Trang chủ Liên hệ       Thứ năm, Ngày 23/01/2025
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
  -  Con Người Việt Nam
  -  Đất Nước Việt Nam
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Việt Nam Đất Nước Con Người > Con Người Việt Nam >
  Khát vọng hòa bình của những người lính ở hai chiến tuyến Khát vọng hòa bình của những người lính ở hai chiến tuyến , Người xứ Nghệ Kiev
 

(GDVN) - Khi không phải chĩa súng vào nhau theo mệnh lệnh, tôi thấy những người lính ở hai chiến tuyến tươi cười, trò chuyện vui vẻ với nhau.

- “Anh nhà báo chụp cho chúng em xin một bức ảnh kỷ niệm nhé!”

Nói rồi, người lính Việt Nam Cộng hòa vui vẻ khoác vai anh bộ đội giải phóng. Người phóng viên chiến trường của quân đội giải phóng giơ máy, chớp lấy khoảnh khắc mà mọi ranh giới, định kiến giữa hai chiến tuyến đối lập hoàn toàn bị xóa bỏ.

Đó là một buổi sáng tháng 4/1973.

Bức ảnh lịch sử

Ký ức hiện về như thước phim quay chậm, mở ra trước mắt nghệ sỹ nhiếp ảnh Chu Chí Thành (nguyên phóng viên chiến trường của Thông tấn xã Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ) khung cảnh chiến trường Quảng Trị hơn bốn thập kỷ trước.

Ngày ấy, vùng đất Quảng Trị vẫn được coi là “cối xay thịt.” Nếu không phải là người trong cuộc, tác giả của bức ảnh lịch sử thì chính ông cũng không thể tin rằng, một câu chuyện thú vị đến thế lại có thể xảy ra giữa bối cảnh đặc biệt như vậy.

Trong những năm 1972-1973, ông Chu Chí Thành được giao nhiệm vụ bám trụ cùng quân giải phóng tại bờ Bắc sông Thạch Hãn (Quảng Trị).

Ngày ấy và mãi mãi về sau, dòng Thạch Hãn chở nặng những ký ức bi tráng về thời kỳ đất nước bị chia cắt: phía Bắc là vùng giải phóng do chính quyền cách mạng quản lý, phía Nam là khu vực do chính quyền Việt Nam Cộng hòa kiểm soát.

Bức ảnh “Thoát khỏi ngục tù” do ông Chu Chí Thành chụp tại cuộc trao trả tù binh bên sông Thạch Hãn mùa Xuân 1973. Khi đó, ông được giao nhiệm vụ ghi lại diễn biến của một trong những cuộc trao trả tù binh lớn nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam diễn ra tại bờ Bắc sông Thạch Hãn (thực hiện theo các điều khoản của Hiệp định Paris (ký ngày 27/1/1973 về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam).

Sau khi Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký (27/1/1973), chiến sự tạm ngưng ở khu vực ranh giới giữa hai miền.

Dáng vẻ trầm ngâm, ông Thành hồi tưởng quãng thời gian cùng quân giải phóng cắm chốt tại vùng ranh giới Long Quang (xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong, Quảng Trị). Đồn, bốt của hai phía đối địch đặt gần nhau (cách nhau khoảng 50 mét, mỗi bên cắm cờ của mình).

“Khi không phải chĩa súng vào nhau theo mệnh lệnh, tôi thấy những người lính ở hai chiến tuyến tươi cười, trò chuyện vui vẻ với nhau.

Họ kể cho nhau nghe những câu chuyện về xóm làng quê hương, hỏi thăm về gia đình: ‘Nhà anh có mấy người? Anh có người yêu hay đã cưới vợ rồi? Quê anh thường trồng cây gì? Thu hoạch có khá không?… Không khí ở đó không giống như đang giữa thời chiến.

Lắng lại sau cùng là câu hỏi, liệu khi nào chiến tranh hoàn toàn kết thúc, họ được sống cuộc đời thanh thản, yên bình trên quê hương không còn tiếng súng?

Họ nhìn nhau bằng ánh mắt chia sẻ, rồi lại cùng dõi về phía dòng Thạch Hãn, những trảng cỏ tít tắp phía xa,” ông Chu Chí Thành kể.

Lặng đi chừng vài phút, người phóng viên chiến trường năm xưa nói: “Ban đầu, tôi cứ nghĩ, nhịp sống vùng ranh giới khi tạm yên tiếng súng là vậy; nhưng không, hành động, suy nghĩ và khát vọng của những người lính mạnh mẽ, cháy bỏng hơn tôi vẫn hình dung.

Nó ẩn sau những hành động hồn nhiên, đậm chất lính tráng, ngang tàng của những người lính ở cả hai đầu chiến tuyến.”

Một buổi chiều tháng Tư, một nhóm bộ đội phía Bắc í ới gọi vọng sang chốt của những người lính Việt Nam Cộng hòa, rủ những người thuộc phe đối địch sang cùng thưởng thức “đặc sản lính”: uống nước chè, hút thuốc lá Điện Biên, thuốc lào Tiên Lãng, ăn kẹo Hải Châu…Bất ngờ hơn, những người lính thuộc chiến tuyến bên kia không hề do dự.

Thay vào đó, họ vui vẻ bước qua rào ngăn cách, phân định khu vực, sang chơi cùng bộ đội giải phóng. Họ nói cười rôm rả.

“Tôi không chỉ bất ngờ mà còn cảm thấy sững sờ. Một câu chuyện kỳ lạ, thú vị đã xảy ra giữa bối cảnh lịch sử đặc biệt của thời kỳ đó. Nhiều năm sau này, tôi vẫn không thôi suy ngẫm về điều đó.

Càng nghĩ, tôi lại càng thấm thía, dù ở chiến tuyến nào, họ đều là những con dân đất Việt, cùng mang dòng máu Việt. Nếu giang sơn liền một dải thì họ đã không ở phía bên này hay bên kia.

Thế nhưng, dẫu có ở bên nào thì họ vẫn là những con người với trái tim hồn hậu, yêu đời, khát khao sống trong hòa bình, hạnh phúc,” nghệ sỹ nhiếp ảnh Chu Chí Thành trải lòng.

Ông Chu Chí Thành vẫn nhớ như in những câu chuyện của hơn bốn thập kỷ trước. (Ảnh: P.Mai/Vietnam+)

Nói rồi, ông dõi ánh nhìn về phía bức ảnh chụp hai người lính thuộc hai chiến tuyến năm xưa ở Quảng Trị. Cựu phóng viên chiến trường bảo, thời điểm ấy, khi bấm máy xong rồi, ông vẫn như không tin được vào sự thực trước mắt mình.

“Tôi đứng ngây người, lặng đi, quên cả việc hỏi tên, tuổi, địa chỉ của hai người lính đó. Bởi vậy, sau này, tôi chỉ đặt tên bức ảnh là ‘Hai người lính’, ” ông Thành nói.

Nhan đề giản dị vậy thôi nhưng với một người từng đi qua cuộc chiến, khắc ghi trong lòng ký ức bi thương về những hố bom, vệt máu, tiếng khóc than của đồng bào trong những ngày đất nước bị chia cắt như cựu phóng viên chiến trường Chu Chí Thành, bức ảnh là minh chứng, biểu tượng sinh động cho khát vọng hòa bình, hòa hợp dân tộc và thống nhất đất nước.

Bức ảnh ‘Hai người lính’ của nghệ sỹ nhiếp ảnh Chu Chí Thành là minh chứng, biểu tượng sinh động cho khát vọng hòa bình, hòa hợp dân tộc và thống nhất đất nước. (Ảnh: Nghệ sỹ nhiếp ảnh Chu Chí Thành cung cấp)

Nối dài khát vọng hòa bình

45 năm sau thời điểm ra đời bức ảnh lịch sử, nhờ sự kết nối của bạn bè, đồng nghiệp và báo chí, truyền thông, ông Chu Chí Thành đã tìm lại được và có cuộc hội ngộ với hai “người mẫu ảnh” năm xưa.

Chiến sỹ giải phóng quân năm ấy có tên là Nguyễn Huy Tạo (hiện sống tại Hà Nội) và người lính Việt Nam Cộng hòa khi đó có tên là Bùi Trọng Nghĩa (hiện sống tại Thành phố Hồ Chí Minh).

“Năm 2018, ba anh em chúng tôi đã có cuộc hội ngộ tại chính địa điểm ra đời bức ảnh - chốt Long Quang (xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong, Quảng Trị) năm xưa. Cảnh vật, con người nơi ấy đã đổi khác nhưng tấm lòng thì vẫn vậy.

Sau những khúc quanh, ngã rẽ trên đường đời, điểm gặp nhau giữa những người lính vẫn là khát vọng hòa bình, hạnh phúc,” ông Chu Chí Thành kể.

Niềm vui hiện rõ trên gương mặt người dân Sài Gòn trong ngày giải phóng 30/4/1975. (Ảnh: TTXVN)

Những chàng trai ở độ tuổi 20 khi ấy giờ đã là những ông lão. Cuộc sống của họ chứng kiến, đồng hành cùng những bước ngoặt quan trọng trong lịch sử dân tộc.

Trong bức ảnh chụp năm 1973, ông Nguyễn Huy Tạo mặc trang phục bộ đội giải phóng quân, ông Bùi Trọng Nghĩa khoác trên mình bộ quần áo rằn-ri của người lính Việt Nam Cộng hòa.

Đến cuộc hội ngộ ở năm 2018, cả hai cùng mặc trang phục giản dị của đời sống thường nhật thanh bình.

“Trong cuộc hội ngộ, hai người lính năm xưa kể với tôi rằng, không ai trong số họ lãng quên quá khứ nhưng khi nhớ lại những năm tháng đã qua, trong tâm thức không còn khái niệm bên này, bên kia hay chiến tuyến này, chiến tuyến kia.

Thay vào đó là niềm vui sướng, hạnh phúc vì được trở về với quê hương, gia đình,” ông Thành chia sẻ.

Mạch truyện nối dài, nghệ sỹ nhiếp ảnh Chu Chí Thành thuật lại cuộc hội ngộ với nhân vật trong bức ảnh “Hai người lính” sau 45 năm.

Anh bộ đội giải phóng Nguyễn Huy Tạo đã không kìm được nước mắt khi nhớ về những đồng đội vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trường rừng sâu, núi cao, sông lạnh…

“Tạo kể với tôi rằng, cũng giống như thế hệ thanh niên khi đó, khi nhập ngũ, anh khát khao góp sức vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Anh hình dung và cảm thấy ghê sợ, căm phẫn tội ác mà phe đối địch gây ra đối với đồng bào mình. Thế nhưng, sau những cuộc trò chuyện với những người lính trẻ thuộc chiến tuyến bên kia, anh đã thay đổi phần nào suy nghĩ.

Những nhân vật trong bức ảnh ‘Hai người lính’ năm xưa đã có cuộc hội ngộ sau hơn bốn thập kỷ. (Ảnh: Ông Chu Chí Thành cung cấp)

Tạo hiểu rằng, họ cũng là những thanh niên với nhiều mơ ước, hoài bão về tương lai hạnh phúc, bình yên, cuộc sống không có tiếng bơm rơi, đạn nổ như mình.

Dù ở thời điểm nào (chiến tranh hay hòa bình), ước mong lớn nhất của người cựu binh ấy vẫn luôn là cuộc sống hòa bình, hòa hợp,” ông Chu Chí Thành kể.

Trong ký ức của nghệ sỹ nhiếp ảnh Chu Chí Thành, dấu ấn thời gian đã hằn in trên gương mặt ông Bùi Trọng Nghĩa nhưng vẻ “bụi bặm,” chất lính tráng, vẻ lạc quan, yêu đời năm xưa thì vẫn hiển hiện ở con người ấy. Sau 45 năm, câu chuyện giữa họ vẫn có chung một sợi dây kết nối.

“Bùi Trọng Nghĩa kể với tôi rằng, ngày ấy, Nghĩa đi lính không phải vì sự thù hận hay căm ghét gì phía bên kia. Bởi vậy, khi gặp quân giải phóng, vì tò mò về cuộc sống ở miền Bắc nên Nghĩa chủ động bắt chuyện, hỏi han.

Lính tráng mà, khi không phải vác súng chĩa vào người khác thì thấy nhẹ nhõm, vui vẻ lắm, nên cũng muốn giao lưu, trò chuyện với những người xung quanh, chẳng cứ là người ấy phải thuộc phe nào, chiến trường nào,” ông Thành thuật lại.

Nhân dân Sài Gòn đổ ra đường, nồng nhiệt chào đón quân giải phóng tiến vào thành phố. (Ảnh: TTXVN)

Đến ngày 30/4/1975, không chỉ bộ đội giải phóng mới mừng vui. Ông Thành kể: “Nghĩa cùng lực lượng phía bên kia đầu hàng ở Đà Nẵng vào ngày 29/3/1975.

Đã hơn một năm từ thời điểm gặp lại Nghĩa nhưng tôi vẫn không thể quên được chất giọng run run của anh khi nói:

‘Lúc biết tin Sài Gòn thất thủ ngày 30/4/1975, cảm giác của em rất khó tả. Sau phút thảng thốt, hoang mang, lo lắng không biết tương lai, số phận mình sẽ ra sao, em lại thấy mừng - mừng cho chính mình và cho nhiều người khác nữa! Vậy là hết chiến tranh rồi! Vậy là được sống rồi!

Dù cuộc sống phía trước có khó khăn thế nào thì cũng vẫn là một cuộc sống hòa bình, không có tiếng súng. Trên đời này, ai mà không muốn được sống!’.”

Nhấp một ngụm trà, nghệ sỹ nhiếp ảnh lão thành bảo, chiến công ngày 30/4/1975 làm thay đổi cuộc sống trên quê hương này. Hiện thực ấy nghe thật to lớn nhưng nó bắt đầu và biểu hiện cụ thể ở những từ giản đơn, bình dị nhất trong cuộc sống.

Khi còn là lính, Bùi Trọng Nghĩa uống khá nhiều rượu. Anh dùng chất men ấy để tạm quên đi hiện thực, nỗi sợ chiến tranh và sự ám ảnh về việc chĩa súng vào người khác.

“Nghĩa nói với tôi rằng, sau khi hòa bình lập lại, anh đã bỏ hẳn rượu để sống một cuộc đời mới, tươi vui, ấm áp bên gia đình, người thân,” ông Chu Chí Thành nói, nét mặt rạng rỡ.

Chiến thắng 30/4/1975 làm thay đổi cuộc sống trên quê hương Việt Nam. (Ảnh minh họa: Minh Sơn/Vietnam+)
Theo TTXVN
https://giaoduc.net.vn/Van-hoa/Khat-vong-hoa-binh-cua-nhung-nguoi-linh-o-hai-chien-tuyen-post197901.gd

  Các Tin khác
  + Chân dung 2 giáo sư Việt được bầu là viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Thế giới (06/12/2024)
  + Gia đình danh giá bậc nhất Việt Nam: Con cháu thừa hưởng "mã gen tài năng" (02/12/2024)
  + 7 điều tuyệt diệu khiến bạn luôn tự hào khi nhắc đến hai tiếng Việt Nam (11/08/2024)
  + Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/07/2024)
  + Ai là người đặt tên đất nước ta là Việt Nam: Ý nghĩa là gì? (30/06/2024)
  + Hình ảnh thiêng liêng lễ diễu binh ở Thị trấn Trường Sa (08/06/2024)
  + Trường Sa luôn đặc biệt từ những điều nhỏ nhất (26/05/2024)
  + Thế trận Đường Trường Sơn góp phần làm nên thắng lợi Chiến dịch mùa Xuân 1975 (18/05/2024)
  + 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ Lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/05/2024)
  + Khám phá 22 hang động kỳ vĩ mới được phát hiện tại Quảng Bình (19/04/2024)
  + 18 đời vua Hùng gồm những ai? Tên gọi chính xác của các vị vua là gì? (17/04/2024)
  + Ảnh ấn tượng về các lực lượng tham gia diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (05/04/2024)
  + 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ Đại tướng Phan Văn Giang: Vũ khí cá nhân mới của quân đội tốt hơn AK47 (05/04/2024)
  + Chiêm ngưỡng sắc đỏ của cây hoa gạo trăm tuổi "đẹp nhất" Ninh Bình (03/04/2024)
  + Hoa gạo rực đỏ bên ngôi chùa cổ kính nghìn năm tuổi ở Hà Nội (23/03/2024)
  + Những bông hoa y tế vùng cao và chuyện băng rừng trong đêm đi đỡ đẻ (06/03/2024)
  + Kỷ niệm 80 ngày thành lập QĐNDVN: Sẽ tổ chức Triển lãm Quốc phòng quốc tế và mít tinh cấp Nhà nước (26/01/2024)
  + MŨI NÉ VÀO TOP ĐIỂM BAY KHINH KHÍ CẦU ĐẸP NHẤT THẾ GIỚI (02/04/2023)
  + Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: (12/03/2023)
  + Hàng nghìn người khai hội gò Đống Đa xuân Quý Mão (26/01/2023)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 1
Total: 66573772

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July