“Không ai khổ như nó. Chăm sóc một lúc 4 người: ba mẹ già yếu và 2 đứa em gái bệnh tâm thần. Vậy mà nó không than một tiếng…”.
Chị Huệ ân cần chăm sóc mẹ già .
Đó là lời của người hàng xóm nói về chị Nguyễn Thị Huệ, khu phố 7, P.Hiệp Thành, Thủ Dầu Một, Bình Dương.
Gia cảnh nghèo và người con hiếu thảo
Chị Huệ đã 51 tuổi, mấy chục năm nay chạy đi chạy lại giữa nhà mình và nhà ba mẹ cách nhau gần chục cây số cho tròn đạo hiếu làm con. Hễ rảnh rỗi, chị lại tất tả chạy chiếc xe máy cà tàng về chăm sóc cả ba mẹ và 2 em.
Ba mẹ chị đang sống với 2 đứa em gái tâm thần nay đã ngoài 40 tuổi ở ấp 2, Tân An, TP.Thủ Dầu Một. Ba đã 76 tuổi, mẹ cũng ngoài 70 lại bị bệnh tim, mất sức lao động từ lâu. Chị Huệ còn có 2 đứa em trai nhưng đều đã có gia đình riêng và cũng nghèo khó. Em trai, em dâu đứa thì làm công nhân, đứa bán vé số nên không phụ giúp được gì nhiều cho ba mẹ.
Nhà của ba mẹ chị là nhà tình thương được xây tặng khá lâu. Mới đây, ba chị lại bị ngã chấn thương cột sống. Mẹ lụi cụi đi chợ cũng bị ngã gãy chân, giờ ngồi một chỗ hoặc có ai dìu mới đi được.
Hai vợ chồng chị Huệ đều làm công chức, lương không khá giả gì, nhưng chị đều đặn trích tiền mua thuốc cho ba mẹ từ 1-2 triệu đồng/tháng từ mấy năm nay. Đó là chưa kể những khi có “sự cố” xảy ra. Mà “sự cố” nhà chị thì liên miên: ba, mẹ bị ngã đi bệnh viện, 2 đứa em gái đứa thì đập phá nhà cửa, đứa bỏ đi lang thang phải chạy quanh tìm về. Chị Huệ cho biết, rất nhiều lần phải bỏ dở công việc để chạy về nhà coi ba mẹ và 2 em có bị gì không. Cũng may, con gái chị nay 15 tuổi, đã biết giúp mẹ lo việc nhà. Chồng chị hết sức thông cảm cho gánh nặng của vợ, anh động viên vợ ráng lo cho gia đình…
Bữa ăn của 4 người: 2 già, 2 tâm thần quá ư đạm bạc với một đĩa su su xào, nồi canh lõng bõng nước và cơm. Mẹ chị nói: “Ngày nào con Huệ về thì nó mua cho ít thịt kho mặn để đó ăn dần”. Cả nhà sống nhờ vào 3 suất trợ cấp xã hội của ba và 2 em chị Huệ tổng cộng hơn 1,5 triệu đồng/tháng. Đó là tiền đi chợ còn gạo ăn hằng tháng có một chị chủ vựa gạo cho chục ký, còn lại là các chùa giúp thêm để đủ ăn.
“Chị may mắn hơn 2 em gái”...
Chị không muốn tôi chụp hình hai đứa em tâm thần. Hai em chị, một đứa ngơ ngơ ngác ngác ngồi nhìn người lạ cười. Một đứa nằm chèo queo trong cái giường nhỏ hẹp, nước tiểu tràn lan ra giường, ra nền xi măng thô nháp. Ngân ngấn nước mắt, chị nói: “Dù sao chị cũng là đứa may mắn trong 3 đứa con gái của ba mẹ. Chị là đứa bình thường, khỏe mạnh, có được tổ ấm riêng cho mình. Còn em chị thì…”. Không nói hết câu, chị đưa tay vuốt đầu người em tên Liên hầu như không còn nhận ra chị gái. Rồi nhắc em Thanh đi lấy quần áo thay cho chị Liên. Thanh mấy lần bỏ nhà đi lang thang vì “đến thành phố tìm chị”, người quen gặp đưa về nhà giúp.
“Em Liên thì sau nhiều năm quậy phá quá chừng, đánh đập luôn cả người thân được cho vào ở cách ly trong một căn phòng nhỏ. Thương nó lắm bởi giờ nó đã yếu, hầu như ít đi đâu khỏi cái phòng đó. Ăn uống, tiểu tiện gì cũng ở đó hết. Hồi trước ba mẹ lo, giờ ba mẹ già yếu nên con Thanh khi tỉnh còn biết lo cho chị, khi điên cũng… kệ luôn!”- chị Huệ buồn buồn chia sẻ.
Mẹ chị Huệ tiếp lời con: “Ngày trước, rất nhiều lần tôi muốn chết chung với 2 đứa con bị bệnh tâm thần, để 3 đứa bình thường lại cho ba nó nuôi. Nhưng nghĩ làm như vậy ác lắm, không được. Vậy là đành lây lất sống chứ biết làm sao. May, trời thương vợ chồng tôi nên cho con Huệ biết đạo hiếu làm con. Không có nó, nhà này không biết sao nữa…”.
Đức hiếu hạnh như trở thành sức mạnh giúp chị vượt qua khổ ải. Và tôi nghĩ, nếu không có sự hy sinh, nếu không vì tình thương vô bờ bến, chị Huệ khó lòng cáng đáng, chia bớt gánh nặng cùng ba mẹ. Hỏi chị mong mỏi điều gì nhất, chị cười hiền: “Mong ba mẹ và em bình an, thế thôi!”.