Trang chủ Liên hệ       Thứ sáu, Ngày 19/04/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
  -  Con Người Việt Nam
  -  Đất Nước Việt Nam
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Việt Nam Đất Nước Con Người > Con Người Việt Nam >
  Một gương mặt chính khách xưa Một gương mặt chính khách xưa , Người xứ Nghệ Kiev
 

 

“Con người học hành rất rộng, chí khí rất bền, đạo đức rất cao”. Đó là lời đánh giá của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cụ Huỳnh Thúc Kháng, Bộ trưởng Nội vụ Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Chủ tịch Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam, được viết trong thư đề ngày 29/4/1947 “Gửi toàn thể đồng bào sau ngày cụ Bộ trưởng Huỳnh Thúc Kháng tạ thế”.

Cũng trong lá thư này, Bác Hồ còn dành những lời lẽ hết sức trân trọng để đưa ra trước toàn thể đồng bào một tấm gương sáng: “Vì lòng yêu nước mà trước đây cụ bị bọn thực dân làm tội, đầy ra Côn Đảo. Mười mấy năm trường gian nan cực khổ. Nhưng lòng son dạ sắt, yêu nước thương nòi của cụ Huỳnh chẳng những không sờn lại thêm kiên quyết.

Cụ Huỳnh là người mà giàu sang không làm xiêu lòng, nghèo khổ không làm nản chí, oai vũ không làm sờn gan. Cả đời cụ Huỳnh không cầu danh vị, không cầu lợi lộc, không thèm làm giàu, không thèm làm quan. Cả đời cụ Huỳnh chỉ phấn đấu cho dân được tự do, nước được độc lập.

Đến ngày nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà thành lập, Chính phủ ta mời cụ ra. Tuy đã hơn 71 tuổi nhưng cụ vẫn hăng hái nhận lời. Cụ nói: “Trong lúc phục hưng dân tộc, xây dựng nước nhà thì bất kỳ già, trẻ, gái, trai, ai cũng phải ra phụng sự Tổ quốc”.

Kết thúc bức thư này, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn kêu gọi đồng bào “đồng thanh thề trước tiên linh của cụ Huỳnh rằng: Đồng bào Việt Nam cương quyết theo gương kiên quyết của cụ, tinh thần kháng chiến của cụ Huỳnh sống mãi…”.

Vậy mà, cụ Huỳnh thực sự cộng tác với cách mạng mới hơn một năm. Mùa xuân 1946, đất nước đã độc lập, chính phủ cách mạng đã thành lập, nạn đói đã tạm được khắc phục nhưng cách mạng đang đứng trước vô vàn thử thách. Thực dân Pháp đã nổ súng xâm lược và đang mở rộng chiến tranh ở Nam Bộ, đang tạo cớ để gây hấn ở Bắc và Trung Bộ; quân đội Tưởng Giới Thạch kéo theo những tổ chức tay sai đang tạo ảnh hưởng để giành đoạt quyền lực, thủ tiêu những thành quả cách mạng v.v...

Hơn lúc nào hết, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương phải củng cố sức mạnh của cách mạng và chính quyền cách mạng bằng việc mở rộng hơn nữa khối đoàn kết của toàn dân. Vì lợi ích của tổ quốc và sự tồn vong của chế độ, vị chủ tịch nước đồng thời cũng là người lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản và Mặt trận Việt Minh đã đưa ra những quyết sách sáng suốt và dũng cảm. Tháng 11/1945, Đảng Cộng sản Đông Dương tuyên bố “tự giải tán” mà thực chất là rút vào hoạt động không công khai; cuộc Tổng tuyển cử đã bầu ra Quốc hội khoá đầu tiên nhưng trước ngày khai mạc đó đạt được thoả thuận dành riêng 72 ghế để những đảng phái “đối lập” được tham gia không cần qua bầu cử; bằng các giải pháp ngoại giao táo bạo để phân hoá các thế lực nước ngoài đang có mặt ở nước ta, chủ yếu là thực dân Pháp và quân phiệt Trung Hoa; tiến tới cải tổ và mở rộng Mặt trận Việt Minh thành Mặt trận Liên Hiệp Quốc dân v.v...

Chính vào bối cảnh ấy, cụ Huỳnh Thúc Kháng xuất hiện trên chính trường khi đã bước vào tuổi “cổ lai hy”. Quả thật, vào thời điểm ấy ít ai nghĩ rằng nhà chí sĩ đất Quảng, họ Huỳnh lừng danh một thời có thể tham chính và cộng tác với một chính quyền cách mạng mà ai cũng biết rằng hạt nhân lãnh đạo lại là những người cộng sản. Bởi lẽ, mọi người đều biết tới cụ Huỳnh thời trai trẻ đã là một trong những vị khoa bảng (đỗ phó bảng cùng khoa với cụ Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh) sớm có tư tưởng canh tân và yêu nước.

Năm 1904, vừa đỗ phó bảng, Huỳnh Thúc Kháng đã từ bỏ quan trường theo 2 người đồng chí nổi tiếng của mình là Phan Châu Trinh và Trần Quý Cáp vào tận Cam Ranh để quan sát đoàn tàu chiến của hạm đội Nga ghé qua trên đường sang tham chiến cuộc chiến tranh với nước Nhật, để rồi ba nhà nho xứ Quảng đã tuyên ngôn chí hướng: “Hỡi người trí thức kia ơi – Quăng mũ đi, vứt bút đứng lên - Đừng cam chịu tiếng ươn hèn - Hơi tàn còn thở chớ quên phục thù” (Lương ngọc danh sơn phú).

Kể từ đó, cả ba bước vào con đường hoạt động chính trị mưu cầu sự giải phóng cho dân tộc. Sau cao trào Duy Tân và kháng thuế ở miền Trung, cả ba đều bị thực dân và Nam triều đàn áp. Trần Quý Cáp lên đoạn đầu đài, Phan Châu Trinh và Huỳnh Thúc Kháng đều bị đầy ra Côn Đảo. Kể từ đó hai người đồng chí chọn cho mình những con đường khác nhau nhưng cùng một mục đích là cứu nước. Và trên con đường của mình cả hai đều gặp một người. Người đó là Nguyễn Ái Quốc, lại cũng chính là con của người môn sinh cùng đỗ phó bảng là Nguyễn Sinh Sắc.

Ngày 31/5/1946 tại quảng trường Việt Nam học xá (nay là khu vực Đại học Bác Khoa) nhân dân Thủ đô tổ chức míttinh tiễn đưa phái đoàn của Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm nước Pháp. Người đi phía sau mặc quốc phục là Bộ trưởng Nội vụ Huỳnh Thúc Kháng vừa được giao Quyền Chủ tịch với lời dặn dò của Bác “Dĩ bất biến ứng vạn biến”.
 


 
Ngày 31/5/1946 tại quảng trường Việt Nam học xá (nay là khu vực Đại học Bách khoa) nhân dân Thủ đô tổ chức míttinh tiễn đưa phái đoàn của Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm nước Pháp. Người đi phía sau mặc quốc phục
là Bộ trưởng Nội vụ Huỳnh Thúc Kháng

Năm 1911, Phan Châu Trinh qua Pháp rồi sau đó có một thời gian gần gũi với Nguyễn Ái Quốc để cuối đời dù còn nhiều khác biệt về chính kiến nhưng cũng tin cậy gửi gắm tiền đồ đất nước vào người bạn vong niên: “Anh như cây đương lộc, tôi tin rằng cái chủ nghĩa anh tôn thờ sau này sẽ thâm căn cố đế trong đám dân tình chí sĩ nước ta” (Thư gửi Nguyễn Ái Quốc 1922).

Còn với Huỳnh Thúc Kháng, sau 13 năm lưu đầy, từ Côn Đảo trở về đất liền (1921), cụ chọn cho mình hoạt động chính trường công khai. Cụ tham gia Viện Dân biểu Trung kỳ, ra tờ báo “Tiếng Dân” với hy vọng có thể đòi hỏi cho người dân những quyền tự do trong khuôn khổ của chế độ thuộc địa. Những cố gắng của cụ có thể mang lại một vài cải cách nhỏ của giới cầm quyền thực dân, nhưng tình cảnh “vạn dân nô lệ cường quyền hạ” vẫn còn nguyên. Lại phải nói thêm rằng, cao trào cách mạng do Đảng Cộng sản mới ra đời phát động vào năm 1930-1931, sôi nổi nhất cũng trên mảnh đất miền Trung vẫn không kéo nổi cụ Huỳnh ra khỏi con đường vận động cải cách, và tránh bạo lực mà những người cộng sản phê phán là “cải lương”. Cũng chính trong thời gian này, cụ Huỳnh còn viết nhiều bài báo phản bác phương pháp đấu tranh bằng bạo lực của những người cộng sản. Trong một số văn kiện của Đảng Cộng sản đương thời đã từng phê phán đường lối của Huỳnh Thúc Kháng là “có hại cho cách mạng”...

Vậy mà, khi cách mạng đó giành được chính quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh với niềm tin vào tinh thần yêu nước là động lực mạnh mẽ nhất của dân tộc luôn mở rộng khối đoàn kết để thu hút mọi lực lượng vào hàng ngũ cách mạng. Vì vậy, vị Chủ tịch nước Việt Nam độc lập không quên cử người vào tận miền Trung vời cụ Huỳnh ra làm việc nước. Cụ Huỳnh ý thức được niềm hạnh phúc hơn những người đồng chí đã khuất như Trần Quý Cáp, Phan Châu Trinh hay Phan Bội Châu vì đã được chứng kiến ngày đất nước độc lập khi cảm khái viết: “Sướng ơi là sướng, thoát thân nô mà làm chủ nhân ông – Vui thật là vui, đổi quyền vua mà làm dân quốc mới”. Nhưng cụ vẫn tự cho mình là lớp người đã già mà xa lánh chính trường.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị Bộ trưởng Nội vụ đầu tiên của nhà nước cách mạng đã thuật lại trong hồi ký của mình: “Tôi được biết cụ Huỳnh từ hồi còn làm báo “Tiếng Dân” ở Huế. Cụ là một nhà nho có tinh thần yêu nước cao, có khí tiết nhưng chưa hoàn toàn tin tưởng ở đường lối cách mạng của Đảng ta. Khi chúng ta cử người tới mời, lúc đầu cụ tỏ ra ngần ngại. Một phần, vì cụ thấy tuổi đã quá cao. Một phần vì cụ chưa hiểu những người lãnh đạo mới “thuộc lớp trẻ” ra sao. Đến lúc nghe nói rõ Hồ Chủ tịch chính là đồng chí Nguyễn Ái Quốc, cụ mới quyết định ra Hà Nội... Giây phút gặp gỡ đầu tiên giữa Bác và cụ Huỳnh thật cảm động. Hai người đều bước vội tới, ôm lấy nhau; cả Bác và cụ Huỳnh đã nhắc tới cụ phó bảng ngày xưa... Sau buổi gặp Bác, cụ Huỳnh đã nói với một người bạn: “Dân ta có được cụ Hồ quả là hồng phúc”... ”

Và trong ngày ra mắt Chính phủ Liên hiệp 2/3/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trịnh trọng giới thiệu cụ Huỳnh Thúc Kháng “một người đạo đức danh vọng mà quốc dân ai cũng biết” làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ, một vị trí rất quan trọng trong Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến.

Ở vào cương vị ấy, Bộ trưởng Huỳnh Thúc Kháng đã làm hết mình phụng sự cho đất nước. Cuối tháng 5/1946, khi lên đường sang Pháp trong một sứ mệnh ngoại giao đầy gian khổ và bất trắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi gắm việc nước cho cụ Huỳnh mà 4 tháng sau (10/1946) khi trở về đã đánh giá: “Trong lúc tôi đi vắng, nhờ sự lãnh đạo sáng suốt của cụ Huỳnh, quyền Chủ tịch, sự săn sóc của Quốc hội, sự ra sức gánh vác của Chính phủ, sự đồng tâm hiệp lực của quốc dân mà giải quyết được nhiều việc khó khăn, công việc kiến thiết cũng tiến bộ”.

Một trong những “việc khó khăn” đã được giải quyết trong thời điểm này chính là việc thẳng tay trừng trị các phần tử phản động trong vụ án “Ôn Như Hầu”. Về vụ việc này, hồi ức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp thuật lại rằng sau khi các lực lượng an ninh cách mạng phát hiện và trừng trị những kẻ bắt cóc, tống tiền... các tổ chức đối lập lên khiếu nại chính phủ, Bộ trưởng Nội vụ đang đảm nhận quyền Chủ tịch nước đã hoàn toàn ủng hộ các hành động cứng rắn của chính phủ và tuyên bố trong cuộc họp báo ngày 16/7/1946: “Đoàn kết là cần để xây dựng nền dân chủ cộng hoà, nhưng không thể vin vào “đoàn kết” mà làm những điều phi pháp. Tôi khuyên mọi đảng phái, mọi phần tử quốc dân đoàn kết. Nhưng cũng vì quyền lợi quốc gia, tôi phải đem ra trừng trị trước pháp luật những kẻ làm điều phi pháp... ”.

Tháng 11/1946, Chính phủ lại cải tổ để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến đã đến gần trước âm mưu gây hấn của thực dân. Một lần nữa Bác Hồ lại nêu tấm gương sáng: “Kết quả có những vị có tài năng nhận lời mời tham gia chính phủ như cụ Huỳnh Thúc Kháng vì tuổi cao sức yếu mà cố từ, nhưng vì tôi lấy đại nghĩa mà lưu cụ, cụ cũng gắng ở lại... ai nấy đều hứa cố gắng làm việc một lòng vì nước vì dân”. Cụ Huỳnh Thúc Kháng đã cống hiến cho Tổ quốc đến hơi thở cuối cùng.

Kháng chiến toàn quốc bùng nổ (19/12/1946), với cương vị Chủ tịch Hội Liên hiệp Quốc dân cụ viết thư kêu gọi toàn dân: “Hãy tin tưởng vào cụ Hồ Chí Minh, bậc yêu nước đại chí sĩ, đoàn kết chặt chẽ một khối quyết sống mái với kẻ thù”... Trên đường thay mặt Chính phủ đi kiểm tra tình hình kháng chiến ở miền Trung, đến Quảng Ngãi, cụ lâm bệnh, biết mệnh của mình khó qua khỏi, Huỳnh Thúc Kháng viết lời “vĩnh quyết” tựa như Di chúc: “Kêu gọi anh em các đảng phái, tôn giáo hãy đặt hết lòng tin tưởng vào Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị anh hùng xuất chúng, vị anh hùng của dân tộc” và trong lá thư gửi Chủ tịch Hồ Chí Minh cụ đã bộc bạch: “Bốn mươi năm ôm ấp độc lập và dân chủ, nay nước đã được độc lập, chế độ dân chủ đã thực hiện, thế là tôi chết hả”.

Cụ Huỳnh Thúc Kháng từ trần ngày 21/4/1947 tại Quảng Ngãi. Nỗi thương cảm của nhân dân được Bác Hồ bày tỏ trong bài thơ điếu thống thiết, có đoạn:

“... Tháng Tư tin buồn đến – Huỳnh Bộ trưởng đi đâu – Trông vào Bộ Nội vụ – Tài đức tiếc thương nhau - Đồng bào ba chục triệu - Đau đớn lệ rơi châu”.

Hạ tuần tháng 4 năm nay, quê hương Quảng Nam sẽ tổ chức kỷ niệm 65 năm ngày mất của cụ Huỳnh Thúc Kháng, lại cũng vào thời điểm Đảng đang khởi động cuộc “chỉnh đốn” tổ chức chính trị của mình. Người ta lại có dịp nói đến mẫu hình về những chính khách hiện đại - những người cộng sản cầm quyền không chia sẻ. 65 năm qua, dù đã trải qua nhiều biến thiên của thời cuộc, dù từ mô hình Dân chủ Cộng hoà đã đổi thành Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa thì mục tiêu cuối cùng cũng vẫn là độc lập, tự do và hạnh phúc để nhân dân được hưởng như buổi đầu cách mạng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu lên. Dường như chỉ có sự khác biệt là những người cộng sản sẽ thể hiện chức năng cầm quyền của mình như thế nào?

Tấm gương của hai chính khách một là cộng sản (Chủ tịch Hồ Chí Minh), một là người không phải là cộng sản (Huỳnh Thúc Kháng) trong khung cảnh thời gian 65 năm trước vẫn xứng đáng là bài học gương mẫu mà những chính khách của mọi thời đại phải soi vào và phấn đấu.

Dương Trung Quốc/(Lao Động)

 

  Các Tin khác
  + Khám phá 22 hang động kỳ vĩ mới được phát hiện tại Quảng Bình (19/04/2024)
  + 18 đời vua Hùng gồm những ai? Tên gọi chính xác của các vị vua là gì? (17/04/2024)
  + Ảnh ấn tượng về các lực lượng tham gia diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (05/04/2024)
  + 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ Đại tướng Phan Văn Giang: Vũ khí cá nhân mới của quân đội tốt hơn AK47 (05/04/2024)
  + Chiêm ngưỡng sắc đỏ của cây hoa gạo trăm tuổi "đẹp nhất" Ninh Bình (03/04/2024)
  + Hoa gạo rực đỏ bên ngôi chùa cổ kính nghìn năm tuổi ở Hà Nội (23/03/2024)
  + Những bông hoa y tế vùng cao và chuyện băng rừng trong đêm đi đỡ đẻ (06/03/2024)
  + Kỷ niệm 80 ngày thành lập QĐNDVN: Sẽ tổ chức Triển lãm Quốc phòng quốc tế và mít tinh cấp Nhà nước (26/01/2024)
  + MŨI NÉ VÀO TOP ĐIỂM BAY KHINH KHÍ CẦU ĐẸP NHẤT THẾ GIỚI (02/04/2023)
  + Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: (12/03/2023)
  + Hàng nghìn người khai hội gò Đống Đa xuân Quý Mão (26/01/2023)
  + Hiệp định Paris - thành quả đấu tranh kiên cường, bất khuất và hy sinh to lớn của quân dân Việt Nam (17/01/2023)
  + Cánh đồng Tà Pạ đẹp lạ như phim, dân mạng đang “phát sốt” tìm xem ở tỉnh nào của miền Tây (23/12/2022)
  + Mây tràn khắp lối, du khách ùn ùn kéo tới Sa Pa check-in khung cảnh bồng bềnh (06/12/2022)
  + Ly kỳ 2 quả núi cùng tên “kẹp” một dòng sông (26/11/2022)
  + Độc đáo bức tường bằng đá ong hàng trăm năm tuổi ở làng cổ Yên Trường (26/11/2022)
  + Cuộc đời cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt qua ảnh (21/11/2022)
  + ĐỘC ĐÁO LỄ HỘI ĐUA THUYỀN ĐỘC MỘC TRÊN SÔNG PÔ KÔ (11/11/2022)
  + NGHỆ NHÂN LÝ THỊ NHIỄN TÂM HUYẾT GÌN GIỮ VĂN HÓA DÂN TỘC CHÂU RO (10/11/2022)
  + “SỨ MÓNG CÁI, VẠI HƯƠNG CANH” (08/11/2022)
Playlist

GIỚI THIỆU
 

Kính thưa quý độc giả 

Website nguoixunghekiev.vn

hoạt động chính thức từ tháng

10/2012. và  phi lợi nhuận.

Trang tin đăng tải tin tức 

của cộng đồng người Việt tại Kiev

và toàn Ucraina, đồng thời lấy tin 

từ các trang báo mạng khác trên

nguyên tắc trích dẫn nguyên bản 

đường nguồn chính. Là những

người làm báo không chuyên nên

chắc chắn sẽ gặp sai sót không

mong muốn, chúng tôi sẽ tiếp thu 

chân thành những góp ý xây dựng 

của quý độc giả để cho trang tin 

ngày càng hoàn thiện hơn, xin gửi

về mục liên hệ trên mặt báo hoặc

Email: hosytruc@gmail.com

ĐT: 093-712-24-57

093-973-97-39

Xin trân trọng cảm ơn.

Biên tập: Hồ Sỹ Trúc

 

 

 
 
 

 

 


QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 14
Total: 60193470

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July