Trang chủ Liên hệ       Thứ hai, Ngày 06/05/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
  -  Con Người Việt Nam
  -  Đất Nước Việt Nam
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Việt Nam Đất Nước Con Người > Con Người Việt Nam >
  Thái sư Trần Quang Khải Thái sư Trần Quang Khải , Người xứ Nghệ Kiev
 

 

 
Đại Việt sử ký toàn thư đoạn ghi những sự việc xảy ra trong tháng 10 năm Tân Sửu (1241) có viết: “Hoàng tử thứ ba là Quang Khải ra đời, là em cùng mẹ khác cha với Quốc Khang anh trưởng”. Như vậy thì Trần Quang Khải là con đẻ thứ hai của Trần Thái Tông vì Quốc Khang thực ra là con của Trần Liễu. Quang Khải kém thái tử Hoảng 1 tuổi. Năm Quang Khải ra đời (1241) Trần Thái Tông mới 29 tuổi nhưng đã ở ngôi vua được 16 năm.

Trong thời niên thiếu, Quang Khải là một cậu học sinh chăm chỉ cần cù. Về văn chương cũng như về võ bị cậu đều ra công rèn luyện tu dưỡng, đặc biệt Quang Khải lại còn am hiểu nhiều thứ ngôn ngữ của các dân tộc khác. Lịch triều hiến chương của Phan Huy Chú, phần Nhân vật chí có ghi về Trần Quang Khải như sau: “ông nghe rộng, biết nhiều, hiểu các tiếng người nước Phiên. Mỗi khi sứ sang, ông được chọn vào thù tiếp. Ông rất chăm học, hay làm thơ”.

Ngoài ra An Nam chí lược của Lê Trắc, một người đồng thời với Quang Khải, có cho ta biết một điều cũng rất đáng chú ý: Ông thầy đã hướng dẫn cho Quang Khải học tập trong thời gian niên thiếu ấy không phải ai xa lạ mà chính là nhà sử học nổi tiếng đã soạn pho chính sử đầu tiên của dân tộc: Lê Văn Hưu.



Ảnh có tính chất minh họa 


Thời trẻ của Trần Quang Khải, ta thấy sử bỏ bẵng đi, không ghi chép gì tới 17 năm. Mãi tới năm Mậu Ngọ (1258) Toàn thư mới lại cho biết thêm một chi tiết: “Năm Mậu Ngọ tháng 11, Trần Thánh Tông phong cho em là Quang Khải làm Chiêu Minh đại vương”.

Nguyên là trước có 9 tháng, vào tháng 2, Thái Tông đã truyền ngôi cho thái tử Hoảng để làm thái thượng hoàng. Hoảng lên ngôi tức là Thánh Tông, vì vậy Toàn thư mới viết là phong cho em.

Phải bốn năm năm nữa, Quang Khải mới thực sự nhận một chức vụ chính quyền. Toàn thư, phần ghi những sự kiện trong năm 1266 có câu: “Bấy giờ Quang Khải quản Nghệ An”. Nghệ An thuở đó là một lộ bao gồm vùng đất nam Nghệ An và Hà Tĩnh ngày nay. (Bắc Nghệ An thuở đó là lộ Diễn Châu, do Trần Quốc Khang cai quản).

Một nhà ngoại giao

Năm 1277, thượng hoàng Thái Tông mất. Năm 1278, Thánh Tông nhường ngôi cho thái tử Khâm tức Nhân Tông. Nhưng đối với Mông Cổ thì bấy giờ Thánh Tông mới lên ngôi. Hốt Tất Liệt lấy cớ là vua mới không xin lệnh mà tự lập, sai một phái bộ sang trách hỏi.

Tháng 11 nhuận năm Nhâm Tý (khoảng tháng 12 năm 1278, phái bộ do Sài Thung dẫn đầu đến biên giới, hạch sách đòi vua Trần phải lên đón. Thánh Tông nhân nhượng, cử ngự sử Đỗ Quốc Kế lên ải Nam Quan. Khi Sài Thung đến bờ sông Hồng, Trần Quang Khải với tư cách là tướng quốc ra đón y dẫn về sứ quán. Ngày 14 tháng chạp (tức 17 tháng 11 năm 1279) Sài Thung vào triều đọc chiếu thư của Hốt Tất Liệt. Chiếu thư này lời lẽ ngạo mạn, láo xược nội dung là trách cứ vua Trần không chịu sang chầu, và đe dọa, nếu Thánh Tông không sang và không cử con tin sang thì sẽ bị trừng phạt.

Lần này cũng vẫn đường lối trước, cương quyết giữ vững lập trường bảo vệ lãnh thổ và chủ quyền đất nước, nhưng mềm mỏng linh hoạt trong sách lược nên vua Trần Thánh Tông tiếp phái bộ Sài Thung rất khéo. Ban đầu theo lệ cũ định đặt tiệc ở hành lang (chắc là hành lang đại điện). Sài Thung không nghe, đòi đặt tiệc ở điện Tập Hiền. Vua Trần cũng y theo. Trong bữa tiệc Thánh Tông có vờ kể lể nào là không biết cưỡi ngựa, không quen phong thổ không thể đi xa, nhưng cơ bản là không chịu sang chầu Hốt Tất Liệt và cũng không cử một ai sang làm con tin cả. Sài Thung bực tức bỏ về. Đến đây, Trần Quang Khải thay vua làm tiếp công việc ngoại giao với bọn sứ nhà Nguyên. Lúc chúng chuẩn bị lên đường, Trần Quang Khải có làm thơ tặng, bài thơ này còn được ghi lại trong Toàn Việt thi lục:

Nhất phong phượng chiếu hạ thiên đình
Chỉ xích hoàng hoa vạn lý hành
Bắc khuyết y quan tranh tổ đạo
Nam châu thổ mộc tận chi danh
Khẩu hoàn uy phúc quân bao biếm
Thân bội an nguy quốc trọng khinh
Cảm chúc tứ hiên quân phiếm ái
Hảo vi dực hoãn Việt thương sinh

Dịch:

Thềm son một bức chiếu rồng ban
Muôn dặm đường hoa chỉ tấc gang
Áo mũ đón chào ngoài cửa Bắc
Cỏ cây biết tiếng khắp trời Nam
Ân uy dày đúc trong lời nói
Xã tắc an nguy nặng gánh mang
Dám nghĩ bốn nghi đều lượng bể
Dùm che con đỏ chốn Viêm bang.

Phải đặt bài thơ vào hoàn cảnh lịch sử lúc bấy giờ thì mới thấy rõ mục đích cũng như tác dụng của nó. Bài thơ lời lẽ rất mềm mỏng, có vẻ cung kính, nhưng cơ bản vẫn là cương quyết không chịu sang chầu.

Lúc này Hốt Tất Liệt đã chuẩn bị đầy đủ mọi phương tiện xâm lược, nhưng y cũng còn muốn dùng uy lực khuất phục nhà Trần bằng biện pháp ngoại giao, cho nên y lại sai Sài Thung sang nước ta một lần nữa, đem theo một chiếu thư, “nếu quả thật không tự vào ra mắt được thì lấy vàng thay thân, hai hạt châu thay mắt, thêm vào đó lấy hiền sĩ, phương kỹ, con trai, con gái, thợ thuyền, mỗi loại hai người để thay cho sĩ nhân, nếu không thì hãy tu sửa thành trì mà đợi xét xử”.

Sài Thung lại lên đường. Khi đó nhà Trần đã chuẩn bị chiến đấu khá khẩn trương nhưng để có thêm thời gian, vua Trần Nhân Tông (lúc này đã chính thức đứng ra giao thiệp với nhà Nguyên) cử người chú họ là Trần Di Ái dẫn một phái bộ sang chầu vua Nguyên vào khoảng năm 1281. Hốt Tất Liệt khai thác ngay cơ hội này, phong cho Trần Di Ái làm An Nam quốc vương thay cho Nhân Tông và lại sai Sài Thung đem 1.000 quân (có sách chép là 5.000 quân) hộ tống bọn này về. Khi chúng đến biên giới, vua Trần một mặt sai quân đón đánh tan tác Trần Di Ái, một mặt lại sai đón rước Sài Thung về Thăng Long. Viên sứ họ Sài này vẫn ra vẻ hống hách, nạt nộ gây sức ép và nhà Trần thì vẫn ân cần khoản đãi. Cuối cùng Sài phải tay không trở về Nguyên với sự tan vỡ của âm mưu dựng một triều đình bù nhìn. Và mặc dầu vậy, Trần Quang Khải lại làm một bài thơ tặng y, lời lẽ cũng hoa mỹ, lịch sự như bài thơ tặng y ba năm trước. Bài thơ này cũng được chép lại trong Toàn Việt thi lục, nhan đề Tống Sài Trang Khanh:

Tống quân quy khứ độc băng hoàng
Mã thủ xâm xâm chỉ đế hương
Nam Bắc tâm tinh huyền phản bái
Chủ tân đạo vị phiếm ly trường
Nhất đàm tiếu khoảnh ta phân duệ
Cộng xướng thù gian tích đối sàng
Vị thẩm hà thời trùng đổ diện
Ân cần ác thủ tự huyên lương.

Dịch nghĩa: “Tiễn ông về nước, tôi thật bồi hồi. Ngựa xăm xăm trỏ lối đế hương. Chạnh niềm Nam Bắc, tâm tình như treo trên lá cờ đi sứ trở về, Chủ khách thay mùi đạo, cùng nhau chuốc chén biệt ly. Nói cười vừa chốc lát, than ôi đã dứt áo chia tay! Trong lúc ngâm nga xướng họa, nhớ tiếc khi giường nằm đối diện! Chưa biết khi nào lại gặp nhau, để nắm tay kể chuyện hàn huyên”.

Vừa đánh tan một đoàn quân với âm mưu xảo quyệt của địch trên biên giới, nhưng lại làm thơ lưu biệt với sứ thần địch, âu đó cũng là một nét đặc biệt trong cuộc đấu tranh ngoại giao của nhà Trần.

Một vị tướng

Nhưng sau vụ Di Ái, nhà Trần hiểu rằng đã đến lúc chấm dứt thời kỳ hòa hoãn phải chuẩn bị chiến đấu, sẵn sàng đón tiếp kẻ thù bằng vũ khí.

Cuối năm 1282, sau khi từ chối không cho nhà Nguyên mượn đường đi đánh Chiêm Thành, vua Trần liền triệu tập Hội nghị Bình Than.

Đây là hội nghị các vương hầu và quan lại bàn về kế hoạch kháng chiến. Tiếp đó, những hoàng thân và tướng soái tài ba được giao phó trọng trách tổ chức và lãnh đạo kháng chiến. Ví dụ như Trần Quang Khải được giữ chức Thượng tướng, Trần Quốc Tuấn được phong là Quốc công tiết chế thống lĩnh thiên hạ chư quân sự (tức là cấp cao nhất về quân sự). Trần Khánh Dư được phong Phó đô tướng quân, v.v. Cả nước sục sôi một khí thế chuẩn bị chiến đấu.

Tới cuối tháng 1 năm 1285, quân Nguyên vượt biên giới xâm lược nước ta. Chúng cho ba mũi tiến công: Thoát Hoan là mũi chính, từ Quảng Tây đánh qua cửa ải Nam Quan. Nạp Tốc Lạp Đinh từ Vân Nam đánh theo dòng sông Chảy. Còn Toa Đô khi đó đã chiếm đóng phía bắc Chiêm Thành, đánh thúc lên các lộ phía nam, nhà Trần liền chia quân đón đánh.

Để ngăn cánh quân Toa Đô, đầu tháng giêng (tức tháng 2 năm 1258) Trần Nhật Duật đã được lệnh vào Nghệ An chuẩn bị chiến trường. Cũng trong thời gian này, vua Trần điều thêm Trần Kiện đem 1 vạn quân vào giữ Thanh Hoá. Trần Kiện tước Chương Hiến hầu, con trai Tĩnh Quốc đại vương Trần Quốc Khang, trước đây vì hiềm khích đối với Đức Việp (con của Thánh Tông) đã bỏ về hương Tức Mạc lấy cớ là học đạo Lão Trang. Nay vua Trần ý là muốn xoá mối hiềm khích đó và tạo điều kiện cho Kiện lập công nên mới giao cho y số quân khá lớn như thế. Tuy vậy, nhưng cũng chưa thật sự yên tâm về phía nam, nên Trần Quốc Tuấn đề nghị vua Trần cử thêm Trần Quang Khải vào Thanh Nghệ để quán xuyến công việc kháng chiến. Ngày 28 tháng giêng năm Ất Dậu (5/3/1285) Quang Khải lên đường.

Cũng vào thời gian này, Toa Đô đã đánh vào lộ Bố Chính (nay là Quảng Bình) và tiến xa tới Nghệ An. Trần Nhật Duật không cản được phải rút lui. Khi quân giặc tới Thanh Hóa thì gặp Trần Kiện, gã này không những không chiến đấu mà lại đem cả 1 vạn quân ra hàng giặc (ngày 8/3/1285). Sau đó hắn lại dẫn đường cho quân Nguyên tìm đánh Trần Quang Khải ở bến Phú Tân. Việc Trần Kiện đầu hàng và làm tay sai cho giặc đã gây cho ta nhiều khó khăn. Trần Quang Khải phải lui quân về Thiên Trường (Nam Định), hội với vua Trần. Lúc này Thoát Hoan đã chiếm Thăng Long và dự định đánh vào Thiên Trường. Để tránh hai gọng kìm quân Nguyên, vua tôi nhà Trần đã rút về các lộ ven biển (Quảng Ninh) rồi quay trở vào Thanh Hóa để củng cố lực lượng và đợi thời cơ phản công. Và dịp đó đã tới: một tháng sau, tức tháng 4 âm lịch năm đó (khoảng tháng 5/1285), Trần Quốc Tuấn, Quang Khải, Nhật Duật và các tướng lĩnh khác đem binh thuyền vượt qua vùng chiếm đóng của Toa Đô tiến ra Bắc. Mục tiêu tấn công trước tiên là các cứ điểm của giặc đóng cọc sông Hồng đoạn qua vùng Hưng Yên.

Mở đầu Trần Quốc Tuấn hạ vùng A Lỗ (nằm ở chỗ sông Hồng gặp sông Luộc). Tiếp đó Trần Quốc Toản và Nguyễn Khoái hạ đồn Tây Kết (gần bãi Mạn Trù thuộc Khoái châu). Còn Trần Quang Khải dẫn Trần Quốc Toản và một số tướng khác đánh địch ở bến Chương Dương (Thường Tín - Hà Tây). Về trận này Toàn thư chép sơ lược lắm: “Ngày 10 tháng 3 năm Ất Dậu (tức 14 tháng 6 năm 1285) có người từ chỗ giặc trốn về đến chỗ vua, tâu rằng Thượng tướng Quang Khải, Hoài Văn hầu Quốc Toản và Trần Thông, Nguyễn Khả Lạp với em là Nguyễn Truyền đem dân binh các lộ đánh bại giặc ở các nơi như kinh thành, Chương Dương. Quân giặc tan vỡ lớn”.

Chiến thắng Chương Dương có một ý nghĩa chiến lược quan trọng vì nó đã tiêu diệt một cứ điểm trọng yếu cuối cùng của địch trên sông Hồng, tạo điều kiện cho việc giải phóng Thăng Long, từ đó mở ra một thời kỳ mới: Thời kỳ phản công trên các mặt trận, đập tan ý đồ xâm lược của địch, buộc Thoát Hoan phải rút chạy về nước.

Ngày 6 tháng 6 năm Ất Dậu (tức ngày 9 tháng 7 năm 1258) hai vua Trần cùng triều đình trở lại Thăng Long. Trong dịp này Quang Khải viết bài thơ Tụng giá hoàn kinh sư (Theo xa giá về kinh đô):

Đoạt sáo Chương Dương độ
Cầm Hồ Hàm Tử quan
Thái bình tu trí lực
Vạn cổ thử giang san.

Dịch nghĩa:

Bến Chương Dương cướp giáo
Cửa Hàm Tử bắt thù
Thái bình nên gắng sức
Non nước ấy muôn thu.

Bài thơ dào dạt niềm tự hào về những chiến công oanh liệt, đồng thời lại vang vọng một lời khích lệ nhắc nhở con cháu muôn đời sau.

Năm ấy, Quang Khải đã 44 tuổi, và từ đây trở đi cho tới khi ông mất (ngày 3 tháng 7 năm Giáp Ngọ 1294), ông được mọi người quý mến gọi là Quốc thúc.

Một nhà thơ

Là một nhà ngoại giao, một vị tướng, Quang Khải còn là một nhà thơ. Ông có tập Lạc Đạo thi tập nhưng ngày nay không còn. Thế kỷ XVIII, Lê Quý Đôn chỉ sưu tầm được 9 bài, chép vào Toàn Việt thi lục. Trong số này có ba bài là thơ ngoại giao thù tiếp. Đó là những bài Tứ Sài Trang Khanh Lý Trấn Văn đẳng (đã nêu ở trên), Tống Sài Trang Khanh (đã nêu ở trên), Tặng Bắc sứ.

Các bài còn lại thì trừ bài Tụng giá hoàn kinh sư (đã nêu ở trên), các bài kia là thơ tả tâm tình: Phúc Hưng viên, Dã thự, Lưu Gia độ, Xuân nhật hữu cảm. Tuy số lượng ít như vậy nhưng cũng đủ cho ta thấy tâm hồn tác giả, một tâm hồn rất mực sáng trong, thấm đượm tình yêu mến quê hương, đất nước, lại gồm chứa cả cái khí thế thời đại ấy, cái hào khí Đông A như người ta vẫn gọi.

Phúc Hưng viên là bài thơ tả khu vườn Phúc Hưng, nơi tác giả thường về đó nghỉ ngơi lúc tuổi già. Phan Huy Chú cũng có bình bài thơ đó, cho là lời “thanh thoát, nhàn nhã, xem thơ tưởng thấy phong thái của người”. Rõ ràng là Trần Quang Khải không chỉ có thanh thoát, nhàn nhã, nhưng một vị tướng mà lại có phong thái như vậy thì đó chính cũng là một nét đẹp riêng của tâm hồn con người Việt Nam.

Phúc Hưng nhất khúc, thủy hồi hoàn
Trung hữu binh viên sổ mẫu khoan
Mai ổ tuyết tiêu, châu bội lỗi
Trúc đình vân quyển, bích lang can
Thử lai yêu khách thiên trà uyển
Vũ quá hô đồng lý dược lan
Nam vọng lang yên vô phục khởi
Đồi nhiên nhất tháp mộng thiên an

Dịch nghĩa là:

Phúc Hưng có nước chảy quanh
Trong đó khu vườn rộng vài mẫu
Khi tan tuyết, ở bờ mai, nụ kết như chuỗi hạt châu.
Lúc quang mây, bên đình trúc, bóng tre xanh như ngọc
Khi nắng mới, mời khách thưởng vài chén trà
Lúc mưa tạnh, gọi hề đồng dọn lại tủ thuốc
Ải Nam không có khói báo động nữa
Mình cứ nằm trên giường ngủ ngon lành.

Bài “Dã thự” (Trại vùng quê) là cảnh một làng quê đồng bằng quen thuộc:

Dã thự sơ khai cảnh tướng tàn
Phân chi đào lý tứ thời xuân
Nhất thanh ngưu địch thanh lâu nguyệt
Kỷ phiến nồng thoa bích lũng vân
Lộ vãn dương trương không tử mạch
Khê phân yến vĩ đoạn hồng trần
Quỷ thần âm địa thân tương ngữ
Nhất đoạn phong quang khả ẩn quân.

Dịch nghĩa

Cái trái vừa mở đó, cảnh thật mới.
Đào mận tươi tốt suốt bốn mùa đều như ngày xuân.
Một tiếng sáo mục đồng như đem ánh trăng chiếu trên điếm cỏ.
Vài tấm áo tơi nhà nông như gọi mây về phủ lên đồng xanh.
Con đường quanh co như lòng dê, có thể thông với mọi ngả.
Ngòi tách ra như đuôi én, như ngăn đám bụi hồng trần.
Quỷ thần phải nói thầm với nhau:
Cái chỗ phong quang như vậy đáng để người ẩn dật tới đó ở.

Bài “Xuân nhật hữu cảm” (Ngày xuân có cảm xúc) tác giả cảm về cảnh già mà làm ra. Ngoài những bài thơ nêu trên được ghi lại trong Toàn Việt thi lục, ta còn tìm thấy một bài nữa, mà lại là một bài viết cụ thể về một di tích của Hà Nội: Đó là bài Vịnh thần Long đỗ, một vị thần linh mà suốt nghìn năm xưa được coi là thành hoàng của kinh thành Thăng Long, thờ ở đền Bạch Mã, phố Hàng Buồm ngày nay. Bài này được ghi trong Lĩnh Nam chích quái:

Tích văn hách trạc đại vương linh
Kim nhật phương tri quỷ đảm kinh
Hỏa tức tam diên thiêu bất cập
Phong lôi nhất trận triển nan khuynh
Chỉ huy đàn áp chư tà chúng
Hô hấp tiêu trừ bách vạn binh
Nguyên trượng thần uy thôi Bắc lỗ
Đốn kinh hoàn vũ yến nhiên thanh.

(Hiển hách từng nghe nức tiếng đại vương. Đến nay mới biết quỷ thần phải sợ. Lửa ba lần mà thiêu chẳng tới. Sấm sét ran một trận mà chuyển không nghiêng. Ra tay đàn áp các loài ma quỷ, hét lớn tan tành bách vạn binh. Xin hãy ra tay trừ giặc. Dựng xây thiên hạ mãi mãi thanh bình).

Số lượng còn lại ít ỏi như vậy nhưng cũng đủ cho ta thấy ở ông một tấm lòng mến yêu đất nước, quê hương mà ông đã từng bảo vệ, một niềm lạc quan một sự khiêm nhượng, một cốt cách dân tộc đậm đà, tất cả được thể hiện ra bằng một năng khiếu quan sát tinh tế, một xúc cảm đẹp đẽ, lành mạnh. Rõ ràng là tuy ở vào cái tuổi đầu phát bạch (đầu tóc bạc), đã vào cái thời nhị phần xuân sắc nhàn sai quá (đã uổng đi hơn hai phần xuân) mà đảm khí vẫn như xưa.

Sinh binh đảm khí luân huân tại
Giải đảo đông phong phú nhất thi
(Đảm khí ngày nào, nay vẫn đó
Đè nghiêng ngọn gió đọc thơ chơi).

Đã vào lúc mà kinh tâm hồng khoái tích thì nhan (giật mình vì sắc mặt hồng hào xưa đã nhạt đi), nhưng nhà thơ vẫn phủ kiếm du du ức cố sơn (vỗ gươm bời bời nhớ núi xưa, tức là những nơi thời trẻ đã tung hoành).

Một điểm nổi bật nữa trong thơ Trần Quang Khải là đề tài và chất liệu thật là thân thuộc: một bến đò, một cánh đồng, một mảnh vườn, một lũy tre, một bờ liễu, một trận mưa xuân trên đường thôn, một khúc sáo mục đồng trong chiều sương... Và với bấy nhiêu chất liệu tác giả vẽ nên những bức tranh thật đẹp. Đây là một mảnh vườn quê:

Mai ổ tuyết tiêu châu bội lỗi
Trúc đình luân chuyển bích lang can

(Bờ mai, khi tan tuyết, nụ kết trắng xoá như chuỗi hạt châu. Đình trúc lúc mây quang, bóng tre xanh biếc như ngọc thạch).

Và đây là cánh đồng làng quen thuộc.

Nhất thanh ngưu địch thanh lâu nguyệt
Kỷ phiến nông thoa bích lũng vân

(Một tiếng sáo trẻ chăn trâu đem ánh trăng về chiếu trên điếm cỏ, vài tấm áo tơi nhà nông gọi mây phủ lên đồng xanh). Ở tác giả khiếu quan sát khá tinh tế mà xúc cảm thật nhạy bén. Và nếu đọc lại bài Tụng giá hoàn kinh cùng bài Vịnh Long Đỗ thì thơ Trần Quang Khải thật đầy tráng khí và cũng tràn đầy niềm mong mỏi cho đất nước vững bền.

Những người thân

Chính sử không chép gì nhiều về những người thân của Quang Khải. May nhờ có tập Trần gia điển tích và tấm bia dựng trước đền thờ ông ở làng Độc Lập, xã Cao Đài, nay là Mỹ Thanh, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định mà ta biết được cụ thể như sau:

Bà vợ trước của ông là công chúa Ứng Thụy, con gái của Lê Phụ Trần, một tướng tài đứng đầu trong các công thần kháng Nguyên lần thứ nhất. Bà này sinh được một trai, không rõ tên là gì.

Bà vợ sau là công chúa Phụng Dương, con gái Trần Thủ Độ. Tấm bia vừa nói ở trên do Quang Khải trông nom việc khắc dựng chính là để ghi lại tài năng đức độ của bà này.

Bà sinh hạ hai trai và bốn gái. Trong số hai người con trai này có Văn Túc vương Trần Đạo Tái là một nhân vật đáng chú ý.

Đạo Tái từng nhiều phen theo cha đi chiến trận, đồng thời lại là một nhà văn nổi tiếng một thời. Con của Đạo Tái là Uy Túc vương Trần Văn Bích cũng có võ công, tên cũng còn ghi trong sử. Con của Văn Bích là Tư đồ Trần Nguyên Đán, nhà thơ đồng thời là một nhà thiên văn lịch pháp và là ông ngoại của anh hùng Nguyễn Trãi.

Nguyễn Vinh Phúc/ Theo Danh nhân Hà Nội

                              Theo Quehuongonline

  Các Tin khác
  + Khám phá 22 hang động kỳ vĩ mới được phát hiện tại Quảng Bình (19/04/2024)
  + 18 đời vua Hùng gồm những ai? Tên gọi chính xác của các vị vua là gì? (17/04/2024)
  + Ảnh ấn tượng về các lực lượng tham gia diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (05/04/2024)
  + 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ Đại tướng Phan Văn Giang: Vũ khí cá nhân mới của quân đội tốt hơn AK47 (05/04/2024)
  + Chiêm ngưỡng sắc đỏ của cây hoa gạo trăm tuổi "đẹp nhất" Ninh Bình (03/04/2024)
  + Hoa gạo rực đỏ bên ngôi chùa cổ kính nghìn năm tuổi ở Hà Nội (23/03/2024)
  + Những bông hoa y tế vùng cao và chuyện băng rừng trong đêm đi đỡ đẻ (06/03/2024)
  + Kỷ niệm 80 ngày thành lập QĐNDVN: Sẽ tổ chức Triển lãm Quốc phòng quốc tế và mít tinh cấp Nhà nước (26/01/2024)
  + MŨI NÉ VÀO TOP ĐIỂM BAY KHINH KHÍ CẦU ĐẸP NHẤT THẾ GIỚI (02/04/2023)
  + Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: (12/03/2023)
  + Hàng nghìn người khai hội gò Đống Đa xuân Quý Mão (26/01/2023)
  + Hiệp định Paris - thành quả đấu tranh kiên cường, bất khuất và hy sinh to lớn của quân dân Việt Nam (17/01/2023)
  + Cánh đồng Tà Pạ đẹp lạ như phim, dân mạng đang “phát sốt” tìm xem ở tỉnh nào của miền Tây (23/12/2022)
  + Mây tràn khắp lối, du khách ùn ùn kéo tới Sa Pa check-in khung cảnh bồng bềnh (06/12/2022)
  + Ly kỳ 2 quả núi cùng tên “kẹp” một dòng sông (26/11/2022)
  + Độc đáo bức tường bằng đá ong hàng trăm năm tuổi ở làng cổ Yên Trường (26/11/2022)
  + Cuộc đời cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt qua ảnh (21/11/2022)
  + ĐỘC ĐÁO LỄ HỘI ĐUA THUYỀN ĐỘC MỘC TRÊN SÔNG PÔ KÔ (11/11/2022)
  + NGHỆ NHÂN LÝ THỊ NHIỄN TÂM HUYẾT GÌN GIỮ VĂN HÓA DÂN TỘC CHÂU RO (10/11/2022)
  + “SỨ MÓNG CÁI, VẠI HƯƠNG CANH” (08/11/2022)
Playlist

GIỚI THIỆU
 

Kính thưa quý độc giả 

Website nguoixunghekiev.vn

hoạt động chính thức từ tháng

10/2012. và  phi lợi nhuận.

Trang tin đăng tải tin tức 

của cộng đồng người Việt tại Kiev

và toàn Ucraina, đồng thời lấy tin 

từ các trang báo mạng khác trên

nguyên tắc trích dẫn nguyên bản 

đường nguồn chính. Là những

người làm báo không chuyên nên

chắc chắn sẽ gặp sai sót không

mong muốn, chúng tôi sẽ tiếp thu 

chân thành những góp ý xây dựng 

của quý độc giả để cho trang tin 

ngày càng hoàn thiện hơn, xin gửi

về mục liên hệ trên mặt báo hoặc

Email: hosytruc@gmail.com

ĐT: 093-712-24-57

093-973-97-39

Xin trân trọng cảm ơn.

Biên tập: Hồ Sỹ Trúc

 

 

 
 
 

 

 


QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 1
Total: 60703841

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July