Trang chủ Liên hệ       Thứ bẩy, Ngày 04/05/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
  -  Con Người Việt Nam
  -  Đất Nước Việt Nam
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Việt Nam Đất Nước Con Người > Con Người Việt Nam >
  THƯỢNG TÁ LÊ ĐỨC HOÀN, CÔNG DÂN THỦ ĐÔ ƯU TÚ: ''Tôi muốn tích phúc đức cho con mình…'' THƯỢNG TÁ LÊ ĐỨC HOÀN, CÔNG DÂN THỦ ĐÔ ƯU TÚ: ''Tôi muốn tích phúc đức cho con mình…'' , Người xứ Nghệ Kiev
 

 

(Petrotimes) - Những ngày này, Thượng tá Lê Đức Đoàn, cán bộ Đội CSGT số 1 - Phòng CSGT Công an TP Hà Nội, người vừa được tặng danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú dường như bận hơn.

Ngoài những ca trực hàng ngày tại phía nam cầu Chương Dương, anh còn dành thời gian tiếp các nhà báo, trả lời những cuộc điện thoại chúc mừng của đồng nghiệp, những người thân quen… Tranh thủ giờ nghỉ giữa hai ca trực để tiếp chúng tôi, anh nhắc đi nhắc lại rằng, những việc anh làm chỉ là việc nhỏ so với những phần việc mà rất nhiều chiến sĩ công an thủ đô đang lặng thầm thực hiện…

Thượng tá Lê Đức Đoàn

PVXin chào Thượng tá Lê Đức Đoàn, trước đây không ít người đã biết anh - một CSGT không những làm tốt nhiệm vụ được giao, mà nhiều lần cứu giúp người có ý định tự tử, hoặc tham gia bắt cướp trên cầu Chương Dương… Đến giờ càng nhiều người biết đến anh hơn với danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú mà anh vừa được trao tặng nhân kỷ niệm 48 năm Ngày Giải phóng Thủ đô…

Thượng tá Lê Đức Đoàn: Xin cảm ơn, công việc hàng ngày mà tôi được giao là bảo đảm trật tự an toàn giao thông ở phía nam cầu Chương Dương, cây cầu ra vào cửa ngõ thủ đô Hà Nội. Trong các ca trực tại đây, tôi nhiều lần phát hiện, cứu giúp những người định nhảy cầu tự tử, hay tham gia bắt đối tượng cướp tài sản… đó là những việc rất bình dị, đời thường thôi mà.

PVAnh có thể chia sẻ thêm về công việc hàng ngày của mình trên cây cầu được coi là một trong những tuyến giao thông huyết mạch của thủ đô?

Thượng tá Lê Đức Đoàn: Đã 53 tuổi, nhưng tôi có 34 năm liên tục công tác tại Phòng CSGT - Công an TP Hà Nội, trong đó 15 năm được giao nhiệm vụ cùng đồng đội bảo đảm trật tự an toàn giao thông ở cầu Chương Dương. Như mọi người biết, khi lưu lượng phương tiện ra vào cửa ngõ thủ đô ngày càng quá tải, thì áp lực công việc đối với tổ công tác của chúng tôi càng lớn hơn. Ngày nào cũng vậy, 24 giờ trong một ngày chúng tôi phải tập trung phân luồng, điều tiết giao thông qua cầu, vì chỉ cần một chiếc xe chết máy trên cầu thôi thì ngay lập tức cả một đoàn xe ùn lại thành hàng dài, đồng thời còn kéo theo sự ùn tắc của dòng xe trên những tuyến đường nối với cây cầu. Chúng tôi phải tìm mọi cách để giải tỏa nhanh nhất sao cho dòng phương tiện tiếp tục lưu thông. Niềm vui đối với tôi trong mỗi ca trực là các phương tiện qua cầu được thuận tiện, không xảy ra tai nạn giao thông và tôi nhận được những lời chào, cái gật đầu của “cánh” lái xe…

PVĐã bao giờ anh có ý nghĩ về một cơ duyên nào đó khiến mình thường kịp thời có mặt trong những tình huống có người tự tử, có người bị cướp giật… trên cầu không?

Thượng tá Lê Đức Đoàn: Chỉ trong năm 2011 tôi đã giúp 11 người có ý định nhảy cầu Chương Dương tự tử trở lại cuộc sống. Họ là những người có hoàn cảnh riêng rất thống khổ, nỗi khổ khiến họ có suy nghĩ tiêu cực tìm đến cái chết.

Tôi nhớ nhất vào cuối năm 2011, khi ca trực của tôi vừa hết, tôi đang bàn giao công việc cho đồng đội thì một người dân hớt hải phóng xe đến nói không thành câu rồi chỉ về phía chiếc xe máy đang dựng sát lan can cầu. Đoán ngay có người định nhảy cầu quyên sinh, tôi lao về phía đó được một đoạn nhưng rồi vội khựng lại khi phát hiện một phụ nữ đang chui qua khe hở giữa hai làn ôtô và xe máy của trụ cầu số 7 để lao xuống sông Hồng. Lúc này, chỉ cần ai đó hô một câu thôi là người phụ nữ này nhảy ngay xuống dòng nước xoáy đỏ ngầu trước mặt. Sau ít phút trấn tĩnh, tôi ra hiệu cho một chiếc xe buýt đang chạy tới mở cửa, tôi nhảy lên xe. Đến trụ cầu số 7, tôi nhào người ra khỏi xe nắm lấy vai người phụ nữ đó kéo lên trên cầu. Người phụ nữ (chỉ trạc tuổi đứa con lớn của tôi) đang mang thai gào khóc, vùng vẫy rồi lao đầu vào một chiếc xe ôtô đang chạy tới, nhưng người lái xe đã kịp phanh lại. Người phụ nữ càng gào khóc to hơn rồi đập đầu vào cửa xe để được chết… Có lẽ chỉ những người đang chứa chất trong mình nỗi đau tột cùng nên mới hành động như vậy. Tôi liền nói: “Con ơi, đừng làm việc gì dại dột mà hãy nghĩ đến đứa con sắp chào đời…”. Bỗng nhiên người phụ nữ này như bừng tỉnh, ngồi bệt xuống ôm lấy bụng mình, tiếng khóc cũng thưa dần… Sau đó, tôi vẫy xe trên đường đưa người phụ nữ ấy về chốt trực. Hỏi han, tôi được biết cô mới 25 tuổi, quê ở Nam Định, lấy chồng ở Gia Lâm, Hà Nội. Tôi nói quê tôi cũng ở một huyện nghèo của tỉnh Nam Định, lúc này cô gái đó đã bình tĩnh hơn, cô nói do bị người chồng phụ bạc, đánh đập và hắt hủi nên cô chỉ còn cách nhảy sông tự tử để giải thoát mình khỏi nỗi khổ đó. Khi cô gái đã trấn tĩnh lại, tôi bảo cô đưa số điện thoại của người chồng rồi gọi anh ta đến. Tại đây anh ta đã xin lỗi vợ rồi đưa vợ về.

Giữa năm 2012, khi tôi đang có ca trực tại cầu Chương Dương, một đôi vợ chồng trẻ bế đứa con nhỏ đến chào tôi. Bất ngờ nhận ra vợ chồng cô gái đó, tôi rất mừng, tôi chỉ biết chúc cho cái tổ ấm nhỏ bé đó luôn hạnh phúc. Gần đây nhất, lại có một phụ nữ do nỗi đau mất chồng, cuộc sống lại gặp khó khăn túng quẫn nên chị ta đã bế đứa con nhỏ đến cầu Chương Dương với ý định nhảy cầu tự tử. Khi biết việc tôi vội chạy đến lựa lời khuyên can chị từ bỏ ý định đó.

Từ những ngày đầu nhận nhiệm vụ trên cây cầu này, tôi luôn nghĩ mình cứ làm thật tốt nhiệm vụ theo đúng cái tâm của mình. Đó đã là một cơ duyên. Còn những lần cứu giúp người, chỉ là việc cần phải làm, nhất là khi phận sự của tôi chính là bảo đảm an toàn cho mọi cá nhân và phương tiện khi đi qua cầu.

Thượng tá Lê Đức Đoàn làm nhiệm vụ trên cầu Chương Dương

PVCho đến lúc này, lần tham gia bắt cướp trong lúc làm nhiệm vụ trên cây cầu nào khiến anh vẫn còn nhớ rõ?

Thượng tá Lê Đức Đoàn: Cho đến giờ tôi vẫn nhớ dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5/2011, giao thông qua cầu Chương Dương rất thông thoáng, bỗng nhiên có tiếng hô “cướp, cướp” thất thanh của một phụ nữ. Nhìn về hướng đó, tôi phát hiện một đối tượng đang phóng chiếc xe Lead tẩu thoát. Ngay lập tức, tôi ra hiệu cho hai dòng xe đang lưu thông tại phía nam cầu dừng lại như hàng rào ngăn cản đường chạy trốn của tên cướp. Thấy tôi lao vào, tên cướp liền dùng bình xịt hơi cay và dao chống trả để thoát thân, nhưng tôi đã tìm cách quật ngã tên cướp, cùng lúc đó mấy nhân viên bảo vệ cầu lao tới giúp tôi tóm tên cướp, thu giữ tang vật là chiếc xe Lead cùng bình xịt hơi cay, dao và van phá khóa... bàn giao cho đơn vị nghiệp vụ lập hồ sơ xử lý.

PVNói về việc bắt cướp, tôi được biết trước đây anh đã bị thương khi ngăn chặn ổ nhóm cướp tài sản tại khu vực huyện Sóc Sơn, Hà Nội…

Thượng tá Lê Đức Đoàn: Đó là việc xảy ra từ năm 1995, tổ công tác của tôi được tăng cường cho Đội CSGT Công an huyện Sóc Sơn. Một buổi tối khi chúng tôi đi tuần tra qua một khu vực vắng người trên địa bàn huyện, tôi ngồi phía trước xe ôtô nên đã phát hiện nhóm thanh niên đang đe dọa một phụ nữ để cướp xe máy. Người phụ nữ cố giằng lại chiếc xe thì bị chúng đạp ngã dúi dụi bên đường. Tôi ra hiệu cho lái xe đi chậm lại rồi mở cửa xe ôtô nhảy xuống chạy vội về phía đó và lao tới quật ngã một tên cướp. Bất ngờ, cả nhóm cướp liền dùng tuýp sắt, gạch đập tới tấp vào mặt, vào đầu tôi. Bị đánh khá đau nhưng tôi vẫn ôm chặt tên cướp đó, ít phút sau, đồng đội của tôi kịp đến bắt giữ nhóm cướp, đưa tôi đến bệnh viện cấp cứu. Ngay trong đêm hôm đó tôi được mổ cấp cứu vì bị vỡ xương sọ (vùng mặt). Sau 3 tháng nằm viện điều trị vết thương, tôi đã trở lại đơn vị tiếp tục công tác, tôi được công nhận là thương binh công an từ đó.

PVNguyên nhân nào khiến anh khi đã là thương binh nhưng vẫn tiếp tục tham gia bắt cướp trên cầu Chương Dương, rồi giải cứu những người có ý định nhảy cầu tự tử, đưa cháu bé bị lạc trở về với gia đình và đưa những người bị tai nạn giao thông vào bệnh viện cấp cứu…?

Thượng tá Lê Đức Đoàn: Nhà báo hỏi nguyên nhân nào đã thôi thúc tôi làm những việc trên ư? Bởi tôi là một chiến sĩ công an và có lẽ là do tôi không vô cảm với mọi việc xảy ra khiến sự bình yên của thành phố bị ảnh hưởng, mà trong thành phố đó có gia đình tôi. Nguyên nhân tiếp theo là tôi muốn tích phúc đức cho con mình, để con tự hào về người cha - một cán bộ, chiến sĩ Công an Hà Nội… Nhưng hãy nhìn nhận những việc làm của tôi rất bình dị, đời thường, bởi còn có rất nhiều cán bộ chiến sĩ khác của Công an Hà Nội đang ngày đêm đấu tranh, triệt phá các ổ nhóm tội phạm nguy hiểm, mặc dù biết tội phạm sẵn sàng sử dụng vũ khí nóng để chống trả, nhưng các anh không quản ngại hy sinh vì sự bình yên của thành phố…

PVAnh nghĩ sao khi vẫn còn có nhiều “lời ra tiếng vào” của người dân về tác phong, thái độ của một số cán bộ CSGT trong lúc làm nhiệm vụ?

Thượng tá Lê Đức Đoàn: Theo tôi, một số cán bộ CSGT đó chỉ là con sâu làm rầu nồi canh. Những cán bộ, chiến sĩ CSGT của Công an Hà Nội đã không quản ngại khó khăn vất vả, chúng tôi thường nói đùa với nhau rằng, mình là “mặt tiền của mặt tiền” nên bốn mùa trong năm đều phải hứng chịu và đối mặt với sự khắc nghiệt của thời tiết. Trời nắng thì nóng cháy da cháy thịt, trời rét thì lạnh buốt đến tận ruột gan, còn trời mưa thì nước mưa tát vào rát hết mặt, ngoài ra còn thường xuyên phải hít bụi đường… Nhưng chúng tôi vẫn bám đường và cả làm thêm giờ để giao thông trên các tuyến đường của thủ đô, nhất là những tuyến đường cửa ngõ ra vào của thành phố với lưu lượng phương tiện giao thông gia tăng đến chóng mặt được lưu thông thuận tiện, giảm tai nạn giao thông đến mức thấp nhất… Chỉ một ngày trên một tuyến đường cửa ngõ của thủ đô mà không có bóng lực lượng CSGT thì giao thông luôn rơi vào tình trạng ùn tắc, phức tạp, mạnh phương tiện nào thì phương tiện đó đi, tai nạn giao thông xảy ra nhiều hơn…

Thời gian gần đây có một số báo đã có những bài viết về nhiều cán bộ chiến sĩ CSGT Hà Nội sau giờ làm việc ở đơn vị đã phải tìm việc khác để làm (kể cả việc làm xe “ôm”) với mục đích tăng thêm thu nhập cho gia đình mình, chứ các anh không đánh mất mình vì tiêu cực. Họ là những người thật đáng khâm phục…

Thượng tá Lê Đức Đoàn chỉ nơi hai mẹ con người phụ nữ có ý định tự tử

PVNhắc đến 15 năm gắn bó với cây cầu Chương Dương, trong vai trò của một người bám trụ trên cầu bất kể thời tiết nào, tôi chợt có thắc mắc, không biết có lúc nào trong suốt thời gian qua anh để ý và “chấm chọn” được thời điểm đẹp nhất của cây cầu nằm giữa hai bờ sông Hồng này?

Thượng tá Lê Đức Đoàn: 15 năm làm nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông cho các phương tiện qua lại cầu Chương Dương nên tôi thuộc lòng cây cầu này như thuộc lòng bàn tay mình vậy. Thậm chí, tôi còn biết tâm trạng của những người tham gia giao thông qua lại cây cầu này vào bốn mùa trong năm khác nhau như thế nào… Hay lưu lượng phương tiện giao thông qua cầu quá tải nhất vào những giờ nào trong ngày để có phương án phân luồng, xử lý kịp thời, tránh ùn tắc, tránh để xảy ra tai nạn. Việc phân luồng, điều khiển phương tiện giao thông ở các cây cầu cửa ngõ thành phố khác hẳn so với các tuyến phố nội đô. Nếu mình không mềm dẻo trong xử lý các vi phạm, hay không giải quyết nhanh một vụ tai nạn giao thông xảy ra trên cầu là có thể dẫn tới ùn tắc phương tiện trên suốt cả cây cầu và cả những con đường dẫn lên cầu... Vì vậy, tôi thường ví làn xe qua cầu cũng như dòng nước chảy vậy. Nếu chỗ nào dòng nước được lưu thông thì rất êm đềm, nếu nó bị chặn lại thì dòng chảy gầm gào, cuộn sóng. Nhiệm vụ của tôi phải biết điều tiết để dòng chảy đó êm đềm, cũng có nghĩa là làm sao cho phương tiện lưu thông thuận tiện.

Đối với tôi, cầu Chương Dương, cây cầu cửa ngõ thủ đô này lúc nào cũng đẹp, nhưng nó đẹp nhất khi các phương tiện lưu thông qua cầu chấp hành tốt Luật Giao thông và người điều khiển phương tiện có văn hóa giao thông.

PVVâng, văn hóa giao thông đã được nhắc đến rất nhiều trong thời gian qua, nhưng điều đáng buồn là không ít người (nhất là lớp trẻ) khi ra đường đã quên mất điều này. Theo anh, cần phải làm gì để mọi người có văn hóa giao thông.

Thượng tá Lê Đức Đoàn: Trong khi số lượng phương tiện giao thông tăng rất nhanh, nhưng hạ tầng giao thông lại chưa đáp ứng kịp khiến nhiều tuyến đường trở nên quá tải, xảy ra ùn tắc. Nhiều thành phố ở các nước cũng thường xảy ra ùn tắc giao thông, nhưng ở họ là ùn tắc trong trật tự, các phương tiện cứ lần lượt mà đi. Nếu một đường phố ở Hà Nội mà ùn tắc thì xảy ra cảnh chen lấn, mạnh xe nào là xe đó đi, không cần biết đó là đường dành cho ôtô hay xe máy, chính điều này càng làm cho ùn tắc kéo dài hơn. Hoặc khi xảy ra tai nạn giao thông, người xem thì nhiều nhưng ít người sẵn sàng đưa người bị nạn đi cấp cứu… Hay nhiều người điều khiển xe máy trên đường cứ liên tục bấm còi đinh tai, nhức óc, có người vô tư vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm, nhiều trường hợp 3, 4 người đi trên một chiếc xe máy đều không đội mũ bảo hiểm… khi phát hiện có CSGT là vội vàng bỏ chạy, nếu bị CSGT xử phạt thì họ lại cho là mình bị xử phạt oan… Theo tôi, những việc trên đều thiếu văn hóa giao thông.

Văn hóa giao thông là ý thức tự giác chấp hành luật và trách nhiệm của mỗi người khi tham gia giao thông. Để xây dựng văn hóa giao thông cho mọi người thì báo chí cũng góp phần trong công tác tuyên truyền mọi người có ý thức chấp hành Luật Giao thông, ý thức này cũng nên đưa vào chương trình giáo dục trong nhà trường. Còn lực lượng CSGT cần tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm những vi phạm trật tự về an toàn giao thông…

PVTrở lại danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú mà anh vừa được tặng, anh nghĩ gì về danh hiệu đó?

Thượng tá Lê Đức Đoàn: Khi được trao tặng danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú nhân kỷ niệm 48 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, tôi thật sự bất ngờ về điều này. Theo tôi, danh hiệu cao quý này là vinh dự của lực lượng công an thủ đô anh hùng mà tôi là một trong hàng chục nghìn cán bộ chiến sĩ của Công an Hà Nội. Đây là sự đánh giá, ghi nhận của Thành ủy, UBND TP Hà Nội đối với lực lượng công an thủ đô trong việc đảm bảo an ninh trật tự giao thông đô thị ở thủ đô.

PVCó thể hiểu rằng, phía sau anh là một gia đình hạnh phúc đã giúp anh luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ. Anh có thể chia sẻ một chút về “hậu phương” của mình?

Thượng tá Lê Đức Đoàn: Tôi không những tự hào về công việc của mình mà còn tự hào về gia đình. Vợ chồng và hai con chúng tôi sống trong căn nhà nhỏ của bố mẹ ở ven sông Hồng, thuộc phường Phúc Xá, Hà Nội. Vợ tôi cũng là công chức, ngoài đồng lương không có thu nhập gì thêm, nên cuộc sống cũng còn nhiều khó khăn. Nhưng vợ tôi là người phụ nữ biết thu vén, tằn tiện, nói như các cụ là “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”. Ngoài ra, vợ tôi rất hiểu và ủng hộ công việc của tôi. Còn hai con tôi, cháu lớn đã tốt nghiệp Trường đại học Cảnh sát, hiện đang công tác tại Công an Hà Nội, cháu thứ hai đang học tại Học viện Ngoại giao. Gia đình là động lực giúp tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao…

PVXin cảm ơn anh!

Vĩnh Yên (thực hiện)


  Các Tin khác
  + Khám phá 22 hang động kỳ vĩ mới được phát hiện tại Quảng Bình (19/04/2024)
  + 18 đời vua Hùng gồm những ai? Tên gọi chính xác của các vị vua là gì? (17/04/2024)
  + Ảnh ấn tượng về các lực lượng tham gia diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (05/04/2024)
  + 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ Đại tướng Phan Văn Giang: Vũ khí cá nhân mới của quân đội tốt hơn AK47 (05/04/2024)
  + Chiêm ngưỡng sắc đỏ của cây hoa gạo trăm tuổi "đẹp nhất" Ninh Bình (03/04/2024)
  + Hoa gạo rực đỏ bên ngôi chùa cổ kính nghìn năm tuổi ở Hà Nội (23/03/2024)
  + Những bông hoa y tế vùng cao và chuyện băng rừng trong đêm đi đỡ đẻ (06/03/2024)
  + Kỷ niệm 80 ngày thành lập QĐNDVN: Sẽ tổ chức Triển lãm Quốc phòng quốc tế và mít tinh cấp Nhà nước (26/01/2024)
  + MŨI NÉ VÀO TOP ĐIỂM BAY KHINH KHÍ CẦU ĐẸP NHẤT THẾ GIỚI (02/04/2023)
  + Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: (12/03/2023)
  + Hàng nghìn người khai hội gò Đống Đa xuân Quý Mão (26/01/2023)
  + Hiệp định Paris - thành quả đấu tranh kiên cường, bất khuất và hy sinh to lớn của quân dân Việt Nam (17/01/2023)
  + Cánh đồng Tà Pạ đẹp lạ như phim, dân mạng đang “phát sốt” tìm xem ở tỉnh nào của miền Tây (23/12/2022)
  + Mây tràn khắp lối, du khách ùn ùn kéo tới Sa Pa check-in khung cảnh bồng bềnh (06/12/2022)
  + Ly kỳ 2 quả núi cùng tên “kẹp” một dòng sông (26/11/2022)
  + Độc đáo bức tường bằng đá ong hàng trăm năm tuổi ở làng cổ Yên Trường (26/11/2022)
  + Cuộc đời cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt qua ảnh (21/11/2022)
  + ĐỘC ĐÁO LỄ HỘI ĐUA THUYỀN ĐỘC MỘC TRÊN SÔNG PÔ KÔ (11/11/2022)
  + NGHỆ NHÂN LÝ THỊ NHIỄN TÂM HUYẾT GÌN GIỮ VĂN HÓA DÂN TỘC CHÂU RO (10/11/2022)
  + “SỨ MÓNG CÁI, VẠI HƯƠNG CANH” (08/11/2022)
Playlist

GIỚI THIỆU
 

Kính thưa quý độc giả 

Website nguoixunghekiev.vn

hoạt động chính thức từ tháng

10/2012. và  phi lợi nhuận.

Trang tin đăng tải tin tức 

của cộng đồng người Việt tại Kiev

và toàn Ucraina, đồng thời lấy tin 

từ các trang báo mạng khác trên

nguyên tắc trích dẫn nguyên bản 

đường nguồn chính. Là những

người làm báo không chuyên nên

chắc chắn sẽ gặp sai sót không

mong muốn, chúng tôi sẽ tiếp thu 

chân thành những góp ý xây dựng 

của quý độc giả để cho trang tin 

ngày càng hoàn thiện hơn, xin gửi

về mục liên hệ trên mặt báo hoặc

Email: hosytruc@gmail.com

ĐT: 093-712-24-57

093-973-97-39

Xin trân trọng cảm ơn.

Biên tập: Hồ Sỹ Trúc

 

 

 
 
 

 

 


QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 3
Total: 60664583

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July