Sau nhiều lần lỗi hẹn, cuối cùng PGS.TS Khu Thị Kim Dung cũng dành chút thời gian ngắn ngủi giữa trưa để tiếp chúng tôi.
PGS - TS Khu Thị Kim Dung
Vẫn khoác trên mình tấm áo blouse trắng, bà Dung cười phân trần: Thời gian của tôi thường bị "đông cứng” như thế bởi vừa phải làm công tác quản lý, vừa phải làm công tác chuyên môn rồi lại dành thời gian nghiên cứu thêm các đề tài chuyên sâu...
Cứu người là nhiệm vụ thiêng liêng
Hơn 30 năm có lẻ bà gắn bó với bệnh viện Nhi Trung ương và cũng từng ấy thời gian bà hăng say nghiên cứu khoa học, chữa bệnh cứu người. Những bệnh nhi được bà cứu chữa tới nay không thể đong đếm hay được liệt kê chi tiết bằng những phép tính đơn thuần. Mặc dù thành tựu nhiều, đóng góp cho xã hội lớn nhưng bác sỹ Dung vẫn luôn khiêm tốn bảo rằng: Chữa bệnh cứu người là nhiệm vụ thiêng liêng mà tôi may mắn có duyên với nó. Giúp đỡ, chữa lành bệnh cho những "thiên thần” nhỏ bé, những sinh linh bé bỏng vốn là nhiệm vụ rất đỗi bình thường của những bác sỹ khoác trên mình tấm áo blues trắng.
Qua kinh nghiệm chữa bệnh thực tế cho các bệnh nhi, bác sỹ Dung cho rằng: Tình hình sức khỏe của trẻ em Việt Nam đang dần được cải thiện nhưng tỷ lệ tử vong của trẻ sơ sinh vẫn còn ở mức cao. Vì lẽ đó, bà đã dồn toàn bộ tâm huyết của mình vào hướng điều tra cơ bản tình hình bệnh tật trẻ em với những căn bệnh thường gặp, nguy hiểm và gây tử vong cao… "Yêu cầu công việc lớn, thường xuyên phải đi sớm, về khuya nên nhiều hôm tôi ngủ ngay tại cơ quan hay phòng nghiên cứu của mình để thuận tiện cho công việc”, bà chia sẻ.
Sau nhiều tháng ngày ấp ủ, bác sỹ Dung đã cho ra đời đề tài nghiên cứu "Yếu tố, nguy cơ và biện pháp xử lý đối với vàng da tăng bilirubin ở trẻ sơ sinh”, một căn bệnh khá phổ biến ở trẻ sơ sinh tại Việt Nam. Theo bà, vàng da sớm ở trẻ sơ sinh thường là vàng da sinh lý để trẻ có thể thích nghi với cuộc sống sau khi tiếp xúc với môi trường bên ngoài. Tuy nhiên, ranh giới giữa vàng da sinh lý và bệnh lý lại rất gần nhau. Do đó, việc tìm ra những biểu hiện phát hiện bệnh lý sớm để có hướng điều trị triệt để, tránh tình trạng biến chứng sau này.
Hạnh phúc giản dị
Không dừng lại nghiên cứu bệnh lý, bà còn "lấn sân” sang mảng kỹ thuật y khoa, ứng dụng máy CPAP - KSE tự tạo. Đây là một phương pháp hỗ trợ thở cho trẻ suy hô hấp còn tự thở được bằng cách làm tăng cung cấp ôxy cho trẻ, duy trì thể tích phổi hữu hiệu, giảm sức cản ở trong đường hô hấp trên... Loại máy này không mới trên thế giới song nếu nhập về Việt Nam thì giá thành của nó rất đắt, mỗi chiếc lên tới 10 ngàn USD (khoảng 2 tỷ đồng).
Nói đến đây, bác sỹ Dung dừng lại phân trần: 2 tỷ đồng là số tiền rất lớn đối với bệnh viện tuyến tỉnh và chắc chắn nhiều tỉnh sẽ không có đủ kinh phí để trang trải. Thiếu cơ sở vật chất cần thiết nên nhiều bệnh nhi từ các tỉnh, thành đều đổ dồn về tuyến Trung ương để điều trị. Tình trạng này kéo dài nhiều năm, đã khiến bệnh viện Nhi Trung ương luôn rơi vào tình trạng quá tải.
"Để khắc phục tình trạng này, tôi đã phối hợp với một số đồng nghiệp và một kỹ sư người Mỹ thực hiện tiếp một đề tài nghiên cứu "Áp dụng máy trợ thở áp lực dương liên tục CPAP-KSE sản xuất tại Việt Nam để điều trị suy hô hấp ở trẻ sơ sinh tại một số bệnh viện Nhi tuyến tỉnh”. Sau nhiều lần thất bại, cuối cùng chiếc CPAP – KSE mang nhãn hiệu "made in Viet Nam” chỉ có giá khoảng 2000 USD, bằng 1/5 so với máy ngoại nhập đã ra đời. Nói về kết quả của dự án, bác sĩ Dung phấn chấn: "Trước đây tỷ lệ tử vong của trẻ đẻ non dưới 24 giờ rất cao, lên tới 30%. Sau khi đưa CPAP- KSE vào thì con số giảm xuống, chỉ còn 7%.
Một ngày 24h dường như chưa bao giờ là đủ bởi từng giây, từng phút qua đi bà đều cho rằng đấy là sự lãng phí. Khi được hỏi động lực nào thôi thúc, tiếp sức cho những đề tài nghiên cứu, bác sỹ Dung chia sẻ: "Phần thưởng lớn nhất với tôi đó là được nhìn thấy những đứa trẻ khỏe mạnh, những nụ cười hạnh phúc của các bậc phụ huynh. Công việc cơ quan bộn bề nhưng khi trở về tổ ấm gia đình, bà vẫn là người vợ đảm đang, người mẹ mẫu mực. Vào mỗi buổi tối, bà vẫn cố gắng thu xếp thời gian để cả nhà có được một bữa cơm gia đình theo đúng nghĩa.
Với một thành tích đáng nể, 61 đề tài nghiên cứu trong hơn 30 năm khoác trên mình chiếc áo blouse trắng, PGS – TS Khu Thị Kim Dung xứng đáng trở thành một trong những phụ nữ điển hình của thời đại mới.