Trang chủ Liên hệ       Thứ hai, Ngày 23/12/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
  -  Con Người Việt Nam
  -  Đất Nước Việt Nam
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Việt Nam Đất Nước Con Người > Con Người Việt Nam >
  Nhà báo Vĩnh Trà – Người chép sử Đài Tiếng nói Việt Nam Nhà báo Vĩnh Trà – Người chép sử Đài Tiếng nói Việt Nam , Người xứ Nghệ Kiev
 

VOV.VN -Không chỉ viết sử nhà Đài, Vĩnh Trà còn được bạn đọc biết đến là một nhà văn với nhiều tập bút ký, truyện ngắn, tiểu thuyết…

Trên đời này, hiếm có người tìm được nửa thứ hai của mình mà lại hợp đến thế. Nó không chỉ hợp từ cái nhìn, từ ánh mắt, nụ cười  đầu tiên, mà còn cả về hoàn cảnh, thân phận cuộc đời của hai con người vốn lạ hoắc, lạ huơ. Tôi thốt lên đúng là một “cặp đôi hoàn hảo”. Anh  bảo phải nói  là “cặp đôi chưa hoàn hảo” thì mới có cái để nói chứ. Tiếng cười xốn xang cả một góc vườn nhỏ. Cặp đôi vợ chồng hạnh phúc đó là Trần Đức Nuôi (Vĩnh Trà) và Phạm Thanh Trà.

Một cặp “trời sinh”

Cuộc đời của anh chị có nhiều mảnh ghép giống nhau, thậm chí trùng lắp đến kỳ lạ. Anh sinh ra tại làng Thượng Lập, xã Vĩnh Long của huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị. Chị ra đời trên đất Mỹ Lâm, xã Quảng Đại, Quảng Xương, Thanh Hoá. Anh lên 3 thì cha mất. Chị lên 2 thì mồ côi mẹ.

Nhà báo Vĩnh Trà

Thời hai anh chị đi học vỡ lòng người dân có câu là “chết chóc mọc chồi”, nghĩa là trong chiến tranh, bom đạn, chết chóc vẫn phải nuôi dưỡng những chồi non cho thế hệ mai sau.

Anh hơn chị hai tuổi, nhưng vì anh đi học muộn hơn nên cả hai thi tốt nghiệp phổ thông cùng một năm, nhập trường đại học cùng một ngày và vào học cùng một lớp. Cái ngày thi tốt nghiệp cấp 3, (đầu hè năm 1966) anh còn nhớ như in đề thi văn lúc ấy “Trong tác phẩm Sống như Anh của nhà văn Trần Đình Vân có câu: “Nếu còn đế quốc Mỹ thì sẽ không có ai còn hạnh phúc”, anh (hay chị) hãy phân tích và chứng minh điều đó”. Phòng thi được sơ tán về xã Vĩnh Tân, nằm giữa Hiền Lương và Cửa Tùng. Đúng lúc đang chép đề thi thì máy bay Mỹ  ném bom dữ dội cầu Hiền Lương. Thế là toàn bộ nội dung bài thi trở thành một bài tường thuật tại chỗ sự kiện Mỹ ném bom giới tuyến Vĩnh Linh gây ra bao cái chết tức tưởi, thương tâm, chà nát bao đôi lứa đang hạnh phúc… Thi xong, bạn bè bảo, mày lạc đề rồi. Anh lo lắng, mất ăn, mất ngủ, thấp thỏm chờ đợi, cuối cùng, đó lại là bài thi có điểm số cao. Anh được chọn đi du học ở Đông Âu.

Cùng thời điểm đó, ở hội đồng thi tốt nghiệp cấp 3 huyện Quảng Xương, cô học trò Thanh Trà mảnh dẻ cũng đủ điểm để xuất ngoại. Thế nhưng vì cân nặng của cả hai người đều quá khiêm tốn, nên cả hai đều trượt “vụ” xuất ngoại đầu đời.

Cả hai được chọn vào khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội, sau này mới biết do một tay cô giáo Huyền tuyển lựa.

Tháng 10 năm 1970, tốt nghiệp ra trường, anh nhận công tác tại Ban Biên tập CP 90 (mật danh của Đài phát thanh Giải phóng A) chị làm việc tại phòng Biên tập phát thanh Công nhân của Đài Tiếng nói Việt Nam.

Cặp đôi "trời sinh"

Chiều ngày 21 tháng 3 năm 1971, CP 90 tổ  chức mít tinh chào mừng chiến thắng Đường Chín Nam Lào cũng là ngày họ nên duyên chồng vợ. Đám cưới thời chiến đơn sơ, giản dị, có mặt gia đình, cơ quan, bạn bè giữa khu tập thể nghèo, thiếu thốn trăm bề, nhưng không thiếu niềm vui và sự cưu mang, đùm bọc. Họ chỉ thiếu một căn phòng riêng nho nhỏ để ở. Vậy là chiếc giường dẻ quạt được mua theo tiêu chuẩn “hạnh phúc” phải tạm để nhờ bà Trưởng phòng Thu Oanh.

Chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ ngày càng ác liệt. Cả hai đều trở thành phóng viên chiến trường thực sự. Anh khoác ba lô lên đường đi B dài, viết tin bài phản ánh tình hình chiến sự tại mặt trận Trị Thiên - Huế. Còn phóng viên Thanh Trà, lúc ấy đã sắp làm mẹ, vác cả bụng bầu đi phản ánh vụ máy bay Mỹ đánh kho xăng dầu Đức Giang. Lúc này, cả nước là chiến trường. Bom đạn ác liệt là thế, nhưng trong những phút tĩnh lặng, tình yêu của đôi vợ chồng trẻ lại được kết thành những vần thơ mộc mạc, xúc động đến nao lòng:

Anh dặn em trời mưa đừng đi

Đường lầy trơn, nhiều nguy hiểm lắm

Nơi ấy xa xôi, thiếu người bầu bạn

Ở nơi này, anh áy náy không yên…

Lời anh dặn, em không nỡ quên

Nhưng trời mưa, đường trơn em vẫn bước

Việc đang cần không đi, không được

Đừng giận em nghe, thời gian gấp lắm rồi…

(Mắt lạnh - tập thơ văn chọn lọc của Thanh Trà - 2008- tr 133)

Nói tình cờ cũng được mà tất yếu cũng chả sai. Ấy là năm 1983, lần đầu tiên Hội Nhà báo Việt Nam trao giải thưởng báo chí toàn quốc, anh chị đều đoạt giải Nhì. Thấm thía những năm tháng chồng ở chiến trường, một mình sinh nở, nuôi con, với giọng văn đầy cảm xúc, nhà báo Thanh Trà viết bút ký “Ươm đẹp những mầm Xuân” ca ngợi một người vợ liệt sỹ đã vừa thay chồng nuôi 6 người con khôn lớn, trưởng thành vừa đeo đuổi học tập, tốt nghiệp đại học. Nhân vật chính của bút ký nhận tác giả làm con nuôi.

Còn Vĩnh Trà lặn lội, đào bới nơi miền Than đá, vàng đen của Tổ quốc, bằng tư duy phản biện đã thành công trong phóng sự điều tra “Món nợ đất đá”. Hồi ấy, người ta ngại nói thẳng, nói thật những mâu thuẫn trong nội bộ giữa khoa học kỹ thuật và quản lý, nhưng tác giả đã nói thật, nói thẳng. Vì lẽ ấy mà tác phẩm đoạt giải thưởng. Một cây bút thiên về tình cảm, một tư duy phản biện, thẳng thắn, tưởng như trái cựa nhau, nhưng họ đã gặp nhau trong một “cặp đôi…”.

Người chép sử nhà Đài

“Nằm ngửa, ngắm trăng và nghe đài… ngoài kia con sông Hồ Xá êm ả trôi, tôi như thấy trên bầu trời xanh có một con sông vô hình cũng đang chảy miệt mài theo thời gian. Tôi gọi làn sóng phát thanh là “Dòng sông trên cao”, tác giả Vĩnh Trà viết lời tựa cho cuốn bút ký tư liệu DÒNG SÔNG TRÊN CAO của mình như thế.

Trong căn phòng nhỏ, tại ngõ nhỏ, 58 đường Hoàng Mai, Hà Nội, anh ngồi lọt thỏm trong “núi” tài liệu, mà toàn là về Đài Tiếng nói Việt Nam. Anh bảo, 37 năm làm báo, anh dành trọn cho phát thanh. Không phải thuần tuý là dành thời gian, mà anh dành cả trí tuệ, tâm huyết cho nghiệp phát thanh. Cái “kho” tư liệu đồ sộ về Đài phần lớn có được từ cái tính tò mò của người sưu tầm cần mẫn.

 

Hễ cứ gặp những bậc cao niên, lão thành xây nền đắp móng cho nhà Đài là anh đều tranh thủ hỏi chuyện và ghi chép lại một cách tỷ mỉ. Thế mới có được những chi tiết “năm 1958, quê anh có cái loa phóng thanh màu trắng đục, đặt giữa chạc ba của cây mít sau nhà”, rồi chuyện tung hoả mù của bộ đội hoá học để che cột ăng ten Đài Mễ Trì năm 1972; chuyện Đài thu thanh chạy bằng… dầu hoả ở Xứ Nghệ…

Mười sáu năm làm việc tại Ban Thư ký biên tập - Đài Tiếng nói Việt Nam, là thời gian anh dành nhiều tâm huyết nhất cho việc “chép sử” của nhà Đài. Vào dịp kỷ niệm 50 năm thành lập (1995), với tư cách là Trưởng Ban Thư ký biên tập, anh làm chủ biên cuốn hồi ký của nhiều tác giả: “Nửa thế kỷ Tiếng nói Việt Nam” được Thủ tướng Phạm Văn Đồng viết lời tựa. Những năm sau đó, anh chủ biên một số ấn phẩm khác như  “Tiếng nói Việt Nam - cầu nối Đảng với dân” đăng các bài nói, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; rồi đến cuốn “Trong lòng tôi, tiếng nói Việt Nam”; “Đài phát thanh Giải phóng A, một thời để nhớ”. 

Ngay trong những ngày đầu năm 2015 này, anh đang “đánh vật” với 2 cuốn sách, với vai trò chủ biên. Một cuốn viết về lịch sử 70 năm Đài Tiếng Nói Việt Nam, một cuốn  viết về Bác Hồ với Đài Tiếng nói Việt Nam. Ngoài ra anh còn tham gia cuốn sách “VOV - người và nghề” nhân kỷ niệm 70 năm thành lập Đài Tiếng nói Việt Nam (7/9/1945 - 7/9/2015).

Trong tâm thức của anh, Đài Tiếng nói Việt Nam là một kho tàng vô giá. Kho tàng ấy không chỉ chứa đựng tất cả lịch sử phát triển của một tờ Báo Nói Quốc gia, mà còn là nhân chứng lịch sử, phản ánh  đất nước, văn hóa, con người Việt Nam. Kho tàng ấy có nhiều “báu vật” như là được Bác Hồ sáng lập và quan tâm chăm sóc.

Khi mới thành lập, Bác còn dành thời gian để đọc các tin, bài quan trọng với những lời phê thường chỉ là một từ “được” hoặc “dại” (tức là chưa khôn). Tìm trong kho báu của Đài là lớp lớp thính giả truyền thống, vừa là cộng tác viên, vừa là người bảo vệ, che chở Đài trong mọi tình huống, là lớp thính giả mới, trẻ trung, năng động đang làm chủ công nghệ hiện đại, đòi hỏi rất, rất nhiều ở nhà Đài, một cơ quan truyền thông đa phương tiện. Anh bảo, trong thời đại bùng nổ thông tin truyền thông, quy luật “phi đại chúng hóa” tác động mạnh mẽ trên toàn cầu mà có tới 20 - 30 phần trăm dân số nghe Đài là quý lắm rồi.

Không chỉ viết sử nhà Đài, Vĩnh Trà còn được bạn đọc biết đến là một nhà văn với nhiều tập bút ký, truyện ngắn, tiểu thuyết, như: Mưa chiều đất cuối, Con đường nắng lửa, Khoảnh khắc nắng, Dòng sông trên cao, Hoa Khát,  Dầu máu, Cháy, Một ngày và một giờ, Đạo trời trong gang tấc. Miền đất đau đáu trong tác phẩm của Vĩnh Trà là đất lửa Vĩnh Linh. Lần đầu tiên đặt chân lên đất Mỹ, đứng bên bờ sông Pôtômac, anh nghĩ về dòng Bến Hải với nhịp cầu Hiền Lương, nơi “lẩy đàn” của Tổ quốc. Những nhân vật mà anh tâm đắc không thể thiếu nhà báo chiến tranh mang máy ghi âm.

Nói về đường đi làm báo viết văn, Vĩnh Trà thủ thỉ: Khi tin chưa hết ý thì viết phóng sự, phóng sự không chứa hết nội dung thì chuyển sang bút ký. Khi tâm đắc một điều gì đó sâu sắc hơn thì nhờ truyện ngắn nói hộ và khi đủ vốn sống, trải nghiệm, bút lực thì viết tiểu thuyết.

Đọc, nghe, đi, chiêm nghiệm và viết là công việc thường xuyên để sống vui và có ích hơn. Nghỉ hưu, anh nghe và viết nhiều hơn. Ý nghĩ của anh thật dung dị “Có một nghề không hưu, đó là nghề báo”. Anh “bật mí” là kỷ niệm 10 năm nghỉ hưu sẽ kính cáo bạn nghề cuốn “Nghề không hưu”.

Lời cuối sách (văn hay báo), Vĩnh Trà thường viết: “Dù chỉ có ích một chút cho bạn đọc qua cuốn sách này thì tác giả đã cảm ơn lắm lắm rồi”./.

Tạ Toàn/VOV4

http://vov.vn/xa-hoi/nha-bao-vinh-tra-nguoi-chep-su-dai-tieng-noi-viet-nam-380607.vov

 


  Các Tin khác
  + Chân dung 2 giáo sư Việt được bầu là viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Thế giới (06/12/2024)
  + Gia đình danh giá bậc nhất Việt Nam: Con cháu thừa hưởng "mã gen tài năng" (02/12/2024)
  + 7 điều tuyệt diệu khiến bạn luôn tự hào khi nhắc đến hai tiếng Việt Nam (11/08/2024)
  + Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/07/2024)
  + Ai là người đặt tên đất nước ta là Việt Nam: Ý nghĩa là gì? (30/06/2024)
  + Hình ảnh thiêng liêng lễ diễu binh ở Thị trấn Trường Sa (08/06/2024)
  + Trường Sa luôn đặc biệt từ những điều nhỏ nhất (26/05/2024)
  + Thế trận Đường Trường Sơn góp phần làm nên thắng lợi Chiến dịch mùa Xuân 1975 (18/05/2024)
  + 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ Lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/05/2024)
  + Khám phá 22 hang động kỳ vĩ mới được phát hiện tại Quảng Bình (19/04/2024)
  + 18 đời vua Hùng gồm những ai? Tên gọi chính xác của các vị vua là gì? (17/04/2024)
  + Ảnh ấn tượng về các lực lượng tham gia diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (05/04/2024)
  + 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ Đại tướng Phan Văn Giang: Vũ khí cá nhân mới của quân đội tốt hơn AK47 (05/04/2024)
  + Chiêm ngưỡng sắc đỏ của cây hoa gạo trăm tuổi "đẹp nhất" Ninh Bình (03/04/2024)
  + Hoa gạo rực đỏ bên ngôi chùa cổ kính nghìn năm tuổi ở Hà Nội (23/03/2024)
  + Những bông hoa y tế vùng cao và chuyện băng rừng trong đêm đi đỡ đẻ (06/03/2024)
  + Kỷ niệm 80 ngày thành lập QĐNDVN: Sẽ tổ chức Triển lãm Quốc phòng quốc tế và mít tinh cấp Nhà nước (26/01/2024)
  + MŨI NÉ VÀO TOP ĐIỂM BAY KHINH KHÍ CẦU ĐẸP NHẤT THẾ GIỚI (02/04/2023)
  + Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: (12/03/2023)
  + Hàng nghìn người khai hội gò Đống Đa xuân Quý Mão (26/01/2023)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 3
Total: 66009993

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July