Đặc sản của đồng bào Tây Bắc
Cây trám đối với người dân trong các bản Tày, bản Mông, bản Dao như một người bạn thân quen và gần gũi. Bởi theo người dân ở vùng này, cây trám được trồng trong vườn nhà từ lâu rồi, nhà nào ở trong các bản cũng trồng trám. Cây trám còn mọc trên rừng già rất nhiều và hiện nay, còn khá nhiều loại cây vừa lấy quả, lấy gỗ này. Có một thời gian, người dân Tây Bắc trồng khá nhiều cây trám để phủ xanh đồi trọc và lấy gỗ. Tuy nhiên, một hai cây trám trắng để lấy quả ăn to gần bằng cây cổ thụ vẫn còn xanh tốt trong vườn nhà của đồng bào. Vì vậy, như hẹn trước, năm nào vào thời gian này, mùa trám cũng về với đồng bào Tày.
Phiên chợ Tây Bắc vào buổi chiều hay chủ nhật có thêm một đặc sản quen thuộc nhưng chỉ mùa này mới có là trám. Cứ chiều chiều, khi ánh nắng chênh chếch sau dãy núi Nậm Luông, các A (Cô) Tày, Pả (Bà) Tày, những sơn nữ Mông, Dao cất bước xuống chợ trên vai gánh hai sọt đựng toàn trám. Phiên chợ chiều bên cạnh những mớ rau rừng xanh non mỡ màng là những đọt trám trắng quả căng tròn, vàng ươm. Người đi chợ không quên dừng lại ở hàng trám để mua về làm món ăn trong gia đình. Tấp nập hơn là phiên chợ chủ nhật hằng tuần, trám được bán như một đặc sản không thể thiếu và hấp dẫn. Như để quảng bá đặc sản bình dân của quê mình, đồng bào Tày đựng trám trong móm cọ, trong gùi, trong sọt đầy quả. Không chỉ có bán trám trồng trong vườn mà đồng bào Mông trên núi cao còn cho lên lưng ngựa thồ hàng tải trám rừng xuống chợ bán. Quả trám rừng to hơn trám vườn, màu xanh thẫm hơn và ăn có vị hơi chát.
|
Cây trám mang đến cho đồng bào Tây Bắc lợi ích kinh tế đáng kể. Mùa này, mỗi cân trám trắng bán ra cũng được 25 - 30 ngàn đồng, trám nặng cân, sai quả lại được thị trường ưa chuộng nên đồng bào có thu nhập khá cao. Trong các bản xa, những cây trám có từ lâu, như cây cổ thụ, vừa ba người ôm vậy mà đồng bào vẫn không đốn hạ lấy gỗ vì theo những người già ở nơi đây, cây trám gắn bó sâu nặng với cuộc sống và con người nơi đây, là người bạn thân thiết của người bản địa.
Dư vị khó quên
Mùa trám, trong vốn ẩm thực của đồng bào Tây Bắc những ngày này lại có thêm những dư vị khó quên, ấm áp và ngọt ngào. Đồng bào dùng trám để chế biến các món ăn mang đậm bản sắc. Món trám muối chỉ có Tây Bắc mới làm được. Người ta lấy những quả trám già vàng ươm về trần qua nước nóng rồi cho vào ngâm với muối mặn, khoảng hai tuần, quả trám ngấm muối và chua dần thế là được món trám muối ăn rất thơm và đặc biệt.
Đặc biệt, đối với đồng bào Tày vùng cao hay đồng bào Mông trên núi thường chế biến trám thành một món ăn mà hễ ai được thưởng thức một lần có thể nhớ mãi. Đó là món canh gà nấu quả trám. Đây là món ăn dễ chế biến và không cầu kỳ. Quả trám được hái về rửa sạch, thịt gà thái thành từng miếng vừa ăn. Sau đó phi gừng đã giã nhỏ cho dậy mùi và cho trám cùng thịt gà vào xào khoảng năm, bảy phút rồi đổ nước xăm xắp và hầm từ hai mươi lăm đến ba mươi phút là cả trám và thịt gà đều đã chín nhừ. Khi canh đã chín, ngoài việc cho gia vị thì thêm vào nồi canh một chút lá và củ kiệu tươi cùng mộc nhĩ đã ngâm nở, làm sạch. Đậy vung khoảng chừng 2 phút là có thể múc canh ra ăn được. Khi múc canh lên bát, thấy canh có nhiều màu khác nhau: màu vàng của quả trám, màu trắng vàng của thịt gà, màu xanh của lá, củ kiệu, màu tím thẫm của mộc nhĩ, lớt thớt màu vàng nghệ của gừng và mỡ gà. Còn nước canh trong cùng với vị ngọt của thịt gà hoà lẫn vị hơi chua của quả trám, vị cay nhẹ của gừng và thơm của củ kiệu. Canh trám nấu gà đối với người vùng cao là một món ăn đặc biệt để tiếp đãi khách quý hay người thân đi xa về. Món canh này còn là bài thuốc rất tốt cho những người mới ốm dậy, chỉ cần ăn một bát canh trám thôi sẽ cảm nhận được vị giác ngon miệng. Canh gà nấu quả trám vừa là một món ăn bình dị quen thuộc, vừa là món ăn độc đáo mang bản sắc rất riêng của đồng bào Tây Bắc.
(Theo Làng Việt)