Khau Phạ, có nghĩa Sừng trời, là con đèo dài nhất quốc lộ 32 với 30 km mà có đến hai phần ba là đường cấp phối, gập ghềnh đá sỏi.
|
Thung lũng Cao Phạ mùa vàng |
Khau Phạ nằm giáp ranh giữa hai huyện Mù Cang Chải và Văn Chấn tỉnh Yên Bái, đường đi qua nhiều địa danh nổi tiếng như La Pán Tẩn, Mù Cang Chải, Tú Lệ, Tà Sì Láng, nên rất hấp dẫn với cánh du lịch bụi. Trước Khâu Phạ có đèo Chấu với nhiều cua tay áo nguy hiểm.
Độ cao của đèo Khau Phạ quãng chừng 1.500 m so với mực nước biển. Vào những ngày mây mù, đèo đặc biệt nguy hiểm cho cánh lái xe vì nhiều đoạn đường không có rào chắn hay bất cứ biển cảnh báo nào. Đường xuống cấp nhiều vì không được sửa chữa thường xuyên, dễ dàng bị sạt lở do nằm trong vùng đất đỏ bazan, hệ đất yếu. Đấy là chưa kể những nguy hiểm rình rập từ tảng đá trên núi cao có thể rơi xuống bất cứ lúc nào.
Tuy nhiên, chúng tôi vẫn chọn cung đường Khau Phạ vào mùa lúa chín tháng 9 tháng 10 để thưởng thức vẻ đẹp tuyệt vời của lúa trên những ruộng bậc thang nơi đây, cảnh đẹp chỉ có duy nhất trên vùng đất Yên Bái này.
|
Những cô bé cậu bé người dân tộc Mông chơi trên đường đèo.
|
Từ trên đỉnh của đèo Khau Phạ nhìn xuống thung lũng Tú Lệ, chúng tôi không khỏi xuýt xoa. Cả một vùng thung lũng tầng tầng những ruộng bậc thang nối nhau thành hình một lòng chảo khổng lồ. Con đường lên bản làng người Mông vắt một vệt đi thẳng lên tận trời. Người dân tộc ở đây làm nhà rất cao, tách biệt hẳn với mặt đất và các dân tộc khác.
Nhấm nháp một tách cà phê thơm trước khi đổ đèo là cái thú đầy thi vị. Chỉ cần một ít củi, ít cồn khô và cái xoong nhỏ mang theo, chúng tôi đã có thể chia nhau tách cà phê bốc khói. Sương giăng khắp mặt đất và cả trên mí mắt. Trời chuyển lạnh rất nhanh với không khí đêm đặc trưng miền núi. Giữa đất trời mênh mông, cùng nhau nhâm nhi vị đắng ngọt nơi cuống lưỡi, để rồi con đường cứ trôi qua những thung lũng lúa ngút ngàn cho đến tận chân đèo.
|
Thung lũng dưới chân đèo.
|
Lam Linh
Nguồn: VnExpress