Trang chủ Liên hệ       Thứ sáu, Ngày 29/03/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
  -  Con Người Việt Nam
  -  Đất Nước Việt Nam
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Việt Nam Đất Nước Con Người > Con Người Việt Nam >
  Trần Nhật Duật - Người làm quan bốn triều Trần Nhật Duật - Người làm quan bốn triều , Người xứ Nghệ Kiev
 

 

 
...Tài năng nổi bật nhất, cống hiến lớn nhất của Trần Nhật Duật là thuộc lĩnh vực quân sự. Trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông lần thứ hai (1285) và lần thứ ba (1288), Trần Nhật Duật thật sự là một danh tướng kiệt xuất...

Trần Nhật Duật là Hoàng tử thứ sáu của vua Trần Thái Tông, em cùng cha nhưng khác mẹ của vua Trần Thánh Tông và danh tướng Trần Quang Khải. Ông sinh vào tháng 4 năm Ất Mão (1255). Thân mẫu của ông là ai thì chưa rõ. Sử cũ chép về sự kiện ông chào đời như sau:

“Trước đó, có viên Đạo sĩ ở cung Thái Thanh, tên là Thậm, đi cầu tự cho Nhà vua. Sau khi đọc sớ xong, (Đạo sĩ) liền tâu Vua rằng:

- Thượng đế đã y lời sớ tâu, sắp sai Chiêu Văn Đồng Tử giáng sinh, ở trần thế bốn kỷ (tức 48 năm - NKT).

Thế rồi Hậu Cung có thai, sau quả nhiên sinh con trai, trên hai cánh tay của người con ấy có rành rành bốn chữ Chiêu Văn Đồng Tử, nét rất rõ, vì thế, Nhà vua mới cho đặt hiệu là Chiêu Văn. Lớn lên, những nét chữ ấy mới mất hẳn đi” (Đại Việt sử ký toàn thư, Bản kỷ, quyển 5, tờ 20-b).

Từ thuở niên thiếu, Trần Nhật Duật đã nổi tiếng là ông hoàng hiếu học và sớm bộc lộ thiên tài. Do miệt mài học tập và khổ công rèn luyện mà ông nổi tiếng hiểu khắp kinh sử, giỏi việc chính trị, quân sự, thông thạo ngôn ngữ và phong tục tập quán của các tộc người thiểu số và các nước ngoài. Ông biết tiếng Hoa, tiếng Chiêm Thành, tiếng Sách Mã Tịch (tức Tumasik, nay là Singapor).

Lúc 20 tuổi, Trần Nhật Duật đã được vua Trần Nhân Tông giao đặc trách những công việc về các dân tộc liên quan. Nhà vua rất thán phục, có lần nói đùa: “Chiêu Văn Vương có lẽ không phải người Việt mà là hậu thân của giống Phiên, Nam”. Tiếp xúc với các sứ thần triều Nguyên, có lần Trần Nhật Duật vui vẻ, tự nhiên trò chuyện khiến sứ Nguyên khăng khăng cho rằng Trần Nhật Duật là người Hán ở Chân Định (gần Bắc Kinh) sang làm quan ở bên Đại Việt.

Năm Canh Thìn 1280, tù trưởng địa phương ở đạo Đà Giang (Tây Bắc ngày nay) là Trịnh Giác Mật nổi lên chống lại triều đình. Tin dữ đến với vua quan nhà Trần trong lúc nhà Nguyên đang sửa soạn quân xâm lược Đại Việt lần thứ hai, vì vậy cần phải dẹp ngay mối loạn trong nước. Trần Nhật Duật được lệnh đem quân đánh dẹp.

Biết tin, tù trưởng Đà Giang họp các đầu mục bàn kế sách chống lại. Khi Trần Nhật Duật đến Đà Giang, Giác Mật sai người đến quân doanh đưa thư nói: “Giác Mật không dám trái lệnh triều đình, nếu ân chúa dám một mình một ngựa mà đi đến thì Giác Mật xin hàng ngay”. Trần Nhật Duật nhận lời rồi đem năm, sáu tiểu đồng cùng đi. Các tướng can ngăn, ông nói: “Nếu y phản trắc thì triều đình sẽ có người khác đến, không cần phải lo”. Thản nhiên đi giữa mấy vòng gươm giáo và đám lính sắc phục kỳ dị cố ý phô trương uy hiếp của Giác Mật, Trần Nhật Duật nói với tù trưởng bằng chính ngôn ngữ và theo đúng phong tục của dân tộc Đà Giang:

“Lũ tiểu đồng của ta đi đường thì nóng tai trái, đến đây thì nóng tai phải”.

Từ Giác Mật đến các đầu mục đều sững sờ, kinh ngạc trước sự am hiểu tiếng nói và tục lệ của Trần Nhật Duật. Rồi mâm rượu được bưng lên, tù trưởng nheo mắt thách thức, đưa tay mời. Chỉ có quả bầu cắt đôi sóng sánh rượu và đĩa thịt nai muối. Trần Nhật Duật không chút ngần ngại, tay cầm thịt ăn rồi vừa nhai vừa ngẩng mặt, cầm bầu rượu từ từ dốc vào lỗ mũi hết sức thành thạo.

Trình Giác Mật kinh ngạc thốt lên: “Chiêu Văn Vương là anh em với ta”. Trần Nhật Duật bấy giờ mới thốt lên: “Chúng ta xưa nay vẫn là anh em”, rồi gọi tiểu đồng đến gần, tự tay mở tráp, lấy ra những chiếc vòng bạc sáng lấp lánh, trao tận tay cho từng đầu mục đạo Đà Giang và chọn riêng cho tù trưởng Đà Giang một chiếc vòng lớn, lồng nguyên một chiếc vuốt cọp.

Trịnh Giác Mật đem cả gia thuộc đến doanh trại Trần Nhật Duật xin hàng. Mọi người thấy thế, ai cũng vui vẻ, kính phục. Khi về kinh, Trần Nhật Duật dẫn cả Giác Mật và gia thuộc của y theo vào yết kiến vua. Vua khen lắm, cho Giác Mật và vợ con về, chỉ giữ lại một người con ở kinh sư. Trần Nhật Duật hết lòng yêu thương dạy dỗ, lại còn xin phong tước cho, sau cũng cho về nốt.

Trần Nhật Duật thích chơi với người nước ngoài, thường cưỡi voi đến chơi thôn Bà Già (thôn này, khi Lý Thánh Tông đánh Chiêm Thành bắt được người Chiêm Thành cho ở đấy, lấy tiếng nước Chiêm Thành đặt tên là Đa- đa-li, sau gọi sai là Bà Già), có khi ba, bốn ngày mới về. Lại đến chơi chùa Tường Phù, nói chuyện với nhà sư người Tống, ngủ lại rồi về. Phàm là người nước ngoài đến kinh sư thường kéo đến chơi nhà, nếu là người Tống thì ngồi ghế đối nhau đàm luận suốt ngày, là người Chiêm Thành hay người các dân tộc khác thì đều theo quốc tục của họ mà tiếp đãi. Theo tục lệ cũ, khi sứ Nguyên đến phải có người phiên dịch. Trần Nhật Duật mỗi khi tiếp sứ Nguyên đều nói chuyện lấy, không cần phiên dịch.

Tài năng Trần Nhật Duật trải rộng trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Ông rất giỏi về âm nhạc và thường tự mình sáng tác các bản nhạc, trong đó có không ít bài có lời bằng chữ Nôm.

Tuy nhiên, tài năng nổi bật nhất, cống hiến lớn nhất của Trần Nhật Duật là thuộc lĩnh vực quân sự. Trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông lần thứ hai (1285) và lần thứ ba (1288), Trần Nhật Duật thật sự là một danh tướng kiệt xuất.

Năm 1285, Trần Nhật Duật được trao trọng trách chỉ huy một cánh quân lớn của triều đình đóng giữ ở vùng Tuyên Quang ngày nay, đánh chặn để cản bước tiến ồ ạt của quân Nguyên Mông do Thoát Hoan cầm đầu. Ông đã chỉ huy các tướng sĩ dưới quyền đánh nhiều trận xuất sắc, gây cho giặc nhiều tổn thất lớn. Trong cuộc kháng chiến lần thứ hai, một cánh quân Nguyên từ Vân Nam tiến xuống theo đường quốc lộ Tuyên Quang. Lúc bấy giờ, ông đóng quân ở trại Thu Vật (Yên Bái), đem quân chặn đánh rồi rút lui về Bạch Hạc làm lễ tuyên thệ, nguyện hết lòng trung thành báo đền ơn vua. Sau đó, ông rút về Thiên Trường hội quân với đại quân triều đình.

Mùa hè năm 1285, quân ta tổ chức phản công. Trong năm chiến dịch lớn nhất của cuộc phản công chiến lược này do Quốc công tiết chế Hưng Đạo Vương đề ra và trực tiếp chỉ đạo (năm chiến dịch gồm: chiến dịch Tây Kết lần thứ nhất, chiến dịch Chương Dương, chiến dịch Hàm Tử, chiến dịch Tây Kết lần thứ hai, chiến dịch giải phóng Thăng Long), Trần Nhật Duật có vinh dự được cử làm tướng chỉ huy chiến dịch Hàm Tử. Bấy giờ, ngoài lực lượng vốn có của ta, Trần Nhật Duật đã quy tụ được không ít những người Trung Quốc lưu vong. Họ bị thất bại trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông nên chạy sang lánh nạn ở nước ta. Họ kính trọng tài năng quân sự nhất là tài thông thạo tiếng Trung Quốc của Trần Nhật Duật, nên đã tình nguyện chiến đấu dưới trướng của ông. Điều này làm cho quân Nguyên Mông rất bất ngờ và hốt hoảng, cho rằng đó là đội liên quân của nhà Tống với Đại Việt. Trần Nhật Duật đã cản phá quân giặc ở Hàm Tử (Hưng Yên). Lực lượng của quân Nguyên Mông nhanh chóng bị chia cắt, bị tấn công tiêu diệt bởi sự hợp đồng chặt chẽ của nhiều chiến dịch khác nhau. Chiến thắng Hàm Tử do Trần Nhật Duật chỉ huy có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với thắng lợi chung của cuộc kháng chiến lần thứ hai; và, cùng với các cánh quân khác đập tan hệ thống phòng thủ phía nam Thăng Long, mở đường tiến về giải phóng kinh thành.



 Đền thờ Trần Nhật Duật bên bờ 
sông Hồng, Phú Thọ

Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ ba (1288), danh tướng Trần Nhật Duật lập nhiều chiến công xuất sắc, góp phần to lớn vào thắng lợi trọn vẹn của dân tộc ta. Ông có vinh dự được chia sẻ trách nhiệm với vị Quốc công tiết chế Hưng Đạo Vương quét sạch quân xâm lược Nguyên Mông, giữ vững nền độc lập của tổ quốc.

Trần Nhật Duật là một nhà quân sự lớn, ông biết khôn khéo áp dụng phương pháp địch vận, tác động vào lòng người. Ông là người kiên trì đường lối hữu nghị giữa các dân tộc, không kỳ thị những dân tộc thiểu số mà trước đây người ta thường khinh miệt là man di, mọi rợ; biết liên minh với các dân tộc bị áp bức với mục tiêu chống kẻ thù chung. Hơn nữa, ông lại là người giữ vững sự đoàn kết giữa nội bộ vương hầu quý tộc. Đại Việt sử ký toàn thư chép: Trần Nhật Duật là người nhã nhặn, độ lượng, mừng giận không lộ ra sắc mặt. Trong nhà không hề chứa roi vọt để đánh nô lệ. Có khi đánh thì trước hết kể tội lỗi rồi sau mới đánh. Có lần gia đồng của ông bị gia đồng của Quốc phủ (tức Trần Quốc Tuấn) đánh. Có người đến mách, Trần Nhật Duật hỏi có chết không? Người ấy trả lời: chỉ đánh bị thương thôi, ông nói: không chết thì thôi, mách để làm gì?

Như đã biết, chuyện gia tộc nhà Trần rất phức tạp. Đó là sự kiện Trần Thủ Độ thấy Trần Thừa (bố Trần Cảnh) đã già, mà Trần Cảnh chưa có con, sợ Trần Cảnh không may mất đột ngột thì không có ai lên nối ngôi, nên bắt Trần Cảnh cướp vợ của anh là Trần Liễu, vì người vợ khi đó đã có mang. Trần Liễu căm giận, khi sắp chết dặn con là Trần Quốc Tuấn sau này phải cướp ngôi vua để trả thù. Không cho lời cha dặn là phải, Trần Quốc Tuấn vẫn sẵn sàng phục vụ Trần Thánh Tông và Trần Nhân Tông đánh giặc cứu nước. Cũng như anh mình là Trần Quang Khải đã cởi bỏ mối thù hiềm khích với Trần Quốc Tuấn, Trần Nhật Duật cũng hết sức nhường nhịn Trần Quốc Tuấn để tăng cường tình thân mật với nhau, đặt quyền lợi dân tộc lên trên hết. Sự đoàn kết giữa nội bộ vương hầu cũng là một yếu tố quan trọng đảm bảo cho cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông thắng lợi. Trần Nhật Duật, Trần Quốc Tuấn, Trần Quang Khải… là những người nêu cao tấm gương đoàn kết đó.

Trần Nhật Duật học qua Ngũ kinh chư sử, thông hiểu lời huyền diệu của Đạo gia; có tiếng là người học rộng. Vua Anh Tông muốn tôn Tuyên Từ hoàng Thái hậu, nhưng chưa biết gia tôn thế nào. Khâm Từ hoàng thái hậu đem việc ấy hỏi Trần Nhật Duật, ông trả lời là tôn làm Thái hoàng thái hậu. Vua Anh Tông có hai cái mũ võ, tức là mũ để đội trong khi xét công và khi giảng võ, mà chưa biết đặt tên là gì? Vua sai Trần Nhật Duật đặt tên, ông bèn đặt tên một cái là Vũ uy, một cái là Vũ đức... Phàm nhịp điệu âm nhạc, khúc điệu hát múa đều do Trần Nhật Duật làm…

Năm Nhâm Dần 1302, Trần Nhật Duật được phong làm Thái úy Quốc công; năm Nhâm Tý 1324, được phong làm Tả thánh Thái sư; năm Kỷ Tỵ 1329 được phong Chiêu Văn đại vương.

Năm Canh Ngọ 1330, đời Trần Hiến Tông, Trần Nhật Duật mất, thọ 76 tuổi.

Bình luận về ông, Đại Việt sử ký toàn thư viết: “Ông là bậc thân vương tôn quý làm quan bốn triều (Nhân Tông, Anh Tông, Minh Tông, Hiến Tông), ba lần coi giữ trấn lớn… “Ông được nhân dân nhiều vùng của đất nước lập đền, đình, miếu thờ; nhiều trường học mang tên “Trần Nhật Duật”.


Theo Danh nhân Hà Nội

 

  Các Tin khác
  + Hoa gạo rực đỏ bên ngôi chùa cổ kính nghìn năm tuổi ở Hà Nội (23/03/2024)
  + Những bông hoa y tế vùng cao và chuyện băng rừng trong đêm đi đỡ đẻ (06/03/2024)
  + Kỷ niệm 80 ngày thành lập QĐNDVN: Sẽ tổ chức Triển lãm Quốc phòng quốc tế và mít tinh cấp Nhà nước (26/01/2024)
  + MŨI NÉ VÀO TOP ĐIỂM BAY KHINH KHÍ CẦU ĐẸP NHẤT THẾ GIỚI (02/04/2023)
  + Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: (12/03/2023)
  + Hàng nghìn người khai hội gò Đống Đa xuân Quý Mão (26/01/2023)
  + Hiệp định Paris - thành quả đấu tranh kiên cường, bất khuất và hy sinh to lớn của quân dân Việt Nam (17/01/2023)
  + Cánh đồng Tà Pạ đẹp lạ như phim, dân mạng đang “phát sốt” tìm xem ở tỉnh nào của miền Tây (23/12/2022)
  + Mây tràn khắp lối, du khách ùn ùn kéo tới Sa Pa check-in khung cảnh bồng bềnh (06/12/2022)
  + Ly kỳ 2 quả núi cùng tên “kẹp” một dòng sông (26/11/2022)
  + Độc đáo bức tường bằng đá ong hàng trăm năm tuổi ở làng cổ Yên Trường (26/11/2022)
  + Cuộc đời cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt qua ảnh (21/11/2022)
  + ĐỘC ĐÁO LỄ HỘI ĐUA THUYỀN ĐỘC MỘC TRÊN SÔNG PÔ KÔ (11/11/2022)
  + NGHỆ NHÂN LÝ THỊ NHIỄN TÂM HUYẾT GÌN GIỮ VĂN HÓA DÂN TỘC CHÂU RO (10/11/2022)
  + “SỨ MÓNG CÁI, VẠI HƯƠNG CANH” (08/11/2022)
  + BẢO TỒN, PHÁT HUY GIÁ TRỊ THỔ CẨM TRUYỀN THỐNG CỦA DÂN TỘC BAHNAR (02/11/2022)
  + Mùa len trâu trở thành một cuộc di cư lớn của con người và hàng nghìn con trâu đi tìm sự sống (01/11/2022)
  + Lên núi cao nhất vùng Đông Bắc ở Hà Giang, bất chợt thấy rừng nguyên sinh rêu phong y như bên châu Âu (01/11/2022)
  + Tam giác mạch bung nở trên cao nguyên đá Đồng Văn (27/10/2022)
  + Quân đoàn 1: Xứng đáng với truyền thống “Thần tốc - Quyết thắng” của Binh đoàn Quyết thắng anh hùng (24/10/2022)
Playlist

GIỚI THIỆU
 

Kính thưa quý độc giả 

Website nguoixunghekiev.vn

hoạt động chính thức từ tháng

10/2012. và  phi lợi nhuận.

Trang tin đăng tải tin tức 

của cộng đồng người Việt tại Kiev

và toàn Ucraina, đồng thời lấy tin 

từ các trang báo mạng khác trên

nguyên tắc trích dẫn nguyên bản 

đường nguồn chính. Là những

người làm báo không chuyên nên

chắc chắn sẽ gặp sai sót không

mong muốn, chúng tôi sẽ tiếp thu 

chân thành những góp ý xây dựng 

của quý độc giả để cho trang tin 

ngày càng hoàn thiện hơn, xin gửi

về mục liên hệ trên mặt báo hoặc

Email: hosytruc@gmail.com

ĐT: 093-712-24-57

093-973-97-39

Xin trân trọng cảm ơn.

Biên tập: Hồ Sỹ Trúc

 

 

 
 
 

 

 


QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 2
Total: 59781025

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July