứ Nghệ Kiev
Mai Hoàng•12/04/2025 06:35
Ngày cuối xuân thời tiết se se lạnh, những đợt nồm ẩm dường như cũng dần tan biến, để lại một không gian sạch sẽ, trong lành.
Có những ngày nắng lên rực rỡ tinh nghịch trên tàng lá sấu, gọi bầy sẻ về ríu ran cả một khoảng trời. Tự dưng lòng chợt thèm một cái hẹn thong dong giữa trời Hà Nội tháng Tư đẹp như màu cổ tích, cùng những người bạn tri kỷ lang thang phố và thưởng thức quà chiều Hà Nội. Và những chiếc bánh giò nóng hổi là một trong những món ăn Hà Nội khiến người ta nhớ thương.
Minh họa: Nguyên Sa
Bánh giò Hà Nội, lần đầu tiên tôi được nghe là khi lên thành phố trọ học và được người bạn rủ đi ăn. Tên bánh gì mà lạ quá! Nó khiến tôi liên tưởng tới những cây giò thủ mà bố tôi thường làm mỗi dịp lễ Tết. Thế nhưng, khi nhìn tận mắt, tất cả không như tôi nghĩ, chiếc bánh giò Hà Nội thật giản dị như những chiếc bánh quê, được gói hình tam giác với lá chuối, bột gạo tẻ và nhân mộc nhĩ, thịt lợn băm nhuyễn. Và ngay từ lần đầu tiên “gặp gỡ”, thứ quà nóng hôi hổi này đã lập tức chinh phục vị giác tôi, để sau này là món ăn mà chúng tôi thường xuyên tìm đến.
Khi đã “biết mặt nhớ tên”, thì có thể dễ dàng tìm thấy bánh giò ở khắp mọi nơi, đặc biệt là ở gần các trường học, cổng chợ, hay góc xép của một con phố nhỏ ngõ nhỏ nào đó. “Quán” bánh giò ở Hà Nội đơn giản lắm, chỉ một, hai thúng bánh ủ kín để đảm bảo bánh luôn nóng ấm và chồng ghế nhựa con con để khách ngồi ăn. Cách làm bánh giò cũng không quá khó. Nhân bánh là hỗn hợp thịt băm, mộc nhĩ, hành khô, hạt tiêu được xào sơ, chín tới và nêm nếm trước cho vừa vị. Vỏ bánh làm từ gạo tẻ xay nhuyễn, hòa với nước rồi đun và phải liên tục khuấy đều tay cho bột chín phân nửa thì nhấc xuống. Đây là công đoạn “giáo bột” đòi hỏi nhiều kinh nghiệm, bởi nếu bột bị sống sẽ không tạo hình được cho bánh, nếu bột chín quá sẽ bị đặc và cứng. Người ta thường lấy lá chuối để gói bánh giò, bởi lá chuối giữ được hương vị của bánh, lại mang một hương thơm đặc biệt. Bánh giò được gói thành hình tam giác, phần lưng được gập nhọn lên, thêm chút lạt tre bó quanh là tạo nên một chiếc bánh thật đẹp.
Chỉ ăn bánh giò với tương ớt thôi đã thấy đủ ngon, nhiều hàng bánh còn làm dưa chuột chua ngọt ăn kèm khiến mỗi miếng bánh giò càng thêm hấp dẫn. Sau này, nhiều hàng bánh còn phục vụ thêm giò lụa, chả mỡ hoặc chả cốm cho những thực khách thích đổi vị. Ngồi trước đĩa bánh giò vẫn còn hơi nóng bốc lên, rón rén cầm thìa xắn từng miếng bánh cho vào miệng, bao nhiêu hương vị quyện hòa tạo nên một nét rất riêng mà ai từng đến Hà Nội và từng thưởng thức cũng thèm nhớ.
Người Hà Nội ăn bánh giò quanh năm, không kể ngày hè nắng nóng hay mùa đông giá lạnh. Một chiếc bánh giò có giá cũng phải chăng, có lẽ bởi ngon bổ rẻ mà bánh giò thường bén duyên với những cô cậu học trò, sinh viên. Bánh giò có thể bán ăn sáng, ăn khuya nhưng đông khách nhất vẫn là buổi chiều tối. Tôi không ít lần chứng kiến những giờ ra chơi hay tan học sớm buổi chiều, đám học trò chạy ù ra cổng trường ăn vội vàng chiếc bánh giò chống đói để lấy sức vào học ca sau.
Lại nhớ những năm tháng sinh viên nghèo khó của mình, để trang trải cuộc sống phố thị, đỡ đần bố mẹ, tôi cũng làm gia sư dạy thêm sau những giờ học trên lớp. Có hôm đi dạy về muộn, trời rét lạnh, bụng đói meo, tôi đành cố mở ví mua một chiếc bánh giò, ngồi ngay bên gốc cây bàng ăn cho đỡ đói. Và đó có lẽ là những lần ăn bánh giò ngon nhất trong cuộc đời tôi. Sau này, mỗi khi nhớ về những năm tháng ấy, tôi vẫn thầm cảm ơn vị bánh giò mang cảm giác ấm áp, đủ đầy giúp tôi đi qua những tháng ngày gian khó để trưởng thành như ngày hôm nay.
Thời gian trôi đi, ngoảnh lại vậy mà tôi đã gắn bó với Hà Nội mười năm có lẻ. Hà Nội đã trở thành quê hương thứ hai của tôi, nơi tôi gắn bó tuổi thanh xuân và dành trọn tình yêu với mảnh đất này. Với tôi, Hà Nội đẹp ở bề dày lịch sử, văn hóa, cảnh sắc, và đẹp cả ở những điều giản dị, trong đó có chiếc bánh giò gần gũi thân thương.