Trang chủ Liên hệ       Thứ tư, Ngày 22/01/2025
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
  -  Con Người Việt Nam
  -  Đất Nước Việt Nam
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Việt Nam Đất Nước Con Người >
  Một lần đến với cái Tết bên dòng Mo Phí Một lần đến với cái Tết bên dòng Mo Phí , Người xứ Nghệ Kiev
 

 


Tết cổ truyền của người Hà Nhì -Tết Có Nhẹ Chà, xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên diễn ra vào tháng 11 Âm lịch, ngay sau vụ mùa và kéo dài trong ba ngày.
Khắp bản ngày Tết, rượu tràn như dòng Mo Phí mùa nước. Bà con tưng bừng đi chúc Tết, nhà nào cũng sẵn một bàn cỗ ăm ắp thức ăn, các món làm từ thịt lợn và các loại rau cải luộc. Đến mỗi nhà một vài chén cũng đủ để tới khuya, chân lần đất bước về nhà.

 Đun nước chuẩn bị mổ lợn ăn Tết (Ảnh: Mai Anh)

Tết bắt đầu vào ngày Rồng, không kể đầu tháng hay cuối tháng nhưng nhất định đó phải là ngày Rồng, tùy từng bản có thể tổ chức Tết sớm hay muộn.
Âm thanh Tết ở bản
Sáng sớm, sương mù chưa kịp tan khỏi những tán cây bà con đã lục đục dậy chuẩn bị cho ngày Tết đầu tiên. Ở sân nhà ông Pờ Dần Sinh (Bí thư xã Sín Thầu), một toán thanh niên đang hò dô quây chặt, rọ mõm chú lợn gần hai tạ nuôi đã hai năm nay. Phải sáu bảy người hợp sức mới gô cổ được nó, đưa lên phản gỗ lớn “làm lý” trước khi… hành quyết.
Những bước chân rậm rịch quanh sân chừng như háo hức trong niềm vui Tết với chú lợn núc ních. Trẻ con cũng náo nức lắm, hò nhau dậy sớm chạy ra sân, banh mắt xem người lớn chuẩn bị thịt con vật to béo, đen sì sì nằm phơi bụng thở phì phò trên phản kia.
Tiếng lợn eng éc cùng rộ lên ở nhiều nhà khác trong bản… Đó là công việc quan trọng nhất trong ngày Tết đầu tiên của người Hà Nhì.
Tiếng dao thớt băm chặt không ngớt vang từ những chái bếp đã đỏ lửa hồi lâu. Lũ chim chí chách không ngớt trong những lùm cây. Dòng Mo Phí uốn lượn bao quanh bản Tả Kố Khừ mùa này nước trong vắt, róc rách luồn qua những tảng đá to như con trâu rừng.
Ngày thứ hai, khi sương sớm còn đu mình trên những sợi tơ giăng giăng bên bờ suối, trông xa như những con cá vảy bạc mắc lưới trên dòng Pang Pơi mà chúng tôi được thấy vào hôm trước khi theo bà con đi đánh cá thì tiếng giã bánh dày đã thậm thịch đánh thức bình minh cả bản.
Tết cổ truyền của người Hà Nhì chẳng thể thiếu bánh dày. Bánh làm từ cơm nếp trộn với vừng rang thơm nức, giã nhuyễn thủ công bằng cối đá chôn ở góc nhà. Hớn hở nhất là tụi trẻ con. Chúng cứ líu tíu quanh mẹt bánh hôi hổi, thơm phức đang mỗi lúc một đầy thêm, thi thoảng nhón tay véo một góc bỏ tọt vào miệng nhai nhóp nhép.
Tiếng canh cách “tố xà” (cạn chén) nhà trên của cánh đàn ông, khách khứa và tiếng xào nấu nhà dưới của cánh phụ nữ cứ đều đặn lặp hết Tết mới thôi. Người dưới xuôi lên Tả Kố Khừ những ngày này có rượu chảy tràn như dòng Mo Phí tiếp đãi nồng hậu.
Về nhà bà Sừng Kim Thu, một số người lớn vẫn còn dọn dẹp, có cô cháu gái đang ngồi đun nước trong bếp. Ánh lửa bập bùng lấp loáng gương mặt thiếu nữ miền sơn cước, tôi thoáng liên tưởng đến Mỵ trong tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” của nhà văn Tô Hoài. Mỵ trong ngày Tết phải ở nhà làm việc, cặm cụi nơi xó bếp, không được xúng xính áo quần đi chơi xuân theo những điệu kèn môi mời gọi.
Và cách "ăn" Tết của người Hà Nhì
Tết cổ truyền, người Hà Nhì thường treo “pín” lợn (nếu là lợn đực) trước nhà, báo hiệu đã mổ lợn ăn Tết. Trước đó, nước pha rượu, gạo trộn với muối sẽ được mang ra rắc vào tai, mõm… nó. Người ta gọi đó là “làm lý”.
Ông Pờ Sí Tài - người mà mươi chục năm trước đã có công tìm ra mảnh đất màu mỡ và thuyết phục bà con di cư từ trên Tả Ló San về đây định cư, giải thích: "Làm thế để lứa lợn năm sau sẽ ăn nhiều, ăn tốt hơn năm trước".
Thủ lợn trước khi được cắt lìa khỏi cổ, người mổ dập trở lại. Tương ứng, cứ lợn một tạ thì dập hai lần, lợn hai tạ thì bốn lần để cầu mong lứa lợn năm sau sẽ to gấp hai, ba năm cũ. Gan là bộ phận rất được coi trọng, bởi người đàn ông nhiều kinh nghiệm trong gia đình nhìn vào đó có thể biết được vận hạn của cả nhà trong năm tới.
Ban thờ của người Hà Nhì đặt ở đầu giường nhà trai trưởng. Một dòng họ chỉ có một ban thờ đó, ngoài ra các anh em không đặt ban thờ riêng tại gia.
Dịp lễ tết, họ hàng tập trung ở nhà trai trưởng làm lễ cúng bái, nhưng không có hương khói nghi ngút. Ban thờ không thể thiếu thịt lợn, bánh cha lê (bánh trôi), ngoài ra cũng không thể thiếu rượu, gạo và lá chè tươi.
Ăn trọn vẹn cái Tết mới thấy hết tài chế biến của người phụ nữ Hà Nhì. Họ có thể làm thuần thục vài chục món ăn chỉ từ nguyên liệu là thịt lợn, mà mỗi món có hương vị và cách kết hợp chế biến khác nhau.
Thậm chí “A ga xà be” - tên một loại nước chấm, chỉ có vào ngày Tết cũng được làm từ thịt lợn trộn với vài loại thảo quả cay cay, nồng nồng ăn lạ và hấp dẫn. Ba ngày tết, ngày nào gia chủ cũng bày biện cỗ ba bữa với thực đơn giống nhau, quan trọng nhất là phải đủ thịt lợn nghi ngút khói và rượu cả can đặt cạnh bàn ăn…
Người Hà Nhì ăn Tết theo lịch Mặt trăng - Âm lịch, nên những chiếc bánh dày làm ra là tượng trưng cho Mặt trăng. Pờ Hùng Sang, chàng trai bản có thân hình rắn rỏi cho biết: bánh dày làm trong dịp Tết để mong có một năm đủ đầy, tròn vẹn.
Tối ngày Tết đầu tiên, nhập mâm là phải uống đủ ba chén rượu, cứ mỗi chén là một cái nắm tay thật chặt, người nào không uống được thì phải chịu hình phạt bằng cách ăn một xâu thịt mỡ.
Gian bếp tưng bừng tiếng hò dô “tố xà” cùng lời chúc luôn luôn “chú mừ chú xá, à kha pi pô” – chúc mừng năm mới, chúc mừng sức khỏe.
Ăn trọn vẹn một cái Tết với người Hà Nhì, ấn tượng những món thịt được chế biến vô cùng độc đáo, nhất là cơm Hà Nhì. Gạo tẻ nương chỉ xát một lần nên vẫn giữ được những vệt đỏ. Trần gạo qua nước sôi cho nở ra trước khi đưa vào thố hấp vì thế cơm ăn dẻo, ngọt và thơm. Và phải là người phụ nữ giỏi bếp núc mới nấu được thố cơm ngon thết khách ăn một lần nhớ mãi.
 Mai Anh (TTXVN/Vietnam+)
                                             Theo Quehuongonline

  Các Tin khác
  + Chân dung 2 giáo sư Việt được bầu là viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Thế giới (06/12/2024)
  + Gia đình danh giá bậc nhất Việt Nam: Con cháu thừa hưởng "mã gen tài năng" (02/12/2024)
  + 7 điều tuyệt diệu khiến bạn luôn tự hào khi nhắc đến hai tiếng Việt Nam (11/08/2024)
  + Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/07/2024)
  + Ai là người đặt tên đất nước ta là Việt Nam: Ý nghĩa là gì? (30/06/2024)
  + Hình ảnh thiêng liêng lễ diễu binh ở Thị trấn Trường Sa (08/06/2024)
  + Trường Sa luôn đặc biệt từ những điều nhỏ nhất (26/05/2024)
  + Thế trận Đường Trường Sơn góp phần làm nên thắng lợi Chiến dịch mùa Xuân 1975 (18/05/2024)
  + 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ Lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/05/2024)
  + Khám phá 22 hang động kỳ vĩ mới được phát hiện tại Quảng Bình (19/04/2024)
  + 18 đời vua Hùng gồm những ai? Tên gọi chính xác của các vị vua là gì? (17/04/2024)
  + Ảnh ấn tượng về các lực lượng tham gia diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (05/04/2024)
  + 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ Đại tướng Phan Văn Giang: Vũ khí cá nhân mới của quân đội tốt hơn AK47 (05/04/2024)
  + Chiêm ngưỡng sắc đỏ của cây hoa gạo trăm tuổi "đẹp nhất" Ninh Bình (03/04/2024)
  + Hoa gạo rực đỏ bên ngôi chùa cổ kính nghìn năm tuổi ở Hà Nội (23/03/2024)
  + Những bông hoa y tế vùng cao và chuyện băng rừng trong đêm đi đỡ đẻ (06/03/2024)
  + Kỷ niệm 80 ngày thành lập QĐNDVN: Sẽ tổ chức Triển lãm Quốc phòng quốc tế và mít tinh cấp Nhà nước (26/01/2024)
  + MŨI NÉ VÀO TOP ĐIỂM BAY KHINH KHÍ CẦU ĐẸP NHẤT THẾ GIỚI (02/04/2023)
  + Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: (12/03/2023)
  + Hàng nghìn người khai hội gò Đống Đa xuân Quý Mão (26/01/2023)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 2
Total: 66547817

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July