Thứ sáu, 30/04/2021 - Quảng Trị: Cuộc "đấu cờ" lịch sử hai bên vĩ tuyến 17 Thứ sáu, 30/04/2021 - Quảng Trị: Cuộc "đấu cờ" lịch sử hai bên vĩ tuyến 17 , Người xứ Nghệ Kiev
Dân trí
Khi đất nước tạm thời bị chia cắt thành 2 miền Nam - Bắc, ông Hường và biết bao người dân sống bên vĩ tuyến 17 vẫn quyết tâm bám giữ làng, kiên cường chiến đấu để bảo vệ quê hương đến ngày thống nhất.
Vĩ tuyến 17, đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải (tỉnh Quảng Trị) là những địa danh đã đi vào lịch sử Việt Nam, gắn liền một giai đoạn lịch sử đất nước bị chia cắt. Trong nỗi đau đất nước tạm thời chia làm 2 miền, bom đạn chiến tranh giày xéo, con người nơi đây vẫn mang trong mình khát vọng mãnh liệt, niềm khát khao hòa bình, thống nhất, non sông thu về một mối.
Sinh ra và lớn lên bên dòng Hiền Lương, ông Lê Công Hường (SN 1936, ở xã Vĩnh Thành; nay là xã Hiền Thành, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) chứng kiến 2 cuộc kháng chiến nên ông hiểu rõ sự khốc liệt của chiến tranh.
Năm ông Hường lên 13 tuổi, vùng Hiền Lương quê ông đang bị địch tạm chiếm, bom đạn vô cùng ác liệt. Thực dân Pháp ráo riết bắt lính, ông không chịu phục vụ trong hàng ngũ của địch nên trốn đi lính. Sau đó, ông cùng người thân di chuyển sang vùng tự do tại xã Vĩnh Hòa (huyện Vĩnh Linh) sinh sống. Thời gian này, ông Hường cùng bà con lập làng chiến đấu, tham gia du kích địa phương, ban đêm đi phá đường, không cho phương tiện của quân địch đi qua.
Khi hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết (năm 1954), Mỹ thay chân Pháp chiếm đóng ở miền Nam. Theo nội dung hiệp định, khu vực 2 bên vĩ tuyến 17 trở thành vùng phi quân sự.
Quân địch rút đi, ông Hường cùng nhân dân trở về quê cũ. Lúc này ông Hường đã 18 tuổi, làm nhân viên hành chính xã Vĩnh Thành (cách gọi khác là dân quân du kích). Ông Hường được giao nhiệm vụ cùng lực lượng công an vũ trang bảo vệ vùng giới tuyến.
"Lúc ấy, ban ngày chúng tôi vẫn tham gia lao động sản xuất bình thường. Nhưng đến đêm, lực lượng của xã cùng công an vũ trang thay phiên nhau đi tuần dọc sông Hiền Lương - Bến Hải đến địa bàn xã Vĩnh Giang, gặp địch thì đánh địch, không cho chúng tràn sang", ông Hường nhớ lại.
Những năm sau, ông Hường tiếp tục được giao nhiệm vụ bảo vệ cột cờ giới tuyến.
Ông Hường cho biết, phía bờ Bắc, ban đầu quân ta dựng một cột cờ bằng thép cao khoảng 34m để treo lên lá cờ rộng 108m2. Còn phía bờ Nam, chính quyền Ngô Đình Diệm cho xây dựng cột cờ kiên cố, cao 30m. Sau đó họ nâng cột cờ lên 35m. Chúng ta cũng tiếp tục cho dựng một cột cờ mới kiên cố cao trên 38m, treo lên lá cờ rộng 134m2.
Đến hôm nay, nhiều nhân chứng vẫn chưa quên được cuộc "đấu cờ" diễn ra suốt nhiều năm sau ngày ký hiệp định. Theo ông Hường, cờ Tổ quốc là biểu tượng của đất nước, lá cờ còn thì Tổ quốc còn. Khi thấy lá cờ Tổ quốc tung bay ở phía bờ Bắc, người dân càng vững tin về ngày độc lập, thống nhất đất nước.
Ông Hường kể, dọc con đường vào thôn Hiền Lương trước kia có một đường giao thông hào dẫn về phía cầu Hiền Lương. Những năm chính quyền Mỹ-ngụy leo thang phá hoại miền Bắc, cột cờ giới tuyến luôn bị bom đạn đánh phá. Những khi cờ rách thì đem vá, cột cờ gãy thì lập tức thay cột cờ mới. Riêng năm 1967, ông Hường và những đồng đội đã thay cột cờ 11 lần và thay lá cờ 42 lần.
"Nhiệm vụ của chúng tôi là giữ cho cờ Tổ quốc luôn hiện diện ở giới tuyến với lời thề: Lá cờ còn, Tổ quốc còn. Nên cột cờ bị gãy thì phải dựng cột mới, lá cờ bị hỏng thì phải may vá sửa sang lại ngay", ông Hường nói.
Trước sự hủy diệt của bom đạn vùng giới tuyến, cầu Hiền Lương bị đánh sập, ông Lê Công Hường lại được giao nhiệm vụ chèo đò chở người qua sông.
Nhiệm vụ của ông Hường là trực ở bên bờ sông Hiền Lương để chở bộ đội, cán bộ, giao liên từ phía Bắc vào, vượt sông Bến Hải và chở tù binh, thương binh phía Nam trở lại.
Đến nay, ông Hường không nhớ rõ mốc thời gian, nhưng ông nhẩm tính trong suốt 5 năm làm nhiệm vụ chèo đò ở sông Hiền Lương, ông đã chuyên chở hàng ngàn lượt bộ đội, cán bộ, thương binh.
"Có đêm tôi chở khoảng 1.900 người qua về sông Hiền Lương. Mỗi lần thuyền chở được 40 người, phải lựa chọn thời điểm vượt sông để tránh bị quân địch phát hiện và ném bom bắn phá", ông Hường nhớ lại.
Ghi nhận những đóng góp của ông Hường đối với cuộc kháng chiến, lãnh đạo Nhà nước, Chính phủ đã khen tặng ông nhiều Huân chương, huy chương các loại.
Hơn 85 tuổi, trong ký ức của ông Lê Công Hường vẫn không bao giờ quên những ngày tháng gian khổ, ác liệt thời chiến tranh, những lần "vào sinh ra tử" để thực hiện nhiệm vụ.
Ông Hường nói rằng, mình là người con quê hương chỉ biết góp một phần công sức cho cách mạng với khát vọng đất nước có ngày hòa bình, thống nhất.
Nhà ở của ông Hường sát với cột cờ Hiền Lương nên mỗi ngày ông đều nhìn thấy lá cờ đỏ sao vàng tung bay và hồi tưởng về quá khứ. Ông Hường cũng đau đáu về những đồng đội, những người dân đã ngã xuống để đất nước được thống nhất, phát triển như ngày hôm nay.