Trang chủ Liên hệ       Thư ba, Ngày 24/12/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
  -  Con Người Việt Nam
  -  Đất Nước Việt Nam
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Việt Nam Đất Nước Con Người > Con Người Việt Nam >
  “Bà hoàng” và những chuyến đi bão táp “Bà hoàng” và những chuyến đi bão táp , Người xứ Nghệ Kiev
 

“Bà hoàng” được xem là một trong những nhân vật góp phần làm nên huyền thoại của đường dây 60. Đó là bà Trần Thị Quảng, còn được gọi là bà Tư, bà Tư Đoái. Quê ở vùng cây trái Cai Lậy - Mỹ Tho, bà theo ngoại sang Báttambang (Campuchia) tìm kế mưu sinh.


Giấy căn cước của “Bà hoàng“ Trần Thị Quảng ở Campuchia
Giấy căn cước của “Bà hoàng“ Trần Thị Quảng ở Campuchia
 

Các anh chị cựu cán bộ đơn vị A53 gặp tôi hồ hởi khoe: “Đợt 30 tháng 4 năm nay, Văn phòng Trung ương Cục được Nhà nước phong tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang”. Lặng đi một lúc, giọng anh chị ngậm ngùi: “Đã gần 40 năm sau ngày hòa bình, nhiều người anh hùng thầm lặng không còn sống để nhìn ngày vui hôm nay. Nhưng dù muộn còn hơn không”.

Từ một đường dây…

Tôi không ngăn được sự tò mò: “A53 là gì?”. Anh Lê Huy Diệu, Trưởng ban Liên lạc A53, ngậm ngùi: “Đó là ban Giao bưu ngoại tuyến đặc biệt của Trung ương Cục, là đường dây giao liên bí mật hoạt động công khai trong lòng địch, là mạch máu nối liền sự lãnh đạo của Trung ương Cục đến toàn miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, do đồng chí Dương Quang Đông lãnh đạo”. 

Bắt đầu vào mùa khô năm 1965, Mỹ ào ạt đưa quân vào miền Nam Việt Nam, tiến hành cuộc chiến tranh cục bộ. Chúng cho biệt kích, thám báo ngày đêm chặn đường, đón truông. Đường giao liên du kích (vùng giải phóng) không đi được. Vì thế, yêu cầu chỉ đạo chiến tranh của Trung ương Cục và Quân ủy Bộ Tư lệnh Miền bị tắc nghẽn. Trong hoàn cảnh nước sôi lửa bỏng ấy, đồng chí Dương Quang Đông (Năm Đông) được Trung ương Cục điều về thành lập A53. Đơn vị lúc đầu chỉ có 10 đồng chí, đến năm 1975 có đến gần 200 cán bộ nhân viên thường trực, hơn 300 cơ sở bí mật và mai phục khắp miền Nam.

…Tìm đến một con người

Trong số 200 con người kết nối ấy có rất nhiều tấm gương dũng cảm, nhưng có một người đã thực sự thu hút trí tò mò của tôi dù bà không còn trên dương thế. Đó là bà Trần Thị Quảng, thường được gọi thân mật là “bà Tư” – cán bộ bộ phận đặc biệt 60/A53 thuộc đường dây ngoại tuyến của Trung ương Cục miền Nam. 

Thật may mắn, khi tôi lần ra được hai nhân chứng: chị Nguyễn Thị Mai – nguyên thư ký và kế toán đường dây ngoại tuyến, và ông Mười Quý – phụ trách đội xe. Hai nhân vật này hợp với bà Tư thành một tổ chuyên trách việc chuyển tiền cho cách mạng, do bà Tư làm tổ trưởng. Nếu không thì gần như mọi bí mật của bộ phận đặc biệt 60 và bà Tư sẽ vĩnh viễn đi vào lãng quên. 

Chị Mai giải thích: “Sau Mậu Thân 1968, địch đánh phá ác liệt đường dây chuyển tiền từ Sài Gòn về căn cứ Trung ương Cục và các Khu. Thường vụ Trung ương Cục quyết định lập đường dây chuyển tiền mới qua Phnôm Pênh về căn cứ Trung ương Cục và ra lệnh cho A53 khẩn trương thành lập bộ phận 60, để thực hiện công đoạn chuyển tiền này, với mật hiệu là chuyển hàng X. 

Bộ phận 60 nhận tiền từ Kinh tài R miền Nam, từ đó chuyển về kho bạc ở V12 (Phum Đa) và chỉ chuyển tiền từ vài chục T (triệu ria) cho đến cả trăm T. Từ năm 1968 đến 1970, bộ phận đặc biệt 60 liên tiếp thực hiện những chuyến công tác chuyển tiền, trung bình mỗi tháng 8 lần, trong suốt 2 năm liền, vượt qua bao trở ngại, đối mặt bao tình huống thắt tim”.

“Bà hoàng”…

“Bà hoàng” được xem là một trong những nhân vật góp phần làm nên huyền thoại của đường dây 60. Đó là bà Trần Thị Quảng, còn được gọi là bà Tư, bà Tư Đoái. Quê ở vùng cây trái Cai Lậy - Mỹ Tho, bà theo ngoại sang Báttambang (Campuchia) tìm kế mưu sinh. Tại đây, bà gặp ông Nguyễn Văn Đoái – một chiến sĩ hoạt động cách mạng từ những năm 1930 ở Campuchia. 

Cô Trần Thị Quảng lấy chồng năm 20 tuổi, vì yêu chồng mà đi theo lý tưởng của chồng, nhưng khi tiếp cận Đảng, bà trở thành một đảng viên trung kiên máu thịt. Khi Nam Bộ bùng lên kháng chiến, ông Tư Đoái trở về Việt Nam chiến đấu và hy sinh, để lại người vợ trẻ và 6 đứa con thơ dại. 

Chồng hy sinh, trụ lại Phnôm Pênh, bà Tư Đoái vừa nuôi con vừa tiếp tục công tác cách mạng. Bà Tư bám theo tuyến đường xe lửa từ Báttambang về Phnôm Pênh mua bán kiếm sống. Những chuyến nhảy tàu ấy bà thường ném xuống đường những bao tải vũ khí ở những ga có người chờ sẵn. Sau những chuyến nhảy tàu trót lọt ấy, bà còn nhận vận chuyển cho cách mạng cả thuốc Tây đưa về căn cứ cách mạng. Khi các con lớn, bà tìm cách đưa con đi kháng chiến. 

Vốn thông minh bẩm sinh, tiếng Khmer lưu loát, bà Tư Đoái hiểu rất rõ đất và người Campuchia. Ông Năm Đông nói với bà: “Công việc này rất nguy hiểm. Đi có thể là chết”. Sau này, bà nói với các con: “Lúc đó, má đã ‘giao trọn gói’ cuộc đời mình cho cách mạng rồi. Chồng hy sinh, cả 5 đứa con đều tham gia kháng chiến. Các con đi hết rồi, tao làm tới luôn, nên má nói với ông Năm Đông: ‘Khó khăn cách mấy tôi cũng làm được, làm cách mạng phải dám chết, không dám chết không làm được’”.

Những chuyến đi bão táp

Khi bà vĩnh viễn đi xa, những người đồng chí ngồi lại bên nhau mới cảm nhận hết công lao to lớn của người phụ nữ có biệt danh “Bà Lục Srey” (Bà Lớn). Khi đưa đón các đồng chí lãnh đạo Trung ương Cục, hay vận chuyển hàng triệu tiền cho cách mạng, bà đóng vai bà chủ, bà hoàng sang trọng. Ngồi trong xe hơi với phong thái ung dung, tóc uốn cầu kỳ, khăn choàng, sampot (váy đặc trưng của những bà hoàng hoặc phụ nữ Campuchia sang trọng) lấp lánh kim tuyến. 

Nguy hiểm luôn rình rập, lần ấy, xe đang chở 80 triệu ria vượt trạm Tà Om. Gần đến trạm, tài xế liếc nhìn “Bà hoàng” nói: “Trạm này ghê lắm đó thím”. Một tên cảnh sát lúc đó cầm đèn pin, ra hiệu cho xe dừng để khám xét. “Đi hay dừng thím?”, tài xế hỏi. Bà Tư kiên quyết: “Dừng ở đây là chết. Cứ đi”. “Lỡ nó rượt theo thì sao?!”. Để lái xe yên tâm, “Bà hoàng” bình tĩnh nói: “Trạm này chỉ có xe đạp. Nó không thể rượt theo kịp”... Bà Tư tự nhủ phải tỏ ra bình tĩnh để giữ vững tinh thần anh em. 

Trong gang tấc của sống chết, bà Tư tỉnh rụi nói: “Mày không biết sao, hôm nay là thứ bảy, người ta chở bồ đi chơi. Không sao đâu, cứ đi!”. Sự kiên định, bình tĩnh của “Bà hoàng” làm anh em yên tâm. Đêm hôm đó, nếu dừng lại giữa đường chắc chắn tổ công tác sẽ bị thủ tiêu, 80 triệu ria sẽ mất trắng.

Lần khác, xe chỉ chở điện đài máy móc cho Trung ương Cục, bị cảnh sát cho cây chắn ngang đường hai lần. Mỗi lần bị chắn như vậy, anh tài xế rất sợ hãi, lo lắng. “Bà hoàng” vẫn oai vệ đeo kiếng đen, nhìn phía trước như không có việc gì, như không có sự hiện diện của cảnh sát, hải quan đang chận đường xét hỏi. Tên lính đi đến gần bà, hỏi: “Đi đâu?”. “Đám cưới”, Bà hoàng bình thản trả lời mà mắt vẫn nhìn về phía trước. Anh ta lễ phép nói: “Xum anh chơn lục” (xin mời ngài đi).

Đồng đội của bà Trần Thị Quảng ở cơ quan A53 năm 1972, ven sông Kraue Krmar (Campuchia)
Đồng đội của bà Trần Thị Quảng ở cơ quan A53 năm 1972, ven sông Kraue Krmar (Campuchia)

Ông Dương Quang Đông - người thủ trưởng trực tiếp phụ trách bà Tư Đoái - cứ sau những chuyến đi sống chết của cán bộ mình, nói lời động viên trong nước mắt: “Một chuyến công tác hoàn thành của chị còn hơn đánh một cái đồn lớn”. 

Ông Võ Văn Quý - một Việt kiều Campuchia ở xã Căng Đan - huyện Chết Bắc - tỉnh Compông Xa Năng, từng ở bộ phận 60/A53, liên tục đi cùng bà Tư những chuyến công tác sinh tử từ 1968 đến 1970 - không bao giờ quên được những kỷ niệm máu thịt với bà Trần Thị Quảng: “Khi được tổ chức điều về bộ phận 60/A53, tôi làm nhiệm vụ điều động xe và kiêm lái xe chuyển hàng X. Nhiệm vụ ấy gắn tôi với bà Tư Đoái cùng đi chung trên một con thuyền sinh tử. Sở dĩ lãnh đạo giao cho bà chuyên chở số tiền lớn vì tin bà rất trung thành, rất dũng cảm, mưu trí, nhanh nhẹn, có bản lĩnh ứng phó với những tình huống diễn biến bất thường. 

Bà Tư đi nhiều chuyến lắm. Một tuần có khi đi hai ba chuyến. Cách mạng thiếu tiền như cá thiếu nước, có nguy cơ đói, nhiều đơn vị phải ngưng hoạt động vì phần lớn số tiền ria cũ của ta chưa đổi kịp ra tiền mới để đưa về căn cứ”. Ngừng một lúc, anh Quý kể tiếp: “Lần bà Tư chuyển tiền ngụy trang bằng trái cây, công an Khmer đòi xét xe. Bà Tư cố tỏ ra điềm tĩnh, với vẻ sang trọng và đường bệ, bà hất hàm ra lệnh: ‘Cho mấy quan lớn xem’. Tôi xé bao tiền để dưới chân, lộ ra mấy chục ngàn ria. 

Mấy tên lính hỏi: ‘Cái gì vậy?!’. ‘Tiền - tôi cũng tỉnh rụi trả lời - Chồng bà chủ làm thầu khoán. Bà chủ mang tiền lên công trình cho ông chủ trả cho công nhân. Mấy ngày nay đã tới kỳ lãnh lương rồi mà tiền chưa chuyển lên kịp, thợ làm reo quá!’. Mấy tên lính khác nhìn chúng tôi, đầy vẻ ngưỡng mộ. Thấy tiền nhiều, chúng cũng sợ, một phần cũng không muốn đụng đến Hoàng gia nên cho xe đi ngay”. Đó là một trong hàng trăm chiến công lớn mà bà Tư đã xả thân cống hiến cho cách mạng một cách vô điều kiện.

Trong tổng tiến công và nổi dậy toàn miền Nam, khi cuộc chiến vào giai đoạn quyết liệt nhất, vào đêm 30, mùng 1, 2, 3 Tết Mậu Thân 1968, điện đài của ta ở mặt trận tiền phương bị phong tỏa và bị đánh phá quyết liệt. Trong hoàn cảnh đó, không ai khác, bà Tư là người được tổ chức giao nhiệm vụ mang tài liệu tuyệt mật cầm tay của Trung ương Cục về tiền phương, giao tận tay cho đồng chí Võ Văn Kiệt, tư lệnh tiền phương Nam, khu Sài Gòn - Gia Định - mặt trận trọng điểm của miền Nam. Sự đóng góp của bà đã góp phần không nhỏ giúp Trung ương Cục kịp thời chỉ đạo đến mặt trận tiền phương lúc bấy giờ…

Giải cứu đồng chí Nguyễn Văn Linh

Có một sự kiện mà vì bí mật nên ít ai biết tới, đó là khi ông Nguyễn Văn Linh đi công tác từ Hà Nội đến Phnôm Pênh, bị bọn Lon Nôn câu kết với Mỹ, lùng bắt. Việt kiều các cơ sở, đường dây A53 gần như ngưng hoạt động. Các đồng chí hoạt động công khai bị truy bắt khốc liệt, nhiều cán bộ tìm mọi cách thoát thân về miền Nam. Nhiều đồng chí hy sinh, bị bắt, bị tù... 

Trước tình hình khắc nghiệt đó, ông Năm Đông giao nhiệm vụ “giải cứu lãnh đạo” cho “Bà hoàng”. Ông khẩn thiết nói: “Phải khẩn cấp giải cứu đồng chí Nguyễn Văn Linh ra khỏi Phnôm Pênh về căn cứ tuyệt đối an toàn. Nhiệm vụ ấy, tổ chức giao cho chị”. “Bà hoàng” lặng đi một lúc vì biết đó là một nhiệm vụ vô cùng nặng nề. Bà suy tính: “Trong tình thế máu lửa hiện nay, tất cả cơ sở ở Phnôm Pênh đều không còn…, phải làm sao?!”. 

Một ý nghĩ đến nhanh, “Bà hoàng” quyết định chọn nhà chị Nguyễn Thị Hoa - cô con gái thứ ba của mình. Chọn chị Hoa cũng có nghĩa là “Bà hoàng” đã đưa sự an nguy của con cháu vào cuộc giải vây lịch sử, mà mục tiêu tối thượng là phải bảo vệ sinh mạng cho một trong những vị lãnh đạo tối cao của đất nước.

Chuyến giải cứu tiền cuối cùng

Trong một tình huống gay go, ông Năm Đông hỏi bà Tư: “Chị dám không? Chuyển 60 triệu của ông Mười Cúc còn kẹt lại, nhưng xe cộ chị Tư lo?”. Bà Tư không chút do dự, trả lời: “Dám. Nhưng phải có người đi theo, phòng khi tôi bị bắt về báo với tổ chức”. Từ kinh nghiệm của người nhảy tàu lửa chuyển vũ khí, chất nổ thời chống Pháp, bà đã chọn xe đò, tuyến chạy Phnôm Pênh - Memot để chuyển 60 triệu ria về V12. Đây là giải pháp “táo bạo và bất ngờ”, là khe hở còn lại mà kể cả tình báo Mỹ củng chưa kịp nghĩ tới. 

May mắn thay, bà Tư đã tìm được chiếc xe đò duy nhất cuối cùng đi về Memot, ngang qua Phum Đa - nơi tiếp nhận tiền. Sau khi chất hàng lên xe xong, bà Tư nói với Mười Quý: “Mầy ngồi đó, tao ngồi đây, coi như không biết nhau nghen. Nếu địch phát hiện, một mình tao chịu…”.

Quả thật, chuyến đi là một trận chiến đầy cam go. Chuyến xe đò đi thẳng từ Phnôm Pênh đến Memot, lái xe không chịu dừng lại dọc đường vì chiến sự đang xảy ra ác liệt. Lúc đó, trực thăng Mỹ bay vần vũ trên đầu. Bà cố gắng thuyết phục lái xe dừng lại ở trạm Phum Đa. Lái xe không đồng ý. Bà tiếp tục năn nỉ: “Bom đạn rần rần ở dưới Memot, làm sao tao bán buôn được. Chi bằng mày dừng ở đây, tao có nhà bà con tá túc, bán được bao nhiêu thì bán”. Lái xe xiêu lòng nói: “Vậy tôi quăng đại hàng xuống, hư hao bà ráng chịu”. Bà nói “Cũng được” mà trong bụng mừng rơn.

Nhưng chưa kịp hết mừng thì cảnh sát Khmer ập tới, nhìn lom lom mấy cần xé trái cây. Thấy chúng định khám xét hàng, ngay lập tức, bà Tư trong vai bạn hàng bán trái cây giả bộ chửi đổng bằng tiếng Khmer: “Đ.M, tại mầy mà tao không làm ăn buôn bán được, trái cây bị hư thúi hết, phen này lỗ nặng, cụt vốn hết tiền nuôi con. Đ.M mấy thằng Mỹ”. Bà cứ chửi như điên dại, làm bọn cảnh sát Khmer cũng thấy ớn nên bỏ đi. 

Đó là chuyến chuyển tiền cuối cùng, “trận đánh lớn cuối cùng” đưa tiền của Trung ương Cục về đích nguyên vẹn, an toàn. Ta thử hình dung, nếu không giải cứu được 60 triệu ria, tiền đâu để cấp cho sư đoàn 5, sư đoàn 7 và các cơ quan lấy tiền đâu hoạt động, vì địch bất ngờ đổi tiền và bất ngờ đảo chánh mà tiền chưa chi viện kịp. 60 triệu chưa phải là số tiền lớn nhất mà bà Tư đã từng chuyển, nhưng 60 triệu lúc này rất cần thiết vì phục vụ kịp thời cho chiến trường, làm thất bại âm mưu thâm độc của đế quốc Mỹ, nhằm “đánh vào bao tử của Việt Cộng”.

Những ngày cuối cùng ở Phnôm Pênh

Ông Mười Quý nói: “Những ngày cuối cùng ở Phnôm Pênh rất căng thẳng”. Ông và “Bà hoàng” phải đưa các vị lãnh đạo Trung ương Cục về căn cứ. “Tần suất những cuộc giải cứu dày đặc. Chúng tôi hoạt động như chong chóng, chạy hết tốc lực. Khi hoàn thành nhiệm vụ giải cứu các lãnh đạo Trung ương Cục, đến lượt chúng tôi phải tự cứu mình, vì tất cả mọi con đường về căn cứ đều bị tắc. Lãnh đạo chỉ hướng cho chúng tôi rút về miền Tây Nam Bộ nhưng không có bất kỳ một phương tiện hỗ trợ nào. Mọi người phải tự tìm cách mà đi”.

Khi cứu xong 60 triệu ria, bà Tư tìm gặp ông Năm Đông, hối thúc: “Anh Năm, nếu không đi ngay ngày mai, sẽ không còn lúc nào để đi được nữa”. Anh Tám Hoàng kể: “Chúng tôi cùng ông Năm Đông đi ‘chuyến xe bão táp cuối cùng’... Đêm hôm đó, ta tấn công và chiếm đồn Crếch. Tất cả người Việt Nam khi bị bắt vào đồn đều bị giết. Nếu không có sự hối thúc và quyết đoán của bà Tư, tôi và ông Năm Đông không thể thoát được”. Trong lúc đó, bà Tư nhận nhiệm vụ đi tìm kiếm các cán bộ A53 còn kẹt lại. Bà giả làm người Miên, đi vào chợ, lùng sục khắp nơi tập hợp được 18 đồng chí, thành một đoàn cuối cùng, dùng xe đạp băng qua các làng mạc để về căn cứ.

Những câu chuyện về bà Trần Thị Quảng (Tư Đoái) cứ dài theo những nhân chứng từng được sống, cùng hoạt động trong đường dây giao bưu ngoại tuyến với bà. Trong những chiến công, tôi biết bà cũng nhiều lần đối mặt với nỗi cô đơn vì sự bất công, sự mất mát mà bà đã vượt qua bằng sức chịu đựng, kiên trì đến phi thường của người đàn bà. Để những chuyến chuyển tiền, chuyển hàng an toàn, bà cũng đã từng trả giá bằng máu của mình. Lần ấy, dưới căn hầm tại đồi 81, bà đã cắn răng chịu đựng liên tiếp 12 đợt bom B-52 rải thảm và pháo cấp tập nã vào các căn hầm của các đồng chí Thường vụ Trung ương Cục vừa lánh đi ngày hôm qua. 

Căn hầm bà Tư và các đồng đội ẩn nấp chính là căn hầm của đồng chí Sáu Bằng (nguyên Phó Văn phòng Trung ương Cục). Bà Tư không đau vì mình bị thương suýt mất mạng mà đau lòng vì đơn vị hợp đồng đón thiếu trách nhiệm, khiến một người mẹ trẻ đang mang thai và đứa con ba tuổi cùng với 5 đồng chí hy sinh, 4 đồng chí khác bị thương. Đó cũng là lần đầu tiên bà nặng lời với người thủ trưởng mà bà luôn dành cho ông sự tôn kính, trung thành. 

Đêm đó, khi được đưa về chỗ ông Dương Quang Đông, bà khóc tức tưởi, nghẹn ngào: “Còn gì nữa anh Năm, chết hết rồi!”. Ông Dương Quang Đông an ủi bà: “Ngày mai tui kêu Tám Cột lấy súng chống tăng”. Bà Tư không ngăn được nỗi ấm ức: “Chống cứt!”. Hiểu tấm lòng bà Tư, ông Năm Đông không giận mà cúi mặt giận chính mình đã không bảo vệ được chiến sĩ.

“Bà hoàng” là một điển hình trong rất nhiều chiến sĩ quả cảm trên mặt trận thầm lặng trong đường dây giao liên đặc biệt của Trung ương Cục, đã góp phần đắc lực, cùng với tập thể kiên cường của đơn vị, đã tạo nên một A53 huyền thoại trong quá khứ. Chiến công đặc biệt ấy luôn gắn liền với những hoạt động thầm lặng của các chiến sĩ dũng cảm, từ ông Dương Quang Đông đến nhiều đồng đội khác, những cống hiến góp phần làm nên chiến thắng trong cuộc kháng chiến thần thánh chống quân xâm lược Mỹ của dân tộc ta. 

Các anh chị cựu chiến binh A53 tuổi trung bình cũng đã 70, đầu tóc đã bạc gần hết, là những nhân chứng cuối cùng của A53, lo lắng không kể kịp những câu chuyện đã đi vào lịch sử như huyền thoại. Các anh đôn đốc chúng tôi: “Nhà báo cứ viết đi, để tụi trẻ biết rằng, để giành độc lập tự do cho Tổ quốc, thì nhiều thế hệ người Việt Nam đã đổ ra không biết bao nhiêu xương máu của mình”.

Người mẹ của tôi

Bác sĩ Nguyễn Quốc Khánh - nguyên Giám đốc Bệnh viện 115, nay đã ở tuổi ngoài 60 nhưng vẫn giữ nguyên trong lòng những xúc cảm về mẹ. 

Anh nói: “Mẹ tôi đã đi xa lâu rồi, từ năm 2001, nhưng tôi vẫn còn nhớ mùi hương của mẹ... Mẹ tôi có sức chịu đựng mãnh liệt, mẹ lặng lẽ gánh lấy gánh nặng gia đình, gánh nặng nước non, vẫn vui cười trong khó nhọc, lấy nhân nghĩa đối đãi với những người xung quanh... Hồi nhỏ, tôi không hiểu vì sao có lúc mẹ ăn mặc sang trọng như bà hoàng, có lúc lam lũ đội trên đầu xề bánh mì đem bán từ phố trên xuống xóm dưới. Mẹ còn vĩ đại hơn khi kiên quyết đưa chúng tôi vào con đường cách mạng, dẫu phải cắn răng xa những đứa con yêu quý. Nhiều đồng chí của mẹ nói mẹ tôi xứng đáng là anh hùng. Riêng với tôi, chỉ riêng sự hy sinh, chịu đựng của mẹ để đi suốt con đường còn lại của người cha liệt sĩ của tôi, hoàn thành nhiệm vụ với đất nước, tôi thấy mẹ mình thật vĩ đại. Tôi tự hào về mẹ”.



Tin tức nguồn: 
http://www.xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=707534#ixzz2emLOLM7N 
doc tin tuc www.xaluan.com


  Các Tin khác
  + Chân dung 2 giáo sư Việt được bầu là viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Thế giới (06/12/2024)
  + Gia đình danh giá bậc nhất Việt Nam: Con cháu thừa hưởng "mã gen tài năng" (02/12/2024)
  + 7 điều tuyệt diệu khiến bạn luôn tự hào khi nhắc đến hai tiếng Việt Nam (11/08/2024)
  + Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/07/2024)
  + Ai là người đặt tên đất nước ta là Việt Nam: Ý nghĩa là gì? (30/06/2024)
  + Hình ảnh thiêng liêng lễ diễu binh ở Thị trấn Trường Sa (08/06/2024)
  + Trường Sa luôn đặc biệt từ những điều nhỏ nhất (26/05/2024)
  + Thế trận Đường Trường Sơn góp phần làm nên thắng lợi Chiến dịch mùa Xuân 1975 (18/05/2024)
  + 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ Lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/05/2024)
  + Khám phá 22 hang động kỳ vĩ mới được phát hiện tại Quảng Bình (19/04/2024)
  + 18 đời vua Hùng gồm những ai? Tên gọi chính xác của các vị vua là gì? (17/04/2024)
  + Ảnh ấn tượng về các lực lượng tham gia diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (05/04/2024)
  + 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ Đại tướng Phan Văn Giang: Vũ khí cá nhân mới của quân đội tốt hơn AK47 (05/04/2024)
  + Chiêm ngưỡng sắc đỏ của cây hoa gạo trăm tuổi "đẹp nhất" Ninh Bình (03/04/2024)
  + Hoa gạo rực đỏ bên ngôi chùa cổ kính nghìn năm tuổi ở Hà Nội (23/03/2024)
  + Những bông hoa y tế vùng cao và chuyện băng rừng trong đêm đi đỡ đẻ (06/03/2024)
  + Kỷ niệm 80 ngày thành lập QĐNDVN: Sẽ tổ chức Triển lãm Quốc phòng quốc tế và mít tinh cấp Nhà nước (26/01/2024)
  + MŨI NÉ VÀO TOP ĐIỂM BAY KHINH KHÍ CẦU ĐẸP NHẤT THẾ GIỚI (02/04/2023)
  + Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: (12/03/2023)
  + Hàng nghìn người khai hội gò Đống Đa xuân Quý Mão (26/01/2023)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 3
Total: 66033543

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July