Trang chủ Liên hệ       Thứ tư, Ngày 15/01/2025
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
  -  Con Người Việt Nam
  -  Đất Nước Việt Nam
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Việt Nam Đất Nước Con Người >
  Đưa nàng Mỵ Châu về lại Cổ Loa Thành Đưa nàng Mỵ Châu về lại Cổ Loa Thành , Người xứ Nghệ Kiev
 

 


Lần đầu tiên bước chân về Cổ Loa, một miền đất với cái tên có mấy ngàn năm tuổi trong sách sử, tôi không khỏi hồi hộp. Không biết Cổ Loa ngày nay ra sao?
Cổ Loa đang vào Xuân. Sương mai còn ướt mặt đường, nền trời chưa sáng hẳn, còn trĩu màu xám xanh của hơi nước. Bóng Xuân về trong vài làn nắng nhẹ hơi lành lạnh, phải mặc áo len, quấn khăn choàng cổ, đúng y như tiết Xuân ngày Tết trong sách sử xa xưa. Mầu Xuân e ấp trên những cành đào miền Bắc hồng thắm đang hé nở. Các phong linh, đèn lồng đỏ, bao lì xì đỏ rực, vàng tươi ở nhiều nơi nhắc mọi người Tết sắp đến rồi.

Di tích Thành Cổ Loa 

Đứng trên đất Cổ Loa, tôi không thể ngờ rằng, đến nơi đây là tôi đang lùi về trong tâm trí vào năm 255 trước Tây lịch, một thời kỳ dựng nước có liên quan đến hình tượng ba người phụ nữ đầu tiên trong lịch sử Việt Nam: bà Âu Cơ, Mỵ Nương và Mỵ Châu.
Thời đại vua Hùng để lại sự tích nổi tiếng, Sơn Tinh và Thủy Tinh tranh cưới Mỵ Nương, nhan sắc tuyệt trần, con vua Hùng Vương thứ mười tám - người phụ nữ Việt Nam thứ hai trong sử sách. Thủy Tinh đem lễ vật đến sau, không cưới được Mỵ Nương, nổi giận dâng nước gây lụt lội hàng năm. Tương truyền dòng Hồng Bàng làm vua được mười tám đời thì bị mất nước về tay Thục Phán vào năm 257 trước Tây lịch.
Thục Phán xưng là An Dương Vương, đổi quốc hiệu là Âu Lạc, đóng đô ở Phong Khê (huyện Đông Anh, thuộc Hà Nội hiện nay). Hai năm sau, 255 trước Tây Lịch, An Dương Vương cho xây thành cao, xoáy theo hình trôn ốc đặt tên là Loa Thành ở làng Cổ Loa.
Năm 208 trước Tây lịch, Triệu Đà đem quân đánh Thục An Dương Vương, chiếm đất, đổi tên nước thành Nam Việt, kết thúc thời kỳ trị vì khoảng 50 năm của An Dương Vương.
Trong thời đại này, xuất hiện một gương mặt phụ nữ Việt Nam thứ ba trong sách sử: công chúa Mỵ Châu và một chuyện tình duyên bi thương.
Tục truyền, khi An Dương Vương xây Loa Thành, có yêu quái quấy nhiễu. An Dương Vương lập đàn cầu khấn, thần Kim Quy hiện lên giúp vua trừ yêu quái và xây được thành. Thần Kim Quy cho An Dương Vương một cái móng chân, để làm cái lẫy nỏ. Lúc nào có giặc thì đem nỏ thần ra bắn, một phát nỏ thần giết cả hàng vạn quân địch.
Triệu Đà đánh không được An Dương Vương, nên dùng kế, giả vờ giảng hòa, cho con là Trọng Thủy sang lấy Mỵ Châu để làm nội ứng. Mỵ Châu tin chồng, đem nỏ thần cho xem. Trọng Thủy tráo nỏ thần, lắp lẫy giả vào. Trước khi trở về báo tin cho Triệu Đà, Trọng Thủy bèn hỏi, nếu có giặc giã thì làm sao tìm lại được nhau. Mỵ Châu nói, sẽ mặc áo lông ngỗng, chồng cứ theo dấu lông ngỗng mà tìm vợ.
Tất nhiên, Triệu Đà thắng kế, cất quân sang đánh nước Âu Lạc. An Dương Vương đem nỏ ra bắn, thì không thấy hiệu nghiệm nữa, bèn đem Mỵ Châu lên ngựa chạy thoát về hướng Nam. Đến núi Mộ Dạ (huyện Đông Thành, tỉnh Nghệ An) gần biển, vua thấy giặc đuổi theo bén gót chân, mới khấn Kim Quy lên cứu, Kim Quy hiện lên nói rằng: "Giặc ngồi sau lưng nhà vua đó!". An Dương Vương giận quá, rút gươm ra chém đầu Mỵ Châu, rồi nhảy xuống biển tự tận.
Trọng Thủy theo dấu lông ngỗng của vợ rải dọc đường, đem binh đuổi đến núi Mộ Dạ, thấy xác vợ, đem về an táng, rồi nhảy xuống giếng nước trong Loa Thành mà tự tử.
Âu Cơ, Mỵ Nương, Mỵ Châu là ba biểu tượng đầu tiên cho những đặc tính của người phụ nữ Việt Nam, ngay trong thời đại trước Tây lịch: đảm đang (nhiều con), can đảm (đi khai phá), chung thủy (theo chồng), và có sắc đẹp. Nhưng phải chờ đến sự xuất hiện của chị em Trưng Nữ Vương, Bà Triệu chống giặc xâm lăng thì hình ảnh của người phụ nữ Việt Nam trong thời sơ khai của lịch sử Việt Nam mới toàn hảo.

Nghi lễ dâng hương tại Thành Cổ Loa 

Nền đất cổ của thời dựng nước, đối với tôi, một người từ xa về, có một sức quyến rũ huyền bí mà lại mang hơi hướng hiện đại, một sự mâu thuẫn kỳ lạ nhưng cảm nhận được. Làng Cổ Loa vẫn còn một ít nét làng quê duyên dáng của miền Bắc. Khung cảnh chung quanh còn một ít đồng ruộng, một ít cây xanh, chưa bị thành thị hóa lắm, và người dân ăn mặc bình thường giản dị.
Đường dẫn vào đền phủ một lớp đất đỏ như đất phù sa sông Hồng, dọc hai bên đường có hàng quán bán quà lưu niệm, chỉ là những lán quê dựng bằng tre, gỗ, đơn giản. Cổng đền khá đẹp, xem thì có nét cổ nhưng cũng thấy là đã được gìn giữ tu sửa, không đổ nát, không hoang phế, chỉ tiếc là các phần tu sửa chỉ toàn bằng xi măng xám trám nhẵn, không phải dùng gạch cổ, đá cổ để tu sửa lại (giống như cách tu sửa cửa Ô Quan Chưởng trong phố cổ Hà Nội) làm giảm hẳn đi giá trị lịch sử của ngôi đền. Trước đền có giếng Ngọc, tương truyền là nơi Trọng Thủy tự vẫn chết theo Mỵ Châu.
Qua khỏi cổng đền thứ nhất đến cổng thứ hai. Sân đền lát đá rất sạch sẽ, có hai hàng cây kiểng cắt tỉa gọn gàng đứng chào khách. Ngôi đền chính có góc mái ngói đỏ cong vút, thanh thoát. Trên thềm trước đền, dưới mái hiên, bên trái là chậu hoa đào đầy hoa nở không lá, bên phải là chậu quít trĩu quả. Vừa bước vào trong đền đã thấy bàn thờ thần Kim Quy phủ rèm đỏ sáng trong ánh đèn cũng đỏ. Bên trong đền là bàn thờ vua An Dương Vương, có tượng vua tạc bằng đồng hai tay cầm thẻ ngà. Hai bên có bàn thờ Phụ Mẫu và bàn thờ Hoàng hậu. Trong đền có cả bàn thờ các quan Tứ Trụ, bàn thờ Bá quan văn võ. Các bàn thờ đều phủ rèm đỏ. Chung quanh khu vực bàn thờ là trống trận, chiêng đồng, bộ gươm giáo, lọng vàng, cờ vua, tượng ngựa chiến của vua... Toàn quần thể đền vua An Dương Vương toát ra một vẻ trang nghiêm, giản dị, nho nhỏ, không hoành tráng như đền Hai Bà Trưng ở Mê Linh, nhưng chắc được nhiều người chăm sóc, thăm viếng, thân thiện.
Trái tim tôi đập mạnh hơn khi tôi tiến về miếu công chúa Mỵ Châu, gọi là Am Mỵ Châu, nằm riêng rẽ ở phía sau đền vua. Ngôi miếu nhỏ hơn đền vua, nhưng cũng rất được chăm sóc, tu bổ, sạch sẽ, vừa có chút gì thân thiện, vừa có chút gì huyền bí linh thiêng. Mùi hương xông lên thơm ngào ngạt. Giữa ngôi miếu là bàn thờ công chúa Mỵ Châu, không có rèm che trướng phủ như trong đền vua. Nhưng gian bên trong, đặt ngay giữa gian dưới ánh đèn đỏ là bức tượng công chúa không đầu, khá to, phủ áo lụa đỏ, cái mũ công chúa treo lơ lửng trên không, nói lên cái bi hùng ai oán của sự tích, vừa là bi kịch gia đình, vừa là bi kịch mất nước, khiến ai trông thấy cũng có niềm thương cảm, xót xa.
Đền Cổ Loa (còn gọi là Đền Thượng), Am Mỵ Châu nằm trong trung tâm quần thể thành Cổ Loa, không xa Hà Nội bao nhiêu, chỉ cách Hà Nội hơn 10 cây số về hướng Bắc, là kinh đô thứ hai của nước Việt, sau kinh đô Văn Lang của các vua Hùng. Từ Nam ra Bắc, từ thành phố Hồ Chí Minh qua Huế ra Hà Nội, mỗi nơi đều có một sắc thái khác biệt quan trọng. Thành phố trong Nam ngùn ngụt sức sống vội, sống nhanh, giầu có dưới nắng ấm; Huế vẫn trầm tĩnh, kín đáo, xa cách, thời gian như còn đứng lại ở kinh đô Phú Xuân ngày xưa những ngày mưa; Hà Nội mát lạnh, duyên dáng với Hồ Hoàn Kiếm, khu phố cổ, đường đê sông Hồng, cầu Long Biên, cột cờ… bàng bạc trong không gian một chút lưu luyến không khí lịch sử cũ. Bởi thế, nếu chỉ phải đi có một đoạn đường hơn 10 cây số từ Hà Nội để tìm về mấy ngàn năm lịch sử thì đó là một việc rất nên làm.
Tôi chỉ mong ước rằng, làm sao ý thức và gìn giữ được Khu Di tích Cổ Loa cho xứng đáng với tầm vóc lịch sử của nó, trong một khung cảnh thiên nhiên xinh tươi, yên bình (không có đường xe chạy rầm rập cắt ngang qua, cũng không có nhà cao, nhà đẹp hiện đại mọc vây bọc sát chung quanh, không có chợ họp nhốn nháo). Được như thế thì con cháu các đời sau mới có thể hiểu lịch sử Việt Nam mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước không phải là tiểu thuyết hoang đường.
Mathilde Tuyet Tran (Pháp)

                                                                   Theo Quehuongonline


  Các Tin khác
  + Chân dung 2 giáo sư Việt được bầu là viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Thế giới (06/12/2024)
  + Gia đình danh giá bậc nhất Việt Nam: Con cháu thừa hưởng "mã gen tài năng" (02/12/2024)
  + 7 điều tuyệt diệu khiến bạn luôn tự hào khi nhắc đến hai tiếng Việt Nam (11/08/2024)
  + Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/07/2024)
  + Ai là người đặt tên đất nước ta là Việt Nam: Ý nghĩa là gì? (30/06/2024)
  + Hình ảnh thiêng liêng lễ diễu binh ở Thị trấn Trường Sa (08/06/2024)
  + Trường Sa luôn đặc biệt từ những điều nhỏ nhất (26/05/2024)
  + Thế trận Đường Trường Sơn góp phần làm nên thắng lợi Chiến dịch mùa Xuân 1975 (18/05/2024)
  + 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ Lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/05/2024)
  + Khám phá 22 hang động kỳ vĩ mới được phát hiện tại Quảng Bình (19/04/2024)
  + 18 đời vua Hùng gồm những ai? Tên gọi chính xác của các vị vua là gì? (17/04/2024)
  + Ảnh ấn tượng về các lực lượng tham gia diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (05/04/2024)
  + 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ Đại tướng Phan Văn Giang: Vũ khí cá nhân mới của quân đội tốt hơn AK47 (05/04/2024)
  + Chiêm ngưỡng sắc đỏ của cây hoa gạo trăm tuổi "đẹp nhất" Ninh Bình (03/04/2024)
  + Hoa gạo rực đỏ bên ngôi chùa cổ kính nghìn năm tuổi ở Hà Nội (23/03/2024)
  + Những bông hoa y tế vùng cao và chuyện băng rừng trong đêm đi đỡ đẻ (06/03/2024)
  + Kỷ niệm 80 ngày thành lập QĐNDVN: Sẽ tổ chức Triển lãm Quốc phòng quốc tế và mít tinh cấp Nhà nước (26/01/2024)
  + MŨI NÉ VÀO TOP ĐIỂM BAY KHINH KHÍ CẦU ĐẸP NHẤT THẾ GIỚI (02/04/2023)
  + Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: (12/03/2023)
  + Hàng nghìn người khai hội gò Đống Đa xuân Quý Mão (26/01/2023)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 1
Total: 66413347

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July