Trang chủ Liên hệ       Thứ hai, Ngày 23/12/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
  -  Con Người Việt Nam
  -  Đất Nước Việt Nam
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Việt Nam Đất Nước Con Người > Con Người Việt Nam >
  Vọng quốc sư - tăng thống đầu tiên của Việt Nam Vọng quốc sư - tăng thống đầu tiên của Việt Nam , Người xứ Nghệ Kiev
 

12/05/2016

Ở độ cao non ngàn mét có di tích ngàn năm nay đã hoang phế. Nơi ấy thờ Ngô Chân Lưu - vị thiền sư đầu tiên giữ chức Tăng thống trong lịch sử Việt Nam.

 Chùa Cát Am và đại đức Thích Nguyên Đại. Ảnh: Xuân Ba

Xứ Thanh trùng điệp non xanh những tưởng lâu nay đã quen đã thuộc hóa ra mới chỉ loanh quanh ở mạn Bắc bắt đầu từ khí mạch của vùng Thanh Hoa ngoại Hoa Lư - Ninh Bình ăn thông với quê các chúa Nguyễn, chúa Trịnh rồi bắt với linh địa Lam Sơn Bình Định Vương Lê Lợi. Nên nay lấy làm lạ lẫm, ngỡ ngàng với một dãy non cao ngất chồm lên ở mạn Nam bắt đầu từ quê Đào Duy Từ ở đất Tĩnh Gia giăng dài bắt với dãy Hoàng Mai Nam Thanh Bắc Nghệ cho đến đất Quỳnh Lưu rồi lịm tắt nhường cho thoai thoải bằng địa của đồng bằng. Ngỡ ngàng đến bất ngờ trong dãy mạn núi phía Nam chồm lên ấy mãi tận bây giờ mới biết có một ngọn mang tên Cát Am của đất Tĩnh Gia trên đỉnh có một di tích ngàn năm nay đã hoang phế. Nơi ấy là quê, từng là nơi tu hành và địa danh thờ tự của quốc sư Khuông Việt.

Cũng là tình cờ, giáp Tết Bính Thân, làng gọi về giao cho tôi lo một việc. Đó là việc mời thầy để làm thủ tục an vị (hô thần nhập tượng) cho nhóm tượng ngôi chùa mới làng xây. Mà việc ấy mới nan giải làm sao! Bữa ngồi với mấy anh bạn quen biết bên Viện Hán Nôm, trót thở than ra việc khó ấy thì một ông sốt sắng nhận giúp. Hóa ra ông thầy sẽ đảm trách, coi sóc việc an vị lại là học trò khóa Hán Nôm mà ông bạn tôi phụ trách. Rồi sau đó, những thủ tục của lễ an vị diễn ra suôn sẻ được dân làng khen lắm. Việc tất. Ông thầy đã không lấy công lại còn nại rằng làng khó chùa nghèo, hào phóng công đức thêm cho chùa làng bộ chuông mõ. Cảm cái tình cùng lời mời nhiệt thành, tôi vui chân theo ông thầy, một đại đức trẻ về nơi trụ trì chính là ngôi chùa nhỏ thèo đảnh trên đỉnh núi Am này đây.

Cẩn thận mượn được cái xe bán tải hai cầu mới toanh của nhà báo Nguyễn Như Phong. Từ chân núi Am có vẻ thoai thoải, những rừng thông, hồ nước khá thơ mộng nhưng ngược lên đỉnh, trời báo hại mấy bữa mưa lâm thâm nên đường trơn trầy trơn trượt. Mà đâu đã là đường! Hóa ra, ông thầy, đại đức Thích Nguyên Đại ngồi bên động viên lái xe cố lên cho biết lâu nay lên đỉnh chỉ có một lối mòn thoai thoải, bà con công đức cộng với việc xã hội hóa nên nhà sư đã mạnh dạn thuê máy ủi mở mới con đường. Đường mới mở và cũng mới chỉ mới ủi nên gặp mưa càng xấu. Vậy mà thầy cho biết việc vỡ vạc cũng đã ngốn hơn 2 tỷ đồng. Những lắc lư, gập ghềnh cùng gầm rú các kiểu, xe cũng chỉ nhích dần non lưng dốc. Sư Đại nói lái xe cho thử cầm lái một chút. Sau chút ngập ngừng, tài xế đổi chỗ. Vị đại đức trẻ hóa ra là người còn nhiều căn nhập thế điều khiển "con" bán tải khá thành thạo hết lùi tiến vòng vèo nhưng cũng chỉ quá nửa dốc đành chịu. Theo lời động viên của sư Đại, cả bọn lếch thếch, phì phò leo bộ. Riêng đại đức thì cứ phăm phăm bước... Đã thế, chuyện cứ nối chuyện bất ngờ toát yếu ra vốn uyên thâm của người chịu đọc lẫn sức nhớ dai.

Đã láng máng về vị quốc sư Khuông Việt nhưng lâu nay không hề biết vị quốc sư quê quán lại ở chính vùng này. Câu chuyện của nhà tu hành câu được câu mất qua lỗ tai bùng nhùng leo dốc rồi sau đó về chắp nối lại thấy chả chệch đi bao nhiêu...

Thiền sư Khuông Việt sinh năm 933, quê ở thôn Cát Lợi, huyện Thường Lạc, nay thuộc huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa. Khuông Việt là pháp hiệu. Tên thực là Ngô Chân Lưu. Chính sử từng rành rẽ, thiền sư Khuông Việt tên thật là Ngô Xương Tỷ thuộc dòng dõi đế vương. Theo phả hệ họ Ngô Việt Nam, ông là con cả của Thiên Sách vương Ngô Xương Ngập, anh trai của sứ quân Ngô Xương Xí, tức là cháu đích tôn của Tiền Ngô vương Ngô Quyền, vị vua đầu tiên của nhà Ngô trong lịch sử Việt Nam. Sau 6 năm trị vì, trước khi mất (năm 944), Ngô Quyền ủy thác con trưởng của mình là Ngô Xương Ngập, tức cha của Ngô Xương Tỷ, cho Dương Tam Kha - em của vợ mình là Dương hậu.

Sử chép, Ngô Xương Tỷ từ bé tướng mạo khôi ngô, tính tình phóng khoáng có tên là Ngô Chân Lưu. Từ nhỏ, ông đã theo học Nho rồi quy y cửa Phật. Ngô Xương Tỷ từng tới chùa Khai Quốc (nay là chùa Trấn Quốc) xin học với thiền sư Vân Phong một thời gian dài.

Ngô Chân Lưu đọc khắp các sách Phật, tìm hiểu yếu chỉ của Thiền Tông. Sau đó, ngài bắt đầu du ngoạn các nơi, tham vấn Thiền học. Tới năm thiền sư Ngô Chân Lưu 40 tuổi, danh tiếng của ông đã vang tới tận triều đình. Tới năm 969, vua Đinh Tiên Hoàng mời Ngô Chân Lưu tới gặp, phong cho thiền sư Ngô Chân Lưu chức Tăng thống. Ngô Chân Lưu trở thành vị thiền sư đầu tiên giữ chức Tăng thống trong lịch sử Việt Nam.

Hai năm sau, năm 971, Đinh Tiên Hoàng phong cho thiền sư Ngô Chân Lưu pháp hiệu là Khuông Việt thiền sư với ý nghĩa là người tu sửa, chấn hưng Phật giáo nước Việt.

... Mãi rồi cũng đến được chùa Am thờ quốc sư Khuông Việt trên độ cao non ngàn mét. Một ngôi chùa khiêm tốn nép dưới ngàn xanh chân một ngọn núi chất ngất. Nghĩ đến những đoạn dốc phì phò vừa qua thấy công sức gây dựng ngôi chùa dẫu nhỏ này cũng công trình xiết kể của bà con Phật tử cùng các nhà tài trợ mà đại đức đây trách nhiệm chủ trì.

Tôi ngước lên những rì xanh cùng mây trắng nghĩ tới Đền Trung, Đền Thượng phía trên đó mà chỗ đặt chân đây mới là Đền Hạ.

Lăn lóc, la liệt bên ngôi chùa Am gọi là Đền Hạ là những viên tảng cho những cột lim tày ôm cho thấy ngàn năm trước nơi đây là một quần thể chùa chiền hoành tráng. Những tấm bia đá hầu hết đã trơn trụi bởi thời gian, mưa nắng bào mòn chữ nghĩa... May mà vẫn còn nền móng lớn và một số hiện vật như tượng Phật Thích Ca Mâu Ni bằng đá, 3 bệ để tượng có hình cánh sen, các chân tảng bằng đá, gạch, ngói vỡ từ thời Lý và 3 ngôi mộ của chư Hòa thượng.

 Bài từ "Ngọc Lang Quy" (thủ bút của Xuân Ba)

Trăm năm bia đá... Huống hồ đã ngàn năm nơi tu hành thờ tự vị quốc sư tăng thống đầu tiên của Đại Việt. Ngài mất chính nơi này. Thọ 78 tuổi.

Muốn lặng trong u tịch để gẫm thêm bao biến thiên... Năm 979, cha con Đinh Tiên Hoàng bị giết, Lê Hoàn, người lúc đó đang giữ chức tổng chỉ huy quân đội Đại Việt, làm nhiếp chính. Tới 980, trước nguy cơ xâm lược của nhà Tống, thái hậu Dương Vân Nga cùng các đại thần tôn Lê Hoàn lên ngôi vua. Dưới thời trị vì của Lê Hoàn, thiền sư Khuông Việt tiếp tục được trọng dụng trong vai trò của một tăng thống, một cố vấn.

Lẩn mẩn nghĩ thêm, căn cốt Phật, thiền dường như gắn liền với chữ Duyên? Đại tự cổng chùa Quán sứ có mấy chữ lạ tùy duyên phương tiện. Ý rằng nếu hiểu được lý duyên sinh tức hiểu Phật pháp, rằng mọi sự thành, hoại của vạn vật vốn không có định tính là vô thường, khổ, không, vô ngã. Ngộ được điều này, người tu Phật luôn thường trực trí tuệ Bát Nhã mới nhận chân được các pháp. Nhận chân nên không còn mê chấp, bảo thủ; từ đó sinh tâm bình đẳng, tự do... Cái gì hay, điều gì lợi ích cho dân cho nước thì làm. Phải vậy chăng mà tư tưởng nhập thế dấn thân của Phật giáo ngay từ đầu đã đồng hành vận mệnh của Đại Việt? Những cuộc đấu tranh chống ngoại xâm, giành chủ quyền dân tộc ngay từ buổi đầu đều là Phật tử, chẳng hạn cuộc kháng chiến chống Bắc thuộc lần thứ nhất do Trưng nữ vương lãnh đạo (40-43), nổi bật có Phật tử nữ tướng Bát Nạn tướng quân, Thiều Hoa tướng quân, Phật Nguyệt tướng quân... Cuộc gặp gỡ như là tự nhiên, như là định mệnh giữa nhà sư, quốc sư học rộng tài cao tinh thông Phật pháp Ngô Chân Lưu - Khuông Việt với hai vua Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành. Việc ngài đứng đầu giáo hội Phật giáo kiêm chức cố vấn cho hai vua là biểu hiện sinh động của tinh thần nhập thế.

Và nữa, hậu thế mỗi khi nhắc tới thiền sư Khuông Việt, nhớ ông như một vị quốc sư với tài năng ngoại giao lỗi lạc. Nhớ ngay đến câu chuyện đẹp như huyền thoại là thiền sư Khuông Việt, sư Đỗ Pháp Thuận không nề hà giúp vua Lê tiếp đón sứ thần Trung Quốc, kể cả đóng giả làm người lái đò đưa sứ qua sông...

Năm 987, người đứng đầu phái bộ của nhà Tống là Lý Giác tới Việt Nam. Lê Hoàn đã nhờ Pháp Thuận và Khuông Việt cùng đứng ra đón tiếp. Pháp Thuận đón Lý Giác từ chùa Sông Sách, nay thuộc tỉnh Hải Dương, chèo đò đưa sứ về kinh ấp Hoa Lư. Đến Hoa Lư, Khuông Việt đứng ra tiếp. Trước khi Lý Giác ra về, vua Lê Đại Hành lệnh cho Khuông Việt viết một khúc nhạc để tiễn đưa phái bộ.

Và Khuông Việt viết bài từ "Vương Lang Quy" nổi tiếng cho tới tận ngày nay.

Đây là một loại từ khúc lưu hành khá phổ biến thời bấy giờ, có thể dùng như lời của một bản nhạc để hát với việc sử dụng các nhạc khí để tấu kèm theo.

Khúc từ này vốn có tên là "Ngọc Lang Quy", mà truyền bản nhà Nguyễn (có lẽ chép nhầm bỏ mất một dấu chấm thành "Vương Lang Quy"?). Và không sợ sái khi khẳng định đây là lần đầu tiên văn chương nghệ thuật đã công khai đưa vào phục vụ sự nghiệp chính trị ngoại giao.

... Sau tết Bính Thân, tiếp được lời nhắn của hòa thượng Thích Nguyên Đại mời dự lễ tạo tác đại hồng chung (đúc chuông lớn) 2 tấn ngay tại chùa Cát Am và ít ngày sau là lễ thỉnh chuông mới. Tôi hiểu mang máng âm thanh của đại hồng chung Cát Am ngoài chuyên chở thông điệp từ bi thấu đến cảnh giới tối tăm để chúng sanh thức tỉnh hồi đầu mà còn là lời mời gọi du khách năng về chiêm bái di tích vị quốc sư - tăng thống Đại Việt Khuông Việt Thiền sư.

Nhưng cả hai dịp đều để lỡ.

Biết đại đức Thích Nguyên Đại là người chữ tốt (từng thụ giáo ông bạn tôi vốn giỏi và viết chữ Hán đẹp) không về được dịp lễ trọng, tôi có mạo muội gửi đại đức bức thủ bút của mình bài từ "Ngọc Lang Quy"...

Gió xuân đầm ấm cánh buồm gấm giương
Xa ngóng thần tiên lại đế hương
Muôn dặm sóng xanh vượt trùng dương
Trời xa về đường trường
Tình thảm thiết
Chén đưa đường
Vin xe sứ giả vấn vương
Xin đem thân ý vì Nam cương
Tâu rõ cùng thánh hoàng.

(Dịch của GS Bùi Duy Tân)

(Theo Xuân Ba/Tiền Phong)

Nguồn quehuongonline.vn

http://quehuongonline.vn/dat-nuoc-con-nguoi/vong-quoc-su-tang-thong-dau-tien-cua-viet-nam-20160414091458120.htm



  Các Tin khác
  + Chân dung 2 giáo sư Việt được bầu là viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Thế giới (06/12/2024)
  + Gia đình danh giá bậc nhất Việt Nam: Con cháu thừa hưởng "mã gen tài năng" (02/12/2024)
  + 7 điều tuyệt diệu khiến bạn luôn tự hào khi nhắc đến hai tiếng Việt Nam (11/08/2024)
  + Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/07/2024)
  + Ai là người đặt tên đất nước ta là Việt Nam: Ý nghĩa là gì? (30/06/2024)
  + Hình ảnh thiêng liêng lễ diễu binh ở Thị trấn Trường Sa (08/06/2024)
  + Trường Sa luôn đặc biệt từ những điều nhỏ nhất (26/05/2024)
  + Thế trận Đường Trường Sơn góp phần làm nên thắng lợi Chiến dịch mùa Xuân 1975 (18/05/2024)
  + 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ Lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/05/2024)
  + Khám phá 22 hang động kỳ vĩ mới được phát hiện tại Quảng Bình (19/04/2024)
  + 18 đời vua Hùng gồm những ai? Tên gọi chính xác của các vị vua là gì? (17/04/2024)
  + Ảnh ấn tượng về các lực lượng tham gia diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (05/04/2024)
  + 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ Đại tướng Phan Văn Giang: Vũ khí cá nhân mới của quân đội tốt hơn AK47 (05/04/2024)
  + Chiêm ngưỡng sắc đỏ của cây hoa gạo trăm tuổi "đẹp nhất" Ninh Bình (03/04/2024)
  + Hoa gạo rực đỏ bên ngôi chùa cổ kính nghìn năm tuổi ở Hà Nội (23/03/2024)
  + Những bông hoa y tế vùng cao và chuyện băng rừng trong đêm đi đỡ đẻ (06/03/2024)
  + Kỷ niệm 80 ngày thành lập QĐNDVN: Sẽ tổ chức Triển lãm Quốc phòng quốc tế và mít tinh cấp Nhà nước (26/01/2024)
  + MŨI NÉ VÀO TOP ĐIỂM BAY KHINH KHÍ CẦU ĐẸP NHẤT THẾ GIỚI (02/04/2023)
  + Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: (12/03/2023)
  + Hàng nghìn người khai hội gò Đống Đa xuân Quý Mão (26/01/2023)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 2
Total: 65993780

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July