Trang chủ Liên hệ       Thứ hai, Ngày 23/12/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
  -  Con Người Việt Nam
  -  Đất Nước Việt Nam
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Việt Nam Đất Nước Con Người > Con Người Việt Nam >
  Chủ tịch Hồ Chí Minh- một nhà báo sắc sảo Chủ tịch Hồ Chí Minh- một nhà báo sắc sảo , Người xứ Nghệ Kiev
 


VOV.VN - Riêng trong tháng 1/1955, cùng với những trách nhiệm nặng nề, bận rộn, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn viết và cho đăng lên báo Đảng 32 bài báo

Tết Nguyên đán Ất Mùi 60 năm trước trùng hợp tháng 1/1955 dương lịch. Một tháng, hai ngày lễ mừng năm mới. Bác Hồ cùng các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước từ Việt Bắc trở về Hà Nội mới được một trăm ngày. Do tình hình quốc tế không thuận lợi, đất nước ta tạm thời chịu ngăn cách bởi một con sông trong lành như tên gọi của nó: Hiền Lương. Nước Mỹ dấn sâu vào Việt Nam. Công việc quốc gia càng thêm bộn bề.

 

Sự kiện lớn mở đầu năm mới hoà bình sau 9 năm kháng chiến là cuộc duyệt binh tại Quảng trường Ba Đình, hội tụ không riêng nhân dân Hà Nội mà còn có nhiều đoàn đại biểu các địa phương, các quân khu. Chúc mừng năm mới, Chủ tịch nước nhấn mạnh nhiệm vụ hoà bình thống nhất đất nước, khôi phục nền kinh tế bị chiến tranh tàn phá, chống âm mưu nước ngoài can thiệp vào Đông Dương.

Vừa qua Lễ Giáng sinh, trời còn rét đậm mà Hà Nội tưng bừng, vui như Tết như Xuân truyền thống đã đến rồi. Lần đầu tiên nhiều người dân Hà Nội và người các địa phương có dịp về thủ đô giải phóng tận mắt nhìn thấy Bác Hồ tươi cười, khoẻ mạnh, giơ cao tay quay về các hướng vẫy chào trong tiếng hoan hô như không muốn dứt.

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh (Ảnh tư liệu)
 
Từ sáng sớm, trước cuộc duyệt binh, Hồ Chủ tịch đã tiếp các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các ngành, các đoàn thể ở Trung ương, đại diện nhân dân thủ đô và khách quốc tế đế chúc mừng năm mới. Chiều, sau giờ làm việc, Bác tiếp đại biểu các dân tộc miền núi. Bác Hồ ân cần hỏi thăm sức khoẻ, đời sống bà con các dân tộc, đánh giá cao công lao của đồng bào miền núi trong kháng chiến: "Hôm nay có mặt ở đây các dân tộc thiểu số và Kinh trong cả nước. Thật là một khối đại đoàn kết. Đoàn kết là thế nào? Là thương yêu, giúp đỡ nhau làm nhiệm vụ, là thi đua tăng gia sản xuất, học văn hoá. Trước mình đoàn kết mà kháng chiến thắng lợi. Nay mình đoàn kết để gìn giữ hoà bình" (Báo Nhân Dân ngày 3/1/1955).

Với nhịp độ làm việc ấy, riêng tháng đầu năm 1955, bên cạnh những quốc gia đại sự chẳng mấy ai hay ngoài một số ít người có trách nhiệm, những thông tin công khai qua báo chí dưới đây cho chúng ta hình dung lịch làm việc của Người dày đặc đến thế nào:

Chủ tịch nước tiếp Cao uỷ Jean Sainteny từ Pháp trở lại Hà Nội lần đầu kể từ ngày toàn quốc kháng chiến 19/12/1946, bàn việc bình thường hoá quan hệ giữa hai nước sau chiến tranh. Chủ trì Hội nghị Trung ương lần thứ 7. Chủ toạ Phiên họp Hội đồng Bộ trưởng trong ba ngày. Nhân dịp Tết Nguyên đán, thăm công nhân khôi phục tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng. Thăm công trường đắp lại đập Thác Huống (Thái Nguyên) bị Pháp ném bom phá huỷ. Thăm và nói chuyện với một đơn vị Sư đoàn 312 đóng tại Bắc Ninh. Gặp nông dân vùng vừa thực hiện giảm tô, giảm tức. Đến Đài Tiếng nói Việt Nam thu âm lời Chủ tịch nước chúc mừng năm mới Ất Mùi, gặp các nghệ sĩ làm việc ở Đài, nghe một số ca sĩ hát mừng Người. Trả lời phỏng vấn của báo chí nước ngoài...

Chiều hôm trước ngày diễn ra cuộc mít tinh trọng thể đón mừng năm mới trong hòa bình, Người cùng Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ đến đặt vòng hoa viếng Đài liệt sĩ. Hơn lúc nào hết, thời điểm này Bác nghĩ tới các chiến sĩ hy sinh. Mấy lời ngắn gọn Bác phát biểu thật xúc động, như thể các anh hùng liệt sĩ đang đứng kia trước mắt mọi người: "Bác thay mặt nhân dân, Chính phủ và bộ đội kính cẩn nghiêng mình. Máu nóng của các liệt sĩ đã nhuộm lá Quốc kỳ vẻ vang càng thêm thắm đỏ. Tiếng thơm của các liệt sĩ muôn đời lưu truyền với sử xanh. Anh linh của các chiến sĩ bất diệt!". Tiếp đó, Bác thăm và nói chuyện với các đơn vị bộ đội chuẩn bị duyệt binh chính thức đầu tiên của Quân đội Nhân dân ta trong hòa bình - một việc làm quá mới đối với những chiến binh trưởng thành trong trận mạc.

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc báo Nhân Dân (Ảnh tư liệu)
Bấy nhiêu công việc. Chưa tính chuyện ngày đêm Bác đọc báo, nghe đài trong nước và nước ngoài, đọc một khối lượng khổng lồ thư đồng bào, cán bộ trong cả nước, từ miền Nam cũng như miền Bắc gửi đến Bác ([1]). Vậy mà riêng trong tháng 1/1955 thôi, bao gồm hai kỳ nghỉ Tết đầu năm dương lịch và Tết Nguyên đán cổ truyền, cùng với những trách nhiệm nặng nề như vừa nói, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết và cho đăng lên báo Đảng 32 bài báo. Số báo đầu năm, ra ngày 1/1/1955, ngoài Diễn văn trọng thể của Chủ tịch nước, có bài báo của C. B. với nhan đề Chúc mừng năm mới. Số ra ngày 2/1/1955, bài Ý kiến bạn đọc. Số ra ngày 3/1/1955, bài Đại hội Văn công. Số ra ngày 4/1/1955, bài Chiếc mề đay. Số ra ngày 5/1/1955, bài Một số thư khổng lồ, bài trả lời phỏng vấn Hãng thông tấn Press Trust of India. Số ra ngày 6/1/1955, bài Tự do kiểu Mỹ... Chắc hẳn để bù vào thời gian bận việc khác, có bảy ngày, trên cùng một số báo Đảng, in hai bài viết của Bác, một bài ký C. B., một bài ký T. L.

 

Cái duyên nợ của Bác Hồ đối với báo chí, như lời Người thân mật phát biểu với các đại biểu dự Đại hội lần thứ II Hội Nhà báo Việt Nam, là như thế!

Tất cả các bài viết của Bác Hồ thời gian này đều ngắn gọn, mỗi bài xử lý một chủ đề, nếu vấn đề dung lượng rộng lớn thì tách làm nhiều kỳ, mỗi kỳ tự nó vẫn là một bài báo hoàn chỉnh. Đúng một nửa (16/32 bài) dành cho các vấn đề đối nội, nửa còn lại bình luận quốc tế.

60 năm trước, các phương tiện truyền thông của ta còn hạn chế, trong khi báo chí các nước phát triển thông tin theo quan điểm của họ, chưa nói một số thù địch tìm mọi cách bưng bít, xuyên tạc. Các bài thông tin, bình luận quốc tế của Chủ tịch Hồ Chí Minh bám sát thời sự, thái độ đối với mọi vấn đề phải trái rành mạch, nhằm bồi dưỡng tri thức thời sự quốc tế cho cán bộ và định hướng dư luận nhân dân.

Các bài thời sự trong nước của Bác đa dạng, có bài liên quan đến đại sự quốc gia, có bài đề cập câu chuyện cụ thể trong cuộc sống thường ngày. Bài Khai bút (đăng số báo đầu năm) tác giả nêu bật các thắng lợi của nhân dân ta năm vừa qua và khẳng định: Việt Nam quyết giành nhiều thắng lợi trong cuộc đấu tranh hoà bình thống nhất đất nước.

Một số vấn đề được báo chí ta nay coi là “thời sự nóng hổi”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề cập 60 năm trước. Về trách nhiệm xã hội và đạo đức công dân, Người viết: Nhân dân có quyền lợi làm chủ, thì có nghĩa vụ làm tròn bổn phận công dân, giữ đúng đạo đức công dân... Trong kháng chiến, bộ đội ta anh dũng hy sinh xương máu, đồng bào ta hăng hái góp sức của sức người. Điều đó chứng tỏ nhân dân ta đã tự giác tự động làm tròn nghĩa vụ của người chủ nước nhà. Nhưng vẫn có một số người không làm đúng như vậy. Họ muốn hưởng quyền lợi mà không muốn làm nghĩa vụ. Thậm chí có những người muốn phá hoại pháp luật. “Chúng ta cần phải có giáo dục đạo đức công dân. Giáo dục là chính, nhưng đối với những kẻ ngoan cố không chịu sửa đổi thì chính quyền phải dùng phép luật". (Báo ND ngày 15/1/1955),

Về mối quan hệ giữa chính trị, xã hội và văn học, nghệ thuật, nhân Đại hội Văn công, Bác Hồ viết: "Xã hội thế nào, văn nghệ thế ấy. Văn nghệ dân tộc ta vốn rất phong phú, nhưng dưới chế độ thực dân và phong kiến, nhân dân ta bị nô lệ, thì văn nghệ cũng bị nô lệ, bị tồi tàn, không phát triển được... Ngày nay, chúng ta khen ngợi anh chị em văn công mặc đẹp, hát hay, múa khéo. Nhưng chúng ta cũng không quên những ngày khắc khổ trong mấy năm qua. Đêm sương giá lạnh, áo vá, quần nâu. Có người miệng nhai ngô, tay viết kịch, dưới những hang đá hoặc trong những lều tranh. Các "nghệ sĩ" thì vừa múa phục vụ dân công hoặc vừa đánh giặc vừa tập múa hát dưới làn bom đạn. Văn nghệ đã sinh trưởng trong kháng chiến. Đồng bào đi xem đều khen ngợi văn công khá. Mà khá thật. Khá nhất là ở chỗ đã tẩy hết những gì truỵ lạc, hủ bại của văn nghệ thực dân và phong kiến, đã nêu rõ được chừng nào tinh thần dũng cảm và sinh hoạt cần lao của nhân dân ta. (Báo ND ngày 3/1/1955).

Đấu tranh chống các hiện tượng tiêu cực trong xã hội, Bác Hồ nghiêm khắc lên án bọn đầu cơ nhân lúc Chính phủ tổ chức bán gạo cho nhân dân vùng thiếu ăn đã lợi dụng mua vét, tích trữ thóc gạo, thu lợi bất chính. (Bài Thôi đừng ích kỷ hại nhân, báo ND ngày 19/1/1955).

Từ tháng 10/1954, về Hà Nội, báo Nhân Dân xuất bản hằng ngày, mở chuyên mục Ý kiến bạn đọc. Theo dõi cách làm và nội dung trên báo, quan tâm đến ý kiến người dân, ngày mở đầu năm mới Bác Hồ viết: Ý kiến của bạn đọc thể hiện mối quan tâm của độc giả đối với công việc chung của xã hội, những điều bạn đọc góp ý đúng cần được cơ quan, tổ chức, địa phương có liên quan sửa chữa, thực hiện ngay, các cơ quan chức năng phải tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện đó. Và kết luận: "Ý kiến bạn đọc là những ý kiến đấu tranh. Cái mới đấu tranh với cái cũ, cái tốt đấu tranh với cái không tốt. Đấu tranh thì phải đấu tranh đến kết quả thắng lợi. Như thế Ý kiến bạn đọc mới thật bổ ích" (báo ND ngày 2/1/1955).

Ngày nay đọc lại những bài trên báo 60 năm về trước, giả thử người đọc chưa biết các tác giả C.B., T.L., H.B., Chiến sỹ…là ai, hẳn đã tưởng đó là một nhà báo chuyên nghiệp trẻ năng động, xông xáo ở tất cả các tuyến đầu của đất nước, "phủ sóng" vừa đối nội và đối ngoại. Các bài báo dù viết theo thể loại nào: thông tin, bình luận, tiểu phẩm, có khi là văn vần theo lối ca dao, văn chương bình dị. Nội dung bám sát thời cuộc và nhịp sống đời thường, sâu sát, cụ thể, tính đấu tranh cao, phải trái rõ ràng, lúc nào cũng thấu tình đạt lý, đậm tính nhân văn. Làm sao biết, nhà báo ấy chính là vị nguyên thủ đang gánh vác trọng trách quốc gia, là lãnh tụ của nhân dân, Đảng và Nhà nước ta!./.

------------------------

 [1] Từ 21/7/1954, ngày ký Hiệp định Genève đến cuối năm 1954, trong khoảng thời gian hơn 5 tháng, Văn phòng Chủ tịch nước tiếp nhận 1.184.000 thư của người dân gửi Bác Hồ, trong đó có 6.748 bức gửi từ miền Nam chia cắt (Báo Nhân Dân ngày 5/1/1955).

 

Nhà báo Phan Quang

http://vov.vn/chinh-tri/chu-tich-ho-chi-minh-mot-nha-bao-sac-sao-401846.vov


  Các Tin khác
  + Chân dung 2 giáo sư Việt được bầu là viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Thế giới (06/12/2024)
  + Gia đình danh giá bậc nhất Việt Nam: Con cháu thừa hưởng "mã gen tài năng" (02/12/2024)
  + 7 điều tuyệt diệu khiến bạn luôn tự hào khi nhắc đến hai tiếng Việt Nam (11/08/2024)
  + Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/07/2024)
  + Ai là người đặt tên đất nước ta là Việt Nam: Ý nghĩa là gì? (30/06/2024)
  + Hình ảnh thiêng liêng lễ diễu binh ở Thị trấn Trường Sa (08/06/2024)
  + Trường Sa luôn đặc biệt từ những điều nhỏ nhất (26/05/2024)
  + Thế trận Đường Trường Sơn góp phần làm nên thắng lợi Chiến dịch mùa Xuân 1975 (18/05/2024)
  + 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ Lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/05/2024)
  + Khám phá 22 hang động kỳ vĩ mới được phát hiện tại Quảng Bình (19/04/2024)
  + 18 đời vua Hùng gồm những ai? Tên gọi chính xác của các vị vua là gì? (17/04/2024)
  + Ảnh ấn tượng về các lực lượng tham gia diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (05/04/2024)
  + 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ Đại tướng Phan Văn Giang: Vũ khí cá nhân mới của quân đội tốt hơn AK47 (05/04/2024)
  + Chiêm ngưỡng sắc đỏ của cây hoa gạo trăm tuổi "đẹp nhất" Ninh Bình (03/04/2024)
  + Hoa gạo rực đỏ bên ngôi chùa cổ kính nghìn năm tuổi ở Hà Nội (23/03/2024)
  + Những bông hoa y tế vùng cao và chuyện băng rừng trong đêm đi đỡ đẻ (06/03/2024)
  + Kỷ niệm 80 ngày thành lập QĐNDVN: Sẽ tổ chức Triển lãm Quốc phòng quốc tế và mít tinh cấp Nhà nước (26/01/2024)
  + MŨI NÉ VÀO TOP ĐIỂM BAY KHINH KHÍ CẦU ĐẸP NHẤT THẾ GIỚI (02/04/2023)
  + Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: (12/03/2023)
  + Hàng nghìn người khai hội gò Đống Đa xuân Quý Mão (26/01/2023)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 1
Total: 66008436

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July