Trang chủ Liên hệ       Thứ năm, Ngày 23/01/2025
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
  -  Con Người Việt Nam
  -  Đất Nước Việt Nam
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Việt Nam Đất Nước Con Người > Đất Nước Việt Nam >
  Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm – Kho tư liệu quý của cha ông để lại Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm – Kho tư liệu quý của cha ông để lại , Người xứ Nghệ Kiev
 

 

 
Ngày 16/5/2012, tại kỳ họp toàn thể lần thứ 5 của Ủy ban Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương tổ chức ở Bangkok - Thái Lan, UNESCO đã công nhận bộ Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang) là Di sản ký ức thế giới.
 



 Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm


Bộ Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm gồm có 3.050 đơn vị ván khắc, trong đó có hai bộ kinh Phật và luật sa di giới, luận bàn, giải thích về kinh Phật và trước tác của Phật hoàng Trần Nhân Tông cùng các vị cao tăng Thiền phái Trúc Lâm. Đó là những tư tưởng, triết lý nhân sinh quan đã được các thế hệ cha ông để lại không phải qua giấy mà qua chất liệu gỗ có giá trị kiến trúc, chữ khắc rất đẹp, xứng đáng là những báu vật quốc gia.

Báu vật vô giá cha ông để lại

Chùa Vĩnh Nghiêm nằm cách thành phố Bắc Giang chừng 20km về phía Đông Nam, tọa lạc trên một gò đồi nhỏ, nơi hợp lưu của hai dòng sông Thương và Lục Nam, có tên chữ là Vĩnh Nghiêm tự, xa xưa gọi là Chúc Thánh thiền tự, nhưng dân gian quen gọi là chùa La, hay chùa Đức La theo tên làng. Kiến trúc chùa được coi là kinh điển của phong cách chùa cổ miền Bắc, sân lát gạch đỏ, khắp các lối đi bóng cổ thụ rợp mát.

Theo Đại đức Thích Thanh Vịnh, Trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm, chùa được khởi dựng từ những năm vua Lý Thái Tổ trị vì (1010 - 1028) và là một trong những trung tâm của Phật giáo suốt thời Lý. Đến thời Trần, ba vị Tổ của thiền phái Trúc Lâm là Giác Hoàng Điều ngự Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang tiếp tục mở rộng quy mô, chọn Vĩnh Nghiêm làm nơi đào tạo tăng đồ Phật giáo.

Suốt 7 thế kỷ, chùa Vĩnh Nghiêm là một trong những nơi lưu giữ và in ấn kinh điển cho Phật giáo Việt Nam. Bắt đầu từ thời vua Lê Cảnh Hưng (thế kỷ XVII) đến triều vua Nguyễn Thành Thái (thế kỷ XIX), Tàng kinh Các được bổ sung một hệ thống mộc bản lớn để in ấn kinh sách. Với kho tàng còn lưu giữ được đến nay, chùa Vĩnh Nghiêm mặc nhiên trở thành ngôi chùa tàng kinh với quy mô lớn nhất, đồ sộ nhất và quý giá nhất của nước ta với những bản khắc in ấn còn lưu lại đến ngày nay.



 Đại đức Thích Thanh Vịnh –Trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm giới thiệu
tới các du khách thăm quan về những mộc bản tại chùa


Nói về nguyên liệu và quá trình chế tác các mộc bản, Đại đức Thích Thanh Vịnh cho biết nguyên liệu các bản khắc đều là gỗ thị, chủ yếu khai thác từ vườn chùa. Đây là loại gỗ rất mềm, mịn, dai, ít cong vênh, khó nứt vỡ khi còn tươi, nên rất dễ khắc. Khi bản khắc đã khô, thì lại rất cứng và khi in ít bị nhòe. Các nghệ nhân chế tác đều là những người thợ tài hoa nhất đến từ các phường mộc Kinh Bắc (Bắc Giang, Bắc Ninh và chủ yếu là Hải Dương) được mời đến thành nhiều đợt, ngày đêm kỳ công chạm khắc.

Công việc chế tác các bản khắc được tiến hành suốt mấy trăm năm, trải qua 59 đời trụ trì, dẫu có lúc liên tục, lúc ngừng nghỉ. Không thể nói hết công phu tâm huyết của người thợ. Không chỉ giỏi tay nghề, các nghệ nhân này còn phải giỏi cả chữ Nho, đặc biệt là phải thiện tâm và tâm huyết với công việc. Mỗi bản khắc của người thợ giỏi nhất, nhanh nhất cũng mất hơn hai tháng, và nếu sai một hai chữ là phải hủy đi, khắc lại. Có hai nghệ nhân Nguyễn Nhân Minh và Phó Nền còn lưu danh trên ván khắc. Có người thợ dành cả đời mà vẫn chưa khắc xong trọn một bộ kinh. Có hiệp thợ phải mất ba đời mới hoàn thành một bộ. Riêng bộ kinh Hoa Nghiêm với hơn 2.000 bản khắc, phải mất hai phần ba thế kỷ - 70 năm - mới hoàn thành.

Chữ trên các mộc bản đều được dùng chữ Hán và Nôm. Chữ khắc ngược (âm bản) để khi in ra giấy sẽ trở thành chữ xuôi. Sách được đóng, sử dụng theo truyền thống của người phương Đông (đọc từ trái sang phải, từ trên xuống dưới). Kích thước các mộc bản không đồng đều tuỳ theo từng kinh sách. Do đã qua nhiều lần in dập nên các ván in đều có màu đen bóng, bề mặt phủ một lớp dầu mực in khá dày. Lớp dầu mực thấm vào gỗ có tác dụng chống thấm nước, ẩm mốc, mối mọt rất hiệu quả. Đa phần các mộc bản được khắc trên 2 mặt, kiểu chữ chân phương, sắc nét. Mỗi mặt là hai trang sách. Nhiều trang được khắc đan xen thêm những hình minh hoạ với bố cục chặt chẽ, hài hoà, đường nét tinh tế. Vì vậy, mỗi mộc bản còn được coi như một tác phẩm nghệ thuật điêu khắc gỗ hoàn chỉnh. Mỗi bản in trong kho mộc bản còn xứng đáng là tác phẩm đồ họa đẹp.

Hiện tại chùa còn lưu giữ bản khắc mộc bản lớn nhất có kích thước dài hơn 1m, rộng từ 0,4 - 0,5m; mộc bản nhỏ nhất có chiều dài 20cm, rộng 15cm.

Giá trị hàng đầu của các mộc bản là giúp các nhà nghiên cứu có nguồn sử liệu quý giá về quá trình phát triển của hệ thống văn tự Việt Nam, chuyển từ chỗ chủ yếu sử dụng chữ Hán sang sử dụng chữ Nôm - một sáng tạo của người Việt. Ngoài ra, theo ông Nguyễn Văn Phong, một nhà nghiên cứu Hán – Nôm thì bên cạnh giá trị từ hiện vật, các mộc bản kinh Phật Thiền phái Trúc Lâm chùa Vĩnh Nghiêm chứa đựng nhiều ý nghĩa to lớn về triết lý nhân sinh, tôn giáo tín ngưỡng, văn học, nghệ thuật, giáo dục con người. Không những thế, những mộc bản này còn là “pho sử” sống động về nghề khắc in mộc bản, tư tưởng và văn hóa, giúp người đời sau hiểu một cách đầy đủ, chính xác về lịch sử Phật giáo Việt Nam, về Thiền phái Trúc Lâm cũng như thân thế, sự nghiệp của Phật hoàng Trần Nhân Tông và một số danh nhân của dân tộc.

Tiếp tục gìn giữ và phổ biến báu vật của cha ông

Trong bối cảnh toàn cầu hoá hiện nay, việc nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị của kho mộc bản Vĩnh Nghiêm đóng một vai trò quan trọng. Việc làm này không chỉ giáo dục ý thức giữ gìn văn hoá truyền thống của dân tộc Việt mà còn giúp cho cộng đồng các dân tộc ở khu vực Đông Nam Á, Châu Á - Thái Bình Dương bảo tồn nét văn hoá phương Đông trong quá trình hội nhập và phát triển cùng thế giới.

Nhận thức được những giá trị to lớn của bộ Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm, những năm gần đây, ngành văn hóa - thể thao và du lịch tỉnh, Bảo tàng tỉnh Bắc Giang và UBND huyện Yên Dũng đã tiến hành khảo sát, đánh giá thực trạng kho mộc bản kinh Phật và kiểm kê, sắp xếp theo thứ tự khoa học để thuận lợi cho công tác quản lý, bảo tồn.

Ông Trần Văn Lạng, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bắc Giang, cho biết: Để kho mộc kinh ở chùa Vĩnh Nghiêm trường tồn cùng thời gian, bên cạnh phương pháp bảo tồn cổ truyền như xếp trên giá gỗ lim, chân giá có chậu bằng đá chứa dầu lạc…, hiện nay, Bảo tàng đang khắc phục tình trạng nứt vỡ một số mảnh ván khắc bằng cách đóng, chốt gáy bằng đồng lá để tăng độ chắc chắn và giá trị thẩm mỹ cho mỗi tấm mộc bản. Cùng với đó là thường xuyên kiểm tra, kịp thời xử lý nấm mốc xuất hiện trên mộc bản và phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường hệ thống an ninh để bảo đảm an toàn tuyệt đối khu vực kho chứa mộc bản, kiên quyết phòng, chống thất lạc, mất mát.

Tuy vậy, do trải qua mấy trăm năm, lại bị thời gian, khí hậu bào mòn, không ít mộc bản đã bị cong, vênh, nứt, mục, ẩm mốc rất dễ dẫn đến tình trạng mờ nét, mất chữ. Vì vậy, theo Đại đức Thích Thanh Vịnh, Trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm, muốn bảo tồn kho mộc kinh một cách hiệu quả, bền vững, cùng với sự giúp đỡ của các cơ quan chức năng Trung ương, cần có sự hỗ trợ của các chuyên gia quốc tế và tìm kiếm các phương pháp, kỹ thuật bảo quản tiên tiến, hiện đại.

Mặt khác, do tồn tại trong chốn thiền môn qua mấy thế kỷ, trong khi đó các nội dung mộc bản lại bằng chữ Hán, chữ Nôm nên không phải ai cũng hiểu rõ những giá trị của bộ mộc kinh chùa Vĩnh Nghiêm. Do vậy, việc tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sâu rộng hơn nữa về những giá trị, ý nghĩa lịch sử của kho tư liệu quý giá này tới mọi người cũng là một việc làm cần thiết. Muốn vậy, các nhà nghiên cứu cần sớm “phổ thông hóa” các nội dung cơ bản của những mộc bản có giá trị lớn; tăng cường tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề, trước hết là ở địa phương để giúp mọi người nâng cao hiểu biết về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của kho mộc kinh đối với việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong thời kỳ hội nhập quốc tế.

Dương Tiên (tổng hợp)

 

                       Theo Quehuongonline


  Các Tin khác
  + Chân dung 2 giáo sư Việt được bầu là viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Thế giới (06/12/2024)
  + Gia đình danh giá bậc nhất Việt Nam: Con cháu thừa hưởng "mã gen tài năng" (02/12/2024)
  + 7 điều tuyệt diệu khiến bạn luôn tự hào khi nhắc đến hai tiếng Việt Nam (11/08/2024)
  + Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/07/2024)
  + Ai là người đặt tên đất nước ta là Việt Nam: Ý nghĩa là gì? (30/06/2024)
  + Hình ảnh thiêng liêng lễ diễu binh ở Thị trấn Trường Sa (08/06/2024)
  + Trường Sa luôn đặc biệt từ những điều nhỏ nhất (26/05/2024)
  + Thế trận Đường Trường Sơn góp phần làm nên thắng lợi Chiến dịch mùa Xuân 1975 (18/05/2024)
  + 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ Lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/05/2024)
  + Khám phá 22 hang động kỳ vĩ mới được phát hiện tại Quảng Bình (19/04/2024)
  + 18 đời vua Hùng gồm những ai? Tên gọi chính xác của các vị vua là gì? (17/04/2024)
  + Ảnh ấn tượng về các lực lượng tham gia diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (05/04/2024)
  + 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ Đại tướng Phan Văn Giang: Vũ khí cá nhân mới của quân đội tốt hơn AK47 (05/04/2024)
  + Chiêm ngưỡng sắc đỏ của cây hoa gạo trăm tuổi "đẹp nhất" Ninh Bình (03/04/2024)
  + Hoa gạo rực đỏ bên ngôi chùa cổ kính nghìn năm tuổi ở Hà Nội (23/03/2024)
  + Những bông hoa y tế vùng cao và chuyện băng rừng trong đêm đi đỡ đẻ (06/03/2024)
  + Kỷ niệm 80 ngày thành lập QĐNDVN: Sẽ tổ chức Triển lãm Quốc phòng quốc tế và mít tinh cấp Nhà nước (26/01/2024)
  + MŨI NÉ VÀO TOP ĐIỂM BAY KHINH KHÍ CẦU ĐẸP NHẤT THẾ GIỚI (02/04/2023)
  + Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: (12/03/2023)
  + Hàng nghìn người khai hội gò Đống Đa xuân Quý Mão (26/01/2023)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 1
Total: 66567706

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July