Trang chủ Liên hệ       Thứ tư, Ngày 22/01/2025
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
  -  Con Người Việt Nam
  -  Đất Nước Việt Nam
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Việt Nam Đất Nước Con Người > Đất Nước Việt Nam >
  CHÍN NGÀY ĐÊM ĐÁNG GHI NHỚ MÃI MÃI p- GS Dương Xuân Trinh CHÍN NGÀY ĐÊM ĐÁNG GHI NHỚ MÃI MÃI p- GS Dương Xuân Trinh , Người xứ Nghệ Kiev
 

Mấy trang Hồi Nhớ về công việc của một đội viên của Đội cán bộ hành chính vào trước (Cadre Administratif Précurseur) trong Đoàn tiếp quản ngành Giáo Dục Hà Nội (2/10/1954 - 10/10/1954)

 

 

 

Vào tháng 8 năm 1954, một số giáo viên chúng tôi được điều động về tiếp quản ngành giáo dục Hà Nội. Chúng tôi cùng với nhiều cán bộ ở các ngành khác nữa, chừng 400 - 500 người được tập trung học tập các chính sách tiếp quản Hà Nội tại một khu rừng ở Thái Nguyên. Lãnh đạo của đoàn giáo dục có ông Nguyễn Văn Hiếu (cán bộ Vụ trưởng) Tiến sỹ Lê Văn Thiêm, Giáo sư Trần Văn Giàu. Ngoài ra còn có nhiều nhà khoa học khác như Tiến sỹ Nguyễn Mạnh Tường. Đoàn còn có 4 nữ giáo viên, chị Nghiêm Chưởng Châu được coi là nhóm trưởng.

Vào cuối tháng 9 lại tách ra một đội chỉ có 100 người: Đội cán bộ hành chính vào trước.

Trong đó có chừng 20 giáo viên. Tôi có may mắn là ở trong đội này. Chúng tôi được đưa về tập trung ở Trung Giã.

Tại đây có Hội nghị trao đổi về việc bàn giao và tiếp quản Hà Nội.

Tôi còn nhớ có một cán bộ khá trẻ tên là Nguyễn Tài nói rất hay, ông có kể về kinh nghiệm ký kết với người Pháp. Ông nêu một thí dụ: Người Pháp đồng ý khá nhanh, bản ghi, Pháp bàn giao cho ta tất cả các cơ quan, công sở của Hà Nội. Nhưng khi ta cân nhắc và sửa là Pháp bàn giao các cơ quan công sở ở Hà Nội. Thì lúc ấy họ đòi bàn đi, bàn lại, cò kè, xin chỉ bàn giao loại cơ quan nào.v.v… Chỉ khác nhau 2 từ nhỏ “của Hà Nội” và “ở Hà Nội”, nhưng nội dung khác nhau nhiều lắm. Vậy ký kết phải rất thận trọng từng từ.

 

Hội nghị Trung Giã được ký vào sáng ngày 2/10/1954 (1)

 

Chiều hôm đó, chúng tôi được đưa vào Hà Nội bằng các ô tô của Pháp và có lính Pháp bảo vệ.

Lãnh đạo của đội là ông Trần Danh Tuyên.

Tôi chỉ là một giáo viên cấp II nên thấy vô cùng lo lắng về công việc đặc biệt này. Nhưng tôi cũng rất vui, có phần còn vui hơn nhiều bạn khác, vì tôi là anh cán bộ tỉnh lẻ, chưa được ngắm màu nước xanh xanh của Hồ Gươm, chưa  được chứng kiến cảnh náo nhiệt của chợ Đồng Xuân, chưa được thấy khu vườn cỏ rộng bao la của phủ Toàn Quyền.

Tôi xin kể lại một chuyện vui nho nhỏ. Chỉ huy Pháp nói là không có đủ xe con (xe của chỉ huy) mà chỉ có xe to (xe tải chở lính) ta yêu cầu đủ xe chở người và các vật dụng, Pháp điều tới 20 xe camiôn. Mỗi xe chỉ có 5 người, còn vật dụng lúc ấy chúng tôi chỉ có một cái ba lô nhỏ, nhẹ, cần xách một tay cũng được. Nhưng đoàn xe lại rất lớn, có xe của các chỉ huy, nhiều xe bảo vệ, xe lương thực và 20 xe camiôn chở chúng tôi.

Từ Trung Giã vào Hà Nội có chi chít các đồn địch. Đây cũng là lần đầu tôi trông thấy các công sự xây bằng xi măng, chìm nổi, phủ kín bằng các quận dây thép gai, bùng nhùng và chắc chắn còn rải rác bao nhiêu mìn nữa.

Tự nhiên tôi nghĩ đến các chiến sỹ phải rất anh dũng, phải thông minh tuyệt vời mới có thể phá được các loại công sự kia, đập tan biết bao nhiêu đồn bốt địch, nhất là ở trận đánh Điện Biên Phủ. Nhờ vậy, hôm nay chúng tôi được vào Hà Nội, trong tư thế chiến thắng.

Binh lính ở các đồn bốt này, hầu hết là người châu Phi. Bọn họ lại khá vui vẻ, vẫy chào chúng tôi, có người còn hô khá to “Vive Việt Minh” Vive  Camarades Việt Minh” Hoan hô Việt Minh, hoan hô các đồng chí Việt Minh.

Đoàn ô tô chậm chậm  lăn bánh qua cầu Sông Hồng vào Hà Nội. Lúc đó khoảng 5 giờ chiều. Phố xá hơi vắng vẻ, có những người đứng trong nhà vẫy chào chúng tôi, nhiều người dân ra đứng ở các vỉa hè, còn có một số trẻ xuống đường, đến các ngã tư, thò tay lên ô tô, để bắt tay chúng tôi.

Pháp đưa chúng tôi vào một bệnh viện (hiện nay là Bệnh viện 108).

Ngày hôm sau khi lãnh đạo hai bên cần bàn bạc trao đổi cụ thể, bọn chúng tôi ra cổng, cười khá tươi với bọn lính gác, rồi tản vào các nhà dân ở xung quanh. Chúng tôi hỏi chuyện nhân dân, mượn các báo để đọc xem các tin ở Hà Nội.

 

Chúng tôi phải kêu lên: Ôi Hà Nội đang phải sống những ngày hoảng loạn đến thế này ư! Nhiều người đã cho gia đình về quê, có gia đình chia một phần xuống Hải Phòng, để sẵn sàng vô Nam.

Có tin đồn, có báo viết: Người Pháp trước khi rút khỏi Hà Nội sẽ để 24 giờ hỗn loạn. Có một vị tướng Ngụy (tôi không nhớ tên) tuyên bố sẽ tử thủ với Hà Nội. Người dân Hà Nội sẽ sống ra sao? Khi nhà máy nước, máy điện sẽ bị phả hủy hết. Việt Minh sẽ đối xử thế nào với những con người đã bỏ kháng chiến, đầu hàng địch và làm cho địch.v.v…

Nhưng có tờ báo ra vào buổi sáng hôm đó đưa tin: Một đoàn ô tô của Pháp khá lớn đã đưa 100 cán bộ Việt Minh vào Hà Nội.

Trong một góc tờ báo còn có tin nhỏ: Ở Hà Nội đêm qua, không nghe thấy tiếng phèng phèng! Chúng tôi hỏi: Tiếng phèng phèng là tiếng gì? Đêm khuya bọn lưu manh hoạt động. Nhân dân phải gõ vào nồi xoong, mâm để gọi nhau, chống lại bọn chúng.

Chiều hôm đầu, trong phòng họp lớn ở bệnh viện, hai đoàn giới thiệu từng người ở các bộ phận để phối hợp làm việc.

Chiều hôm sau, chúng tôi tới tòa đốc lý (UBND) để nhận trách nhiệm cụ thể. Đến sớm nên một số ra bờ hồ chơi. Tôi lần đầu tiên đến Hà Nội, tinh thần cực kỳ sảng khoái, được ngắm cảnh mùa thu ở hồ Hoàn Kiếm, nhưng tiếc quá có người ra mời chúng tôi vào họp. Tôi được phân việc phải lập biên bản các tài sản bị phá hủy, hoặc lấy đi ở trường tiểu học (có thể hiện nay là trường Nguyễn Trường Tộ). Hàng ngày các ô tô của Pháp đưa chúng tôi tới các trường tiểu học, trung học và đại học.

Tôi đến và mời ông hiệu trường tới làm việc ngay. Ông hiệu trưởng trường Nguyễn Trường Tộ tên là Bính - một người đã có tuổi. Ông nghiêm túc bàn bạc với tôi rất cụ thể về công việc. Trước hết ông cho tôi xem bản kê khai tài sản của nhà trường vào tháng 12/1953.

Vào cuối tháng 8, tháng 9, đồng bào công giáo bị dụ dỗ nên đã bỏ quê hương, đến sống tạm ở trường này để chờ tàu xuống Hải Phòng rồi vào Nam. Người ta đã phá hủy nhiều bàn ghế để nấu cơm ăn và nước uống. Như vậy chỉ cần đếm các đồ dùng và bàn ghế còn lại là tìm ra tất cả các tài sản bị phá hủy và lấy đi. Đối với các trường tiểu học việc này khá đơn giản. Đối với các trường trung học và nhất là đại học, việc bảo vệ tài sản là rất quan trọng.

Khi nhận biên bản ghi các tài sản của trường Nguyễn Trường Tộ bị phá hủy, viên sỹ quan Pháp chỉ đọc qua loa và ký nhận luôn.

Rõ ràng việc lớn của các trường tiểu học là gìn giữ bảo vệ giáo viên. Khi chúng tôi thảo luận tổ trong hội trường ở Thái Nguyên: Việc trả nguyên lương(2) cho các cán bộ mới (cán bộ Lưu Dụng) là rất khó thống nhất. Nhưng lúc này, khoan nghĩ đến công bằng - lợi ích Cách Mạng lên trên hết. Đừng để các công chức xuống Hải Phòng để rồi vô trỏng (vào trong đó) Người Pháp còn ở lại Hải Phòng 100 ngày nữa đang chờ đón họ.

Người Hà Nội nói năng thanh lịch, chúng tôi cũng đối xử thân mật, chân thành.

Người dân thấy Hà Nội yên tĩnh, trở lại đồng vui. Hàng ngày người ta cứ thấy một số cán bộ Việt Nam đi trên các ô tô của các sĩ quan Pháp tới các cơ quan, đến cả các nhà máy điện, máy nước. Sáng đi trưa về, chiều đi tối về. Mọi người yên tâm tin tưởng cách mạng hơn.

Ngày mai Pháp phải rút quân khỏi Hà Nội.

Ông Bính nói với tôi, ông đã cho nhổ một cột cờ ở sân trường.

Chúng tôi cùng cười vui. Từ nay các trường học ở Hà Nội chỉ có một cột cờ thôi! Ông cũng nói là đã dặn học sinh mua cờ để ngày mai đón quân đội vào Hà Nội. Ông đưa tôi đến từng lớp học để tôi được nói chuyện với các em.

Ông trịnh trọng nói: Thầy giới thiệu với các con: Ông cán bộ Việt Minh đến nói chuyện với  các con.

Còn tôi mang phong cách của giáo viên vùng tự do, rất thân mật vui vẻ.

- Tôi xin phép thầy giáo được nói chuyện với các em. Anh là một cán bộ tiếp quản Hà Nội, rất vui mừng được gặp các em học sinh Hà Nội. Các em có biết: Các em có niềm vui rất lớn được trực tiếp, nhìn thấy bọn lính Pháp xâm lược phải cút khỏi Hà Nội. Có vui thích không? Các em ào ào. Có ạ! có ạ!

- Các em còn có vinh dự rất lớn nữa, coi như được thay mặt thiếu nhi cả nước đón tiếp các đơn vị quân đội anh hùng vào giải phóng Hà Nội.

Các em có thấy vinh dự không? Dạ vinh dự lắm ạ. Vinh dự lắm ạ.

Các em đã chuẩn bị những gì để đón tiếp đoàn quân giải phóng thủ đô.

- Dạ, chúng em, mặc quần áo mới, chúng em mang cờ ra đón tiếp ạ.

Tôi chào các em rồi sang lớp khác.

Nhìn các em học sinh thủ đô, đôi mắt sáng ngời, quần áo sạch sẽ, lớp học sáng sủa, bàn ghế vững chắc. Bao giờ, bao giờ học sinh cả nước Việt Nam được như thế này? Mong chóng tới ngày đó.

Ngày mai, Pháp rút quân khỏi Hà Nội. Chúng tôi, tối hôm ấy rất lo - đến 10h tối rồi anh Phạm Quang Hiểu vẫn chưa về. Mãi sau anh gọi điện về nói là. Chúng đã chuẩn bị rất nhiều hòm chứa các thiết bị quý của trường Đại học, và dự định đêm hôm đó sẽ mang đi hết. Anh đã động viên được các công nhân, các nhân viên thí nghiệm cùng ở lại, không cho chúng mang đi. Anh báo cáo xin lãnh đạo cho ở lại để bảo vệ tài sản quý của trường Đại học.

Đêm hôm 9/10/1954, đúng là một đêm khó ngủ. Bác Hồ và các vị lãnh đạo cao cấp chắc còn khó ngủ hơn chúng tôi.

Khoảng 4h sáng, chúng tôi lại được các ô tô Pháp đưa tới các cơ quan của giáo dục  ở Hà Nội. Tôi được đến Nha giáo dục Bắc Bộ ở ngay bờ hồ Hoàn Kiếm. Khoảng 5h tiểu đội lính Pháp đóng ở nha được đón đi. Bác bảo vệ báo cáo đã thu hồi lại được hai cái máy chữ.

Tôi xin không tả các cảnh Hà Nội hôm đó: Phố xá đóng cửa, im lặng nhưng khi chiếc ô tô Pháp cuối cùng vừa lăn bánh qua, các cánh cửa mở toang, rừng cờ đỏ sao vàng mọc lên đón đoàn quân trở về. Náo nhiệt vô cùng, người dân tràn cả ra đường, cầm tay các anh bộ đội. Nhóm giáo dục được một chiếc xe to, môlôtôva (của Liên Xô) đến đón ở từng cơ sở, và chúng tôi được đi chơi khắp nội thành Hà Nội. Chúng tôi hát vang lên và cũng được nhân dân hoan hô khá vui vẻ. Chúng tôi coi anh Hiểu như thổ công của Hà Nội. Xe tới đâu anh cũng giới thiệu cho mọi người cùng biết.

- Đây là chùa Quán Sứ - Đấu Xáo đây!

Bỗng đến một phố, anh chửi khá to: Tiên Sư chúng nó - đây là nhà pha Hỏa Lò - kia là Tòa án.

Ôi đúng là văn minh thực dân! Giữa trung tâm thủ đô của một nước văn hiến như Việt Nam, chúng đã xây dựng một tòa án rất cao, rất lớn, và một nhà tù thì rất kiên cố.

- Khốn nạn thật!

Chúng tôi được lãnh đạo đánh giá: Làm tốt việc bảo vệ tài sản, từ tiểu học đến đại học. Mặt khác đã chuẩn bị khá tốt cho công tác tiếp quản Hà Nội - Tuy vậy cả nhóm đi ô tô chơi khắp Hà Nội là thiếu cảnh giác.

Ngày mai, chúng tôi nhập vào đoàn cán bộ tiếp quản Thủ Đô.

*                    *

*

 

 

Đã là cuối thu Hà Nội. Trời Hà Nội cũng vẫn rất đẹp như những ngày Thu, 60 năm trước.

Tôi cố gắng viết lại mấy trang hồi ức này, để góp phần nho nhỏ, làm rõ những ngày Thủ Đô Hà Nội chuyển dần từ thời đại cũ, sang thời đại mới. Thời đại Hà Nội sạch bóng quân thù.

*                    *

*

(1) Tôi đã ở tuổi 86 - Nhật ký đã bị mất - Nên tôi có thể nhầm ngày 2/10 hay ngày 3/10

(2) Nguyên lương. Các cán bộ mới, cán bộ lưu dụng được lĩnh lương như trước, những tiền lĩnh là tiền Đông Dương được quy đổi thành tiền Việt Nam và thường cao hơn nhiều lần so với lương cán bộ vào tiếp quân.


  Các Tin khác
  + Chân dung 2 giáo sư Việt được bầu là viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Thế giới (06/12/2024)
  + Gia đình danh giá bậc nhất Việt Nam: Con cháu thừa hưởng "mã gen tài năng" (02/12/2024)
  + 7 điều tuyệt diệu khiến bạn luôn tự hào khi nhắc đến hai tiếng Việt Nam (11/08/2024)
  + Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/07/2024)
  + Ai là người đặt tên đất nước ta là Việt Nam: Ý nghĩa là gì? (30/06/2024)
  + Hình ảnh thiêng liêng lễ diễu binh ở Thị trấn Trường Sa (08/06/2024)
  + Trường Sa luôn đặc biệt từ những điều nhỏ nhất (26/05/2024)
  + Thế trận Đường Trường Sơn góp phần làm nên thắng lợi Chiến dịch mùa Xuân 1975 (18/05/2024)
  + 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ Lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/05/2024)
  + Khám phá 22 hang động kỳ vĩ mới được phát hiện tại Quảng Bình (19/04/2024)
  + 18 đời vua Hùng gồm những ai? Tên gọi chính xác của các vị vua là gì? (17/04/2024)
  + Ảnh ấn tượng về các lực lượng tham gia diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (05/04/2024)
  + 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ Đại tướng Phan Văn Giang: Vũ khí cá nhân mới của quân đội tốt hơn AK47 (05/04/2024)
  + Chiêm ngưỡng sắc đỏ của cây hoa gạo trăm tuổi "đẹp nhất" Ninh Bình (03/04/2024)
  + Hoa gạo rực đỏ bên ngôi chùa cổ kính nghìn năm tuổi ở Hà Nội (23/03/2024)
  + Những bông hoa y tế vùng cao và chuyện băng rừng trong đêm đi đỡ đẻ (06/03/2024)
  + Kỷ niệm 80 ngày thành lập QĐNDVN: Sẽ tổ chức Triển lãm Quốc phòng quốc tế và mít tinh cấp Nhà nước (26/01/2024)
  + MŨI NÉ VÀO TOP ĐIỂM BAY KHINH KHÍ CẦU ĐẸP NHẤT THẾ GIỚI (02/04/2023)
  + Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: (12/03/2023)
  + Hàng nghìn người khai hội gò Đống Đa xuân Quý Mão (26/01/2023)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 1
Total: 66542640

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July