Trang chủ Liên hệ       Thứ tư, Ngày 23/04/2025
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
  -  Con Người Việt Nam
  -  Đất Nước Việt Nam
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Việt Nam Đất Nước Con Người > Con Người Việt Nam >
  Hồi ức ngày 30/4 của nữ biệt động duy nhất đánh vào Dinh Độc Lập Tết Mậu Thân Hồi ức ngày 30/4 của nữ biệt động duy nhất đánh vào Dinh Độc Lập Tết Mậu Thân , Người xứ Nghệ Kiev
 
Hoàng Thọ/VTC News Nữ biệt động duy nhất đánh vào Dinh Độc Lập chia sẻ ký ức chiến đấu và khoảnh khắc ngày 30/4/1975, nhắn gửi thế hệ trẻ hãy trân trọng, giữ gìn nền hòa bình hôm nay.

 

 
 

Hơn nửa thế kỷ trôi qua, bà Vũ Minh Nghĩa (bí danh Chính Nghĩa, sinh năm 1947) - nữ chiến sĩ biệt động duy nhất trực tiếp tham gia trận đánh lịch sử vào Dinh Độc Lập trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968; tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975 - vẫn không nguôi nỗi niềm về hai chữ hòa bình.

Ký ức Tết Mậu Thân

Lanh lợi, nhanh nhẹn, năm 1960 - lúc 13 tuổi, bà nhận nhiệm vụ chuyển lương thực, cơm nước cho các cán bộ hoạt động bí mật trong xã. Tới năm 16 tuổi, bà làm giao liên, vận chuyển vũ khí, tài liệu, đưa đón cán bộ giữa các cơ sở nội thành Sài Gòn. Mỗi lần đi là một lần đối diện cái chết, nhưng cô gái trẻ Chính Nghĩa chưa bao giờ chùn bước.

Tết Mậu Thân năm 1968, bà được giao nhiệm vụ trực tiếp tham gia trận đánh Dinh Độc Lập - đầu não chính quyền Sài Gòn.

Bà Vũ Minh Nghĩa tại Bảo tàng Biệt động Sài Gòn.

Đêm mùng Một Tết Mậu Thân, bà - nữ chiến sĩ biệt động duy nhất, cùng 14 chiến sĩ biệt động - vượt qua hàng rào phòng vệ, tiến sát Dinh Độc Lập. Chỉ mang một khẩu K54, một quả lựu đạn, bà vừa chiến đấu, vừa làm cứu thương.

Theo kế hoạch, sau khoảng 30 phút nổ súng, lực lượng chi viện sẽ đến. Nhưng rồi không ai tới, các chiến sĩ phải đơn độc cầm cự, bảo vệ nhau trong suốt nhiều giờ đồng hồ. Đến rạng sáng mùng 2 Tết, tình thế trở nên nguy hiểm khi địch phản kích dữ dội. Bà cùng đồng đội buộc phải rút vào một cao ốc đối diện Dinh, tiếp tục chiến đấu trong tình trạng thiếu đạn dược, phải dùng cả gạch đá, vũ khí thô sơ để chống trả.

8 chiến sĩ hy sinh, bà và 6 người còn lại đều bị thương và bị bắt giam.

Bà Nghĩa, khi đó 21 tuổi, phải chôn vùi tuổi thanh xuân sau song sắt, giữa bốn bức tường và những trận đòn roi. Liên tục bị tra tấn ở các nhà tù, từ tổng nha cảnh sát đến Thủ Đức, Tân Hiệp, Biên Hòa, bà vẫn không hé một lời, tuyệt đối trung thành với đất nước.

Bà Nghĩa (giữa) được trao trả tự do tại sân bay Lộc Ninh, Bình Phước. (Ảnh: NVCC)

Sau khi hiệp định Paris ký kết, năm 1974, bà Nghĩa được trao trả tại sân bay Lộc Ninh (tỉnh Bình Phước) trong tình trạng bị thương nặng ở chân, đi lại khó khăn cần người hỗ trợ. Sau khi chữa trị, bà tiếp tục cống hiến cho Tổ quốc, với vị trí là chiến sĩ thuộc Phòng tình báo Miền.

Đại thắng mùa xuân 1975

Đầu năm 1975, trước thềm Chiến dịch Hồ Chí Minh, đơn vị của bà được lệnh hành quân từ căn cứ Bình Mỹ (Củ Chi) tiến về Sài Gòn để "đón lõng" tình hình. Trong chiến dịch này, bà tiếp tục là nữ chiến sĩ duy nhất trong đội nhận lệnh tham gia đánh Dinh Độc Lập.

“Chúng tôi hành quân âm thầm, vừa nắm lại tình hình cơ sở, vừa giữ tư thế sẵn sàng cho ngày quan trọng”, bà kể.

Ngày 27 - 28/4/1975, tin vui từ chiến tuyến truyền về, các cánh quân chủ lực áp sát cửa ngõ Sài Gòn. Đêm 29/4, đơn vị bà hành quân gấp rút, phối hợp cùng các lực lượng trong nội đô, chuẩn bị cho trận đánh lịch sử.

Sáng 30/4/1975, trong đội hình bộ binh và xe tăng hùng hậu, bà cùng các đồng đội tiến vào trung tâm Sài Gòn. Khi đang trên đường hành quân thì nhận tin chính quyền Sài Gòn tuyên bố đầu hàng, miền Nam hoàn toàn giải phóng.

“Khi nghe tin tướng Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, tôi đứng lặng người giữa biển người reo hò. Cảm giác không thể tả bằng lời. Mình sống rồi, đất nước cũng sống lại. Cờ đỏ sao vàng, cờ Mặt trận (Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam) tung bay khắp nơi. Dân đổ ra hai bên đường, reo hò, vẫy tay chào đón bộ đội. Có người rơi nước mắt, có người hét lớn: Bộ đội về rồi! Giải phóng rồi!’” , bà Nghĩa bồi hồi nhớ lại.

Nhân dân Sài Gòn đổ ra đường đón chào quân giải phóng trưa 30/4/1975. (Ảnh: Lâm Hồng/TTXVN)

Bà vẫn còn in đậm trong trí nhớ những khoảnh khắc khi quân giải phóng tiến đến đâu cũng được người dân chào đón nồng nhiệt, những đoàn xe tăng nối đuôi nhau tiến về phía Dinh Độc Lập, trong tiếng hò reo, người dân tiếp tế cơm nước, thuốc men, dành cho bộ đội tình cảm chân thành như ruột thịt.

Khi đơn vị của bà tiến vào nội đô Sài Gòn, không ít cô gái trẻ thành phố nhìn bà với ánh mắt tò mò xen lẫn chút bối rối.

"Có mấy cô cứ đòi tôi tháo mũ tai bèo để xem mặt. Khi thấy tôi, họ ngạc nhiên hỏi sao bộ đội lại khỏe khoắn, nhanh nhẹn và xinh nữa, chứ chẳng hề gầy gò, xanh xao như từng nghe trong những lời tuyên truyền trước đó", bà Nghĩa bật cười, nhớ lại.

Sau thời khắc lịch sử, đơn vị của bà nhận lệnh đóng quân tại Tân Định. Cùng với các cán bộ địa phương, bà tham gia vận động người dân ổn định đời sống, hỗ trợ các tổ tiếp quản tiếp tục giữ trật tự xã hội.

“Bà con chia nhau từng nhóm để nấu cơm cho bộ đội, dọn dẹp, sửa sang nhà cửa, lo từng bữa ăn. Không khí lúc đó vừa rộn ràng vừa chan chứa tình cảm quân - dân", bà Nghĩa nói.

Bà Nghĩa tiếc nuối về những người đồng đội đã hy sinh, không kịp nhìn thấy ngày đất nước ca khúc khải hoàn.

Giờ đây, gần bước sang tuổi 80, ký ức của bà Chính Nghĩa không chỉ là niềm tự hào khi được chứng kiến thời khắc thiêng liêng của dân tộc, mà còn là nỗi nhớ về những đồng đội đã không kịp nhìn thấy ngày đất nước hoàn toàn được giải phóng.

“Tôi hiểu rõ cái giá phải trả cho độc lập, tự do, hòa bình. Nếu không có hòa bình, làm gì có sự sống, làm gì có tương lai cho dân tộc, cho mỗi người, trong đó có cả chính tôi. Cả đời này, tôi mang ơn những đồng đội đã ngã xuống, để mình còn sống, để đất nước trường tồn" , bà Nghĩa nói.

Thấm thía điều đó, nên điều đau đáu của bà là lớp trẻ hôm nay phải biết gìn giữ, trân trọng, phát triển nền hòa bình quý giá mà biết bao người đi trước đã ngã xuống để giành lại.

 
 
 

  Các Tin khác
  + Chương trình nghệ thuật "Đất Nước trọn niềm vui" kỷ niệm ngày thống nhất đất nước 30.4.1975 (22/04/2025)
  + Ký ức “những năm bom Mỹ trút trên mái nhà” (20/04/2025)
  + Không cần đi xa, Hà Nội cũng có mùa hoa vàng như mơ (15/04/2025)
  + Thân thương bánh giò Hà Nội (12/04/2025)
  + Nhộn nhịp du khách về thăm khu di tích địa đạo Củ Chi (08/04/2025)
  + Bầu trời Việt Trì rực sáng 15 phút, dân đổ về chiêm ngưỡng dịp Giỗ Tổ Hùng Vương (07/04/2025)
  + Hội truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam Sư đoàn 470 kỷ niệm 55 năm Ngày thành lập (06/04/2025)
  + Nữ đại tá tình báo giỏi nhất Việt Nam, được đặt tên cho 2 con đường là ai? (02/03/2025)
  + 50 năm Chiến thắng Tây Nguyên, nghệ thuật quân sự trong tác chiến chiến dịch (28/02/2025)
  + Ngôi nhà cổ hơn 240 tuổi có 80 cột gỗ lim ở Hội An (30/01/2025)
  + Chân dung 2 giáo sư Việt được bầu là viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Thế giới (06/12/2024)
  + Gia đình danh giá bậc nhất Việt Nam: Con cháu thừa hưởng "mã gen tài năng" (02/12/2024)
  + 7 điều tuyệt diệu khiến bạn luôn tự hào khi nhắc đến hai tiếng Việt Nam (11/08/2024)
  + Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/07/2024)
  + Ai là người đặt tên đất nước ta là Việt Nam: Ý nghĩa là gì? (30/06/2024)
  + Hình ảnh thiêng liêng lễ diễu binh ở Thị trấn Trường Sa (08/06/2024)
  + Trường Sa luôn đặc biệt từ những điều nhỏ nhất (26/05/2024)
  + Thế trận Đường Trường Sơn góp phần làm nên thắng lợi Chiến dịch mùa Xuân 1975 (18/05/2024)
  + 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ Lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/05/2024)
  + Khám phá 22 hang động kỳ vĩ mới được phát hiện tại Quảng Bình (19/04/2024)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 9
Total: 69431609

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July