Trang chủ Liên hệ       Thứ hai, Ngày 06/05/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
  -  Con Người Việt Nam
  -  Đất Nước Việt Nam
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Việt Nam Đất Nước Con Người > Con Người Việt Nam >
  Người lính 14 lần tham gia vận chuyển vũ khí bằng tàu không số Người lính 14 lần tham gia vận chuyển vũ khí bằng tàu không số , Người xứ Nghệ Kiev
 
 

(Dân trí) - Chiến tranh đã lùi xa gần 40 năm nhưng ký ức oanh liệt trong những năm kháng chiến chống Mỹ vẫn in đậm trong tâm trí ông Lê Văn Hòa - người đã 14 lần tham gia vận chuyển vũ khí vào miền Nam bằng tàu không số.

 

14 lần vượt biển bằng tàu không số

Vào những ngày đầu xuân, chúng tôi đã may mắn được gặp ông Lê Văn Hòa, 65 tuổi, ở thôn Liên Tân, xã Thạch Kim, huyên Lộc Hà, Hà Tĩnh, để được nghe những câu chuyện hết sức cảm động và đầy oanh liệt về những năm tháng ông cùng đồng đội vượt biển, trốn sự đeo bám của kẻ thù để vận chuyển vũ khí, đạn dược, thuốc men tiếp tế cho chiến trường miền Nam.

 

Người lính 14 lần tham gia vận chuyển vũ khí bằng tàu không số
Hình ảnh chiến sĩ Lê Văn Hòa đang thực hiện nhiệm vụ lái tàu vượt biển để chở vũ khí vào chiến trường miền Nam 

 

Căn nhà cấp bốn của ông Hòa đã xuống cấp nằm lọt thỏm trong một con hẻm nhỏ. Ông kể, ông sinh ra trong một gia đình đông anh em, có truyền thống cách mạng. Năm ông 20 tuổi (1969), theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông viết đơn xin nhập ngũ. Ông được phân về lữ đoàn 126 của Bộ Tư lệnh Hải quân, tại đây ông được huấn luyện 3 tháng, lúc chuẩn bị ra chiến trường thì sức khỏe ông không được tốt nên được chuyển về lữ đoàn 125 (tức đoàn tàu không số). Tại đây ông được làm quen với các thiết bị, máy móc trên tàu. “Lúc thấy đồng đội của tôi lần lượt ra chiến trường còn tôi ở lại, tôi buồn lắm. Nhưng may sao tôi được phân về lữ đoàn tàu không số, đó có lẽ là cái duyên vì tôi cũng sinh ra ở miền biển” - ông Hòa tâm sự.

Tháng 4 năm 1970, nhận được chỉ thị của Bộ Tư lệnh Hải quân, ông cùng 18 đồng chí khác lên con tàu mang kí hiệu số 41 nhận nhiệm vụ chở vũ khí, đạn dược, thuốc men xuất phát từ Hải Phòng để vào Cà Mau tiếp tế. Sau hơn 1 tháng rong ruổi, đối mặt với những cơn sóng to của biển cả, sự đeo bám theo dõi gắt gao của kẻ thù, cuối cùng chiếc tàu mang kí hiệu số 41 đã vào đến Năm Căn – Cà Mau an toàn, cung cấp vũ khí, đạn dược thuốc men kịp thời cho bộ đội. Đây là chuyến tàu đầu tiên ông tham gia cũng là chuyến tàu duy nhất ông cùng các đồng đội vận chuyển thành công.

Từ năm 1970 đến năm 1977, ông cùng đồng đội thực hiện liên tiếp 14 chuyến tàu xuất phát từ Hải Phòng vào tiếp tế cho chiến trường miền Nam nhưng chỉ có lần vận chuyển đầu tiên là thành công vì những lần sau quân địch tăng cường tuần tra trên biển hết sức gắt gao.

Phút giây giáp mặt với quân địch

Trong số 14 lần vận chuyển vũ khí, đạn dược, thuốc men vào tiếp tế cho chiến trường miền Nam, ông cùng đồng đội rất nhiều lần phải đối mặt với kẻ thù. Có những kỷ niệm mà có lẽ ông sẽ mang theo suốt cả cuộc đời mình.

 

Ông Lê Văn Hòa vinh dự được đón nhận Huy chương kháng chiến hạng nhất do Nhà nước trao tặng
Ông Lê Văn Hòa vinh dự được đón nhận Huy chương kháng chiến hạng nhất do Nhà nước trao tặng

 

Ông kể đó là vào năm 1970, ông cùng 18 đồng đội thực hiện chuyến đi từ Hải Phòng vào Cà Mau. Khi con tàu mang kí hiệu số 41 vào đến cửa biển Cà Mau thì đúng lúc thủy triều rút, tàu bị mắc kẹt. “Lúc ấy trời đã sắp sáng, chúng tôi không còn liên lạc được với Quân ủy trung ương. Trong tình thế tiến thoái lưỡng nan ấy, chỉ huy trưởng đã quyết định thả thuyền cao su để vào bờ liên lạc với bộ đội địa phương nhờ giúp đỡ. Khi chúng tôi vừa bắt đầu quay đầu được thì tàu Mỹ đi tuần tra. May là khi đó chúng tôi đã kịp liên lạc với bộ đội. Lúc đó toàn bộ anh em, cùng bộ đội địa phương nhanh chóng phân công chặt cây đước để ngụy trang cho con tàu. Phát hiện được mùi, trực thăng địch đã bắn pháo sáng để tìm kiếm mục tiêu, may lúc đó chúng tôi đã kịp ngụy trang xong con tàu. Sau hơn 20 phút, sau khi pháo sáng tắt nhưng vẫn không thấy có động tĩnh gì nên chúng mới chịu rút lui” - ông Hòa nhớ lại.

Để vận chuyển thành công thì mỗi con tàu đều được ngụy trang hết sức khôn khéo. Gọi là tàu không số nhưng thực chất mỗi con tàu đều có số. Vì tính chất bảo mật và để đảm bảo an toàn, những số hiệu đã bị tháo gỡ và đến địa phương nào thì lắp biển số của địa phương đó. “Nhiều lúc tàu chúng tôi phải hóa trang thành tàu chở dầu, khi thì thành tàu đánh cá. Trong những tình huống bất ngờ, chúng tôi sẵn sàng lật lưới lên cầm súng chiến đấu ngay. Tất cả những con tàu này đều được lắp bộc phá để trong trường hợp bị địch phát hiện sẽ cho lao thẳng vào quân địch để cho nổ tàu, chấp nhận hy sinh chứ không chịu bị bắt, không chịu để quân địch cướp vũ khí, đạn dược”.

Và những hy sinh thầm lặng

Năm 1973, ông được nhận nhiệm vụ lái tàu đến đảo Phú Quốc để đón các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt giữ được thả tự do. Trong lúc đang vận chuyển thuốc từ tàu lên bến, ông bị gió to quật ngã xuống biển khiến ông bị thương nặng, mà đến giờ vết thương ấy vẫn còn theo đuổi hành hạ ông đến bây giờ. Mỗi lần trái gió trở trời người ông như có một vật nhọn đâm vào ngực đau nhói.

 

Cuốn sổ lưu giữ những kỷ niệm về một thời oanh liệt được ông cất giữ cẩn thận
Cuốn sổ lưu giữ những kỷ niệm về một thời oanh liệt được ông cất giữ cẩn thận

 

Một kỷ niệm mà có lẽ ông cũng không bao giờ quên, đó là vào năm 1974, ông được đơn vị cho nghỉ phép về quê cưới vợ. Đám cưới vừa diễn ra chưa đầy 1 tuần, có lẽ chưa nếm hết vị ngọt hạnh phúc của đôi vợ chồng mới cưới thì ông nhận được lệnh khẩn của đơn vị phải trở về đơn vị để nhận nhiệm vụ. Dù cho người vợ trẻ khóc ròng rã, ông vẫn quyết định tạm xa người vợ trẻ để lên đường vì Tổ quốc, vì miền Nam ruột thịt.

Đến năm 1975, sau khi đất nước thống nhất, Bắc - Nam sum họp một nhà, ông vẫn chưa thể về với người vợ trẻ đang ngày ngóng đêm chờ, bởi ông còn có nhiệm vụ chở nước và bộ đội ra quần đảo Trường Sa để tiếp quản.

Năm 1977, sau khi hoàn thành nhiệm vụ ông được trở về nhà. Những tưởng từ đây ông có thể ở bên người vợ để bù đắp những tháng ngày xa cách và có với nhau những đứa con kháu khỉnh. Nhưng ước mơ thật giản dị ấy của ông đã không trọn vẹn. Trong số 7 người con của ông thì có đến 3 người bị phơi nhiễm chất độc da cam nặng, trong đó đứa con út đã qua đời vì di chứng quá nặng.

Gánh nặng chiến tranh không những đè lên những người con mà 2 đứa cháu nội của ông cũng đã qua đời khi vừa lọt lòng mẹ vì bị nhiễm chất độc dioxin.

Đau đớn, mất mát là thế nhưng ông vẫn lạc quan và tin mình vẫn còn là người may mắn vì mình vẫn còn sống để chứng kiến phút giây đất nước thống nhất, Bắc – Nam sum họp một nhà, được trở về với vợ, với con. “Có nhiều chiến sĩ hy sinh khi tuổi vừa tròn đôi mươi, có nhiều chiến sĩ đã mãi mãi nằm sâu dưới lòng đại dương. Tui được như thế này đã là may mắn lắm rồi chú ạ” - ông Hòa xúc động.

Người nhà ông bảo nhiều lúc thấy ông ra biển ngồi một mình. Có lẽ ông đang nhớ về những người đồng đội, nhớ những người đã mãi mãi nằm sâu dưới đại dương và nhớ về những năm tháng oanh liệt đầy vinh quang.

Chia tay người chiến sĩ một thời đã góp phần làm nên con đường Hồ Chí Minh trên biển huyền thoại, chúng tôi vẫn thấy bùi ngùi xúc động khi nhìn lại những tấm hình về người thanh niên trẻ lái con tàu không số với nụ cười tươi đầy lạc quan và hình ảnh của một ông già gần 70 trước ngồi nhà bé nhỏ xiêu vẹo.
 
Xuân Sinh - Văn Dũng
 

  Các Tin khác
  + Khám phá 22 hang động kỳ vĩ mới được phát hiện tại Quảng Bình (19/04/2024)
  + 18 đời vua Hùng gồm những ai? Tên gọi chính xác của các vị vua là gì? (17/04/2024)
  + Ảnh ấn tượng về các lực lượng tham gia diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (05/04/2024)
  + 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ Đại tướng Phan Văn Giang: Vũ khí cá nhân mới của quân đội tốt hơn AK47 (05/04/2024)
  + Chiêm ngưỡng sắc đỏ của cây hoa gạo trăm tuổi "đẹp nhất" Ninh Bình (03/04/2024)
  + Hoa gạo rực đỏ bên ngôi chùa cổ kính nghìn năm tuổi ở Hà Nội (23/03/2024)
  + Những bông hoa y tế vùng cao và chuyện băng rừng trong đêm đi đỡ đẻ (06/03/2024)
  + Kỷ niệm 80 ngày thành lập QĐNDVN: Sẽ tổ chức Triển lãm Quốc phòng quốc tế và mít tinh cấp Nhà nước (26/01/2024)
  + MŨI NÉ VÀO TOP ĐIỂM BAY KHINH KHÍ CẦU ĐẸP NHẤT THẾ GIỚI (02/04/2023)
  + Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: (12/03/2023)
  + Hàng nghìn người khai hội gò Đống Đa xuân Quý Mão (26/01/2023)
  + Hiệp định Paris - thành quả đấu tranh kiên cường, bất khuất và hy sinh to lớn của quân dân Việt Nam (17/01/2023)
  + Cánh đồng Tà Pạ đẹp lạ như phim, dân mạng đang “phát sốt” tìm xem ở tỉnh nào của miền Tây (23/12/2022)
  + Mây tràn khắp lối, du khách ùn ùn kéo tới Sa Pa check-in khung cảnh bồng bềnh (06/12/2022)
  + Ly kỳ 2 quả núi cùng tên “kẹp” một dòng sông (26/11/2022)
  + Độc đáo bức tường bằng đá ong hàng trăm năm tuổi ở làng cổ Yên Trường (26/11/2022)
  + Cuộc đời cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt qua ảnh (21/11/2022)
  + ĐỘC ĐÁO LỄ HỘI ĐUA THUYỀN ĐỘC MỘC TRÊN SÔNG PÔ KÔ (11/11/2022)
  + NGHỆ NHÂN LÝ THỊ NHIỄN TÂM HUYẾT GÌN GIỮ VĂN HÓA DÂN TỘC CHÂU RO (10/11/2022)
  + “SỨ MÓNG CÁI, VẠI HƯƠNG CANH” (08/11/2022)
Playlist

GIỚI THIỆU
 

Kính thưa quý độc giả 

Website nguoixunghekiev.vn

hoạt động chính thức từ tháng

10/2012. và  phi lợi nhuận.

Trang tin đăng tải tin tức 

của cộng đồng người Việt tại Kiev

và toàn Ucraina, đồng thời lấy tin 

từ các trang báo mạng khác trên

nguyên tắc trích dẫn nguyên bản 

đường nguồn chính. Là những

người làm báo không chuyên nên

chắc chắn sẽ gặp sai sót không

mong muốn, chúng tôi sẽ tiếp thu 

chân thành những góp ý xây dựng 

của quý độc giả để cho trang tin 

ngày càng hoàn thiện hơn, xin gửi

về mục liên hệ trên mặt báo hoặc

Email: hosytruc@gmail.com

ĐT: 093-712-24-57

093-973-97-39

Xin trân trọng cảm ơn.

Biên tập: Hồ Sỹ Trúc

 

 

 
 
 

 

 


QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 4
Total: 60707848

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July