Thành phẩm đường phên với lá vông khô
|
Đến với xóm Bó Tờ, thị trấn Hòa Thuận, huyện Phục Hòa trong một sáng thu trong trẻo, chúng tôi được người dân địa phương đón tiếp nồng nhiệt. Xóm Bó Tờ được biết đến là cái nôi của làng nghề truyền thống mía đường, làng nghề có từ những năm 50 của thế kỷ trước. Hàng năm vào thời điểm tháng 11 bà con nhân dân ở đây sau mỗi vụ mùa thu hoạch lại tiến hành làm những mẻ đường phên ngọt lành mang tinh túy của những cây mía tươi tốt. Sản phẩm được bán tại chợ phiên và các huyện lân cận.
Theo cô Hà Thị Sau – một người dân xóm Bó Tờ, công đoạn làm đường phên không quá phức tạp. Đầu tiên, sẽ chọn những cây mía tươi, róc sạch, cho vào máy ép lấy nước. Sau đó, đổ nước mía vào chảo gang đã bắc sẵn ở trên lò đun lửa đến khi sôi tiến hành vớt hết bọt mía (bọt mía cho vào thùng chứa để nấu thành rượu mía đặc sản). Khi chảo mật đã hao hết nước tiến hành nếm mật. nếu đã chín thì mật sẽ đông cứng lại, lúc này ngừng đun lửa. Tiếp đến đổ chảo mật vào khuôn, dùng xẻng đảo nhẹ, liên tục đến khi đường đặc quánh lại, đường nguội hẳn dùng dao cắt thành miếng.
Cô Sau cho biết “Từ 5-6 tạ mía, ép ra làm được khoảng 70kg đường phên. Đây là loại đường đặc biệt, có vị thanh, nhẹ, đậm hương thơm mát của mía, nấu chè, ăn cùng bánh gio rất ngon”.
Thành phẩm đường phên sẽ được bọc gói trong lá vông khô, sau đó cuốn nilong bọc ngoài, để nơi thoáng mát có thể bảo quản được một năm. Với giá thành khoảng 30.000 đồng/cân, đường phên đã trở thành món quà không thể thiếu khi du khách đến với Phục Hòa.
Thử một miếng đường ngọt ngào, uống thêm một chút rượu mía, ăn thêm một chút bánh gio, quý khách khi đến nơi đây sẽ cảm nhận được vị ngọt ngào, thanh mát, thơm ngon vương vấn lòng người như chính tình cảm chân thành, ấm áp của người dân xóm Bó Tờ.
Theo dulichvn.org.vn
Nguồn quehuongonline.vn
http://quehuongonline.vn/ban-sac-van-hoa/ngot-thom-huong-vi-duong-phen-bo-to-20190720070244050.htm