Trang chủ Liên hệ       Thứ hai, Ngày 23/12/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
  -  Con Người Việt Nam
  -  Đất Nước Việt Nam
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Việt Nam Đất Nước Con Người > Con Người Việt Nam >
  Huyền thoại về vị tướng tình báo được phong hàm lúc nửa đêm Huyền thoại về vị tướng tình báo được phong hàm lúc nửa đêm , Người xứ Nghệ Kiev
 

Sớm giác ngộ cách mạng, ông tham gia tổ chức Thanh niên Cứu quốc, cướp chính quyền ở Hóc Môn khi tuổi đời còn rất trẻ. Sau năm 1945, giặc Pháp quay trở lại Nam Bộ, ông gia nhập lực lượng trinh sát Quân khu 7 và lập nhiều chiến công vang dội.


Thiếu tướng Ba Trần
Thiếu tướng Ba Trần

Cũng từ đó, cuộc đời ông gắn với nghề chỉ huy lực lượng trinh sát, tình báo, biệt động, đặc công của Quân giải phóng Miền Nam cho đến ngày Sài Gòn giải phóng, đất nước thống nhất.

Lịch sử đã ghi nhận công lao và vinh danh ông hai lần đặc biệt trong sự nghiệp và cuộc đời người chỉ huy tài ba, đó là: Ngay trong đêm 30/4/1975, Sài Gòn giải phóng, Chính ủy Trung ương Cục Miền Nam Phạm Hùng đã thay mặt Bộ Chính trị, Trung ương Cục Miền Nam phong hàm Thiếu tướng. Năm 1990, công trình Thủy điện Trị An hoàn thành đưa điện vào lưới quốc gia, ông được Nhà nước tuyên dương trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.

Ông là Thiếu tướng Trần Văn Danh (tên thân mật thường gọi là Ba Trần), ông còn mang nhiều tên gọi khác như: Trần Văn Ba, Trần Văn Bá, Trần Quốc Minh… một người con của quê hương 18 thôn vườn trầu Bà Điểm, Hóc Môn.

Cậu học trò Trường Bá Nghệ…

Theo lời kể lúc sinh thời của ông Ba Trần, cha mẹ ông lấy nhau không được ông nội thừa nhận. Mẹ con ông phải sống riêng côi cút ở Bà Điểm - Hóc Môn. Cha ông rất thương vợ con nhưng lễ giáo phong kiến còn khắt khe nên chỉ biết tìm đủ mọi cách để đến thăm vợ con thường xuyên và không dám ở lâu.

Lúc bấy giờ, phong trào yêu nước ở 18 thôn vườn trầu diễn ra rất mạnh mẽ. Nhà nhà đi theo cách mạng, người người đi theo cách mạng. Cha ông sớm giác ngộ và đi theo cách mạng. Do vậy, từ khi còn là cậu bé học sinh trường làng, cha ông đã giao nhiệm vụ đưa truyền đơn, rải truyền đơn kêu gọi ủng hộ Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời năm 1930.

Năm lên 16 tuổi, anh học trò Trần Văn Bá thi đậu vào trường Bá Nghệ - Sài Gòn (nay là Trường Kỹ thuật Cao Thắng). Thời đó, không phải ai cũng có cơ hội học hành, đỗ đạt như vậy. Vốn say mê nghề xây dựng, kiến trúc đang là thời thượng lúc bấy giờ nên Trần Văn Bá dành dụm tiền mua thêm các loại sách Pháp về các môn toán, lý, hóa mang về nhà tự nghiên cứu, mày mò và học thêm. Để có thêm tiền đi học ở Sài Gòn, bớt gánh nặng cho gia đình, ban ngày Bá nhận vẽ các mẫu thiết kế xây dựng của các văn phòng kiến trúc sư, buổi tối tranh thủ làm thêm nghề cơ khí. Tuy còn phải đi học và làm lụng vất vả, nhưng Trần Văn Bá bao giờ cũng đầy lòng tự trọng, tự tôn dân tộc.

Có một lần từ Chợ Quán đạp xe về nhà, khi ngang qua rạp hát Trần Văn Hảo (nay là Rạp Công Nhân), cậu học trò Trường Bá Nghệ nhìn thấy cảnh bọn lính Nhật đứng tắm trần truồng trước bàn dân thiên hạ và cười nói khoái trá rất chướng tai, gai mắt. Trong đám người ấy có cả người Việt tay sai. Bá thấy nhục nhã và cảm thấy như bị người khác sỉ nhục nên nói với một tên tay sai: “Nghe nói người Nhật tự xưng là cường quốc, văn minh mà sao lại tắm truồng giữa phố như vậy?”. Tên lính nghe chưa rõ hỏi lại Bá: “Ê, thằng nhỏ kia, mày vừa nói cái gì, nhắc lại tao nghe?”. Bá bình tĩnh chẳng sợ, nói lại từng lời. Nghe xong, tên này nói thì thầm với thằng lính Nhật rồi trả lời: “Tắm truồng không có gì là xấu. Mất nước mới là nhục, thằng nhỏ”.

Bá nghe nó nói vậy, giận run người. Nhưng, chính câu nói của tên lính Nhật đã làm cho cậu học trò quê hương Bà Điểm - Hóc Môn hiểu ra một chân lý: Một dân tộc bị mất nước, bị ngoại bang thống trị mới đúng là nỗi nhục lớn nhất! Cậu đạp xe như bay về nhà mặt buồn thiu, chán học, chán ăn mấy hôm liền.

… tiếp bước cha anh đi làm cách mạng

Vào tháng 7/1945, Bá tham gia vào tổ chức Thanh niên Cứu quốc đang còn hoạt động bí mật tại Bà Điểm – Hóc Môn. Khi Cách mạng Tháng Tám bùng nổ, Trần Văn Bá cùng lực lượng Thanh niên Cứu quốc tổ chức đứng lên cướp chính quyền ở Hóc Môn, rồi vận động quần chúng kéo về trung tâm TP Sài Gòn hòa cùng hàng vạn người dân để biểu dương lực lượng ở vườn Ông Thượng (vườn hoa Tao Đàn ngày nay).

Không bao lâu, đúng ngày 23/9/1945, thực dân Pháp quay trở lại chiếm đánh Nam Bộ. Trần Văn Bá tình nguyện gia nhập Đội trinh sát của khu 7 và đã lập nhiều chiến công xuất sắc, nhiều lần thoát hiểm trong gang tấc. Năm 1948, Trần Văn Bá được vinh dự đứng trong hàng ngũ Đảng Cộng sản, do yêu cầu bí mật của tổ chức, Trần Văn Bá được đổi tên thành Trần Văn Danh (bí danh Ba Trần).

Thời gian đầu kháng chiến chống Pháp, Ba Trần đã cùng nhóm quân báo bí mật đi về Bửu Long, ở tại một làng ven sông Đồng Nai nằm sát Biên Hòa, tìm cách tiếp cận, tạo mạng lưới cộng tác viên và nắm tin tức tình báo. Bởi, Biên Hòa là nơi đang bị quân Pháp tạm chiếm đóng và đặt hầu hết các cơ quan hành chánh, quân sự của chính quyền tay sai.

Một thời gian, bọn Pháp “đánh hơi” phát hiện nhóm quân báo của Việt Minh đêm xuống thường lui tới khu vực Bửu Long nên đem lính phục kích. Một bác nông dân là cơ sở cách mạng nhận ra được mối nguy hiểm chết người này đã chờ cho nhóm quân báo sắp đến, xách cây đèn dầu giả bộ như đi soi ếch để bước vào ổ phục kích của giặc. Bọn lính Pháp đang nằm dưới ruộng bị một ông già đi soi ếch đạp lên đầu, giận quá đứng bật dậy chửi bới om sòm. Thế là đằng xa, nhóm quân báo Việt Minh thoát êm.

Một lần nọ ở ngay thị xã Biên Hòa, nhóm quân báo cùng với Ba Trần sắp rơi vào ổ phục kích mà không biết. Thấy vậy, một bà mẹ bán hàng bảo đứa con chạy trước, còn bà cầm roi chạy theo, cùng chạy về phía nhóm quân báo đang trú quân. Lúc chạy qua, bà không chửi bới đứa con nữa mà la lên: “Các chú đi mau lên! Bọn hiến binh, biệt kích sắp đi tới rồi đó!”.

Thiếu tướng Ba Trần thời trẻ

Nhờ gan dạ, xông xáo khắp nơi cũng như sự chở che, đùm bọc của đồng bào, Ba Trần cùng nhóm tình báo đã lập nhiều chiến công. Thu thập chính xác các hoạt động quân sự chính trị của Pháp và tay sai giúp cho bộ đội ta tránh địch và đánh bất ngờ làm địch trở tay không kịp.
Năm 1949, Ba Trần được đề bạt làm Tham mưu phó kiêm Trưởng ban quân báo liên tỉnh Thủ - Biên. Ở cương vị này, Ba Trần ngày càng phát huy khả năng đặc biệt của mình trong nhiệm vụ tình báo. Vì vậy, đến năm 1954, Ba Trần được đề bạt làm Phó Chính ủy kiêm Bí thư Trung đoàn 556 - một đơn vị bộ đội lừng lẫy những chiến công đánh Pháp ở miền Đông Nam Bộ.

Hiệp định Giơ-ne-vơ ký kết, Phó Chính ủy Ba Trần được lệnh tập kết ra Bắc với quân hàm thiếu tá. Tại miền Bắc, Thiếu tá Trần Văn Danh được bố trí học văn hóa trở lại và sau đó được chọn vào học Trường An ninh, đào tạo bài bản về công tác tình báo, người sĩ quan miền Nam này có khá nhiều kinh nghiệm thực tiễn để chuẩn bị về Nam chiến đấu.

… trở thành người chỉ huy tình báo

Vào cuối năm 1960, Ba Trần nhận lệnh vượt Trường Sơn về miền Nam chiến đấu. Con đường Trường Sơn đưa đoàn trở lại chiến trường miền Nam muôn vàn cực khổ, hiểm nguy. Rất nhiều đoạn máy bay địch bắn phá ác liệt, đoàn về Nam phải “ngày nghỉ, đêm đi”. Những trận mưa rừng, nắng lửa, gió Lào quất vào da thịt cùng với muỗi, vắt, dốc sâu, đèo trơn… khiến nhiều anh lính trẻ to lớn, vạm vỡ như Ba Trần bị viêm phổi nặng. Đoàn cán bộ quân sự đầu tiên từ miền Bắc vào Nam về căn cứ Trung ương Cục đều đã đói lả, bệnh tật rệu rã... Nhưng ngay sau đó, những con người ưu tú ấy trở thành vốn quý để thành lập Ban Quân sự Miền do đồng chí Trần Văn Quang làm Trưởng ban. Ba Trần được phân công làm Trưởng ban tình báo chiến lược.

Việc đầu tiên Ba Trần phải làm là bắt tay xây dựng lại ngành tình báo cách mạng bằng cách tuyển chọn cán bộ từ Ban địch tình. Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, với chính sách tố cộng vô cùng dã man và Luật 10/59 lê máy chém khắp miền Nam, chính quyền Ngô Đình Diệm đã bắt, giết, bỏ tù hàng loạt cán bộ tình báo, quân báo cách mạng.

Ba Trần tổ chức điều tra, nghiên cứu thật kỹ và lợi dụng sự sơ hở của địch, những mâu thuẫn nội bộ trong giới chính quyền và quân đội Sài Gòn đang lúc rối ren, phức tạp, “tranh quyền đoạt ghế” để giải cứu các cán bộ tình báo đang bị giam cầm rồi bố trí hoạt động trở lại.

Sau đó, Ba Trần đã từng bước nắm chắc mạng lưới, tổ chức “cài cắm” chiến sĩ tình báo tài giỏi vào các cơ quan đầu não của Mỹ, Ngụy như: Dinh Độc Lập (Phủ Tổng thống), Tòa đại sứ Mỹ, Bộ Tổng tham mưu quân lực Việt Nam Cộng hòa, cơ quan Đặc ủy Trung ương tình báo, Bộ Tư lệnh Hải quân ngụy, Bộ Tư lệnh Đệ nhất Hạm đội Hoa Kỳ...

Ban tình báo chiến lược đã thu thập, khai thác được nhiều thông tin tối mật của chính quyền đầu não Sài Gòn và CIA Mỹ, kịp thời báo cáo, phục vụ cho việc chỉ đạo chiến tranh của Quân ủy và Bộ Chỉ huy Miền, Trung ương Cục, Bộ Chính trị và Trung ương Đảng. 
Ông được vinh dự tham gia vào Ban liên lạc quân sự bốn bên thực thi Hiệp định Pa-ri tại trại Davis. Đầu tháng 1/1973, tại Sở Chỉ huy Miền, Ba Trần đã nhận được chỉ thị của Trung ương cùng với Tư lệnh Trần Văn Trà, bàn bạc chọn nhân sự, phân công, chuẩn bị tài liệu, phương tiện thông tin liên lạc, dự kiến tình huống bất trắc... để về Sài Gòn tham gia vào Ban liên lạc quân sự bốn bên thực thi Hiệp định Pa-ri tại trại Davis.

Ngày 1/3/1973, ba đợt trực thăng của Mỹ đã đáp xuống sân bay Lộc Ninh để rước đoàn về Sài Gòn. Đồng bào Lộc Ninh đến đưa tiễn rất đông với cờ, hoa, biểu ngữ giăng đầy và nồng nhiệt chúc mừng đoàn. Trưởng đoàn là Trung tướng Trần Văn Trà, các Phó trưởng đoàn gồm đại tá Võ Đông Giang, đại tá Đặng Văn Thu (Đoàn Huyện), đại tá Trần Quốc Minh (Ba Trần) cùng các ủy viên như Nguyễn Văn Sĩ, Nguyễn Văn Hoàn, Dương Đình Thảo, Nguyễn Văn Tòng, Nguyễn Văn Tư... Thành phần của phái đoàn ta, tình báo quân sự Mỹ đều nhận ra hầu hết là... “người quen”, duy chỉ có một người mà chúng hơi ngờ ngợ, đó là đại tá Trần Quốc Minh, Phó trưởng đoàn kiêm Trưởng tiểu ban hai bên.

Vừa triển khai phương án phòng thủ ở trại Davis xong, linh cảm của một cán bộ tình báo lão luyện mách cho Ba Trần biết là bọn CIA đang ráo riết truy cứu lý lịch của ông và gia đình, sớm muộn gì chúng cũng sẽ phát hiện. Ba Trần liền bí mật báo cho vợ là Nguyễn Thị Hoa đang sống cùng con ở Hóc Môn phải cấp tốc vào Khu căn cứ. Đúng như dự đoán, bà Hoa cùng các con vừa chuyển đi đêm trước thì sáng hôm sau bọn mật vụ, cảnh sát chìm đã ập đến tận nhà. Lúc này, chúng mới biết được chân tướng của “nhân vật” khả nghi này không xa lạ gì với bọn CIA Mỹ, Ngụy. Nói như Frank Snepp - chuyên gia cao cấp phân tích tin tức tình báo của CIA ở Việt Nam đã đánh giá, nhân vật này là một trong bốn nhà tình báo “gộc” của Việt Nam.

Phong hàm tướng lúc nửa đêm…

Ba Trần là người chỉ huy trực tiếp đánh chiếm núi Bà Đen (Tây Ninh) đẩy quân địch vào thế bị động. Trước những thắng lợi liên tiếp của quân và dân miền Nam trong năm 1974, đặc biệt là trên chiến trường Tây Ninh. Ngụy quyền Sài Gòn  phán đoán, Tây Ninh là địa bàn trọng điểm, “Việt Cộng” sẽ đánh chiếm Tây Ninh để xây dựng thủ đô của Chính phủ lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam. Vì vậy, chúng đã ném toàn bộ Sư đoàn 25, Lữ đoàn biệt kích 81, Thiết đoàn kỵ binh số 3, Sư đoàn 18… vào  chiến trường Tây Ninh để đối phó với ta.

Đỉnh núi bà Đen được xác định là vị trí chiến lược quan trọng của địch. Nơi đây là một trung tâm viễn thông chiến lược quốc tế, thu tin mã thám và là đài không lưu thông báo hướng dẫn chỉ đường cho máy bay B.52 cùng các loại chiến đấu cơ của Mỹ - Ngụy ném bom oanh tạc ở miền Bắc nước ta và nước bạn Campuchia, Lào. Ta đưa đơn vị đặc nhiệm Miền do Ba Trần trực tiếp chỉ huy tấn công tiêu diệt cứ điểm quân sự này. Đêm 6/1/1975, các mũi tấn công của quân ta đồng loạt nổ súng. Sau vài giờ chiến đấu quyết liệt, ta đã hoàn toàn làm chủ trận địa. Cờ mặt trận Giải phóng được cắm trên đỉnh núi Bà Đen vào rạng sáng 7/1/1975. Từ điểm cao gần 1.000m này, các đơn vị pháo binh quân giải phóng đã khống chế toàn bộ khu vực Thị xã Tây Ninh, Chi khu Phú Khương và Căn cứ Trảng Lớn… của địch.

Mất điểm cao lợi hại này đã đẩy quân ngụy ở Tây Ninh vào thế bị động phòng ngự. Đích thân tướng Cao Văn Viên, Tổng Tham mưu trưởng ngụy đã bay lên Tây Ninh thị sát mặt trận và bàn kế hoạch tái chiếm núi. Nhưng, mọi cố gắng của chúng đều không mang lại kết quả.

Cùng với chiến thắng Bà Rá đã tạo nên giai thoại của bộ đội trong những ngày mở màn Tổng tấn công mùa Xuân năm 1975 khá thú vị là: “Ba ông giải phóng hai bà”. Ba ông là Tướng Hoàng Cầm (Năm Thạch), Tướng Nguyễn Minh Châu (Năm Ngà) và Ba Trần, còn hai bà là căn cứ núi Bà Đen (Tây Ninh) và Bà Rá (Phước Long - Bình Phước).

Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, với kế hoạch giải phóng Sài Gòn được Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương thông qua ngày 24/4/1975, Ba Trần có nhiệm vụ chỉ huy lực lượng đặc công và biệt động bí mật chiếm giữ trước và bảo vệ an toàn 16 cây cầu dẫn vào Sài Gòn để mở đường cho 5 cánh quân tiến vào giải phóng Sài Gòn. Bên cạnh đó, lực lượng đặc công và biệt động do Ba Trần chỉ huy còn phải đảm nhận việc “lót ổ” đánh chiếm trước hoặc ngăn chặn không để cho địch phá hoại trước khi chúng hoàn toàn thất thủ các mục tiêu hết sức quan trọng là: kho xăng dầu, nhà máy điện, nước, Đài phát thanh, truyền hình, kho quân lương, khu vực lưu trữ hồ sơ mật của phủ Đặc ủy trung ương tình báo ngụy, Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Tư lệnh Hải quân... Ba Trần đã cùng với chiến sĩ, đồng đội hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc.

Với những chiến công lẫy lừng, ngay vào lúc nửa đêm 30/4/1975, giữa niềm vui dâng trào, hân hoan mừng miền Nam vừa được giải phóng, trước sự chứng kiến của Thượng tướng Trần Văn Trà, Tư lệnh Miền cùng các đồng chí, đồng đội, Bí thư Trung ương Cục Phạm Hùng đã trịnh trọng tuyên bố: “Bây giờ thắng lợi rồi, anh Trần Văn Danh đã hoàn thành nhiệm vụ. Thay mặt Bộ Chính trị, tôi công bố thăng đồng chí Trần Văn Danh hàm Thiếu tướng, nhận nhiệm vụ Phó Chủ tịch Ủy ban Quân quản thành phố về an ninh và quốc phòng, kiêm Tư lệnh Bộ Tư lệnh TP Sài Gòn - Gia Định”.

Đồng chí Võ Văn Kiệt (bên phải) trực tiếp khảo sát địa điểm xây dựng thủy điện Trị An

… và chỉ huy xây dựng công trình thủy điện Trị An

Năm 1978, Thiếu tướng Ba Trần làm Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh. Là một nhà tình báo, ông luôn coi trọng mọi hồ sơ tài liệu cũ. Trên cương vị của mình, nhân lúc phân loại các hồ sơ mật của chính quyền Sài Gòn để lại, qua nghiên cứu phân tích nhiều loại, quân sự, kinh tế, chiến tranh tâm lý, trong số đó ông bắt gặp sơ đồ thiết kế công trình thủy điện Trị An. Chưa biết trong ấy họ nói những gì chi tiết nhưng chắc chắn, đó là điều mà xã hội đòi hỏi cấp thiết cần phải xây dựng thủy điện Trị An.
Sau bao nhiêu năm trăn trở, Ba Trần nghĩ rằng, cần phải đề xuất chính kiến của mình với tập thể càng sớm càng hay. Tại Hội nghị Thành ủy TP Hồ Chí Minh lần thứ 4, khóa 3 năm 1984, ông trình bày luận điểm của mình với cơ quan lãnh đạo cao nhất của thành phố và nhận được sự nhất trí cao.

Sau chuyến ra Hà Nội của đồng chí Bí thư Thành ủy Võ Văn Kiệt (Sáu Dân), Trung ương và Chính phủ đã đồng ý căn bản đề nghị của TP Hồ Chí Minh xây dựng thủy điện Trị An. Việc tìm “thuyền trưởng” cho “con tàu” thế kỷ này làm cả TP Hồ Chí Minh cũng như Trung ương đau đầu. Tướng Ba Trần từng kể rằng, lúc này, anh Sáu Dân gặp tôi, gợi ý: “Thành ủy và UBND thành phố rà soát để cử người chủ trì công trình mà chưa tìm được ai. Ngoài Trung ương cũng chưa chọn được ai. Anh nên làm anh Ba à. Anh nói vậy chắc anh làm được và làm tốt là đằng khác, tôi tin tưởng sẽ là như vậy. Anh trực tiếp chỉ đạo luôn, chúng tôi sẽ cùng sát cánh và nhờ cả Trung ương, Chính phủ hỗ trợ tối đa, anh cứ yên tâm đi”.

Tướng Ba Trần cảm thấy phấn chấn, rạo rực chờ ngày bắt tay vào công việc mà chưa thể lường hết những khó khăn. Sau đó ít lâu, ông được Trung ương, Chính phủ điều động sang làm Thứ trưởng Bộ Điện lực kiêm Trưởng ban chỉ đạo xây dựng công trình thủy điện Trị An.
Tính khẩn trương của công trình một lần nữa thách thức vị tướng tài ba: Rà phá bom mìn trong vùng căn cứ chiến khu D, khảo sát địa chất, tiến hành thi công, hoàn chỉnh thiết kế kỹ thuật… Công trình thủy điện đầu tiên của miền Nam sau giải phóng với công suất thiết kế 400 MW - 4 tổ máy, sản lượng điện bình quân mỗi năm 1,7 tỷ KWh. Tổng kinh phí công trình 200 triệu USD đã hoàn thành.

Đây là công trình huy động mọi nguồn lực xã hội. Hàng vạn lượt thanh niên, công nhân không quản đêm ngày lao động đã hoàn thành công trình đúng tiến độ, tiết kiệm hơn 10 triệu USD, 3.000 tấn thép trả lại cho nước bạn Liên Xô. Đã có ít nhất hai lần, bọn phản động âm mưu phá hoại công trình thủy điện nhưng với tinh thần cảnh giác cao và kinh nghiệm của một vị Tướng tình báo, Ba Trần đã chỉ đạo các lực lượng Công an, trinh sát, tình báo của ta phá tan âm mưu đen tối của kẻ địch.

Năm 1990, Thiếu tướng Trần Văn Danh, Tổng chỉ huy Công trình xây dựng thủy điện Trị An được Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động. 15 năm sau, trước ngày cả nước và TP Hồ Chí Minh náo nức chuẩn bị kỷ niệm 30 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc thì ông đã ra đi về cõi vĩnh hằng.


  Các Tin khác
  + Chân dung 2 giáo sư Việt được bầu là viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Thế giới (06/12/2024)
  + Gia đình danh giá bậc nhất Việt Nam: Con cháu thừa hưởng "mã gen tài năng" (02/12/2024)
  + 7 điều tuyệt diệu khiến bạn luôn tự hào khi nhắc đến hai tiếng Việt Nam (11/08/2024)
  + Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/07/2024)
  + Ai là người đặt tên đất nước ta là Việt Nam: Ý nghĩa là gì? (30/06/2024)
  + Hình ảnh thiêng liêng lễ diễu binh ở Thị trấn Trường Sa (08/06/2024)
  + Trường Sa luôn đặc biệt từ những điều nhỏ nhất (26/05/2024)
  + Thế trận Đường Trường Sơn góp phần làm nên thắng lợi Chiến dịch mùa Xuân 1975 (18/05/2024)
  + 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ Lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/05/2024)
  + Khám phá 22 hang động kỳ vĩ mới được phát hiện tại Quảng Bình (19/04/2024)
  + 18 đời vua Hùng gồm những ai? Tên gọi chính xác của các vị vua là gì? (17/04/2024)
  + Ảnh ấn tượng về các lực lượng tham gia diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (05/04/2024)
  + 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ Đại tướng Phan Văn Giang: Vũ khí cá nhân mới của quân đội tốt hơn AK47 (05/04/2024)
  + Chiêm ngưỡng sắc đỏ của cây hoa gạo trăm tuổi "đẹp nhất" Ninh Bình (03/04/2024)
  + Hoa gạo rực đỏ bên ngôi chùa cổ kính nghìn năm tuổi ở Hà Nội (23/03/2024)
  + Những bông hoa y tế vùng cao và chuyện băng rừng trong đêm đi đỡ đẻ (06/03/2024)
  + Kỷ niệm 80 ngày thành lập QĐNDVN: Sẽ tổ chức Triển lãm Quốc phòng quốc tế và mít tinh cấp Nhà nước (26/01/2024)
  + MŨI NÉ VÀO TOP ĐIỂM BAY KHINH KHÍ CẦU ĐẸP NHẤT THẾ GIỚI (02/04/2023)
  + Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: (12/03/2023)
  + Hàng nghìn người khai hội gò Đống Đa xuân Quý Mão (26/01/2023)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 3
Total: 66024013

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July