Nhân dịp kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống Quân tình nguyện Việt Nam tại Lào (19/8/1948 - 19/8/2013), Đại tá Trần Như Tiếp (trú phường Hải Châu 1, Hải Châu-Đà Nẵng).
Ông Trần Như Tiếp.
Trưởng Ban liên lạc Cựu quân tình nguyện Việt Nam thành phố Đà Nẵng tại Lào đã kể lại nhiều kỷ niệm sâu sắc trong những năm tháng hoạt động đầy gian nan thử thách trên đất bạn.
…Năm 1951, tôi mới 15 tuổi, tình nguyện đi bộ đội và phải khai tăng lên 2 tuổi mới được nhận. Tôi làm chiến sĩ văn thư tại Phòng Biên chính Hạ Lào, đóng tại xã Tam Dân (Tam Kỳ-Quảng Nam). Giữa năm 1952, tôi xung phong tham gia Đoàn cán bộ, chiến sĩ bổ sung chiến trường Hạ Lào. Tôi còn nhớ có người bạn lớn tuổi đã bảo tôi: “Đường sang Lào lắm dốc cao, voi còn không leo nổi, cậu bé thế không đi được đâu!”. Nhưng tôi vẫn không thay đổi ý định.
Mỗi thành viên trong đoàn được cấp một ruột tượng gạo, một ống bương muối, cùng với chăn, chiếu, tư trang cá nhân. Từ Tam Dân, chúng tôi lên Tân An (Hiệp Đức), vượt sông Tranh (Trà My), rồi lên Tí Sé (Nông Sơn)… Bao tên đất, tên làng, tôi không nhớ hết. Cứ liên tục băng rừng vượt suối, cắt ngang qua dãy Trường Sơn để vào đất Lào. Khi hành quân đến tỉnh Attopeu (Lào), chúng tôi lần lượt vượt dốc Côngtơrơn và dốc Tân Đam, là những dốc cao, dựng đứng, chân người đi trước giơ ngang đầu người đi sau. Nhớ lại lời anh bạn đã nói, tôi nhủ thầm: “Dốc dựng thế này, thì chắc chắn là voi không đi qua được!”.
Đại tá Trần Như Tiếp (trái) kể về những năm tháng hoạt động ở Lào. |
Đến huyện ĐắkChưng (tỉnh Salavan), tôi được bổ sung cho Tiểu đoàn 4 Miền Đông và công tác ở bộ phận liên - trinh (liên lạc và trinh sát). Nhiệm vụ chủ yếu của Tiểu đoàn 4 Miền Đông là giúp bạn huấn luyện bộ đội, vận động nhân dân bạn ủng hộ kháng chiến, xây dựng các đoàn thể cách mạng… Tiểu đoàn còn phải lo tăng gia sản xuất để tự túc lương thực. Khu vực đơn vị chúng tôi hoạt động thuộc nhóm bộ tộc Lào Thơng, vì vậy, chúng tôi phải học chữ Lào, tiếng Lào và tiếng Lào Thơng để thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền vận động.
Rừng Lào hồi ấy có nhiều cọp. Anh em liên - trinh chúng tôi khi chạy công văn, ngoài vũ khí, phải cầm theo một cây cọc vót nhọn, chĩa đầu nhọn lên trên, bởi theo kinh nghiệm, cọp thấy cọc nhọn thì không dám vồ, vì nó sợ cọc nhọn xóc vào miệng. Bộ phận liên - trinh có 6 đồng chí, sớm hôm liên tục chạy công văn và làm nhiệm vụ thông tin, trinh sát. Tôi nhớ mãi lần chạy công văn khẩn (triển khai chống càn) từ ĐắkChưng đến Xân Xây, do yêu cầu chuyển gấp, tôi đã chạy liên tục trong 2 tiếng đồng hồ. Chống càn thắng lợi, đồng chí Trần Thanh Hòe, Cán bộ phụ trách Tiểu đoàn ôm lấy tôi, khen: “Cậu giỏi lắm!”.
Người dân trong vùng sinh sống bằng nghề làm rẫy, nhưng thường bị thú rừng phá hoại, dẫn đến đói nghèo. Đơn vị chúng tôi đã cùng với đơn vị bạn vận động nhân dân tổ chức tuần tra canh rẫy, bảo vệ được hoa màu, làm cho nhân dân hết sức tin tưởng vào lực lượng kháng chiến. Tiểu đoàn chúng tôi đã giúp bạn xây dựng, phát triển lực lượng vũ trang, xây dựng được một số chi bộ trong các vùng cơ sở và nhiều tổ chức quần chúng. Nhiều lần quân Pháp và bọn ngụy Lào ráo riết càn quét, đánh phá, nhưng lực lượng ta và bạn đã dùng chiến thuật du kích kết hợp đấu tranh chính trị, phá tan âm mưu của kẻ thù.
Sau hai năm làm chiến sĩ liên - trinh, tôi được điều sang làm công tác in ấn tài liệu cho Ban Chỉ huy Quân tình nguyện Việt Nam ở Hạ Lào. Đến tháng 8/1954, đơn vị chúng tôi tập kết ra miền Bắc theo tinh thần Hiệp định Giơnevơ.