Trang chủ Liên hệ       Thứ tư, Ngày 22/01/2025
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
  -  Con Người Việt Nam
  -  Đất Nước Việt Nam
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Việt Nam Đất Nước Con Người > Đất Nước Việt Nam >
  Vài nét về làng Láng và nghề trồng rau gia vị ở Láng Vài nét về làng Láng và nghề trồng rau gia vị ở Láng , Người xứ Nghệ Kiev
 

 Làng Láng xưa kia là vùng đất rộng lớn, chủ yếu trồng các loại rau thơm, nên nghề chính ở đây là nghề trồng rau. Đến những năm cuối thế kỷ XX, đất nước chuyển mạnh theo hướng phát triển kinh tế thị trường. Dân Láng tăng đột biến tới chục nghìn người trong 5 năm (1992 - 1996). Đất canh tác của làng Láng thu hẹp nhanh chóng, chỉ còn khoảng 1/10 diện tích gieo trồng so với trước năm 1990. Dân số của làng Láng cũng ngày càng tăng cao theo thời gian, chỉ tính riêng phường Láng Thượng là từ 1994 có 12.399 người, đến năm 2004 có 21.596 người, ước tính đã tăng gần 10.000 người trong khoảng 10 năm. Tìm đọc nhiều sách nhưng chúng tôi không thấy tư liệu nào nói về nguồn gốc, cách thức những cây rau gia vị du nhập vào làng Láng, bởi những cây trồng đó đều có nguồn gốc ngoài Việt Nam, như húng quế có nguồn gốc từ các khu vực phía Tây châu á, cây mùi có nguồn gốc từ Trung Cận Đông… nhưng chúng đã được trồng và sinh sôi phát triển ở Việt Nam, có lẽ các cây này rất thích hợp với điều kiện khí hậu,


Làng Láng xưa kia là vùng đất rộng lớn, chủ yếu trồng các loại rau thơm, nên nghề chính ở đây là nghề trồng rau. Đến những năm cuối thế kỷ XX, đất nước chuyển mạnh theo hướng phát triển kinh tế thị trường. Dân Láng tăng đột biến tới chục nghìn người trong 5 năm (1992 - 1996). Đất canh tác của làng Láng thu hẹp nhanh chóng, chỉ còn khoảng 1/10 diện tích gieo trồng so với trước năm 1990. Dân số của làng Láng cũng ngày càng tăng cao theo thời gian, chỉ tính riêng phường Láng Thượng là từ 1994 có 12.399 người, đến năm 2004 có 21.596 người, ước tính đã tăng gần 10.000 người trong khoảng 10 năm.


Tìm đọc nhiều sách nhưng chúng tôi không thấy tư liệu nào nói về nguồn gốc, cách thức những cây rau gia vị du nhập vào làng Láng, bởi những cây trồng đó đều có nguồn gốc ngoài Việt Nam, như húng quế có nguồn gốc từ các khu vực phía Tây châu á, cây mùi có nguồn gốc từ Trung Cận Đông… nhưng chúng đã được trồng và sinh sôi phát triển ở Việt Nam, có lẽ các cây này rất thích hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của nước ta.

Trở lại vấn đề rau gia vị bằng cách nào đã vào Việt Nam, chúng ta biết rằng rau gia vị có lẽ vào Việt Nam từ sớm, có thể không phải đầy đủ tất cả các loại rau gia vị như bây giờ, nhưng ít ra cũng có thể đã có một vài loại xuất hiện trước năm 1362. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, vào khoảng thời gian 1362, chúng ta thấy “Lại sai tư nô cày 1 miếng đất ở bên bờ bắc sông Tô Lịch để trồng hành, tỏi, rau dưa đem bán, gọi tên phường ấy là Vườn Tỏi (đến nay vẫn còn) và làm quạt đem bán cũng như thế”. Và khi đọc đến chú thích thì ta thấy có một ý kiến: Vườn Tỏi “nguyên văn là Toán Viên. Đến đời Lê, ở Thăng Long vẫn còn phường Toán Viên. Hai bài thơ trong Lã Đường di tập của Thái Thuận nói về phường Toán Viên đều nhắc đến Cửa Bắc và Hồ Tây. Có lẽ phường này ở ven Hồ Tây, gần cửa Bắc, chứ không phải là ở Láng như nhiều người thường nghĩ”[7,142].

Trong quá trình đi phỏng vấn, chúng tôi gặp một số cách gọi các loại rau mà theo chúng tôi cũng đáng lưu ý.

Ví dụ: bình thường những người không sống ở làng Láng gọi chung là rau húng Láng. Nhưng người ở làng Láng thì gọi rau húng là “thơm”. Thơm có hai loại là thơm thật và thơm lai (hay còn gọi là thơm giả). Còn húng chỉ húng quế (thơm quế, húng chó, húng giổi, hoặc họ cũng có thể gọi chệch đi là húng nhổi). Cũng có người vẫn gọi húng và chia ra làm ba loại: thơm thật, thơm lai và húng quế.

Và chính vì vậy, khi bán hàng có thể người dân Láng sẽ hỏi khách mua rau “Bác mua húng gì?” để tránh nhầm lẫn.

Cũng có người gọi húng Láng để chỉ chung tất cả các loại rau gia vị được trồng, từ các loại thơm, húng, mùi, kinh giới, tía tô... Nhưng cũng có người cùng làng lại phản đối cách gọi trên. Tuy nhiên, chúng tôi cũng liệt kê ở đây nhằm mục đích mang lại thông tin có giá trị tham khảo.

- Cách trồng:
Làng Láng có hai cách trồng rau húng thơm. Đó là thơm gơ và thơm lưu. Tuỳ vào thời gian mà người dân trồng theo theo cách này hay cách khác.
Thơm gơ: người dân để cây thơm mọc thật lâu, không hái để thân cây dài ra, và phần thân ở dưới đất sẽ sinh ra mầm trắng. Người ta sẽ dùng mầm trắng đó vùi kín xuống đất. Cách trồng từ mầm trắng của thơm như vậy được gọi là thơm gơ. Cách trồng này thường được làm vào tháng 8 âm lịch hàng năm.

Thơm lưu là cách trồng thơm bằng chính ngọn thơm, người dân chỉ cần hái ngọn thơm, cắm thẳng xuống đất, bóp đất chặt ở gốc cây để cây có thể đứng vững được. Cây tiếp đất rất nhanh, mau chóng ra rễ. Rễ bò đến đâu, cây mọc đến đâu thì phủ kín đất đến đó. Trong 10 ngày tiếp theo, mỗi ngày tưới nước 2 lần là cây sống. Sáng tưới vào khoảng 8 - 9 giờ, chiều khoảng 4 giờ. Sau 30 ngày là thu hoạch được. Cách trồng này thường được làm vào tháng 4, tháng 5 âm lịch.

Cũng có những người thấy việc lấy rễ trắng (thơm gơ) rải xuống mất thời gian, nên thường trồng thơm bằng cách cắm luôn ngọn cây xuống trồng (gọi là thơm lưu).

Rau Húng Láng

Những người mua rau sẽ khó phân biệt được đâu là thơm Láng vì về hình dáng thì các cây húng tương tự nhau, chỉ có những người sành ăn hoặc người làm nghề thì mới có thể phân biệt được. Có một điểm giúp phân biệt rau thơm Láng với các loại rau gia vị ở nơi khác trồng, đó chính là cách kẹp rau. Mớ rau thơm, rau mùi hay các loại rau gia vị khác… đều được người làng Láng bó một kiểu khác, tạm gọi là “kiểu đặc biệt”. Thơm Láng sẽ được bó như sau: “Bó hai lạt” tức là lấy lạt bó hai mớ nhỏ riêng, rồi dùng một cái lạt nữa xiên vào giữa vin hai mớ nhỏ kia lại với nhau. Còn các nơi khác, không biết có phải là người ta tiết kiệm lạt và tiết kiệm thời gian chút xíu hay không mà họ buộc lạt một mớ rau nhỏ, rồi ghép thêm những ngọn rau khác rồi buộc thêm một lạt nữa là xong, tức là chỉ dùng có hai lạt và cũng bớt đi một lần bó.

Cũng có một đặc điểm nữa để phân biệt: những ngọn rau húng ở nơi khác thường to hơn, trông đẹp và bắt mắt hơn, lá thường trông xanh tốt và mượt mà; chứ không “còi cọc”, “xấu xí” như thơm của Láng. Thơm Láng bao giờ lá, cọng cũng gầy hơn những loại thơm vùng khác, cọng tía sẫm, lá ít răng cưa và mỏng, thả ra tay còn nguyên mùi thơm dịu, rất đậm đà, không gắt quá mà cũng không vương mùi bạc hà.

Rau gia vị là một loại rau đòi hỏi sự chăm sóc tỉ mỉ, đặc biệt là khâu tưới tiêu. Người trồng rau phải mất nhiều thời gian chăm bón, bắt sâu, làm cỏ, cứ hết mỗi vụ người ta lại thay đất mới để cây lên tốt và cho năng suất cao. Người nông dân làng Láng phải chăm sóc cây rau, ruộng rau của mình thường xuyên, gần như ngày nào cũng ra thăm ruộng, làm những công việc như làm đất, gieo hạt, trồng cây, tưới nước, nhổ cỏ, phun thuốc nếu gặp sâu,… Có người một ngày ra ruộng chăm sóc đến vài lần. Công việc không đòi hỏi nhiều sức lực nên rất thuận lợi cho phụ nữ, người già, ngay cả các gia đình neo người vẫn có thể trồng được rau và có thu nhập.
Trong cách chăm sóc của người làng Láng, có một điểm đặc biệt mà những làng khác khi mang giống rau của Láng về trồng đã không lưu giữ được. Từ xưa đến nay, người làng Láng chăm sóc rau không hề dùng phân đạm tưới cho cây rau gia vị. Người trồng rau chỉ tưới cây bằng nước giải pha loãng. Thường là một thùng tưới sẽ có tỷ lệ như sau: 3 gáo nước giải, 6 gáo nước lã. Lượng nước giải này họ lấy theo nhiều cách, tuỳ từng người.

Việc thu nhập cũng khó tính toán, hầu hết mọi người khi được hỏi đều tâm sự là mức thu nhập rất thấp mà vất vả. Có người tính trung bình một tháng được khoảng vài trăm ngàn, có người được khoảng một triệu hoặc hơn. Thực ra thì mức thu nhập của các gia đình khác nhau, mặc dù diện tích ruộng là tương đương vì nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, như:
- Số người tham gia lao động, tham gia bán rau trong gia đình
- Hình thức bán buôn hay bán lẻ
- Loại rau được trồng: có nhà chỉ trồng rau gia vị, có nhà thì trồng nhiều loại rau gồm cả rau gia vị và rau nấu để cải thiện đời sống hơn.
- Tuỳ thời điểm bán ra: có người bán được rau vào lúc hàng đang hiếm thì giá sẽ cao hơn.
- v. v…
Bác Nguyễn Văn Lộc cho biết rau gia vị được trả giá rất rẻ: 1000đ/ chục mớ, nếu cao lắm thì cũng chỉ được 1.600đ/ chục mớ nếu bán buôn.
Như nhà bác không thể tính mức thu nhập theo tháng, cứ ngày nào biết ngày đấy. Hơn nữa, rau thu nhập theo lứa, chứ không phải ngày nào cũng có được thu nhập từ một loại rau. Hôm nay thu nhập loại rau này, mai thu nhập loại rau khác. Hôm thì kiếm được trên chục nghìn, hôm thì được khoảng 30.000đ, ngày nào thu nhập khá thì lên tới 100.000đ. Nhà bác cũng không thể chỉ trồng mỗi rau gia vị được, nhất là trong thời điểm năm nay người ta ít ăn rau gia vị hơn, nên bác cũng trồng thêm rau nấu là rau cải và một ít rau muống. Giá rau nấu cũng phụ thuộc vào thời điểm bán: như rau muống nếu lúc hàng còn hiếm, có thể bán với giá 2.000đ/ mớ rồi giảm dần xuống 1.000đ/ mớ, sau nhiều người bán thì còn 500đ/ mớ. Cải cúc cũng vậy, lúc đắt có giá 500đ/ mớ sau giảm đi chỉ còn 500đ/ đôi.
Rau nấu cũng như rau gia vị, tuỳ theo từng giai đoạn bán mới biết là được giá hay không. Lúc hàng hiếm, hàng ít thì bán được đắt hơn, sau đó người ta làm đồng loạt, nhiều rau, thì giá rau rất rẻ. Nói chung là tuỳ sản phẩm thu hoạch, “chứ làm gì có ngày nào cũng như ngày nào” (như theo lời bác Lộc nói).

Quả đúng là không thể tính cụ thể mỗi ngày người dân kiếm được bao nhiêu tiền từ những ngọn rau. Thời tiết bình thường thì còn đỡ, nếu trời lại mưa dầm, gió lạnh, thì mức độ tiêu thụ giảm đi hẳn, rau đọng lại nhiều. Người nông dân lại phải bán với giá rẻ mạt hoặc không thì cũng chẳng biết làm gì với những mớ rau đã thu hoạch. Rõ ràng được lãi nhiều hay không thì còn tuỳ thuộc theo vụ, theo mùa, theo thời tiết. Trời nóng bức thì nhu cầu về rau gia vị của mỗi người sẽ cao hơn. Lượng khách mua rau có thể tăng lên, và thu nhập của người dân cũng sẽ khấm khá hơn một chút.

Làng Láng cũng đang đứng trong guồng quay của kinh tế thị trường, nhưng họ vẫn giữ những nét đẹp, phẩm chất, đặc biệt là đạo đức của cái nghiệp cả đời họ đã mang.

Vị ngon, hương thơm độc đáo của những ngọn rau đất Láng không chỉ còn giới hạn ở Hà Nội, ở những vùng đất trên mọi miền Tổ quốc Việt Nam, mà còn đã đi xa hơn, đã bước chân ra khỏi đất nước hình chữ S này. Đó là những người Việt xa xứ, những người con nhớ quê, nhớ vị mộc mạc của món ăn quê nhà, đặc biệt là những ngọn rau gia vị được trồng ở làng Láng. Chính vì vậy, có những câu chuyện kể về việc có nhiều người từ nước ngoài đã gửi mua rau thơm Láng, rau mùi Láng,…


Những người gắn bó với nghề này đã coi đó là cái nghiệp mà cha ông họ đã để lại. Phần lớn những thời gian chúng tôi đi điền dã, phỏng vấn và quan sát thì những người tham gia lao động trên ruộng rau là những người trung niên, lớn tuổi, đa phần là đã già. Họ là những xã viên thuộc Hợp tác xã, hoặc là người trong gia đình xã viên, là những người có số ruộng nhiều, ít khác nhau nhưng đều rất gắn bó với nghề của tổ tiên. Cũng thỉnh thoảng thấy những bạn trẻ ra phụ giúp cha mẹ hái rau, nhặt cỏ,…
Nhiều người già cũng giãi bày tâm sự: Lớp thanh niên bây giờ không mấy người thích nghề trồng rau này, mà phần lớn đi làm những công việc khác. Họ còn bảo bây giờ hiếm hoi lắm mới có thanh niên ra đồng chăm sóc, tưới nước cho rau. Như vậy, lý do thực sự của những bạn trẻ này như thế nào? Có phải họ không thích nghề trồng rau không? Có phải họ không muốn theo cái nghề đã gắn bó cả đời với ông bà, bố mẹ họ?

Tất cả sự thay đổi đó có tác động không nhỏ đến nghề trồng rau, vì hình ảnh mới của phố xá, sự đông đúc của dân cư mà phần nhiều là nơi khác đến dường như hơi có vẻ đối lập với ruộng đồng mang vẻ nông thôn. Nó tác động đến nhiều người, họ chuyển nghề cũng có và họ chuyển đi cũng có.

Những người chuyển nghề thì có nhiều lý do như họ cảm thấy thu nhập từ nghề rau quá thấp không đủ đảm bảo cho cuộc sống, cho những đứa con đang dần lớn của họ đủ ăn đủ mặc, đủ để đi học, đủ bao nhiêu khoản chi tiêu khác nữa,… Thôi thì mỗi người một lý do, họ có thể chuyển làm những nghề buôn bán khác, hoặc đi làm thuê, chẳng hạn như cô Vũ Thị Tuyết, 50 tuổi, trước bán rau ở chợ Kim Liên, nay chuyển sang bán bún ốc ở đầu ngõ. Cô đã bán bún ốc được khoảng chục năm nay. Lý do cô chuyển nghề là cô đi bán rau hay bị công an thu mất gánh hàng, lời lãi không được bao nhiêu nên cô đã quyết định bỏ nghề rau.

Hợp tác xã thì đứng trước tâm thế và tư thế lúc nào cũng sẽ trả lại đất cho nhà nước, người nông dân cũng vậy. Bởi từ bây giờ người ta cũng đã về Láng đo đạc đất đai, tính toán đường sá rồi. Người dân ở đây nói: chỉ chừng cuối năm nay rồi năm sau thì ở Láng sẽ thay đổi nhiều lắm, cũng có người nói đến 2008, ở đây sẽ chẳng còn đất trồng rau nữa. Sẽ có một con đường mới được mở ở đây. Con đưòng đó kéo dài từ Thái Hà, vòng ra vị trí cạnh trường đại học Ngoại Thương (ở phố Chùa Láng) và kéo thẳng lên trường đội Lê Duẩn (Cầu Giấy). Những ruộng rau nơi đây sẽ nhường chỗ cho đường sá, cho bãi đỗ xe tĩnh, sẽ nhường chỗ cho những khu nhà mới,… Và những cánh đồng rau sẽ chỉ trong hoài niệm của những người dân?!

Cũng có những câu hỏi như: Lý do người dân nơi đây vẫn thiết tha với nghề này là gì? Có phải họ yêu quý nghề cha ông họ để lại, yêu quý nghề truyền thống của mình?

Đối với người nông dân nơi đây, đất là vĩnh cửu. Như bác Nguyễn Hồng Mạnh, 67 tuổi, khẳng định là “Lẽ tất nhiên, sống vì đất, chết cũng vì đất không ai rời được đất cả, đất là muôn thuở”. Họ muốn giữ đất, muốn được gắn bó với nghề trồng rau có thể do họ đã quen thuộc, đã yêu quý, cũng có thể họ sợ sự thay đổi, khi mất đất họ sẽ mất một nguồn thu nhập ổn định.

Bác Hồng Mạnh đã kể cho chúng tôi nghe: Chẳng hạn nhà bác có 5 lao động với một sào rưỡi đất, nhưng nếu một sào rưỡi đất đó mình giữ được thì bác tính tối thiểu một ngày chỉ thu được một số tiền rất nhỏ, gia đình bác có 5 người cũng có thể sống được rồi, không đủ nấu cơm cũng đủ nấu cháo ăn. Nhưng nếu người ta lấy đất đi rồi người ta bồi thường cho khoảng 400, 500 triệu, nhưng trong chuyển động của xã hội không biết sử dụng 400, 500 triệu đó thì có nghĩa là chỉ một thời gian ngắn, số tiền mấy trăm triệu cũng hết và sẽ không biết trông cậy vào đâu. Tuy số tiền thu được từ rau thấp nhưng nó ổn định, đảm bảo cho cuộc sống hơn.
Cũng có những người như bác Đỗ Văn Doanh, 65 tuổi, cho biết bác yêu và gắn bó nghề này biết bao, nếu như đất bị thu lại thì chắc hẳn bác sẽ rất buồn vì đây thực sự đã là cái nghiệp của mình. Nhưng rõ ràng càng về già, con người ta sức cùng lực kiệt, muốn giữ mà không thể giữ được, thanh niên giờ đây thì lại không thiết tha với nghề nghiệp của tổ tiên. Chỉ có người già như ông Vọng, bà Thi,… là tiếc nuối, đau đớn khi tâm sự với chúng tôi: “Mất hết đất rồi, còn gì nữa đâu cháu ơi!”

Như vậy làng rau Láng sẽ đi về đâu? Liệu làng rau thơm, rau gia vị nổi tiếng này cũng sẽ như làng hoa Ngọc Hà, làng đào Nhật Tân mãi chỉ còn trong những câu ca dao truyền tụng?

Nhiều người cho rằng, giữa đô thị lớn như Hà Nội thì việc không còn những diện tích đất nông nghiệp sẽ là điều tất yếu, dường như đối với họ việc có những khu nhà cao tầng và có những cánh đồng rau là những điều quá đối lập và quá trái ngược.

Rồi có lẽ vùng rau Láng sẽ dịch chuyển dần ra các vùng ngoại thành Hà Nội hay chăng?

Vườn rau húng ở Làng Láng

Như vậy tại sao chúng ta lại không tìm cách bảo tồn nó ngay từ bây giờ. Có thể đây là ý kiến nếu xét về lợi ích, giá trị kinh tế trước mắt không nhiều, nhưng ai dám nói đây không phải là ý kiến mang giá trị văn hoá nhân văn lâu dài. Làng Láng trồng rau xưa kia cũng đã từng là một trong 61 phường của thành Thăng Long, có ý nghĩa nhất định đối với lịch sử của Thăng Long - Hà Nội; tại sao chúng ta không giữ trong khi vẫn còn có thể?
Khi những dự án quy hoạch được đưa ra thì đều không thấy nhắc đến sự tồn vong của một làng nghề, chỉ là những câu chữ lạnh lùng vô cảm. Tại sao trong lúc chúng ta đang kêu gọi giữ gìn bản sắc, giữ gìn truyền thống thì chúng ta lại hành động như vậy. Phải chăng không còn một cách giải quyết nào khác chăng? Hay người ta cố tình “phụ” đất, trong khi từ ngàn đời xưa đất chẳng bao giờ phụ người?

Nếu nói trong khu đô thị hiện đại, thành phố thủ đô thì nhất thiết không còn đất nông nghiệp thì theo thiển ý của chúng tôi, đây là một suy nghĩ nông cạn, khó chấp nhận được.Việc giữ lại vùng đất Láng trồng rau không phải là phá vỡ hình ảnh đẹp đẽ của Hà Nội (từ bao năm rồi Hà Nội vẫn có rau mà vẫn đẹp đấy thôi!), mà trái lại làm cho hình ảnh Hà Nội thêm gần gũi thân thiện với con người. Cây và người, từ xưa đến nay vẫn có những mối quan hệ với nhau, vẫn ẩn chứa những ân tình tha thiết. Cây sống nhờ người và người sống dựa vào cây. Vậy hà cớ gì mà phải phá đất trồng rau đi, diện tích đất vốn đã bị tính vô tâm của con người làm cho thu hẹp đáng kể trong bao năm nay. Tại sao chúng ta không thể có một cách quy hoạch tốt hơn, “tài ba” hơn để vẫn có thể lưu giữ được những ruộng rau xanh ngát đó? Chúng ta có thể vẫn mở rộng cơ hội cho những vùng ven đô làm giàu từ giống rau của làng Láng, nhưng không có nghĩa như thế là đủ, thế là xong. Đủ ở đây là đồng thời với việc làm đó, thành phố Hà Nội nên lưu giữ những diện tích trồng rau gia vị còn sót lại. Giữ lại những ruộng rau ở Láng còn là việc bảo tồn những nguồn gen quý hiếm, có giá trị thực tiễn về mặt khoa học. Chính vì vậy, khi thực hiện quy hoạch thì chúng ta phải thận trọng nếu không sẽ hối tiếc mãi mãi.

Rõ ràng, Láng là một làng cổ cần phải giữ gìn không chỉ riêng những di tích chùa chiền được xây dựng từ 1000 năm trước, mà cả những khu trồng rau gia vị hiếm có. Đặc biệt, những ruộng rau còn sót lại này đều ở quanh Chùa Láng hiện nay, đã và đang tạo thành một quần thể hài hoà, thanh bình. Theo chúng tôi: Tất cả cần được lưu giữ, bởi văn hoá cội nguồn dân tộc là đây, rồi kinh tế du lịch cũng chính là đây. Điều đó là hoàn toàn có thể, lẽ nào chưa ai nghĩ đến ở trên vùng đất của làng Láng hiện nay sẽ là một bảo tàng rau gia vị cho nghìn năm Thăng Long văn hiến, các du khách ở trong và ngoài nước sẽ tới đây để thưởng thức khung cảnh và cả các món ăn với những loại rau “thơm”, rau “mùi” này. Giá trị to lớn về kinh tế từ đó mà sinh ra. Qua mảnh đất trồng rau được lưu giữ này, những đứa trẻ ở thành phố cũng có thể hiểu được những bài học về nông nghiệp trên lớp, giúp các em có cái nhìn gần gũi thân thiện với thiên nhiên hơn, biết yêu quý thiên nhiên và sự lao động vất vả của những người dân. Hoàn toàn không to tát khi nói rằng, nếu làm được như thế thì chúng ta có thể góp phần vào xây dựng những giá trị sống, giá trị nhân văn cho những đứa trẻ, “những mầm xanh”, thế hệ tương lai của đất nước.

Nói tóm lại, làng Láng là một làng cổ của Việt Nam, có truyền thống lâu đời, cũng trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử. Làng Láng không chỉ được biết đến với những ngôi chùa cổ kính, mà nổi tiếng còn bởi những đặc sản của địa phương. Trước đây là cà, và sau này là các loại rau gia vị, đặc biệt là cây húng (người Láng gọi là thơm, hoặc thơm thật để phân biệt với thơm lai). Dường như người nông dân Láng có “bí quyết” để tạo nên nhiều đặc sản cho vùng đất của mình. Có thể chính những cách thức chăm cây kỹ lưỡng, tỉ mẩn chính là một nhân tố tạo cho cây gia vị ở đây có vị ngon, ngoài những yếu tố thổ nhưỡng. Cái tâm của người Láng đã giúp cho cây gia vị thêm hương thêm vị, khiến cho những lá rau này không thể thiếu được trong những món ăn ngon Hà Nội, trở thành hoài niệm, thương nhớ của những người xa quê hương.

Và khi xem về nguồn gốc của những loại rau gia vị này, chúng ta đều thấy hầu hết tất cả đều có nguồn gốc từ ngoài Việt Nam. Có thể về vấn đề cách thức cây gia vị vào Việt Nam nói chung như thế nào hay trở thành cây trồng ở Láng tự khi nào chúng tôi không giải quyết được triệt để trong khoá luận này; nhưng qua đây chúng ta cũng thấy được một điều là người dân Láng không từ chối những sản vật ngoại quốc. Và họ, những người nông dân Việt Nam đã chấp nhận chúng, và bằng tình yêu lao động, yêu thiên nhiên của mình để chăm dưỡng chúng, để những cây rau gia vị này có những đặc tính nổi trội hơn so với cây trồng ở bản địa của nó, hay ở cả những vùng đất khác.

Ngày nay làng Láng cũng nằm trong vòng xoáy của cơn lốc thị trường, nên có những điều biến đổi mạnh mẽ là không tránh khỏi. Sự biến đổi ấy thể hiện qua sự thay đổi dân cư, thay đổi nghề nghiệp truyền thống (một bộ phận), nhìn thấy rõ nhất là sự thay đổi về cảnh quan. Điều đó là cảm nhận đầu tiên và dễ dàng nhận biết được của những người đã từng biết Láng trước kia khi đến đây. Bởi làng Láng bây giờ đã khác xưa, ruộng đồng trồng rau, ao hồ ngày càng thu hẹp, những cây tre, cây muỗm cổ thụ ngoài chùa, cũng dần biến mất và đến nay chỉ còn một khoảng diện tích ít ỏi. Điều này âu cũng là hệ quả của quá trình đô thị hoá.

Người nông dân trồng rau ở đây cũng chất phác thật thà như bao người dân các vùng quê làm nông nghiệp khác. Họ sống với nghề, yêu mến và giữ gìn những nét đẹp đạo đức của nghề, có lẽ đó không chỉ còn là cái nghề mà đã trở thành cái nghiệp với cuộc đời họ. Ngoài việc đảm bảo cho cuộc sống thanh đạm của họ, nghề trồng rau đã trở thành nguồn vui, nguồn động viên về tinh thần, nhất là đối với những người đã lớn tuổi.

Những người dân ở đây cũng rất muốn giữ gìn nghề của tổ tiên để truyền lại mai sau, nhưng dường như đối với họ, cái ước mơ giản dị đó có vẻ khó thực hiện được. Bởi có quá nhiều lý do, cuộc sống xã hội thay đổi, thế hệ trẻ không còn mặn mà với nghề của cha ông; hay do đất trồng rau dần phải nhường chỗ cho những cơ quan, nhà xưởng mọc lên; do sắp có con đường mới được mở ở đây và kèm theo nó là cả vùng rau đã được nằm trong tầm ngắm quy hoạch. Nhìn những nụ cười hiền hậu của người nông dân trên ruộng rau họ đã bỏ công chăm bón mà thấy thân thương. Thấy tiếc cho cả một làng nghề nổi tiếng đã mai một dần và có nguy cơ mất hẳn trong một hai năm tới đây.

 

theo nhovehanoi.com


  Các Tin khác
  + Chân dung 2 giáo sư Việt được bầu là viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Thế giới (06/12/2024)
  + Gia đình danh giá bậc nhất Việt Nam: Con cháu thừa hưởng "mã gen tài năng" (02/12/2024)
  + 7 điều tuyệt diệu khiến bạn luôn tự hào khi nhắc đến hai tiếng Việt Nam (11/08/2024)
  + Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/07/2024)
  + Ai là người đặt tên đất nước ta là Việt Nam: Ý nghĩa là gì? (30/06/2024)
  + Hình ảnh thiêng liêng lễ diễu binh ở Thị trấn Trường Sa (08/06/2024)
  + Trường Sa luôn đặc biệt từ những điều nhỏ nhất (26/05/2024)
  + Thế trận Đường Trường Sơn góp phần làm nên thắng lợi Chiến dịch mùa Xuân 1975 (18/05/2024)
  + 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ Lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/05/2024)
  + Khám phá 22 hang động kỳ vĩ mới được phát hiện tại Quảng Bình (19/04/2024)
  + 18 đời vua Hùng gồm những ai? Tên gọi chính xác của các vị vua là gì? (17/04/2024)
  + Ảnh ấn tượng về các lực lượng tham gia diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (05/04/2024)
  + 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ Đại tướng Phan Văn Giang: Vũ khí cá nhân mới của quân đội tốt hơn AK47 (05/04/2024)
  + Chiêm ngưỡng sắc đỏ của cây hoa gạo trăm tuổi "đẹp nhất" Ninh Bình (03/04/2024)
  + Hoa gạo rực đỏ bên ngôi chùa cổ kính nghìn năm tuổi ở Hà Nội (23/03/2024)
  + Những bông hoa y tế vùng cao và chuyện băng rừng trong đêm đi đỡ đẻ (06/03/2024)
  + Kỷ niệm 80 ngày thành lập QĐNDVN: Sẽ tổ chức Triển lãm Quốc phòng quốc tế và mít tinh cấp Nhà nước (26/01/2024)
  + MŨI NÉ VÀO TOP ĐIỂM BAY KHINH KHÍ CẦU ĐẸP NHẤT THẾ GIỚI (02/04/2023)
  + Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: (12/03/2023)
  + Hàng nghìn người khai hội gò Đống Đa xuân Quý Mão (26/01/2023)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 2
Total: 66544882

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July