Trang chủ Liên hệ       Thư ba, Ngày 31/12/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
  -  Con Người Việt Nam
  -  Đất Nước Việt Nam
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Việt Nam Đất Nước Con Người > Con Người Việt Nam >
  Lê Văn Thiêm - Nhà Toán học tài ba Lê Văn Thiêm - Nhà Toán học tài ba , Người xứ Nghệ Kiev
 

17/06/2016

Giáo sư Lê Văn Thiêm là một tài năng toán học xuất sắc, tầm cỡ quốc tế, là người có công đầu đặt nền móng xây dựng và phát triển nền toán học Việt Nam. Ông là người Việt Nam (VN) đầu tiên có bằng Tiến sĩ tại Đại học Gottingen - Đức; người VN đầu tiên nhận học vị Tiến sĩ quốc gia, học vị cao nhất của Pháp; người VN đầu tiên trở thành Giáo sư toán học của Trường đại học Zurich, Thụy Sĩ. Ông là Chủ tịch đầu tiên của Hội Toán học VN, Viện trưởng đầu tiên của Viện Toán học VN…

 GS Lê Văn Thiêm

Nhà Toán học xuất sắc

Lê Văn Thiêm sinh năm 1918 tại xã Trung Lễ, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh trong một dòng họ có truyền thống hiếu học, khoa bảng. Năm 1930, cả cha và mẹ Lê Văn Thiêm đều qua đời. Phát huy truyền thống của gia đình, ông đã vào Quy Nhơn, nương tựa nơi người anh cả Lê Văn Kỷ đang làm nghề Y ở đó, theo học tại Trường Collège de Quy Nhon (nay là Trường Quốc học Quy Nhơn).

Với sự đam mê học tập và quyết tâm cao, Lê Văn Thiêm đã làm cho các giáo viên ở đây phải kinh ngạc về sự thông minh xuất chúng của mình, đặc biệt ở môn Toán học. Ông giải được những bài toán của các lớp trên và giải bằng nhiều cách khác nhau. Chỉ trong 4 năm (1933 - 1937), Lê Văn Thiêm đã hoàn thành xuất sắc chương trình học 9 năm và đứng đầu danh sách khen thưởng của nhà trường khi tốt nghiệp Cao đẳng tiểu học (tương đương với Phổ thông cơ sở ngày nay). Ba tháng sau, ông lại lập một kỳ tích mới: thi đỗ tú tài phần 1 (tương đương lớp 11 ngày nay), việc mà người bình thường phải chuẩn bị khẩn trương trong 2 năm. Ngay năm sau, ông lại thi đỗ tú tài toàn phần.

Học tiếp Toán học bậc đại học là nguyện vọng lúc này của ông. Thời điểm đó cả Đông Dương chỉ có một trường đại học tại Hà Nội, chuyên về Y khoa và Luật khoa, chưa đào tạo cử nhân Toán, nên năm 1938, Lê Văn Thiêm đành phải ghi tên theo học lớp Lý - Hoá - Sinh (PCB) để chuẩn bị vào học ngành Y. Tuy nhiên, may mắn là ước mơ theo đuổi ngành Toán học của Lê Văn Thiêm đã được chắp cánh bởi năm 1939, với thành tích đỗ thứ nhì kỳ thi PCB, ông được nhận học bổng sang Pháp du học tại Trường Đại học Sư phạm Paris (École Normale Supérieure de Paris) - một cái nôi đào tạo nhân tài Toán học của nước Pháp. Trở thành sinh viên của trường này là vinh dự và niềm ao ước của nhiều người Pháp và những người nước ngoài.

Năm 1939, phát xít Đức thổi bùng ngọn lửa chiến tranh ở châu Âu, do vậy đến năm 1941, ông mới có điều kiện học lại bình thường. Năm 1943, Lê Văn Thiêm tốt nghiệp thạc sĩ tại Paris. Trong quãng thời gian này, ông là người đầu tiên trên thế giới giải được bài toán ngược trong Lý thuyết các hàm phân hình mà nhà toán học vĩ đại Nevalina, người Phần Lan, đã đặt ra. Các nhà khoa học đánh giá rằng, Lý thuyết các hàm phân hình là một trong những lý thuyết đẹp nhất của Toán học thế kỷ 20, bởi vậy công trình của Lê Văn Thiêm rất có ý nghĩa đối với Toán học quốc tế.

Sau đó, ông sang làm luận án Tiến sĩ tại Đại học Tổng hợp Gottingen với học bổng của của Quỹ Alexander von Humboldt – Qũy hỗ trợ danh tiếng nhất của Đức cho các nhà khoa học nước ngoài. Ngày 4/4/1945, ông đã bảo vệ thành công Luận án tiến sĩ Toán học với đề tài “Về việc xác định kiểu của một diện Riemann mở đơn liên” với điểm đánh giá trung bình là giỏi.

Năm 1946, được tin phái đoàn Chính phủ VN Dân chủ Cộng hòa đến Paris để đàm phán, Lê Văn Thiêm đã tự nguyện làm một số việc giúp đỡ phái đoàn và tập hợp anh em trí thức Việt kiều đi đón Chủ tịch Hồ Chí Minh. Năm 1948, ông đại diện cho VN lần đầu tiên tham dự Hội nghị hoà bình thế giới tại Ba Lan. Cùng năm đó, dưới sự hướng dẫn của chuyên gia hàng đầu về Hàm giải tích của Pháp - Giáo sư Georges Valiron, Lê Văn Thiêm đã bảo vệ xuất sắc luận án Tiến sĩ khoa học quốc gia về Toán. Ông trở thành người VN đầu tiên nhận được học vị Tiến sĩ quốc gia, học vị cao nhất của nước Pháp và được mời dạy Toán tại Đại học Bách Khoa ở Zurich (Thụy Sĩ).

Những năm đó, ở châu Âu, nhiều người nhìn Lê Văn Thiêm như là một tài năng xuất chúng mà nhiều nhân tài khác mong ước thành đạt được như ông. Nhưng trái tim ông luôn cháy bỏng hướng về quê nhà. Năm 1946, cuộc kháng chiến chống xâm lược Pháp bùng nổ, nghe theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, GS. Lê Văn Thiêm đã có một quyết định hệ trọng đánh dấu bước ngoặt lớn trong đời ông và ảnh hưởng sâu sắc đến nhiều thế hệ sinh viên Việt Nam - lòng yêu nước và chí căm thù xâm lược đã thúc giục ông từ bỏ địa vị khoa học không ít người mơ ước ở Zurich lừng danh để về nước tham gia tích cực vào cuộc chiến đấu giành độc lập cho dân tộc. Lòng say mê khoa học đã dẫn dắt Lê Văn Thiêm đi du học và đạt nhiều thành tích. Còn vào năm 1949, lòng yêu nước khiến ông từ bỏ địa vị khoa học và danh vọng ở châu Âu, trở về với Tổ quốc đang chiến đấu…

 GS. Lê Văn Thiêm cùng gia đình

Làm Toán đóng góp sức mình cho quê hương

Lê Văn Thiêm trở về Tổ quốc qua đường bay Paris – Bangkok (Thái Lan), rồi bằng đường bộ qua Campuchia về rừng U Minh, khu 9, Nam Bộ và tham gia công tác tại Sở Giáo dục Nam Bộ từ ngày 19/12/1949. Ông nhanh chóng hòa mình vào công cuộc kháng chiến cùng nhân dân cả nước, chỉ sau 4 tháng ông đã được xét và kết nạp vào Đảng.

Sau chiến thắng của chiến dịch Biên giới 1950, Chính phủ khẩn trương chuẩn bị lực lượng cán bộ khoa học cho việc kiến thiết đất nước sau ngày toàn thắng. Tháng 7/1950, Đề án giáo dục được thông qua nhằm đáp ứng kịp thời các nhu cầu của thời kỳ cách mạng mới. Trên cả nước hình thành ba trung tâm đại học: Trung tâm Việt Bắc; Trung tâm Thanh - Nghệ; Khu học xá Trung ương (đặt nhờ tại Nam Ninh, Quảng Tây, Trung Quốc).

Năm 1951, GS. Lê Văn Thiêm được Chính phủ điều động từ Nam Bộ ra Việt Bắc để nhận nhiệm vụ mới. Khoác ba lô trên vai, ông đã lội bộ 6 tháng theo đường rừng để ra đến Việt Bắc và được giao nhiệm vụ xây dựng Trường Khoa học Cơ bản và Trường Sư phạm Cao cấp, được cử giữ chức vụ Hiệu trưởng của hai trường này và giảng dạy môn Cơ học lý thuyết. Ở Việt Bắc, cùng với các nhà khoa học lớn như Tạ Quang Bửu, Trần Đại Nghĩa, Lê Văn Thiêm đã đặt nền móng đầu tiên cho công tác nghiên cứu khoa học, nghiên cứu lý thuyết và nghiên cứu ứng dụng, tạo dựng nên thế hệ cán bộ khoa học đầu tiên của nước VN mới.

Sau Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954), Chính phủ ra quyết định thành lập Trường Đại học Sư phạm Văn khoa, do GS. Đặng Thai Mai làm Hiệu trưởng và Trường Đại học Sư phạm Khoa học do GS. Lê Văn Thiêm làm Hiệu trưởng. Trường Đại học Sư phạm Khoa học tồn tại chỉ 2 năm (1955 - 1956) và đào tạo được ba khoá, nhưng trường đã có một vị trí cực kỳ quan trọng khi đã đào tạo được những cán bộ khoa học tài năng, những lãnh đạo khoa học có uy tín.

Từ năm 1957 - 1970, GS. Lê Văn Thiêm được cử giữ chức vụ Phó hiệu trưởng Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, kiêm Chủ nhiệm Khoa Toán.

Lê Văn Thiêm cùng với GS. Hoàng Tụy đã có đóng góp to lớn trong việc thành lập Viện Toán học và Hội Toán học Việt Nam. Năm 1970, GS. Lê Văn Thiêm được điều động sang phụ trách Viện Toán học thuộc Viện Khoa học Việt Nam với cương vị Viện trưởng. Từ buổi đầu gian khó của một viện khoa học mới được thành lập và rồi trong hoàn cảnh chống chiến tranh phá hoại của Mỹ lại leo thang (1972), Viện phải sơ tán về huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phú (nay là tỉnh Vĩnh Phúc), dưới sự chỉ đạo của GS. Lê Văn Thiêm và lãnh đạo Viện, công tác nghiên cứu khoa học của Viện vẫn được tiến hành với quyết tâm cao. Năm nào Viện cũng tổ chức được hội nghị khoa học để các cán bộ thông báo kết quả nghiên cứu mới. Viện vẫn có những công trình đạt chất lượng cao, công bố trên các tạp chí có uy tín trong nước và quốc tế. Ngay từ khi mới thành lập, Viện đã có một kế hoạch xây dựng đội ngũ cán bộ tương đối lâu dài. Nhiều cán bộ trẻ của Viện được cử đi học tập ở Liên Xô và các nước Đông Âu, dưới các hình thức thực tập sinh và nghiên cứu sinh. Ngày 20/5/1975, Nhà nước quyết định thành lập Viện Khoa học Việt Nam trực thuộc Chính phủ, trên cơ sở của khối nghiên cứu thuộc Uỷ ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước. Viện Toán học là thành viên của Viện Khoa học Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của ông, Viện Toán học đã trở thành một trung tâm toán học uy tín hàng đầu của cả khu vực.

Là một giáo sư hàng đầu trong lĩnh vực Toán học lý thuyết, Lê Văn Thiêm đã chuyển sang nghiên cứu những bài toán đáp ứng thực tiễn cuộc sống, với mong muốn đóng góp thiết thực cho công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước. Từ năm 1963, ông nghiên cứu công trình Hàm biến thức trong lý thuyết nổ. Cùng với học trò của mình, GS. Lê Văn Thiêm đã xây dựng công trình nghiên cứu giải quyết rất hiệu quả một số vấn đề trong thực tiễn cuộc sống. Đó là tính toán nổ mìn hiệu quả cao ở mỏ đá Núi Voi, lấy đá phục vụ xây dựng Khu gang thép Thái Nguyên (1964); lập bản tính toán giúp Bộ Quốc phòng nổ mìn làm đường hiệu quả rất cao (1966). Đáng kể nhất là giải bài toán về nổ mìn định hướng, tạo nên hiệu quả rất lớn cho thanh niên xung phong chống Mỹ trong việc nạo vét dòng kênh Nhà Lê từ Thanh Hóa vào Hà Tĩnh, tuyến đường thủy quan trọng vận chuyển hàng hóa, vũ khí vào chiến trường.

Sau khi Viện Toán học thành lập, GS. Lê Văn Thiêm nhận thấy cần ứng dụng hàm biến phức sang các lĩnh vực khác như: lý thuyết đàn hồi, chuyển động của chất lỏng nhớt... Nhiều vấn đề lớn của đất nước như: Tính toán nước thấm và chế độ dòng chảy cho các đập thuỷ điện Hòa Bình, Vĩnh Sơn; Tính toán chất lượng nước cho công trình thuỷ điện Trị An... đã được ông và những người cộng tác như: Ngô Văn Lược, Hoàng Đình Dung, Lê Văn Thành... nghiên cứu giải quyết. Kết hợp nghiên cứu lý thuyết với ứng dụng, GS. Lê Văn Thiêm đề xuất một phương pháp độc đáo sử dụng nguyên lý thác triển đối xứng của hàm giải tích để tìm nghiệm tường minh cho bài toán thấm trong môi trường không đồng chất. GS. Lê Văn Thiêm đã biên soạn thành giáo trình hoàn chỉnh để hướng dẫn cho những người không có chuyên môn Toán học sử dụng phương pháp đó.

 Khánh thành tượng GS. Lê Văn Thiêm tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm 2011

Từ năm 1980, GS. Lê Văn Thiêm công tác tại Phân viện Khoa học Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh, đã đóng góp hiệu quả, đưa Phòng Toán học ứng dụng trở thành Trung tâm Toán học Ứng dụng và Tin học ở các tỉnh phía Nam.

Lê Văn Thiêm có đóng góp lớn trong việc thiết lập quan hệ hợp tác quốc tế giữa các nhà toán học Việt Nam và các nhà toán học thế giới. Ông đã đưa Hội Toán học Việt Nam tham gia vào Hội Toán học quốc tế với tư cách là thành viên chính thức, đưa Viện Toán học tham gia vào Trung tâm Toán học quốc tế Banach (Ba Lan). Nhờ mối quan hệ tốt và uy tín khoa học của ông mà nhiều nhà toán học có tên tuổi trên thế giới như Laurent Schwartz, Grotendick (Pháp), Smale và Chomsky (Mỹ)... đã sang Việt Nam và nhiệt tình giúp đỡ, cộng tác với các nhà toán học Việt Nam.

 Trong suốt 47 năm (1944 - 1991), GS. Lê Văn Thiêm đã để lại cho đời sau trên 20 công trình khoa học giá trị, trong đó có công trình là nguồn gốc xuất phát của một số luận án tiến sĩ Toán học của Mỹ hiện nay. GS. Lê Văn Thiêm có những đóng góp to lớn cho Toán học trên cả ba phương diện: nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng và triển khai ứng dụng.

Lê Văn Thiêm làm Toán chỉ đơn giản đó là cách mà ông mong muốn đóng góp phần mình cho đất nước. Ông được mọi người tin yêu, kính trọng và hình ảnh của ông không thể phai mờ trong ký ức của những người đã từng được biết ông, được làm việc bên ông. Nói về ông, GS. Hoàng Tụy - một đồng nghiệp, một người bạn thân thiết có nhiều năm gắn bó với ông - tâm sự: “Giá như GS. Lê Văn Thiêm cứ tiếp tục sự nghiệp nghiên cứu ở Pháp hay ở Mỹ thì chắc chắn, với tài năng xuất sắc của mình, ông đã có thể có nhiều cống hiến to lớn hơn cho toán học và tên tuổi quốc tế của ông lẫy lừng hơn. Song ông đã lựa chọn trở về quê nhà, cùng chia sẻ khó khăn gian khổ với đồng bào, và thật sự, tất cả những gì ông đã cống hiến cho Tổ quốc và cộng đồng toán học Việt Nam chỉ có thể khiến chúng tôi vô cùng biết ơn ông và tự hào về ông”.

Để ghi nhớ những cống hiến to lớn của GS. Lê Văn Thiêm về khoa học, giáo dục và xã hội, Nhà nước Việt Nam đã truy tặng ông Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 năm 1996 và Huân chương Độc lập hạng Nhất.

Giải thưởng Lê Văn Thiêm của Hội Toán học Việt Nam dành cho những người nghiên cứu, giảng dạy toán và học sinh giỏi toán xuất sắc ở Việt Nam được trao hàng năm.

Đầu năm 2007, UBND thành phố Hà Nội có quyết định đặt tên đường Lê Văn Thiêm nối từ đường Lê Văn Lương đến đường Nguyễn Huy Tưởng. Lê Văn Thiêm là nhà Toán học Việt Nam đương đại đầu tiên được đặt tên đường.

Ông cũng là một trong những người sáng lập hệ thống phổ thông chuyên toán và báo Toán học và Tuổi trẻ. Trường Trung học cơ sở Lê Văn Thiêm ở TP Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh, tiền thân là trường năng khiếu thị xã Hà Tĩnh, luôn là lá cờ đầu trong công tác thi đua dạy và học khối THCS trong toàn tỉnh.

Thanh Trúc (tổng hợp)

Nguồn quehuongonline.vn

http://quehuongonline.vn/nguoi-viet-o-nuoc-ngoai/le-van-thiem-nha-toan-hoc-tai-ba-20160617151132137.htm



  Các Tin khác
  + Chân dung 2 giáo sư Việt được bầu là viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Thế giới (06/12/2024)
  + Gia đình danh giá bậc nhất Việt Nam: Con cháu thừa hưởng "mã gen tài năng" (02/12/2024)
  + 7 điều tuyệt diệu khiến bạn luôn tự hào khi nhắc đến hai tiếng Việt Nam (11/08/2024)
  + Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/07/2024)
  + Ai là người đặt tên đất nước ta là Việt Nam: Ý nghĩa là gì? (30/06/2024)
  + Hình ảnh thiêng liêng lễ diễu binh ở Thị trấn Trường Sa (08/06/2024)
  + Trường Sa luôn đặc biệt từ những điều nhỏ nhất (26/05/2024)
  + Thế trận Đường Trường Sơn góp phần làm nên thắng lợi Chiến dịch mùa Xuân 1975 (18/05/2024)
  + 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ Lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/05/2024)
  + Khám phá 22 hang động kỳ vĩ mới được phát hiện tại Quảng Bình (19/04/2024)
  + 18 đời vua Hùng gồm những ai? Tên gọi chính xác của các vị vua là gì? (17/04/2024)
  + Ảnh ấn tượng về các lực lượng tham gia diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (05/04/2024)
  + 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ Đại tướng Phan Văn Giang: Vũ khí cá nhân mới của quân đội tốt hơn AK47 (05/04/2024)
  + Chiêm ngưỡng sắc đỏ của cây hoa gạo trăm tuổi "đẹp nhất" Ninh Bình (03/04/2024)
  + Hoa gạo rực đỏ bên ngôi chùa cổ kính nghìn năm tuổi ở Hà Nội (23/03/2024)
  + Những bông hoa y tế vùng cao và chuyện băng rừng trong đêm đi đỡ đẻ (06/03/2024)
  + Kỷ niệm 80 ngày thành lập QĐNDVN: Sẽ tổ chức Triển lãm Quốc phòng quốc tế và mít tinh cấp Nhà nước (26/01/2024)
  + MŨI NÉ VÀO TOP ĐIỂM BAY KHINH KHÍ CẦU ĐẸP NHẤT THẾ GIỚI (02/04/2023)
  + Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: (12/03/2023)
  + Hàng nghìn người khai hội gò Đống Đa xuân Quý Mão (26/01/2023)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 5
Total: 66201815

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July