Bà là Nguyễn Thị Lữ, sống tại khu phố Bắc Sơn, phường An Hoạch, thành phố Thanh Hóa. Năm nay bà đã bước sang tuổi 80, cái tuổi khiến bà đôi lúc lãng đãng quên một vài ký ức xa xưa, nhưng duy cái cảm xúc trong những lần được gặp Bác Hồ thì vẫn còn nguyên vẹn như mới chỉ ngày hôm qua. Hình ảnh Bác Hồ với áo nâu, tay chống gậy trong những lần bà được tận mắt nhìn thấy cho đến giờ vẫn còn khắc sâu trong tâm trí.
Ngày ấy, vào năm 1946, khi bà đang học lớp Hiếu Lược, người cha của bà đã anh dũng hi sinh trong một trận chiến khốc liệt tại chiến trường Cổ Lũng (thuộc huyện Bá Thước - Thanh Hóa). Lúc ấy, cái cảm giác căm thù giặc bắt đầu ăn sâu vào máu đứa con người chiến sĩ cách mạng. Bà chỉ mong được cầm súng để trả mối thù cho cha.
Đến năm 1953, sự hi sinh anh dũng của cha bà khiến lãnh đạo ủy ban tỉnh ưu ái dành cho bà hai sự lựa chọn: hoặc được đi đào tạo lớp cán bộ nguồn tại Vân Nam (Trung Quốc) hoặc được làm việc tại nhà máy dệt Nam Định.
Bà Nguyễn Thị Lữ bên chồng trong cuộc sống đời thường
“Ngay khi nhận được sự ưu ái đó, tôi đã khước từ cả hai con đường. Rồi tôi nói với lãnh đạo, hoặc là cho cháu đi bộ đội cầm súng chiến đấu để trả thù cho bố cháu hoặc đi học làm công an chứ cháu nhất định không làm việc khác. Sau này, có người vẫn bảo tôi dại sao ngày đó không chọn con đường ra nước ngoài thì cuộc đời có lẽ sẽ bớt truân chuyên nhưng âu cũng là cái số, cũng bởi cách tôi chọn nghề công an mới khiến tôi có vinh dự được gặp Bác Hồ tới 3 lần” – Bà Lữ trải lòng.
Rồi bà kể lần đầu tiên gặp Bác là vào năm 1953, thời điểm ấy, lớp học của bà có hơn 60 học viên được học trong một cái lán giữa rừng tại chiến khu Việt Bắc. Vào một buổi sáng tháng 6, lúc đó khoảng 10 giờ, buổi học đang diễn ra bình thường thì tiếng của đồng chí cảnh giới bất ngờ reo lên: "A, Bác Hồ đến, Bác Hồ đến!”.
Bà cùng mọi người trong lớp chưa hết ngỡ ngàng thì đã thấy một ông cụ dáng vẻ gầy gò trong bộ quần áo chàm, tay chống gậy bước vào lớp học. Bác ân cần đến siết chặt tay từng học viên, động viên rồi căn dặn: "Các cô, các chú được cử đi học để bảo vệ Đảng, bảo vệ nhân dân thì phải ra sức học tập, rèn luyện cho tốt để mai này có thể trở thành những chiến sĩ công an có ích cho đất nước”.
Nhớ lời Bác Hồ dặn, nữ giám thị cả cuộc đời cống hiến cho sự nghiệp, là tấm gương của người phụ nữ giỏi việc nước đảm việc nhà
Tất cả các học viên trong đó có bà đều cảm động không nói lên lời chỉ rưng rưng khóc khi nhìn thấy bác gầy gò, tình thương với vị cha già càng như gấp bội lần hơn. Rồi Bác bắt nhịp bài ca “Kết đoàn” cho mọi người cùng hát. Khi dứt tiếng hát thì Bác đã cũng ra về. Cuộc gặp gỡ chỉ trong chốc lát nhưng cái khoảnh khắc ấy cho đến giờ bà vẫn còn nhớ như in và mỗi lần nhắc lại vẫn thấy bồi hồi một cảm xúc khó tả.
Lần thứ hai bà được gặp Bác cũng trong một bối cảnh như cũ. Nhưng lần này, lớp học của bà lại ở Hà Đông. Vẫn những lời ân cần dặn dò, vẫn những giọt nước mắt nghẹn ngào khi gặp Bác và vẫn những phút giây ít ỏi rồi Bác lại ra đi.
Cho đến nâm 1961, bà lại không ngờ được, trong đời bà có thêm một lần được gặp Bác. Ngày đó, bà đang làm việc ở tổ trinh sát tại huyện Tĩnh Gia, thuộc Ty Công an Thanh Hóa. Buổi sáng cuối năm 1961, biết được tin Bác về thăm và làm việc tại nhà khách Tỉnh ủy Thanh Hóa, ai nấy đều mong được gặp Bác. Khoảng 10 giờ sáng thì Bác có mặt, cô con gái đầu của bà chạy ùa vào lòng Bác. Bác bế con gái của bà lên ân cần hỏi han và thăm hỏi tất cả bà con. Cuối cùng bà và con gái cùng những người có mặt tại đó đã được chụp ảnh lưu niệm với Bác Hồ.
“Không thể tả được cái cảm xúc lúc đó bởi được gặp Bác đã là một điều như trong mơ rồi bởi thế khi mà được chụp ảnh với bác thì ai nấy hạnh phúc vô cùng” - Bà chia sẻ.
Tấm ảnh hai mẹ con bà Lữ cùng bà con Thanh Hóa chụp ảnh lưu niệm với Bác Hồ năm 1961
Có lẽ vì thế mà tấm ảnh được bà cất giữ như một kỷ vật thiêng liêng, vô giá cho đến bây giờ. Cũng có lẽ vì những lần gặp Bác, nghe những lời dặn dò của Người, khiến bà càng cố gắng học tập hơn, mạnh mẽ hơn trong công việc. Cả cuộc đời cống hiến hết mình cho sự nghiệp của người chiến sĩ công an nhân dân, dù thân gái có lúc cai quản một phân trại có 19 đối tượng nhận án tử hình, bà vẫn không hề khuất phục.
Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, nhưng ký ức về vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc vẫn còn vẹn nguyên trong trái tim của nữ giám thị trại giam - Nguyễn Thị Lữ. Ký ức ấy như một báu vật thiêng liêng mà mỗi lần chạm vào đều khiến bà bồi hồi xúc động đến khôn nguôi.
Nguyễn Thùy
Theo Dân Trí